Sunday, July 17, 2011

Từ độc tài đảng trị đến độc tài cá nhân

Các chế độ độc tài đều có một điểm chung là biết cách khai dụng sự sợ hãi

Từ độc tài đảng trị đến độc tài cá nhân

Bán Nguyệt San Tổ Quốc, Số 115 ngày 15/7/2011

Quốc hội sắp họp và như dự định sẽ biểu quyết chỉ định ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức vụ thủ tướng một nhiệm kỳ nữa. Ông Trương Tấn Sang sẽ được bầu làm chủ tịch nước, chức vụ cao nhất nhưng chủ yếu nghi lễ, nhường chức vụ thường trực ban bí thư cho ông Lê Hồng Anh, bộ trưởng công an và cánh tay mặt của ông Dũng. Những sắp xếp này khẳng định lại điều không còn là một bí mật với ai: quyền hành đang tập trung về ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trên nguyên tắc cơ chế quyền lực trong chế độ cộng sản Việt Nam là bộ chính trị quyết định, ban bí thư thi hành thông qua chính phủ. Nói cách khác chính phủ là dụng cụ của ban bí thư để thi hành những quyết định của bộ chính trị. Cơ chế này đã mất thực chất từ nhiệm kỳ trước và cũng không có gì đáng tiếc. Nó là một cơ chế năng nề và kềnh càng. Nó tạo ra hai chính phủ, một chính phủ không chính thức nhưng có thực quyền là ban bí thư và một chính phủ chính thức nhưng không có quyền. Nó gây tê liệt và tắc nghẽn trong trường hợp của một chính quyền có nhiều quan hệ với thế giới và nhiều vấn đề phải giải quyết nhanh chóng. Vấn đề là cùng với nó người ta đã bỏ luôn nguyên tắc đảng lãnh đạo, một nguyên tắc cần thiết để chính quyền hoạt động có định hướng và có phối hợp. Trong các nước dân chủ nó được quan niệm một cách lành mạnh là đảng cầm quyền – chính đáng vì được nhân dân tín nhiệm qua bầu củ tự do – lãnh đạo chính phủ bằng cách quyết định những chính sách và sau đó để chính phủ toàn quyền quyết định những biện pháp và phương tiện thực hiện; chính phủ có thực quyền và không mâu thuẫn với đường lối của đảng vì người cầm đầu, tổng thống hay thủ tướng, cũng là lãnh tụ của đảng, các bộ trưởng quan trọng cũng là thành viên ban lãnh đạo đảng.

Thực tế sẽ rõ nét trong thời gian sắp tới là đảng cộng sản không còn là đảng cầm quyền. Tổng bí thư đảng sẽ không có thực quyền, bộ chính trị và ban bí thư không còn kiểm soát chính phủ, quyền hành thực sự ở trong tay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một nhóm người thân cận của ông. Độc tài đảng trị nhường chỗ cho độc tài cá nhân. Đây cũng là tình trạng của mọi chế độ độc tài sau khi bức tường Berlin sụp đổ: chủ nghĩa Mác-Lênin bị lố bịch hóa và các chế độ độc tài, cộng sản cũng như chống cộng, không còn chỗ dựa lý thuyết, dù là để xây dựng hay ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản.

Sự trần trụi về mặt tư tưởng này đưa đến hậu quả tất yếu là đảng cầm quyền mất dần thực chất để chỉ còn là một hư cấu, bởi vì một chính đảng chỉ có thể xây dựng và duy trì như một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị có thể là một chủ nghĩa như trong trường hợp các chế độ cộng sản, phát-xít, nazi; nó cũng có thể là những giá trị nhân xã như trong các chế độ dân chủ, nhưng bắt buộc phải có. Tại sao? Đó là vì một chính đảng không thể là gì khác hơn là sự kết hợp của những con người cùng theo đuổi một lý tưởng chung. Không còn lý tưởng thì chỉ còn quyền lợi và tranh giành quyền lợi. Nghĩa là không còn đảng.

Đảng Cộng Sản Việt Nam thừa biết là chủ nghĩa Mác-Lênin đã sụp đổ, chỉ còn lại những giá trị dân chủ, nhưng vẫn cố bám lấy nó một cách gượng gạo để duy trì chế độ độc tài đảng trị. Kết quả là chính nó đã mất dần lẽ sống và sức sống. Từ chối dân chủ ĐCSVN đã từ bỏ sự sống của chính mình.

Ban biên tập Tổ Quốc

Mời Quý độc giả bấm vào link ờ dưới xem toàn bộ Bán Nguyệt San Tổ Quốc, Số 115 ngày 15/7/2011

http://vietvungvinh.com//2011/images/stories/2011-07/Files/Toquoc115.doc

0 comments:

Powered By Blogger