Nhà
nước CSVN vừa tròn 70 tuổi vào ngày 2 tháng 9. Kể từ khi ra đời, nhà
nước này đã làm được những gì, để lại dấu ấn ra sao và đất nước, con
người Việt Nam trong 70 năm qua đã thay đổi thế nào - đó chính là những
điều mà chương trình Diễn Đàn Bạn Trẻ tuần này cùng bàn luận tới. Mời
quý vị cùng đến với Chân Như và 3 bạn khách mời trong chương trình.
Chân Như: Sau 70 năm, các bạn đánh giá thế nào về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, của Việt Nam so với thế giới?
Trường Sơn:
Đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ĐCSVN khai sinh ra đến nay được
70 năm. Hôm qua em đọc được bài báo em cũng không bất ngờ lắm tức là
chúng ta tụt hậu so với Hàn Quốc, các nước trong khu vực. Theo thống kê
vừa rồi em đọc được Việt Nam đứng thứ 6 trong hiệp hội các nước ASEAN
10 nước thì chỉ hơn được Myanmar, Lào và Campuchia thôi. Rõ ràng là sau
70 năm nắm quyền đến bây giờ mà vị thế ở đất nước chúng ta lại ở một
chỗ thấp như vậy thì em cho rằng nó không thỏa đáng và không xứng tầm.
Vị thế của VN hiện nay nói trong khu vực Đông Nam Á thôi mà đã thấp như
vậy rồi mà chúng ta nói rộng hơn ở trên bình diện quốc tế thì VN hoàn
toàn có thể gọi là một trong những thế giới thứ 3.
Tuấn Anh:
Em chỉ có một đánh giá đó là em cũng đồng ý với bạn Trường Sơn về những
nhận định của bạn. Nếu mình đặt trong mối so sánh với những nước khác ở
trên thế giới và ngay cả bây giờ là những nước ở trong khu vực Châu Á
cũng như một khu vực hẹp hơn là ASEAN thì Việt Nam đang tụt hậu. Tuy
nhiên nếu mình đặt cái mốc là 70 năm thì thực ra nó cũng chưa thỏa đáng
cho lắm. Nếu đặt thì nên đặt những mốc chẳng hạn 40 năm, bởi vì chỉ sau
1975 thì thật sự Việt Nam mới tồn tại như một quốc gia với toàn vẹn lãnh
thổ từ Bắc vào Nam như bây giờ. Em vẫn nghĩ khi mình đặt ra sự đánh
giá thì tùy mình đặt những tiêu chí cũng như những mốc nào để mình so
sánh. Tuy nhiên phải thừa nhận là so với những tiềm năng phát triển của
Việt Nam thì chỗ đứng của Việt Nam bây giờ nó không xứng đáng với tiềm
năng phát triển mà lẽ ra mình phải được một chỗ đứng cao hơn. Tuấn Anh
nghĩ đây là một nhận định mà nó tìm kiếm được sự đồng thuận không phải
chỉ ở những người dân bình thường mà còn trong một số lượng lớn những
người trong đảng cầm quyền hiện nay là ĐCSVN, và ngay cả một số người
chóp bu. Nếu như mọi ngưòi theo dõi thì có thấy ông phó trưởng ban tuyên
giáo Vũ Ngọc Hoàng cũng chỉ ra được điểm đó. Chỗ đứng của Việt Nam
không tương xứng so với lại những nước trước đây cũng có một thời gian
chỉ ngang tầm với Việt Nam như Hàn Quốc, như Đài Loan vân vân thì bây
giờ mình bị các nước đó bỏ xa quá. Đó là một thực tế đáng buồn và thật
sự đất nước không đáng phải chịu một hoàn cảnh như vậy.
Minh Hiển:
Em cũng có đọc bài báo đấy và không hiểu họ suy ra từ đâu nhưng tóm lại
Việt Nam thì riêng xét theo tỉ số GDP đầu người thì nó đã bằng 1-2/5
của Thái Lan, ¼ của Hàn Quốc và 1/17 của Singapore. Như vậy là tụt hậu
so với các quốc gia này từ 20 cho đến 35 năm. Tuy nhiên, trong tương
lai, chúng ta khó có khả năng cải thiện được các thứ hạng này. Thậm chí
là tụt sâu hơn là bởi vì như nhiều các chuyên gia kinh tế đã nói từ lâu
nay là Việt Nam đang có nguy cơ mà nhiều người đã cho rằng đã vấp phải
việc rơi vào bẫy tăng trưởng. Hầu hết là chúng ta nhiều khả năng là sẽ
đủng đỉnh mãi trong cái mức thu nhập và các điều kiện sống hiện nay thôi
và để mặc cho các quốc gia khác vẫn cứ phát triển và tiến lên mãi. Đây
là một điều rất bất hợp lý nếu xét theo cả một quá trình vài chục năm
đất nước ta đã có được độc lập hay là gì đấy mà càng ngày càng tụt hậu.
Đấy là một điều không ai mong muốn cả.
Chân Như:
Có vẻ như hình ảnh của Việt Nam đối với người nước ngoài, đặc biệt
những nước lân cận, khi họ nhìn vào người Việt Nam thì họ đều nghĩ đến
ngay chuyện hàng trăm cô gái Việt Nam không được phép nhập cảnh
Singapore, hàng trăm cô gái Việt bị bắt giữ khi hoạt động mại dâm tại
các nước Đông Nam Á, những tấm biển cảnh báo không trộm cắp bằng tiếng
Việt tại Nhật, Hàn Quốc..Tuấn Anh nghĩ sao về những hình ảnh này dưới sự
lãnh đạo của ĐCSVN.
Sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực (2015)
Tuấn Anh:
Em cũng có được cái may mắn đó là khoảng thời gian vừa qua cũng có đi
được một số nước trên thế giới. Em xin chia sẻ với những sự kiện như anh
Chân Như vừa đề cập đến. Những chuyện như khi nhập cảnh vào Singapore
bị làm khó dễ thì chính em cũng đã trải nghiệm cảm giác đấy khi mà người
ta cũng đưa mình vào một cái phòng và sau đó đặt những câu hỏi. Tuy
nhiên, em muốn nhìn vấn đề bớt bi quan một chút, bởi vì ngay cả trong
việc bị hỏi han khi nhập cảnh vào Singapore thì em thấy cũng không phải
chỉ mỗi (người) Việt Nam đâu, cũng khá nhiều nước, chẳng hạn như có cả
một vài người Malaysia hoặc Indonesia. Nhìn chung đó là cảnh chung của
những nước chậm tiến, nhược tiểu. Nếu mình nhìn Việt Nam trong chiều
dài lịch sử cũng có những khoảng thời gian có được vị thế cao chẳng hạn
như những thời gian của vua Gia Long, vua Minh Mạng cũng là một thế lực
đáng gờm ở Đông Nam Á, nhưng tuyệt đại đa số những khoảng thời gian còn
lại thì vẫn nằm trong thân phận nhược tiểu và chậm tiến so với thế
giới. Do đó, nếu mình nhìn như vậy thì mình bớt được những phần bi
quan. Tuy vậy, không phải mình dùng điều đó giống như một biện minh để
nói rằng là mình cũng giống như người ta, nhưng mình nên đặt câu hỏi là
mình có đáng bị như vậy hay không với những khả năng, những tố chất,
những tiềm lực quốc gia như Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số các ví dụ
của anh Chân Như thì em nghĩ thì mình cũng nên phân định một số ví dụ,
chẳng hạn như những chuyện về trộm cắp hoặc có những hành vi tệ hại vi
phạm pháp luật ở các nước sở tại đúng là đáng lên án. Còn riêng về vấn
đề mại dâm thì bởi vì là người hoạt động về vấn đề nhân quyền, cá nhân
em không nhìn nhận nó như là một việc gì đáng trách hoặc là quá đáng. Em
coi hoạt động mại dâm, dưới góc nhìn nhân quyền, là một nghề nghiệp
lao động bình thường. Ở đây, sở dĩ những cô gái Việt Nam đi sang
Singapore bị làm khó dễ là bởi vì họ đang hành nghề một cách trái phép.
Tuy nhiên, dưới góc độ đạo đức thì em hoàn toàn không đưa ra bất kỳ cái
phán xét gì về chuyện hoạt động mại dâm, cả trong nước lẫn nước ngoài.
Em chia sẻ tất cả những dẫn chứng của anh thì đều cho thấy một cái thực
tế tương đối là đau buồn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi
những cái nhìn của nhiều nước đối với những người mang hộ chiếu Việt Nam
không được thiện cảm.
Chân Như:
Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm quốc khánh, 40 năm ngày 30 tháng 4, chính
quyền Việt Nam cho tổ chức rất hoành tráng, linh đình, mà họ cho rằng
“lớn nhất từ trước đến nay”. Theo các bạn điều đó có hợp lý hay không
trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, khi mà nợ công càng ngày càng
tăng vọt, thâm hụt ngân sách lớn, và đói nghèo vẫn còn tràn lan.
Minh Hiển:
Có nhiều những cái ý kiến cho rằng việc tổ chức các sự kiện như trên sẽ
có tác dụng kích cầu nền kinh tế trong giai đoạn có dấu hiệu suy thoái
hoặc là tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, em cho rằng tất cả những lập luận
này đều là ngụy biện bởi vì tất cả biện pháp kích thích kinh tế theo
thuyết Keynes để thành công thì song song với nó là phải có những cơ chế
giám sát và đánh giá minh bạch độc lập. Trong khi thực tế ta thấy ở
Việt Nam chưa có bất cứ một tổ chức nào như vậy. Khi chúng ta còn đang
kêu gọi những kế hoạch minh bạch ngân sách ở tất cả các cấp, thì việc
chi tiêu lãng phí vẫn cứ diễn ra và tiếp tục làm xói mòn những đồng tiền
thuế mà lẽ ra để dành cho đầu tư phát triển. Trong “Báo cáo kinh tế
thường niên Việt Nam 2014” nói đến Tổng chi ngân sách năm 2013 là 931 tỷ
đồng, con số tương đương 26% GDP, nhưng trong số này, tỷ trọng lớn nhất
là chi thường xuyên tới 78%, một tỷ lệ rất cao. Và những việc tổ chức
những sự kiện linh đình, rùm beng như thế này thì chúng ta thấy nó rõ
ràng là việc một việc vô cùng lãng phí trong khi nguồn lực đấy lẽ ra
phải dành cho đầu tư phát triển, giáo dục ..v.v..
Trường Sơn:
Suy nghĩ cá nhân của em về việc chính quyền Việt Nam hay thích tổ chức
những sự kiện linh đình là do người ta sử dụng những dịp như thế này để
vớt vát chút lòng tin của người dân; Nặng nề hơn em nghĩ người ta muốn
đánh bóng lại tên tuồi của họ, cái công trạng của họ trong quá khứ để
cho người ta thêm tính chính danh, cái sự cầm quyền của họ mà thôi chứ
còn người ta không quan tâm gì đến chuyện là chúng ta đang thâm hụt ngân
sách thế nào, nợ công của chúng ta cao bao nhiêu. Còn tất nhiên đối
với cá nhân của em thì những chuyện lễ lạc rồi kỷ niệm tưng bừng tốn kém
hàng tỷ như thế này thì em hoàn toàn không đồng ý. Em không đồng ý
điểm thứ nhất như anh Hiển nói đó là tính minh bạch. Ở VN chúng ta không
có tồn tại chuyện đó là sau những dịp kỷ niệm như thế này thì người ta
báo cáo với người dân giải trình với người dân về kinh phí được sử dụng
ra sao, ai là người chịu trách nhiệm, và cơ quan nào là cơ quan thống
kê. VN hoàn toàn không có chuyện đấy. Người ta có thể nói rằng người ta
chi 10 nghìn tỷ trong dịp này chẳng hạn, nhưng vấn đề người ta không
biết được rằng con số thực chất hết là bao nhiêu còn bao nhiêu là rơi
vào tay cơ quan công quyền, những con người tham nhũng. Thứ hai ai cũng
biết là chúng ta là đất nước nghèo đói, chúng ta nói rằng là quốc gia
thu nhập trung bình nhưng thật ra là vì chúng ta chia đầu người vậy thôi
chứ phần lớn là những bộ phận Việt Nam hiện tại cái thu nhập người dân
rất thấp, đời sống khá khó khăn mà chúng ta lại bỏ hàng nghìn tỷ để tổ
chức những kỷ niệm như thế này thì em thấy nó hoàn toàn là lãng phí,
không thỏa đáng. Em cho rằng kỷ niệm ngày này đối với ĐCSVN là việc bắt
buộc phải làm vì đây là ngày họ cho là ngày quốc khánh. Quốc gia nào
cũng nên kỷ niệm ngày quốc khánh của mình dù muốn hay không. Thế nhưng,
quy mô của nó chúng ta phải tổ chức ra làm sao cho phù hợp với điều kiện
kinh tế của quốc gia cũng như là phù hợp với điều kiện sống của đất
nước. Đó là ý kiến cá nhân của em.
Tuấn Anh:
Em chỉ có chút ý kiến đó là theo dõi những ngày này thì em thấy có
những cái hình ảnh tương phản rất là nực cười. Những cái mà mình phân
tích nãy giờ về vị trí bết bát của Việt Nam khi so sánh với phần còn
lại của thế giới, trong khi đó, lại tổ chức một lễ kỷ niệm rình rang tốn
kém. Đó là một hình ảnh tưởng phản nhưng ở góc độ xa. Còn một tưởng
phản ớ góc độ gần hơn là các khẩu hiệu treo trong những ngày này có chữ
như là độc lập, tự do, hạnh phúc. Tuy nhiên, đa phần trên mạng xã hội
thì thấy người ta than thở về chuyện tắt đường không đi lại được và
nhiều thứ khác tệ hại khi mà một đô thị bị bí bách về chuyện đường xá.
Điều đó rất là tương phản với nhau không thấy có chút nào có sự tự do đi
lại là thứ nhất và cũng không thấy họ thể hiện ra trên gương mặt họ
những gì hạnh phúc cả. Hai hình ảnh tương phản đó có thể đang phác họa
một thực tế mà hiện nay tồn tại tại Việt Nam, khi một bên cứ muốn linh
đình hoành tráng tin tưởng rằng là người dân cũng sẽ hoan hỉ hạnh phúc,
và chia vui với mình, trong khi bên còn lại thì thờ ơ đôi khi còn cảm
thấy là bực dọc, phiền toái. Càng lúc càng thấy nhà nước có vẻ gì đó họ
cô đơn giữa dân chúng của họ
Chân Như: 70 năm nhìn lại, với những điều chúng ta được chứng kiến tại Việt Nam, các bạn mong muốn tương lai đất nước sẽ ra sao?
Tuấn Anh:
Con số 70 năm nó gợi cho em một gợi nhớ khá thú vị, đó là trên thế giới
có một chuyên gia hàng đầu về dân chủ tên Larry Diamond của đại học
Standford ông có một bài tiểu luận và đưa ra một thuật ngữ gọi là “cái
dớp 70 năm” khi ông nghiên cứu một số các chế độ cộng sản hoặc độc tài
trên thế giới và đặc biệt là các cộng sản ở Đông Âu và đặc biệt Liên Xô
thì ông thấy rằng là hình như nó có một trùng hợp ngẫu nhiên là sau khi
các nước gốc gác Cộng Sản người ta chiếm được chính quyền ở các nước đó
bằng một chiến thắng về quân sự thì thường người ta chỉ cầm quyền được
trong 70 năm thì người ta sụp đổ. Phân tích sâu hơn thì ông chỉ ra một
điều đó là vốn liếng chính trị của những lực lượng cộng sản đấy từ chiến
thắng quân sự, chiến thắng giải phóng dân tộc- cái vốn liếng mà họ chỉ
có thể tiêu xài trong vòng 70 năm thôi, còn sau đó thì bắt đầu người dân
đòi hỏi họ những thành tích khác, chẳng hạn về mặt kinh tế, an sinh xã
hội, giáo dục, văn hóa..... Theo em nghĩ Việt Nam hiện tại đang có vẻ
như rơi vào “cái dớp 70 năm” theo dự đoán của Larry Diamond. Càng lúc
cảm giác của em nó càng rõ rang. Và dĩ nhiên cái cảm giác đó khi càng rõ
ràng thì nó đi liền với một cái hy vọng của em về một nước Việt Nam
mới, nơi mà các lực lượng chính trị với những khuynh hướng chính trị
khác nhau, người ta được cạnh tranh với nhau một cách bình đẳng văn
minh, ôn hòa, không bạo lực, không nhồi da xáo thịt để chọn ra được
những giải pháp những chính sách tốt cho Việt Nam; Xen lẫn giữa những
lực lượng chính trị đó thì nó có một khu vực xã hội dân sự phát triển
lành mạnh rộng khắp mà người dân có ý thức hội đoàn, ý thức cộng đồng
cao và cả xã hội dân sự lẫn các lựng lượng chính trị chung vai gánh vác
những chuyện quốc gia. Em nghĩ với tiềm lực của Việt Nam hiện tại cả về
con người, về vị trí địa lý, về nguồn nhân lực trong cộng đồng người
Việt Hải Ngoại khắp năm châu bốn bể cùng với lại một thể chế có tính
chất bao hàm, xây dựng như vậy thì chỉ trong một thời gian ngắn VN thứ
nhất sẽ thoát được “cái dớt 70 năm”. Sau đó Việt Nam sẽ tham gia và trở
thành một phần của thế giới văn minh. Thứ nhất là giải quyết các vấn đề
nội tại của bản thân và sau đó tính tới những chuyện là đóng góp cho
thế giới. Đó là điều mà em rất hy vọng và càng lúc em thấy hy vọng của
mình nó càng có nhiều căn cứ để tồn tại hơn.
Trường Sơn:
Câu hỏi này đối với em nó rất là rộng bởi vì em có rất nhiều mong muốn
dành cho Việt Nam trong thời gian tương lai. Thế nhưng, em cũng muốn
chia sẻ ngắn gọn đó là trước hết em luôn có tồn tại niềm khao khát rất
lớn đó là trong tương lai gần thì Việt Nam sẽ có được tự do. Tự do ở
đây thứ nhất là về mặt chính trị, người dân VN sẽ được tham dự nhiều hơn
nữa vào trong công việc chính trị quốc gia, mà trong tình cảnh hiện nay
chúng ta thấy nó được độc quyền hành động bởi ĐCSVN. Tiếp theo thế nào
để cho nền kinh tế của chúng ta phải được cải thiện, giúp đời sống của
người dân Việt Nam được nâng lên. Đó là hai mong muốn mà em luôn khao
khát và em nghĩ rằng trong tương lai gần nếu quyết tâm thì chúng ta có
thể làm được. Những mong muốn xa xôi thì em không muốn nói đến.
Minh Hiển:
Vâng nhìn chung thì tất cả những vấn đề về bao quát thì hầu hết em nghĩ
là chúng ta đề có những điểm chung. Em còn có một ước muốn riêng bởi vì
ngay dân mình việc tổ chức linh đình này thì em nẩy ra một mong muốn
rất riêng và kỳ vọng và có thể xảy ra trong tương lai gần. Đó là sau này
cứ mỗi tổ chức nào mà có thể lãnh đạo đất nước mà họ không hao phí tiền
thuế của nhân dân và chúng ta có một cơ chế là minh bạch giám sát gì
đấy hoặc tất cả làm theo cái guồng máy ấy thì em sẽ đi bỏ phiếu cho tổ
chức ấy bất kể họ là ai.
- Xin cám ơn Tuấn Anh, Minh Hiển và Trường Sơn đã dành thời gian để đến với chương trình kỳ này.
0 comments:
Post a Comment