Hôm nay, 22/09/2011, Bắc Kinh chính thức có phản ứng về việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, tố cáo dự án thăm dò dầu khí giữa hai tập đoàn của Nhà nước Ấn Độ và Việt Nam là ONGC và Petrovietnam, ở phía tây quần đảo Trường Sa, trên Biển Đông, có nguy cơ tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc, đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của cả Việt Nam và Ấn Độ.
Theo tờ báo, thì cả hai khu vực nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và đó là một sự vi phạm đối với chủ quyền Trung Quốc. Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo, nếu Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục dự án thì điều này có thể làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc cũng như đối với « sự ổn định và phát triển kinh tế hòa bình trên toàn Biển Đông, các mất mát sẽ lớn hơn những khoản lợi ».
Mặc dù không nêu đích danh Việt Nam và Ấn Độ, nhưng hôm thứ hai, 19/09, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng mọi dự án hợp tác đều là «bất hợp pháp và không có giá trị» nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc.
Tuần trước, chính quyền New Delhi nói rằng các doanh nghiệp của Ấn Độ, trong đó có tập đoàn ONGC Videsh (OVL) và một chi nhánh của tập đoàn Essar Oil đang mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Theo giới quan sát, Ấn Độ đang tìm cách gia tăng sự hiện diện trong khu vực và giữa năm nay, một tàu hải quân của Ấn Độ khi đang di chuyển ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã nhận được một thông điệp từ phía tàu Trung Quốc nói rằng đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Việc Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam cũng phần nào đáp trả lại hàng loạt dự án của Trung Quốc trong khu vực Nam Á.
Ấn Độ (năm 1962) và Việt Nam (năm 1979) có xung đột biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, các mối quan hệ này hiện nay ổn định hơn, cho dù Hà Nội và Bắc Kinh vẫn có những tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.
Hiện có 6 quốc gia và lãnh thổ đang tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa, đó là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.
Trong tháng Năm và tháng Sáu vừa qua, chính quyền Hà Nội đã tố cáo tàu Trung Quốc quấy nhiễu và đe dọa các tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh đáp lại rằng các hoạt động của tàu bè Trung Quốc không có gì là sai phạm.
Theo Reuters, giới doanh nhân và các nhà ngoại giao cho biết là Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản các công ty nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Vào năm 2007, công ty BP Plc đã phải ngừng các dự án thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc.
Ngày 19/09/2011, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định rằng những dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, như trường hợp với ONGC của Ấn Độ, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, « hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam » và «các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị ».
0 comments:
Post a Comment