Wednesday, September 21, 2011

“Bia” Nào Dành Cho Tiến Sĩ Lê Xuân Khoa

Ngày 16 tháng 9 năm 2011

H,

Nhớ lại buổi tối Thứ Hai, 12.9.2011, ngày rằm Trung Thu năm Tân Mão, 15 tháng 8 âm lịch, ngồi ăn miếng bánh Trung Thu vừa cúng xong trên bàn thờ, vừa mở computer đọc các email và tin trên các diễn đàn Internet, chợt thấy bài viết “Thiên Thần Trong Bóng Tối” của Hoàng Thanh Trúc đăng trên danlambao. Xin trích lại đây đoạn đầu:

“Tôi dừng lại bên đường mua hộp bánh Trung Thu, kế bên tôi người phụ nữ lớn tuổi cũng mua bánh như tôi, bác ấy rụt rè hỏi cô bán hàng:
- Cô ơi bánh này để được bao lâu?
- Ủa! bửa nay mười bốn, mai là trăng tròn rồi, bác mua về cúng rằm rồi ăn luôn thì cần gì lâu mau?
Ðưa tay chỉ hướng trại giam, người phụ nữ nhỏ nhẹ:
- Hổng có cúng đâu cô! Tui tính mua chục cái gởi con gái tui trong trại giam, cho nó để dành ăn từ từ với mấy đứa bạn, nó thích bánh trung thu nhân thập cẩm hạt dưa lắm cô ơi!
- Nói nào ngay! cháu cũng muốn bán lắm chớ, nhưng cái gì mình biết thì nói để làm phước, bác nên mua một cái thôi?
- Thưa cô! Bộ mắc lắm sao?
- Không phải mắc hay rẻ, mà chục cái như một, vô tới đó thì công an coi tù họ lấy dao bầu bằm ra tan nát như bằm rau nấu cháo heo để kiểm tra, rốt cục như đống xà bần, chừng hai ngày là mốc meo hết trơn!
Người phụ nữ thương con gái nhưng đành thở dài, mua một cái duy nhất gói cẩn thận, dõi mắt xa xăm lặng lẽ bước đi... Tôi nhìn theo... ngờ ngợ. Sao Bác ấy phảng phất giống mẹ của Ðỗ Thị Minh Hạnh [xem hình]... trong phiên tòa hôm nào...

Ngày 26 tháng 10 năm 2010 trong một phiên toà vội vã, không luật sư, không nhân chứng, toà án CSVN tỉnh Trà Vinh xét xử chớp nhoáng rồi tuyên án 3 thanh niên nam nữ là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðoàn Huy Chương và Ðỗ Thị Minh Hạnh vì đã đứng lên, bên cạnh hàng vạn lao động nhà máy Mỹ Phong, Trà Vinh, những công nhân vinh danh là chủ đất nước, giai cấp công nhân tiên phong mà đảng CS là đại diện. Cả ba đã hướng dẫn anh chị em đình công đấu tranh đúng pháp luật, sau khi một số công nhân nữ bị xúc phạm nhân phẩm và bị bóc lột nặng nề mà Công Ðoàn cơ sở thì tê liệt. Tiếp theo sự kiện trên là các cuộc đình công khác lan ra trên khắp các tỉnh thành, kéo dài 7 ngày liên tục. Cả ba bị CA bắt giữ tra tấn thê thảm rồi đưa ra tòa. Kết quả của phiên tòa bỏ túi ấy là Hùng 9 năm tù, Chương 7 năm tù và Ðỗ Thị Minh Hạnh 7 năm tù...”

Giáo Già nuốt miếng bánh Trung Thu mà rớt nước mắt nghĩ đến tình mẹ thương con, đến cái bánh Trung Thu Ðỗ Thị Minh Hạnh chung chia với các bạn tù... và nghĩ đến dung nhan rực sáng của người con gái còn quá trẻ đã vì tranh đấu cho quyền lợi của đồng bào lao động mà bị tù đày, trong vụ án xảy ra non một năm qua..., đến bây giờ vẫn còn nghe cay cay hai khóe mắt, nhứt là khi đọc lại đoạn ông Nguyễn Thanh Giang nói:

“Riêng tôi, tôi chỉ có thể nghiến răng lại cho nước mắt khỏi trào ra khi đọc dòng tin dưới đây: ‘Ngày 23/01/2009, Minh Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, Hạnh bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng Minh Hạnh vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt’...”.

Ðang miên mang nghĩ đến vụ án Ðỗ Thị Minh Hạnh thì được điện thoại của người bạn cao niên gọi đến nhắc đọc ngay bản tin vừa được phóng viên Thanh Phương cho đăng trên RFI nói về “Người dân Việt Nam lại được kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc” có nội dung như sau:

“...Người dân Hà Nội và Sài Gòn được kêu gọi tham gia biểu tình ngày mai 18/9 tại khu vực Hồ Gươm và Công viên Quách Thị Trang. Lời kêu gọi biểu tình này được đưa ra sau vụ Trung Quốc cử tàu cá 1.000 tấn đến Trường Sa, ngoài 500 tàu cá thường xuyên hoạt động ở khu vực này, cũng như sau vụ Bắc Kinh phản đối Ấn Ðộ hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam tại các lô thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị [xem hình người vừa được bổ nhiệm thay Nguyễn Phương Nga] đã phản đối những hành động nói trên của Trung Quốc, khẳng định ‘chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’. Theo ông Lương Thanh Nghị, ‘các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ... Các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị’.”

.

Ðồng thời, trên danlambao, và một số diễn đàn, người đọc cũng được biết đến “Nhóm Ngày Chủ Nhật” đã đưa ra đề nghị: “Lần hẹn thứ 12 của những công dân Việt Nam Yêu Nước vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhật 18.09.2011” tại địa 2 điểm tập trung:

  • Hà Nội: Khu vực Hồ Gươm; Chân tượng đài Lý Thái Tổ, Chân tượng đài Quyết Tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh, Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục;
  • Sài Gòn: Công viên Quách Thị Trang; trước chợ Bến Thành.


Ngoài ra, Nhóm Ngày Chủ Nhật cũng đề nghị: “Những công dân Việt Nam yêu nước hãy cùng nhau bày tỏ tình yêu với Tổ quốc mình trên tinh thần hòa nhã, chấp hành nghiêm túc các quy định an toàn giao thông. Nhẹ nhàng trình bày và giải thích nguy cơ bị xâm lấn của đất nước với lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, và kêu gọi họ cùng tham gia bày tỏ lòng yêu nước. Hành động của chúng ta cũng là sự khẳng định công khai và cụ thể nhất từ phía người dân, những người chủ của đất nước, đối với chủ quyền không tranh cãi của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Chưa biết cuộc biểu tình sẽ diễn ra như thế nào, nhưng điều chắc chắn là CSVN không thể không bối rối khi giải thưởng uy tín Hellman/Hammett năm nay được trao cùng lúc cho 8 nhà đấu tranh dấn thân cho nhân quyền, theo bản tin vừa được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch: HRW], có trụ sở tại New York, công bố ngày 14.9.2011 cho biết có 8 cây bút người Việt, trong số 48 tác giả, với một nhóm nhà văn đa dạng, từ 24 quốc gia, để ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước những đàn áp chính trị. Ðặc biệt trong danh sách lần này có tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, vừa bị kết án 7 năm tù giam; đồng thời với 7 nhà đấu tranh cho nhân quyền gồm cô Hồ Thị Bích Khương, Luật sư Lê Trần Luật, cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển [xem hình trên từ trái sang phải], nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, các blogger Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Vi Ðức Hồi [xem hình dưới từ phải sang trái]. Trong số này, các ông Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Xuân Nghĩa và Vi Ðức Hồi hiện đang ngồi tù, Hồ Thị Bích Khương, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần đang bị tạm giữ, Nguyễn Bắc Truyển đang bị quản chế. Chỉ có Lê Trần Luật là không bị giam nhưng hàng ngày vẫn bị theo dõi rất sát sao.

Theo ông Phil Robertson [xem hình], Phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức này, những người cầm bút ở Việt Nam thường bị đe dọa, thậm chí bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa. Việc tặng giải Hellman/Hammett cho 8 nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam nhằm hướng sự chú ý của quốc tế đến những cá nhân mà nhà cầm quyền CSVN đang cố buộc họ phải câm lặng. Giải thưởng Hellman/Hammett mang tên hai cây bút người Mỹ, được thành lập từ năm 1989, hàng năm được xét trao cho các cây bút trên khắp thế giới là nạn nhân của đàn áp chính trị hoặc vi phạm nhân quyền. Trong 22 năm qua, có trên 700 người từ 92 nước đã nhận giải, với hơn ba triệu đô la đã được trao cho các cây bút bị ngược đãi. Chương trình cũng dành những khoản tài trợ khẩn cấp cho những người viết cần cấp tốc rời khỏi nước, hoặc để chăm sóc y tế sau khi họ ra tù hoặc bị tra tấn.

Trong lúc dư luận xót xa về nỗi đau của bà mẹ của “Thiên Thần Trong Bóng Tối” Ðỗ Thị Minh Hạnh; rớt nước mắt nghĩ đến đứa con gái đang nếm hương vị bánh Trung Thu bị công an trại giam “dùng dao bầu bằm ra tan nát như bằm rau nấu cháo heo để kiểm tra”; và biết ơn các nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam đang bị CSVN hành hạ. cho dầu họ bị giam cầm trong lao tù hay đang bị quản chế gắt gao; thì dư luận tới nay vẫn còn “nhức đầu” vì chuyện Lê Xuân Khoa, người được cho là tác giả của bức Thư Ngỏ của số gọi là 36 trí thức hải ngoại gởi cho:

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chủ tịch và Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Việt Nam

Cho tới nay, không biết có ai trong số người lãnh đạo hàng đầu Việt cộng nêu trên nhận được Thư Ngỏ hay không? Nếu đã có người nhận thì có ai trong số họ lên tiếng trả lời cho Lê Xuân Khoa chưa? Nhưng, cho dầu thế nào, câu chuyện càng lúc càng trở nên “ruồi bu”; và chắc chắn Việt cộng rất mừng vì nó đã mặc nhiên “gây rối cộng đồng”! Nội vụ cũng khiến Lê Xuân Khoa trở thành “con rối”, vì trong khi chuyện mới coi như không giải quyết được thì chuyện cũ bầy hầy của con người Lê Xuân Khoa lại bị lôi ra, với một số vấn nạn tưởng như đã “được” quên, ít người biết, nay lại khiến nhiều người biết và đòi hỏi Lê Xuân Khoa phải trả lời... Xin được lập lại đây một số câu hỏi để dư luận cùng chờ nghe ông ta lên tiếng:

1. Ông tự ý ghi tên Giáo sư Doãn Quốc Sỹ vào danh sách “36 trí thức”, lại để ở đầu bảng, mà “nạn nhơn” không biết? Nếu không phải ông thì người khác đó là ai? Hành động này có được gọi là “hèn” không?
2. Sao Giáo sư Sỹ phũ nhận rồi ông cũng chưa chịu rút tên “người ta” ra; còn dùng chuyện buồn trong gia đình “người ta” [phu nhơn Giáo sư Sỹ qua đời] để biện bạch cho hành động “hèn” của mình?
3. Ông có vai trò tích cực nào trong thảm nạn “cưỡng bức hồi hương người tỵ nạn cộng sản” trong các trại tỵ nạn?
4. Có bao nhiêu nạn nhơn không chịu cưỡng bức hồi hương về với địa ngục cộng sản theo sự thỏa hiệp của ông đã tự tử chết?
5. Có bao nhiêu người bị cưỡng bức hồi hương bị Việt cộng trù giập nơi quê nhà?
6. Ông có trông thấy bức hình kèm theo đây không? Nếu có, từ chỗ sâu kín nhứt của lòng mình ông có nghe dậy lên chút ân hận nào không?
7. Ông có về Việt Nam làm ăn không? Nếu có, những dự án làm ăn dó mang lại cho ông những lợi lộc nào?
8. Trong những lần về Việt Nam ông gặp được những cấp lãnh đạo hàng đầu Việt cộng nào? Những ai đã tiếp ông và những ai không thèm tiếp ông?
9. Không kể những người khác, ông có ý định dùng “thư ngỏ” này để xin “job” không? Nếu có thì đó là loại “job” béo bở nào khiến ông phải đi bằng đầu gối vậy?

.

10. Trong lần về Việt Nam tham dự Lể Ðộc Lập Mỹ tại Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn ông có cài lên ve áo cờ đỏ sao vàng của Việt cộng không? Có cầm trên tay thiệp mời có in hình cờ đỏ sao vàng của Việt cộng không? Bức hình được chụp kèm theo đây có đúng thật không?
11. Ông có từ chối không cho treo cờ Quốc gia Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ trong buổi lễ ra mắt sách của ông không?
12. Ðến khi bị phản đối ông có nói ông để lá cờ trong tim ông không?
13. Ông có từ chối không hát Quốc ca của người Quốc gia Việt Nam không?
14. Ông đã điện thoại nói những gì với Luật sư Lê Trọng Quát ở Pháp để ông này chịu đứng tên trong thư ngỏ?
15. Tại sao ông không dám ghi địa chỉ của mình trênThư Ngỏ là ở California, mà lại ghi ở Tiểu bang khác?
16. Ông đã thuyết phục Vũ Ngọc Anh thế nào khiến ông này phải email nói với ông rằng: “Xin ông cũng lưu ý cho là lần nầy tôi không làm việc chùa đâu”. Dấu hỏi cũng được đăẳt ra là mấy lần trước thì sao?
17. Ông đã nói những gì với Trịnh Hội để thư ngỏ của ông có mặt thành phần “trí thức trẻ” bên cạnh “trí thức già” và “trí thức sồn sồn”?
18. Ông thách đố Trần Việt Hải tranh luận với ông trên diễn đàn truyền hình hay diễn đàn công cộng nào đó mà sao không dám thách đố ông Ngô Kỹ, Giáo sư Lưu Trung Khảo hay ai khác?
19. Phải chăng ông biết anh Hải bị bịnh, tiếng nói không rõ, và đi đứng khó khăn, nên dễ bị lấn áp, khiến “đối phương” của ông khó có cảm tình với người nghe, người xem...?

.

20. Ông có biết là CSVN hiện đang đi bằng đầu gối để được làm Thái thú của Trung cộng để được cầm quyền cai trị Việt Nam như bức biếm họa của Babui đăng trên Ðàn Chim Việt được trích kèm theo đây hay không?
21. Nếu có thì Thư Ngỏ ngầm ý “xin job” có buộc ông phải đi bằng đầu gối như vậy không?
22. Không biết trong số 35 người được gọi là “trí thức” trong danh sách [nếu không còn có ai phũ nhận tên mình bị ông này tự ý ghi vào như trường hợp Giáo sư Doãn Quốc Sỹ] có bao nhiên người thực sự có bằng tiến sĩ? Ðiều Giáo Già biết chắc là ông có bằng tiến sĩ... thiệt. Không biết bây giờ tên người có bằng tiến sĩ có còn được khắc lên bia đá nữa hay không, mà sao bọn quan chức Việt cộng thích làm... tiến sĩ quá xá, cho dầu đó là tiến sĩ không cần học, tiến sĩ coi như tốt nghiệp tại Hoa Kỳ mà không nói được tiếng Anh, tiến sĩ... giả.

Từ xưa, trong dân gian có câu:

Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


Nhưng theo... dân gian Xã hội Chủ nghĩa thì:

Trăm năm bia đá cũng mòn
Bia chai cũng bể chỉ còn bia ôm


Vậy, cái “bia” của tiến sĩ Lê Xuân Khoa là cái “bia” nào? Phải chăng hỏi cũng là một cách trả lời rồi vậy!

Hẹn con thư sau,
Giáo Già

0 comments:

Powered By Blogger