Phạm Đình Cần

Ngày chủ nhật,đối với một người có Đạo, là ngày để nghĩ về Chúa.
Với một người đi làm , là một ngày để nghỉ để lấy lại sức cho tuần lễ làm việc vừa qua, và chuẩn bị tinh thần cho tuần lễ sắp tới.
Với một số người khác, đó là ngày để thực hiện những gì mình mong muốn mà các ngày khác không có cơ hội để làm.
Đối với anh chị em trong Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng qua thông báo và thư mời đã được gời đến ngưới Việt tỵ nạn cộng sản ở Hòa Lan cũng như trên khắp thế giới, thì hai ngày cuối tuần của tuần lễ thứ hai trong tháng 9, ngày thứ bảy 10 và chủ nhật 10 là hai ngày vô cùng quan trọng. Trong suốt đêm thứ bảy và ngày chủ nhật, hai thành viên của Nhóm Vinh Danh Cờ vàng Hòa Lan sẽ mang theo hai Lá Cờ Vàng tham dự cùng với trên dưới 3000 người đi bộ trên khoảng đường dài 80 km qua các thị xã thuộc tỉnh Noord Brabant, Hòa Lan.
Đây là lần thứ 7 mà Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Hòa Lan đã tham dự vào cuộc đi bộ mang danh của vị Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ “ The Kennedymars 80 “.

Đáp lời kêu gọi của Nhóm, tôi đến thành phố Waalwijk vào lúc 15.00 giờ chiều chủ nhật để tiếp đón hai thành viên Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng.

Đem theo Lá Cờ Vàng cầm trên tay, tôi cùng với một người bạn, cũng là thân hữu của Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng tìm đến điểm hẹn tại công viên trước Tòa Thị Xã Waalwijk.

Khi tôi từ bãi đậu xe tiến về phía hàng rào làm vòng an ninh cho người đi bộ dọc theo con đường chính của trung tâm thành phố, thì người tham dự đón tiếp người đi bộ đã đông nghẹt.
Người , ơi là người!
Già có, trẻ có, nam có nữ có... Chật ních hai bên đường.
Tôi ghé vào một hàng bán hoa cạnh đó, chọn một bó hoa. Sau đó tôi theo người bạn cố tìm một chỗ ngồi thuận tiện để có thể nhìn thẳng vào con đường có trải thảm đỏ đề đón người đi bộ về đến đích. Một người Hòa Lan thấy chân tôi đi cà nhắc, đã vui vẻ nhường cho tôi một chỗ ngồi thật là vừa ý. Tôi ngồi đối diện với vách tường đặt thẳng góc với con đường trải thảm đỏ, ngay tầm mắt của tôi, Ban Tổ Chức đã khéo léo treo một tấm màng trắng thật lớn, trên đó, một số hình ảnh dọc theo con đường chính được các máy quay phim ghi nhận và được chiếu trực tiếp lên để cho những người ở xa có thể đón biết người thân của mình về đến đích.
Tôi cắm cán cờ với Lá Cờ Vàng vào trụ rào sắt nằm ngay trước mặt tôi, rồi ngồi chờ hai anh đi bộ về.
Anh bạn kể cho tôi biết, Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng chính thức tham gia cuộc đi bộ “ marathon” 80 km lần đầu vào năm 2006.
Kể từ năm đó đến nay, mỗi năm, Nhóm đều có gởi một số thành viên tham dự.
Năm nay, có hai thành viên đi bộ là anh Nguyễn Xương và anh Lưu Phát Tấn.
Về phía người Hòa Lan, theo tin từ Ban Tổ Chức có gần 3000 người ghi danh. Đủ lớp tuổi và cà nam lẫn nữ. Người đi bộ nào về đến đích cũng được thân nhân, bạn bè, hàng xóm ra đón mừng. Một tràn pháo tay, một cái bắt tay, một nụ cười, một bó hoa,…cũng đủ cho người đi bộ trút hết cơn đau của bắp thịt sau gần 20 giờ đi bộ.
Ngoài bó hoa, tôi đã nghĩ sẵn trong đầu, tý nữa hai anh đi bộ về, tôi sẽ mua hai ly bia lạnh tặng hai anh uống một hơi. Kinh nghiệm của những ngày còn ở chiến trướng đã cho tôi bài học, không cao xa lắm, nhưng rất thiết thực. Tôi còn nhớ, khi còn đóng quân ở Bình Dương, sau hai ba ngày lội rừng tìm địch, người hốc hác cả lên., nhất là những ngày nắng gắt. Khi rút quân về Củ Chi, một anh tiếp liệu đem cho tôi một lon bia lạnh. Uống nó vào, ruột mát lạnh, và thơm ngon không thể tả. Cơn mệt bay đâu mất. Giờ, nghĩ lại trường hợp của hai anh đi bộ, tôi muốn trở thành anh lính tiếp liệu, tặng hai anh Tấn và Xương hai ly bia lạnh.

Cứ mỗi lần trên màng ảnh xuất hiện người đi bộ sắp đến đích là cả hàng ngàn người đứng dậy, chòm người ra khỏi hàng rào an ninh, vẫy tay chào mừng. Không cần biết họ là ai, người thân quen thuộc hay xa lạ. Họ vui mừng, thán phục và cổ động người tham dự.

Đến khoảng chừng hơn 4 giờ chiều, hai cán gỗ mang 4 Lá Cờ gần như díinh liền nhau xuất hiện trên màng ảnh. Đó là hai Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, Một Lá Cờ Vàng kèm theo Lá Cờ Hòa Lan và Lá Cờ Vàng thứ hai kèm theo Lá Cờ Pháp. Cả 4 hiên ngang chiếm trọn bề mặt của tấm màng.

Lại thêm một lần nữa, làn sóng người đổ dồn ra đường, vẫy tay chào, trong lúc BTC vinh danh hai người đi bộ vừa bước lên thảm đỏ.
Còn xúc động nào hơn khi nhìn thấy Lá Cờ Vàng hiên ngang tung bay giữa tiếng tung hô vang dậy cả thành phố, giữa một đám đông, không phải là Người Việt.
Người dân bản xứ không những chỉ đến để cổ võ tinh thần đóng góp vào sinh hoạt chung của người đi bộ, mà lần này, họ đến để tận mặt nhìn hai thành viên Người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hòa Lan. Họ đã được biết rằng Ban Tổ Chức cuộc đi bộ “ The kennedymarch 80 km “ đã chính thức chọn tấm hình của hai anh trong số hàng ngàn tấm hình mà họ đã chụp trong suốt 30 năm tổ chức, làm biểu tượng cho cuộc đi bộ năm nay. Ban Tổ Chức đã đưa hình đi bộ năm 2010 của hai anh vào trang đầu website của tổ chức ( và cũng đã chọn hình của hai anh đưa lên trang bìa của đặc san năm 2011 về cuộc đi bộ. Đặc San này đã được phát hành 1 tuần lễ trước ngày đi bộ.
Một số người Hòa Lan có sẳn tập đặc san trong tay, đem hình bìa ra đối chiếu với hai người thật bằng xương bằng thịt, đang đi ngang qua trước mặt họ. Anh Nguyễn Xương và anh Lưu Phát Tấn.
Khi hai anh Tấn và Xương cùng với hai thân hữu khác cũng cầm hai Lá Cờ Vàng đi tiếp sức ở đoạn cuối, tiến gần đến khán đài, tôi nhờ một người Hòa Lan giúp tôi trèo qua hàng rào an ninh, chạy vào bắt tay chào mừng hai anh.
Anh Tấn trao cho tôi Lá Cờ. Mọi người reo vui. Phóng viên, nhíp ảnh viên của các đài truyền thanh, truyền hình địa phương thay phiên nhau chụp hình quay phim, phỏng vấn,….
Họ thăm hỏi người đi bộ, nhờ giải thích Lá Cờ, ghi cảm tưởng của người đi đón,…
Không thể nào mà diễn tả cho hết nỗi vui mừng và niềm hãnh diện khi thấy người Hòa Lan đã quan tâm và thừa nhận lá Cờ Vàng mà hai anh đi bộ đã tạo dựng được niềm tin nơi họ.
Nhìn người Hòa Lan tươi cười đón nhận Lá Cờ Vàng, tôi chợt nghĩ đến một số người tỵ nạn cộng sản, đã từng được Lá Cờ Vàng che chở bảo bọc,…mà bây giờ còn không dám cầm Lá Cờ Vàng đi biểu tình chống công sản, hay đi tiếp đón Lá Cờ Vàng trong những dịp hiếm có như vầy, thì thật là buồn tủi.
Nhìn hình ảnh hai anh đứng thẳng cầm Cờ Vàng đưa lên cao, ngạo nghễ và sừng sững làm tôi liên tưởng đến các anh em Thủy Quân Lục Chiến khi tái chiếm Cổ Thành Quãng Trị, hạ cờ máu của Việt cộng, dựng lên ngọn Cờ Vàng trên đỉnh cao của Cổ Thành.
Người mang cờ lên cắm trên đỉnh cao sau một trận thư hùng và tiêu diệt địch, phải là một chiến sĩ gan da, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Người lính được gắn huy chương, được vinh danh trước đồng đội…Cũng như ở đây, mang Cờ Vàng để Vinh Danh Cờ Vàng trước công chúng Hòa Lan, nhất là ở vào cái thời điểm mà phần đông người tỵ nạn vì lợi ích riêng tư, bắt đầu e ngại, không phải là chuyện làm của bất cứ người nào. Nhìn Ban Tổ Chức gắn huy chương lên ngực của hai anh, tôi liên tưởng đến những chiến sĩ can trường của tôi trong những ngày chính chiến xa xưa. Đáng phục.

Hai chân của anh Xương nát bấy. Gót chân bị thốn đến tim gan. Anh tháo đôi giày ra, đeo trên cổ, đi bằng đôi dép Nhật, một may mắn khi có cô bạn Hòa Lan cùng đi bộ, đem theo phòng hờ, cho anh làm kỷ niệm
Chính nhờ đôi dép ấy mà anh Xương mới về đến đích, dù có trễ hơn lúc hai anh dự tính.
Sau khi nghỉ chân, ngồi uống ly bia lạnh, các anh kể lại sơ lượt những sự kiện chính đã xảy ra trong đêm qua, trong ngày hôm nay. Một vài người Hòa Lan tò mò đến thăm hỏi. một trong các thành viên của Ban tổ Chức đã đến chùc mừng hai anh. Ông ta cũng đem theo tập Đặc san, có hình bìa của hai anh để …chúc mừng. Ông ta hứa sẽ cung cấp them một vài số Đặc san thể theo lời yêu cầu của anh Tấn.
Anh Xương là một cựu sinh viên sĩ quan khóa 26 trường Võ Bị Đà Lạt.
Trong số hàng chục ngàn người đi đón, tôi chỉ thấy có 4 người Việt, kể cả tôi. Một tỷ lệ thật vô cùng khiêm nhường. Khiêm nhường một cách kỳ quặc!Trong đầu trước khi đi, tôi nghĩ rằng có lẽ cũng có một số đồng bào tỵ nạn cộng sản đi đón Lá Cờ Vàng, hay ít ra cũng có một vài thành viên trong hội Cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa, những người mặc nhiên thừa nhận việc Vinh Danh Cờ Vàng là một nghĩa vụ thiêng liêng. Thế nhưng, nhìn quanh, tôi không thấy một ai cả. Biết đâu cũng có thể anh em có đến, đứng nơi nào đó, không cùng địa điểm, không cùng thời điểm nên không thấy nhau chăng ? Thôi thì cứ tưởng tưởng với thiện cảm như vậy để tự an ủi mình.
Đến 5 giờ chiều, giờ kết thúc của cuộc đi bộ, thành phố bắt đầu thưa người. Chúng tôi cùng rủ nhau về Nieuwegein dùng cơm.
Nhà của một người bạn đã chuẩn bị đầy đủ cho một buổi cơn chiều. Chai champagne của anh Xương từ Pháp đem theo, nổ vang giữa tiếng vui cười của chủ nhà lẫn khách,…để chào mừng một công tác Vinh Danh Cờ Vàng hoàn tất.
Sau bữa cơm, tôi đưa anh Xương về nhà tôi tạm nghỉ, để sáng mai, lại phải một mình một ngựa trên đường dài trên 500 km trở về Paris. Anh xin phép nghỉ việc ngày thứ hai. Ngày thứ ba phải đi làm trở lại. Nghĩ đến anh, càng mến phục anh, tôi càng tự hổ thẹn chính mình. Anh đã hy sinh ngày làm việc, bỏ ra tiền xăng đi về trên 1000 km, chịu đựng sức lực đi bộ suốt đêm suốt ngày, …cũng chỉ vì muốn có cơ hội để Vinh Danh Lá Cờ Vàng trước hàng chục ngàn người bản xứ.. Còn tôi đã làm gì?!?!
Tôi chỉ cón biết an ủi mình. Tôi chân què, thương phế binh, không đủ sức, không đủ can đảm lặng lội đi xa,…thì thôi, tôi cố gắng làm một chuyện thật nhỏ vậy. Vâng, thật nhỏ là bỏ ra một buổi chiều đi đón các anh. Chỉ thế thôi.
Anh Xương nói với tôi, anh chẳng đại diện cho ai ở bên Pháp cả. Ngoài Lá Cờ Vàng mà suốt đời anh gắng bó, anh còn đem theo là cờ Pháp. Ý của anh muốn nghĩ đến công ơn của người Pháp đã cưu mang anh trong những ngày tỵ nạn. Anh Vinh Danh Lá Cờ Vàng là vì đó là lý tưởng của anh, lý tưởng của một người Việt tỵ nạn cộng sản và lý tưởng của một Quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thế đó, mà cũng còn có một vài người, cũng là quân nhận Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, rỉ tai gán cho anh là một Đại Úy Việt Cộng! Thọc gậy mãi, không còn ai tin, bây giờ gặp nhau, các anh ấy không còn dám nhìn mặt tôi. Anh Xương tâm sự thêm. Vợ anh nài nỉ nên về Việt Nam một lần, nhưng anh tuyệt đối không nghe lời vợ.. Với anh, đã chọn lý tưởng Quốc Gia, thì không thể nào chấp nhận được cộng sản, cho dù chỉ về Việt Nam với lý do để thăm gia đình, mồ mã…
Tôi mến phục và tâm đồng ý hợp với anh.
Tôi cám ơn trời đất đã giúp tôi được nhìn thấy lại những hình ảnh đẹp của cuộc đời lính mà tôi đã từng trải qua.
Qua đây tôi cũng cám ơn các anh trong Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng đã cố gắng tạo cơ hội cho Lá Cờ Vàng thân yêu của chúng ta được người dân bản xứ vinh danh và thừa nhận.

Hòa Lan, một ngày tháng 9 năm 2011.

Phạm Đình Cần.