Tuesday, September 20, 2011

Giáo sư, nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Thư Ngỏ của 36 trí thức gửi lãnh đạo Việt Nam

Trên trang blog AnhBaSàm ở trong nước ngày 12 tháng Chín, đề mục số 348, phản hồi số 13, một độc giả ở San Jose là Lê Hoàng, sau khi tán thành nội dung của “Thư Ngỏ”, đã có một lời nhắn nhủ rất đặc biệt đối với những người ký tên trên thư: “Nếu những nhà trí thức hải ngoại có bị những người cầm quyền Việt Nam và những người không hiểu họ chà đạp bức Thư Ngỏ này, thì những người ký tên chỉ nên mỉm cười và nói: ‘Thế à.’ như một thiền sư Nhật Bản.” Nhưng ngay sau đó, độc giả Lê Hoàng nêu lên với tôi một sự việc cần phải làm cho rõ, đó là: “nhà văn Doãn Quốc Sỹ có ký tên vào Thư Ngỏ này hay không.”

Trong câu trả lời ông Lê Hoàng qua trang blog ABS, tôi viết: “Tôi vẫn biết rằng có nhiều áp lực của một số người với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và gia đình để yêu cầu ông rút tên hay đính chính, trong lúc gia đình ông Sỹ đang đau đớn, bối rối về sự ra đi của bà Doãn Quốc Sỹ. Tôi thấy cần phải chia sẻ và kính trọng nỗi đau của gia đình một người bạn thân từ 60 năm nay, nên quyết định giữ im lặng cho đến sau ngày tang lễ cho người quá cố. Sự thật và lẽ phải luôn luôn còn đó. Tôi nghĩ rằng ông Lê Hoàng sẽ đồng ý với tôi là cần kính trọng nỗi đau đớn của tang gia trong lúc này, và chờ thêm một vài ngày nữa.”

Giáo sư, nhà văn Doãn Quốc Sỹ


Thật ra, trong một lần điện thoại với gia đình giáo sư/nhà văn Doãn Quốc Sỹ khi bà Sỹ chưa mất, tôi đã được biết là có một số người quen đã hối thúc ông Sỹ rút tên ra khỏi Thư Ngỏ, với lý do là ông đang bị lôi cuốn vào những hoạt động chính trị phe nhóm trong cộng đồng, nhất là tên của ông lại được đưa lên đầu danh sách. Để tránh cho ông khỏi bị phiền nhiễu trong lúc đang yếu và buồn, các con ông đã không để cho ông trả lời điện thoại và nói với những người gọi đến rằng “đây là chuyện giữa hai người bạn thân là bố Sỹ và bác Khoa. Bố Sỹ đang cần được yên tĩnh, vậy xin cứ hỏi bác Khoa.” Quả thật, gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ có bị dao động và có sự thắc mắc chính đáng là tên tuổi ông có thể bị dùng vào mục đích chính tri hay không. Sau khi được tôi trấn an, một người con ông Sỹ vẫn hỏi tôi xem có thể đưa tên ông Sỹ xuống dưới trong danh sách hay không.

Tôi không thấy ai liên lạc với tôi để hỏi han về chuyện này mà chỉ thấy tiếp tục phổ biến những bài chỉ trích tôi bằng những lời lẽ nặng nề về những chuyện hoàn toàn vu khống. Ngay cả Giáo sư Vũ Quốc Thúc, 92 tuổi, một bậc thày đáng kính của nhiều thế hệ, cũng đang bị phỉ báng vì ông cũng được yêu cầu rút tên nhưng ông kiên quyết bảo vệ quan điểm của Thư Ngỏ. Luật sư Đoàn Thanh Liêm, một cựu tù cải tạo, cũng bị một cựu học sinh Hội Cựu học sinh Chu Văn An yêu cầu ông rút tên khỏi Thư Ngỏ, nếu không thì phải rút lui khòi Hội đồng Quản trị của Hội CVA, mặc dù ông ký tên với danh nghĩa cá nhân chứ không dưới danh nghĩa Hội.

Sau ngày tang lễ cho bà Doãn Quốc Sỹ, tôi viết cho trưởng nam của ông bà là Doãn Quốc Thái để cùng ôn lại sự việc, và báo cho Thái hay là tôi cần phải nói lên sự thật vì trách nhiệm của tôi đối với những người cùng ký tên trên Thư Ngỏ và với tất cả những người vẫn tin cậy ở lề lối làm việc nghiêm chỉnh của tôi. Trong email trả lời, Thái nhắc lại sự mong muốn mọi người để cho gia đình được yên tĩnh và xác nhận với tôi một lần nữa là “cháu đã xác định với họ là bác rất thân với bố cháu nên mọi việc thắc mắc xin hỏi bác thay vì gọi phone cho bố cháu.”

Tôi đã bỏ ra thêm vài ngày tĩnh tâm để có thể trình bày sự việc một cách bình thản, không do xúc cảm. Việc nhà văn Doãn Quốc Sỹ ký tên trên Thư Ngỏ là một chuyện rất bình thường, giản dị, không khác gì trường hợp của 35 người khác cùng ký tên. Sự việc được diễn ra như sau:

1. Ngày 17 tháng Tám, tôi gửi thư mời nhà văn Doãn Quốc Sỹ ký tên trên Thư Ngỏ. Thư mời này được gửi qua địa chỉ email của Doãn Quốc Thái như thường lệ, vì ông Sỹ không có địa chỉ email riêng.
2. Cũng trong ngày 17, Thái trả lời tôi: ”Thưa bác, Cháu đã đưa bố cháu xem, bố cháu nhận lời ký tên trong danh sách.”
3. Khuya hôm đó, tôi hồi âm cám ơn ông Sỹ và Thái, nhân thể nói về việc Thư Ngỏ cần được gửi đi trong vài ngày tới. Sáng sớm hôm sau, Thái trả lời, đồng ý rằng “Chuyện này cần phải làm gấp.”

Vấn đề chỉ trở thành phức tạp khi có người ngoài, vì ngộ nhận hay vì ác ý, đã tiếp xúc với ông Sỹ và gia đình để diễn giải việc ông Sỹ ký tên trên Thư Ngỏ như sự tham gia vô tình vào một mưu đồ chính trị nhằm công nhận chính quyền cộng sản Việt Nam. Cũng theo cách diễn giải này, tôi và nhóm soạn Thư Ngỏ đã lợi dụng tên tuổi nhà văn Doãn Quốc Sỹ ông khi đưa tên ông đứng đầu danh sách như một nhà lãnh đạo.

Trước hết, việc đưa tên ông Sỹ lên đầu danh sách hoàn toàn là tình cờ do phương pháp thông thường là xếp thứ tự tên theo vần mẫu tự của tên họ (family name). Nhà văn họ Doãn, vần D, đứng đàu danh sách vì không có người nào cùng ký tên có họ vần C, B hay A. Cũng theo thứ tự ấy, giáo sư Vũ Quốc Thúc họ Vũ, vần V, phải được xếp ở cuối danh sách. Cách xếp tên theo vần mẫu tự thể hiện tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa những cá nhân độc lập, khác với cách xếp thứ tự tên theo chức vụ trong một tổ chức.

Việc giải thích những người soạn Thư Ngỏ có mưu đồ chính trị và ông Sỹ đã bị lợi dụng khiến cho ông có thể bị mất hết thanh danh là một giải thích hoàn toàn sai lầm và có dụng ý xấu. Thư mời là một lá thư mẫu (form letter) được viết chung cho mọi người, chỉ đổi tên cá nhân người nhận trên đầu thư. Như vậy không có một sự mời mọc đặc biệt hay vận động riêng tư với bất cứ ai. Thành phần ký Thư Ngỏ điển hình cho những lớp tuổi, giới tính, nghề nghiệp, khuynh hướng tử một số quốc gia khác nhau, chỉ có chung một mục đích, như đã được nói rõ trong Thư Ngỏ, là ủng hộ tiếng nói dũng cảm của trí thức trong nước về vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước trước hiểm họa Trung Quốc cũng như về nhu cầu thay đổi hệ thống chính trị và tôn trọng các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Tất cả 36 người ký tên đều nhân danh cá nhân, không ai đại diện cho một tổ chức hay đoàn thể chính trị nào. Tất cả 36 người đều đã có sự nghiệp thành công, không có nhu cầu tìm kiếm chức vụ hay làm giàu, nhất là phần đông đều đã quá tuổi “cổ lai hy”.

Tôi xin chấm dứt bài minh xác này bằng một điều mong ước là mọi sự chống đối tôi và những người ký tên trên Thư Ngỏ sẽ chấm dứt. Tôi sẽ hiểu những lời chỉ trích đã qua đều do ngộ nhận. Quan trọng hơn hết trong lúc này là tôn trọng sự yên tĩnh của gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Ngày 18 tháng Chín, 2011

© Lê Xuân Khoa

----------

Duc H. Vu :

Ông Khoa, dù sao thì cái lá thư ngỏ của "36 trí thức hải ngoại" đã xong (gửi đi), những người ký tên thì cũng đã ký rồi, vì đó là quyền tự do lựa chọn của các ông, còn việc phê bình của người khác cũng thuộc phạm vi quyền tự do của người khác, dù tiếng bấc tiếng chì, ông hay ông Doãn quốc Sỹ cũng như những người khác cùng ký tên có thích hay không thích thì chuyện cũng đã được nhiều người biết đến và phê bình rồi - NHƯNG có 1 chi tiết trong thư trên làm tôi không hiểu

(trích)

"một người con ông Sỹ vẫn hỏi tôi xem có thể đưa tên ông Sỹ xuống dưới trong danh sách hay không."

(ngưng trích)

như vậy hàm ý gì ? Đưa tên lên đầu danh sách là sẽ có nhiều trách nhiệm bị nhiều búa rìu dư luận hơn là nếu để danh tánh DQS đứng cuối danh sách ???

Ngoài ra, theo tôi đánh giá những người "trí thức" ký tên trong lá thư ngỏ một là loại trí ngủ, hai là ngây ngô ngờ nghệch về bản chất của bọn Việt gian CSVN khi gửi lá thư ngỏ cho chúng, nếu như vậy thì không nên tự xưng mình là trí thức, dân khoa bảng thì đỡ hổ danh hơn không nào !

0 comments:

Powered By Blogger