Việc Mỹ quyết định giúp Đài Loan hiện đại hóa loại tiêm kích F-16 đã làm cho Trung Quốc nổi giận. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ngoài việc biểu thị phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh khó có thể không đi xa hơn và sẽ không đưa ra các biện pháp trả đũa Hoa Kỳ.
Hôm qua, 21/09/2011, bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức thông báo Quốc hội là Lầu năm góc chấp thuận giúp Đài Loan hiện đại hóa 146 máy bay F16 A/B. Dự án này, trị giá 5,8 tỷ đô la, còn bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị mới, hỗ trợ về hậu cần và đào tạo.
Trước đó, nhiều dân biểu Mỹ đã ủng hộ việc bán tiêm kích mới F16 C/D cho Đài Loan. Do Trung Quốc kịch liệt chống lại dự án này, lo ngại quan hệ song phương lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn giải pháp trung gian, không bán máy bay loại mới mà chỉ giúp hiện đại hóa máy bay loại cũ.
Dù vậy, điều này không làm giảm sự bực bội của Bắc Kinh. Ngay tối qua, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Gary Locke, đã bị triệu lên bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân nhấn mạnh, Bắc Kinh « khẩn thiết yêu cầu Washington nên ý thức một cách đầy đủ tính chất nhạy cảm và những tổn hại nghiêm trọng do vụ việc này gây ra, phải coi trọng lập trường của Trung Quốc, tôn trọng những cam kết của mình và hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai lầm này ».
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bầy tỏ sự « phẫn nộ mạnh mẽ » và « kịch liệt lên án hành động can thiệp nghiêm trọng này vào công việc nội bộ của Trung Quốc ».
Hòa cùng dàn đồng thanh, Văn phòng phụ trách quan hệ với Đài Bắc đánh giá rằng quyết định của Hoa Kỳ «đe dọa hòa bình và ổn định ở hai bên bờ eo biển Đài Loan ».
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh và đe dọa sẽ dùng vũ lực, nếu cần, để thống nhất lãnh thổ quốc gia. Đối với Bắc Kinh, Đài Loan được coi là « lợi ích cốt lõi », tức là Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, ít có khả năng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington lại xấu đi đến mức làm gián đoạn quan hệ quân sự song phương như hồi tháng Giêng năm 2010 sau khi Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.
Ông Jean Pierre Cabestan, thuộc đại học dòng Tên ở Hồng Kông, khẳng định : « Có thể giới quân sự sẽ có những biện pháp để đối phó tốt hơn với loại máy bay F-16 được cải tiến, nhưng họ sẽ không đình chỉ quan hệ quân sự với Mỹ như đã làm trước đây ».
Mặt khác, vẫn theo chuyên gia này, thì vào tháng Giêng năm tới, Đài Loan có bầu cử tổng thống. Trung Quốc ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân đảng. Yếu tố này cũng sẽ buộc Bắc Kinh phải phản ứng có chừng mực.
Để làm dịu bầu không khí, cơ quan phụ trách hợp tác quốc phòng và an ninh của Lầu Năm góc trấn an rằng việc hỗ trợ Đài Loan trong đào tạo và hậu cần « sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự trong vùng ».
Xin nhắc lại là vào năm 1979, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật quy định là Mỹ phải cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, bấc chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Còn tại Đài Loan, báo chí và giới phân tích cho rằng việc hiện đại hóa máy bay F16 A/B không đủ để cứu giúp cho hòn đảo này nếu Trung Quốc tấn công. Hiện nay, Trung Quốc đặt nhiều tên lửa hướng sang Đài Loan và hàng năm đều tiến hành hiện đại hóa máy bay tiêm kích.
Không quân Đài Loan có tiêm kích F16 của Mỹ, Mirage 2000 của Pháp và chiến đấu cơ Kinh Quốc do Đài Bắc chế tạo với sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng số lượng máy bay ít hơn so với Trung Quốc.
Do vậy, ông Russell Leigh Moses, chuyên gia phân tích chính trị làm việc tại thủ đô Trung Quốc, đánh giá là «phản ứng của Bắc Kinh có thể là kết quả của những quyết định đến từ các cấp có quyền lực cao nhất theo kiểu cần phải kêu to nhưng đồng thời tránh đóng sập cửa » đối thoại với Mỹ, và có thể « thông điệp của Bắc Kinh là nhằm hướng tới những cử tọa khác nhau, nhất là hướng vào công chúng ở Trung Quốc và Đài Loan ».
0 comments:
Post a Comment