Tuesday, July 19, 2011

Anh Hùng Vô Danh Trắc Nghiệm Cuộc Cách Mạng Bông Lài ở VN

cuộc biểu tình ngày 5.6.2011 tại Sài Gòn.

Anh Hùng Vô Danh
Trắc Nghiệm Cuộc Cách Mạng Bông Lài ở VN


Ngày 15 tháng 7 năm 2011


H,

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao gờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước...


Bốn câu đầu trong bài “Anh Hùng Vô Danh”, trong tập thơ Hồn Việt, của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy [trang 85] lôi cuốn tôi theo dõi các cuộc biểu tình của lớp người trẻ, của thanh niên, sinh viên, học sinh, những người đã thành danh hay còn đi học, ở khắp mọi nơi, cùng mọi giới đồng bào, thuộc mọi lứa tuổi, ở cả quốc nội lẫn hải ngoại, khởi đi từ ngày cuối tuần, Chúa Nhựt 5.6.2011, cho đến sáu tuần lễ tiếp theo sau đó, với niềm tin chắc chắn rằng cuộc Cách mạng Bông Lài, với sự chủ động của lớp người trẻ, của những anh hùng vô danh tự phát, đang có những chỉ dấu khích lệ, như những luồng khói xuất hiện báo biểu đám lửa chuẩn bị bùng phát thiêu rụi độc đảng độc tài đang ngự trị non 90 triệu dân trầm luân nơi quê nhà.

Ðúng vậy, kể từ ngày lịch sử 5.6.2011 đó, đã có nhiều ngàn người trực tiếp tham gia biểu tình chống giặc Tàu, cảnh giác “đại họa mất nước”, song song với vô số người ngồi trước máy computeur theo dõi tin tức trên các mạng lưới điện tử, các facebook, twitter... không phải theo lời kêu gọi của một tổ chức chánh trị nào, mà xuất phát từ trang “Nhật Ký Yêu Nước” của người trẻ nào đó, hay của nhóm trẻ “vô danh” nào đó..., rồi ồ ạt truyền đi trên các trang mạng xã hội, các trang blog, các diễn đàn điện tử, các lời nhắn qua điện thoại di động... lôi cuốn nhau, lôi cuốn nhiều ngàn người tham gia biểu tình; cho dầu Nhà nước, với lực lượng côn an hùng hậu, tìm đủ mọi cách ngăn chặn... như tại một số trường đại học cho phổ biến những thông báo ngăn cản sinh viên tham gia biểu tình, đe dọa đuổi học; như một số xí nghiệp đe dọa công nhân tham gia biểu tình... sẽ bị trừng phạt; cho dầu công an CSVN có bằng cách này hay cách khác đàn áp không nương tay.

Ở quốc nội, tại 2 địa điểm chánh, như tin truyền cho nhau là Hà Nội và Sài Gòn, các cuộc biểu tình đã bộc phát mau lẹ trước sự ngạc nhiên của dư luận và sự theo dõi cấp thời của các cơ quan truyền thông quốc tế loan tin chính xác khắp thế giới, với âm thanh và hình ảnh trung thực, mà mọi chối cãi của phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga, của Thông tấn xã Việt cộng hay sự im lặng lạnh người của hơn 700 tờ báo, và hầu hết các cơ quan truyền thông trong tầm kiểm soát của Bộ Thông tin và Truyền thông Nhà nước, chỉ làm trò cười của dư luận “không tin những gì Cộng sản nói mà chỉ nhìn vào những gì Cộng sản làm”, theo di ngôn của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Lập tức nhiều tin tức nói về các cuộc biểu tình được loan nhanh qua hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế với nhiều hình ảnh tràn ngập trên các trang web, sống động qua các Youtube, Paltalk... và các cơ quan truyền thông không do Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kiểm soát.

Ghi nhận từ các nhân chứng cho biết, tại Sài Sòn, có khoảng trên 3000 người tham gia... Ðêm trước ngày biểu tình, nhiều chốt chặn của an ninh đã được thiết lập xung quanh Lãnh sự quán Trung cộng tại Sài Gòn... Các xe phá sóng điện thoại hoạt động liên tục trong khu vực biểu tình nhằm ngăn cản sự liên hệ hay kêu gọi, liên kết từ các nhóm biểu tình... Theo tin từ Blog Anhbasam, trong dòng người biểu tình, người ta cũng thấy các gương mặt quen thuộc được coi như những người Cộng sản phản tĩnh, những “mầm già” của tiến trình “tự diễn biến” trong hàng ngũ Ðảng và Nhà nước, như nhà nghiên cứu Ðinh Kim Phúc, Lê Hiếu Ðằng, Nguyễn Ðình Ðầu, Huỳnh Tấn Mẫm... Từ 9giờ sáng, đoàn biểu tình tuần hành trên tất cả các ngả đường dẫn đến Lãnh sự quán Trung cộng, chật kín nhiều đoạn đường, kéo dài từ Nhà Thờ Ðức Bà đến Lãnh sự quán Mỹ...[ xem hình cuộc biểu tình ngày 5.6.2011 tại Sài Gòn]...

Tại Hà Nội dòng người biểu tình cũng kéo về từ các ngả Hàng Bông, Phan Ðình Phùng, Ðiện Biên, Tràng Thi, bờ Hồ... Cũng theo nhân chứng có khoảng 1000 đến 2000 người. Khó biết chính xác, vì gồm nhiều đoàn khác nhau, đi từ nhiều ngả. Các đoàn người ở khắp nơi, từ Sài Gòn đến Hà Nội, đều mang theo cờ và các băng rôn, biểu ngữ cũng như các thông điệp, hình ảnh, tài liệu... in trên những tờ giấy A-4 tự viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Hoa. Họ hát vang những bài hát đấu tranh của Nguyễn Ðức Quang, có cả những bài hát được các nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ sáng tác từng được trình bày trong các bộ DVD của Asia, được phổ biến chui ở Việt Nam. Ðến Ðại sứ quán Trung cộng đoàn biểu tình bị chặn nên phải chia nhỏ ra nhiều tốp, đi lòng vòng trên những con phố kế cận. Một số tập trung tại Nhà hát lớn và vườn hoa Lý Thái Tổ. Cũng như ở Sài Gòn, đa số những người tham dự là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Tuy vậy, cũng có một số cụ cao niên và bóng dáng của vài vị sư.

Ðiểm đáng lưu ý là tính tự phát không thể bị lợi dụng; bởi một hai ngày trước biểu tình dư luận thấy xuất hiện những tranh cãi về nguồn tin đảng Việt Tân đưa ra lời kêu gọi biểu tình trùng ngày với trang “Nhật Ký Yêu Nước”, mặc dầu nó tức khắc bị những người “chủ trương tự phát” phũ nhận. Cũng không ai nghe lớp người trẻ tham gia biểu tình nói rằng họ đi biểu tình do lời kêu gọi của bất cứ đảng phái hay tổ chức chánh trị nào. Sự thật còn cho thấy qua các chia sẻ từ các mạng xã hội, nhiều người đã tới tham dự biểu tình từ các tỉnh thành xa. Có nhóm từ Vinh, Thái Bình... ra Hà Nội và có những người từ miền Ðồng bằng sông Cửu Long tới Sài Gòn.

Mấy lần sau, các cuộc biểu tình ở Sài Gòn không xuất hiện như 2 lần trước vì bị công an đe dọa trấn áp mạnh mẽ. Nó được biến thế dưới hình thức ngồi để tránh sự đàn áp bắt bớ của công an như một số hình chụp cho thấy. Tuy nguồn tin nói rằng có người của Trung cộng chỉ đạo công an đàn áp biểu tình chưa được phối kiểm, nhưng sự có mặt của vài người Tàu trà trộn trong đoàn người biểu tình đã được nhận diện như blog Nguyễn Xuân Diện cho biết.

Tại cả Sài Gòn lẫn Hà Nội và một số nơi có các nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam công an đã đi từng nhà các nhơn vật nổi tiếng để lên tiếng đe dọa sẽ bị bắt giam, hoặc hứa hẹn một sự thỏa hiệp, để ngăn cản họ đi biểu tình, có người nghe có người không. Nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức... từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2007 đều bị triệu tập, mời lên trụ sở công an “làm việc”, cảnh cáo họ không được tham gia cuộc biểu tình mà chúng biết chắc sẽ có vào ngày cuối tuần. Có người sợ sệt nghe theo chúng, nhưng cũng có người không. Với những người cứ đi biểu tình thì chúng thẳng tay đàn áp, bắt đưa về cơ quan hỏi cung. Ngay cả các phóng viên, nhiếp ảnh gia của các hãng thông tấn ngoại quốc chúng cũng không tha, như tin được hãng thông tấn AFP cho biết:

“Trong số những người bị bắt có một phóng viên quay phim nguời Việt của đài truyền hình Nhật Bản NHK”.


Còn theo AP thì:

“Một phóng viên truyền hình thuộc Associated Press Television News đang quay phim cảnh biểu tình cũng bị công an vũ trang dùng vũ lực đẩy lên xe buýt. Một phóng viên người Việt khác làm việc cho tờ báo Asahi Shimbun của Nhật cũng bị câu lưu” [xem hình công an mặc thường phục bắt giữ một người biểu tình gần Ðại sứ quán Trung cộng tại Hà Nội, và cảnh bên trong xe bus chở người bị bắt ngày 10/7/2011. Hình: AP].

Công an mặc thường phục bắt giữ một người biểu tình gần Ðại sứ quán Trung cộng tại Hà Nội. Hình: AP

Cảnh bên trong xe bus chở người bị bắt ngày 10/7/2011. Hình: AP

Ðiều này đã khiến ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Human Rights Watch, ngày 11.7.2011, lên tiếng chỉ trích CSVN Việt Nam đã để cho công an bắt giữ ít nhất 10 người tham gia cuộc biểu tình trước Ðại sứ quán Trung cộng ở Hà Nội, ngày10.7.2011.

Ðồng thời, ngày 12.7.2011, đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đặc trách Ðông Nam Á, ông Shawn Crispin, nhận định rằng: “Phóng viên không phải là những quân cờ để Cộng sản Việt Nam mặc cả với Trung cộng”. Ông kêu gọi “Việt Nam đáng lý ra nên để cho ký giả tự do thu thập thông tin về các cuộc biểu tình phản đối Trung cộng”.

Có sự trùng hợp rất đáng ghi nhận là theo tin của Thông tấn xã Việt cộng cho biết thì ngày 11.7.2011, tức 1 ngày sau khi công an trấn áp đoàn biểu tình lần thứ 6 tại Hà Nội, ngay tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống Lực lượng An ninh Nhân dân (12/7) và đón nhận Huân chương HCM. Dịp này, Ðảng và Nhà nước đã tặng Tổng cục An ninh I và Tổng cục An ninh II Huân chương HCM để ghi nhận những đóng góp to lớn vào “sự nghiệp cách mạng của Ðảng”. Cũng dịp này Ðảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Quân công Hạng Nhất cho Trung tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an [vừa được cử nhiệm chức Bộ trưởng Công an, thay thế Lê Hồng Anh]; Huân chương Quân công Hạng Ba cho Trung tướng Tô Lâm, Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Ðảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Ðức Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I.

Ðiều này cho thấy Ðảng và Nhà nước đã thêm lần nữa tìm cách mua chuộc công an để chúng chỉ biết “còn đảng còn mình”; như trước đó, một ngày trước ngày tòa xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ [4.4.2011], tức ngày 3.4.2011, tin từ “vietnamnet.vn” cho biết tại Saigon, Bộ Công an đã tổ chức long trọng buổi lễ để Nguyễn Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước trao “Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Ðại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Huân chương Quân công hạng Nhì và hạng Ba tặng 1 tập thể và 4 cá nhân khác”. Dịp này Dũng cũng trao tặng “Huân chương chiến công cho 2 tập thể và 9 cá nhân của Bộ Công an”. Ðồng thời 4 tập thể và 26 cá nhân khác cũng nhận được bằng khen của Thủ tướng [xem hình]. Dũng nói:

“Những phần thưởng cao quý trên là ghi nhận của Nhà nước về những nỗ lực không ngừng của tập thể Bộ Công an nói chung trong những năm qua về thành tích bảo vệ an ninh tổ quốc, tấn công, đấu tranh, ngăn chặn, phá bỏ mọi âm mưu, hoạt động ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch, phản động nhằm giữ gìn và phát triển xã hội chủ nghĩa. Trong những thành tích đó phải kể đến là chiến công của chuyên án C509 đã đấu tranh, phá bỏ âm mưu chống phá và bắt giữ nhiều phần tử chống phá nhà nước như: Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung...”

Ðây là cách Ðảng và Nhà nước tìm cách mua chuộc các thành phần được coi như lãnh đạo hàng đầu công an để chỉ thị tập thể này năng động đàn áp quần chúng ủng hộ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ; đồng thời chỉ đạo Chánh án Nguyễn Hữu Chính [xem hình] “nhắm mắt” xử cho xong bản án đã được “bỏ túi”, bất cần đó là hành động vi phạm luật pháp, bất kể mọi sự phản đối có thể dấy lên từ bất cứ phía nào.

Trở lại chuyện biểu tình, ở hải ngoại, nhiều cuộc biểu tình cũng đã xuất hiện trước các Tòa Ðại sứ và Lãnh sự quán của Trung cộng và CSVN, lên án Trung cộng xâm lăng Việt Nam và lên án sự khiếp nhược của CSVN ở khắp các quốc gia có người Quốc gia Việt Nam lưu cư, từ Hoa Kỳ đến Âu châu, Úc châu, Canada... mà thành phần tham dự cũng có rất đông lớp người trẻ với sự năng động chống đối sự xâm lăng của Trung cộng và tội lỗi của CSVN đã hành xử như những Thái thú chỉ biết tuân hành các quyết định của Trung cộng, qua bức biếm họa của Babui, trên ÐCVOnline, với lời chú: “Gia nhà, quốc nước, quỳ trước, lạy sau”; nó chứng thực sự trái ngược với thái độ quả cảm của Philippines khi đương đầu với Trung cộng trên biển đông.

Ðiển hình như tại Úc châu, cho dầu thời tiết lạnh xuống 3 độ âm, nhưng sáng ngày Thứ Bảy 9.07.2011 cũng có hơn 2000 ngàn người Việt tại Úc châu tề tựu về thủ đô Canberra biểu tình trước tòa Ðại sứ CSVN và Trung Cộng. Dịp này, cô Nguyễn Thị Uyên Phương [xem hình], một dược sĩ trẻ tuổi đến từ bang Queensland, đã đại diện giới trẻ lên tiếng xác quyết rằng Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, theo đúng những điều được ghi trong sử sách. Hướng về phía tòa đại sứ Trung cộng, cô dõng dạc lên án các hành động man rợ của nhà cầm quyền Trung cộng qua các hành động bắn giết ngư dân Việt, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2... ngay trong lãnh hải Việt Nam... Cô cũng như lên án thái độ bạc nhược của CSVN.

Tin tức dồn dập về 6 lần biểu tình đã qua [có thể còn có thêm những lần biểu tình khác nữa vì bài viết này được hoàn tất trước ngày cuối tuần dự trù có các cuộc biểu tình như đã xảy ra] cho thấy nhiều người trẻ xuất hiện như những anh hùng chấp nhận đương đầu với bạo lực để kêu đòi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, để lên án Trung cộng xâm lăng Việt Nam; đồng thời cũng để lên án sự khiếp nhược của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lúc nào cũng đứng về phía Trung cộng trong cuộc tranh chấp ở biển đông, như sự xuất hiện của Phan Nguyên, người trong hình bị công an chìm vác chạy ra khỏi cuộc biểu tình ngày 12.6.2011, sau đó đã trần tình trên Facebook, trả lời BBC..., được coi như anh hùng “hữu danh”, được người chứng kiến nói rằng:

“Tôi không bao giờ quên cái buổi sáng ngày 12.6 ấy, khi mọi người đang lạnh sống lưng, thì Nguyên và hai người bạn của mình thản nhiên bước ra bày tỏ thái độ chống hành động bá quyền của Trung cộng, ngay giữa một rừng công an. Họ thản nhiên bước vào cuộc biểu tình nóng bỏng và thản nhiên đối mặt với mọi bất trắc chỉ với một lẽ giản đơn rằng... đó chỉ là một việc phải làm của một công dân...”

Bên cạnh những anh hùng được biết tên, được nêu tên, còn có vô số anh hùng vô danh rạo rực theo dõi các cuộc biểu tình, như trường hợp Nguyễn Tiến Nam đưa lên Diễn đàn “danlambao” nói rằng:

“Khi nghĩ lại cảnh tượng hào hùng của đoàn tuần hành trước nhà hát lớn, mình đã khóc khi nghe cậu bạn trẻ đọc bản tuyên cáo về biển đông. Ôi thanh niên Việt Nam! Thế hệ tương lai của Việt Nam, mình đã lầm, họ không chỉ biết online hẹn hò chat chit, chơi game... mà họ còn có một tinh thần bất khuất, sẵn sàng chấp nhận những gì đang đợi họ phía trước. Chủ nhật tuần tới đây không biết cuộc tuần hành có được diễn ra hay không nhưng mình sẽ vẫn đi...”

Chính điều này đã khiến CSVN sợ hơn cả sợ những tổ chức có thể huy động được đông đảo người dân, như các tôn giáo, để tìm cách ngăn chặn trước, mà điển hình đầu tiên là chúng đã bắt Mục sư Phạm Ngọc Thạch [xem hình], thuộc Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam. Ông bị công an Sài Gòn bắt đưa đi vào tối thứ Bảy 25-6-2011, bị tra tấn đánh đập trong đồn Công An Phường 26 Quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Theo lời Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết “Mục sư Phạm Ngọc Thạch đang đi ở khu Hàng Xanh thì công an VC tông vào xe của rồi một toán công an VC rất đông xông vào còng tay và đánh đập rồi đưa vào đồn công an Phường 26, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Mục sư Cư nghe chuyện chạy về nhà chở bà Nụ là vợ Mục sư Thạch đến đồn công an để hỏi lý do tại sao công an bắt Mục sư Thạch, nhưng công an không cho vào. Ðứng bên ngoài, Mục sư Cư, vợ Mục sư Thạch, và rất đông dân chúng nghe tiếng rên xiết và kêu la cầu cứu của Mục sư Phạm Ngọc Thạch từ bên trong đồn công an: “Nó giết tôi! Nó giết tôi!” [http://freevietnews.com/fvnpost/3a62].

Sau đó, tin được Mặc Lâm, biên tập viên RFA, cho biết vào lúc 21 giờ ngày 5.7.2011, sau 9 ngày bị bắt giữ, Mục sư Phạm Ngọc Thạch đã được thả về nhà, nhưng phải ký giấy làm việc tiếp tục với công an. Trong cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm, Mục sư Phạm Ngọc Thạch cho biết:

“Họ bắt tôi vì kêu gọi mọi người dân xuống đường biểu tình tuần hành chống Trung Quốc. Tôi nhận là tôi có dán giấy kêu gọi có nội dung: Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Toàn dân cùng nhau tuần hành khắp nơi, lớn nhỏ tuỳ theo hoàn cảnh. Chỉ tập hợp thôi chứ chưa nói tới chuyện biểu tình. Tập dượt để chuẩn bị tinh thần để mà chống giặc ngoại xâm tại vì tàu Bình Minh, Viking bị cắt cáp hai lần nên mình thấy cũng bức xúc. Vào ngày 18 tháng 6 là ngày Việt Nam chọn làm ngày “Bảo vệ biển đảo” thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có nói nhân dân ta đủ dũng khí hợp lực giữ gìn biển đảo nên tôi nghĩ tờ giấy tôi lượm ngoài đường là tốt nên tôi photo ra, tôi dán lên thôi. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mình góp phần nhỏ trong việc thể hiện lòng yêu nứơc thì đó là quyền và lợi ích của mỗi công dân. Tôi nghĩ đơn giản như vậy thôi”.

Song song với yếu tố mua chuộc công an để khích lệ chúng cuồng si chuyện “còn đảng còn mình”, mạnh tay đàn áp các cuộc biểu tình, các thành phần chống đối, các nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam... Ðảng và Nhà nước cũng rút kinh nghiệm cuộc cách mạng lật đổ độc tài ở Romania, kinh nghiệm cái chết đẫm máu của nhà độc tài Ceaucescu [xem hình] và vợ là Elena năm 1989, với sự phẫn nộ của quân đội, đặc biệt là kinh nghiệm cuộc cách mạng Bông Lài ở Ai Cập với sự can dự êm thấm của quân đội, đưa nhà độc tài Hosni Mubarak [xem hình] ra khỏi quyền lực độc tài vào đầu năm 2011 vừa qua, nên Ðảng và Nhà nước đã mau lẹ để Nguyễn Tấn Dũng ban hành quyết định bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong bộ đội Việt cộng; và cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định đó cho các đương sự vào ngày 3.7.2011, để mong các cấp chỉ huy trực tiếp các đơn vị quân đội vừa được ban ơn sẽ vì quyền lợi riêng không chống lại Ðảng và Nhà nước.ợ Thành phần được thụ hưởng này gồm có:

 Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
 Trung tướng Lương Cường, Chính ủy Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
 Thiếu tướng Ðào Duy Minh, Chính ủy Quân khu 5 cũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó chính ủy Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 3;
 Thiếu tướng Ðinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9;
 Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 1;
 Ðại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng;
 Ðại tá Ðỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Tin được Thông tấn xã Việt cộng cho biết: “Chúc mừng các tướng lĩnh vừa được bổ nhiệm, Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, bày tỏ mong muốn trên cương vị chủ chốt của đơn vị, các tướng lĩnh luôn phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất, luôn luôn giữ vững ngọn cờ đoàn kết của Ðảng trong quân đội; chăm lo xây dựng tổ chức Ðảng, cơ quan chính trị các cấp trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Ðiều này khiến dư luận nhớ lại bài viết của Dương Thu Hương có đoạn kết được trích lại như sau:
“Ðể giữ được non sông, để có thể là người Việt mà không trở thành đám thiểu số khiếp nhược của một vương quốc khác, chúng ta không thể tiếp tục dung dưỡng một chính quyền bán nước, một chính quyền đã ngang nhiên cắt đất, cắt biển cống cho phương Bắc, đã nhục nhã biến ngọn cờ Thăng Long ngàn năm thành một mảnh vải vụn xén ra từ cái váy hồng Bắc Kinh. Chúng ta không thể bảo vệ được Tổ quốc nếu tiếp tục nuôi giữa lòng dân tộc mình một con rắn độc, cũng như Vua An Dương Vương xưa đánh mất non sông vì trót đẻ ra và trót yêu thương đứa con gái phản tặc có tên là Mỵ Châu. Với tất cả các hành vi nhục nhã mà họ đã làm, chế độ Hà Nội giờ đây đã chính thức trở thành một thứ Mỵ Châu.
Tuy nhiên, Mỵ Châu xưa là một người đàn bà xinh đẹp nhưng ngu dốt, kẻ luỵ tình nông nổi nên tội bán nước của cô ta còn được người đời khoan dung. Tại đền thờ Cổ Loa có hai tượng đá, tượng đá ngoài sân là biểu tượng Mỵ Châu nằm gục mặt xuống đất mà bất cứ ai đi qua cũng phải đạp một cái lên lưng và nhổ một bãi nước bọt để trừng phạt “con Mỵ Châu bán nước”. Còn tượng đá trong đền, tựa như một người đàn bà cụt cổ phủ vải đỏ thì lại được hương khói do lòng đồng cảm với “Mỵ Châu khờ dại và lụy tình”. Dân Việt vốn không cuồng tín, họ phân biệt rõ ràng mọi sự, bên kia chữ lý còn đọng chữ tình.
Nhưng nàng Mỵ Châu ngây thơ, khờ dại đã chết từ mấy ngàn năm trước, còn chính quyền Mỵ Châu bây giờ không một chút khờ dại mà cũng chẳng luỵ tình ai, nó chỉ luỵ cái túi tiền của chính nó. Mọi tính toán của nó chỉ nhằm tu tạo, xây đắp quyền lợi bản thân, cũng như con thú chỉ có một đam mê duy nhất là liếm cho mượt bộ lông của chính nó mà thôi.
Mỵ Châu ngày nay là một con đĩ già trơ trẽn, trần truồng nằm dạng háng sẵn cho phương Bắc.
Người dân Việt phải chém cụt đầu con đĩ ấy, trước khi nó kịp trao hết nỏ thần vào tay giặc nếu chúng ta không muốn lặp lại số phận bi thảm của An Dương Vương.
Dân tộc Việt không thể làm được điều ấy, nếu quân đội không đứng lên cùng vớ
i họ.
Quân đội, những người lính của nhân dân, các anh còn ngủ đến bao giờ?”

Chỉ mới qua mấy cuộc biểu tình ngắn ngủi, từ quốc nội đến hải ngoại, dư luận đã thấy cuộc chuyển lửa cách mạng ngoạn mục từ thế hệ già, sang thế hệ trung niên, và thế hệ trẻ, có trình độ kỹ thuật cao, theo đà tiến mau của điện tử, trên khắp các lãnh vực truyền thông tân tiến, nên sự sụp đổ của độc đảng độc tài, hay nói rõ hơn là sự sụp đổ của Cộng sản Việt Nam, chỉ còn là chuyện thời gian.

Nếu công an nhờ các cuộc biểu tình này mà chúng trắc nghiệm khả năng đối phó với bạo loạn có thể xảy ra; thì cũng qua đó, tuổi trẻ tiếp nối lửa đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam cũng trắc nghiệm được khả năng tuyệt vời của cuộc nối kết các lực lượng tự phát cách mạng, như cuộc cách mạng Bông Lài đã thành công ở Tunisia, rồi sau đó thành công ngoạn mục ở Ai Cập và nhiều nơi khác ở Phi châu và Trung đông.

Từ đó, bỏ qua vài thất bại nhứt thời để hiểu sự im lặng phần nào của lớp người trẻ chưa bước xuống đường chỉ là thái độ “chờ xem”, thái độ nghiền ngẫm, để cuộc trắc nghiệm tuyệt vời của lớp người trẻ đợi đúng thời cơ tiến lên làm lịch sử, không chút mưu toan quyền danh lợi lộc. Ðó là cuộc cách mạng tuyệt vời của những “anh hùng vô danh”…

……những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao gờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước...

…như lời thơ hào hùng của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy hơn nửa thế kỷ trước.

Hẹn con thư sau,
Giáo Già

0 comments:

Powered By Blogger