Inernet đã giúp giới bảo vệ môi trường Trung Quốc huy động công luận gây sức ép buộc chính quyền, trong vòng hơn một tháng phải đóng cửa hai nhà máy gây ô nhiễm.
Lần thứ hai kể từ khoảng hơn 1 tháng, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải phản ứng cấp kỳ, ra lệnh đóng cửa một nhà máy sau các cuộc biểu tình phản đối của người dân địa phương. Chính nhờ Internet, hay nói đúng hơn là các mạng xã hội, mà các nhà bảo vệ môi trường đã huy động được dân chúng, gây áp lực lên chính quyền, nhờ vậy mà đã giành thắng lợi trong một số vụ.
Vào tuần trước, hơn 500 người dân sống gần một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời tại Hải Ninh, miền đông Trung Quốc, phẫn nộ vì nạn ô nhiễm, đã biểu tình suốt ba ngày và đã xông vào đập phá cơ xưởng, khiến chính quyền buộc phải đóng cửa nhà máy này, thuộc công ty Jinko Solar, một công ty có niêm yết giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán New York.
Các kết quả phân tích cho thấy là nhà máy nói trên thải ra một khối lượng rất lớn chất fluorure, một chất rất độc hại ở hàm lượng cao. Người dân địa phương đã đòi phải giải thích lý do vì sao ở con sông kế bên có nhiều cá bị chết như thế.
Việc đóng cửa tạm thời nhà máy của Jinko Solar diễn ra ngay sau việc đóng cửa một nhà máy hóa dầu ở Đại Liên, miền đông bắc Trung Quốc, nơi mà vào giữa tháng 8 vừa qua, 12 ngàn người cũng đã biểu tình phản đối tình trạng ô nhiễm do nhà máy này gây ra.
Theo nhận định của hãng tin AFP, trong hai vụ nói trên, phản ứng của chính quyền rất là nhanh chóng, trong bối cảnh mà phong trào chống nạn ô nhiễm, ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc, đang phát triểm mạnh, gây lo ngại cho chính quyền Bắc Kinh.
AFP trích lời ông Phelim Kine, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, cho biết: “ Người dân Trung Quốc, đặc biệt là thành phần trung lưu, ngày càng ý thức về tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của họ. Họ không còn sẵn sàng chấp nhận một cách thụ động tình trạng hiện nay”.
Thật ra phong trào phản đối nạn ô nhiễm không phải là chuyện mới mẻ gì tại Trung Quốc, quốc gia mà tăng trưởng kinh tế quá nhanh trong 30 năm qua đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về không khí, đất đai và nguồn nước.
Nhưng nhờ các mạng xã hội mà những thông tin về các vấn đề môi trường được phổ biến rộng rãi, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối những nhà máy gây ô nhiễm. Việc đóng cửa hai nhà máy ở Hải Ninh và Đại Liên chính là do sức mạnh ngày càng tăng của Internet tại Trung Quốc, nơi mà người dân rất hay truy cập các mạng xã hộì.
Tuy rằng người sử dụng Internet ở Trung Quốc ( được thẩm định là gần 500 triệu ) bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng với sự bùng nổ về số lượng các trang blog, các nhà kiểm duyệt không thể ngăn chận hết những luồng thông tin.
Chính một blogger sống gần khu vực xảy ra tai nạn xe lửa cao tốc ở Ôn Châu tháng bảy vừa qua dường như là người đầu tiên tiết lộ tai nạn này. Trong những giờ và những ngày sau đó, các trang blog tràn ngập những phản hồi về tai nạn đã khiến gần 40 người chết và 200 người bị thương.
Cũng chính các blogger dường như là những người làm dấy lên các cuộc biểu tình đòi đóng cửa nhà máy hóa dầu ở Đại Liên. Còn tại Hải Ninh, khi các cuộc biểu tình nổ ra vào thứ năm tuần qua, thông tin đã lan truyền nhanh chóng trên mạng. Đến Chủ nhật, Tân Hoa Xã buộc phải đưa tin về vụ này và thứ hai, chính quyền loan báo đóng cửa nhà máy đó. Nhưng một người đã bị bắt vì tội “phao tin đồn thất thiệt ” trên mạng, một hành động cho thấy chính quyền ngày càng quan ngại về tác động của Internet đối với phong trào chống ô nhiễm môi trường ở nước này.
0 comments:
Post a Comment