Saturday, September 26, 2015

Friedrich II và von Bismarck: những lãnh đạo thiên tài mà Việt Nam cần có

Nhìn lại đất nước Việt Nam thân yêu, từ ngày có tên Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, đã có nhân vật nào xuất thân cộng sản có được những phẩm chất và năng lực như vua Friedrich II và thủ tướng Bismarck hay không, làm được những việc như họ đã làm hay không? Nếu chúng ta muốn đất nước được mở mày mở mặt, vươn lên như nước Đức năm xưa đã làm thì hãy can đảm tiếp thu bài học này. Phải xóa bỏ cộng sản triệt để, tìm những người có tài năng, phẩm chất tương tự để gánh vác công việc quốc gia. Nước Đức không tự nhiên giàu mạnh, chúng ta cũng không thể tự nhiên giàu mạnh. Không tự vận động cứu lấy bản thân thì suốt đời chỉ ngập ngụa trong bùn đen mà thôi. Đồng bào Việt Nam! Chúng ta hãy dũng cảm và sáng suốt quyết định vận mệnh của chính mình.

*

Vẫn biết mỗi dân tộc đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt đáng để chúng ta học hỏi, nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ và tôn trọng nhất hai dân tộc Nhật và Đức. Ở Việt Nam, người ta thường hay nhắc đến tinh thần Đức mỗi khi những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh như Euro hay World Cup được tổ chức. Đội tuyến Đức là tập hợp những cầu thủ mắt xanh, tóc vàng, cao lớn luôn thi đấu với cái đầu lạnh lùng và trái tim nhiệt huyết chẳng khác gì những chiến binh. Hình ảnh Franc Beckenbauer với cánh tay bị trật phải băng lại vẫn tiếp tục tả xung hữu đột trên sân cỏ trong trận đấu với đội tuyến Ý năm 1970 đã trở thành bất diệt và là biểu tượng cho một tính cách Đức rất đặc trưng. Tuy nhiên tính cách của một dân tộc không phải một sớm một chiều là có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu dài đăng đẳng.

Nếu chúng ta ngược về quá khứ sẽ thấy rằng nước Đức thống nhất hôm nay là tập hợp của rất nhiều công quốc và tiểu quốc nằm trong một liên minh lỏng lẻo gọi là La Mã thần thánh. Phổ là một trong số những công quốc này, lãnh thổ của nó chỉ gồm Brandenburg và một số vùng đất nằm rải rác khắp nơi. Có thể nói quốc gia này không gặp thiên thời cũng chẳng có địa lợi khi mà dân số ít ỏi, tài nguyên nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt, lại luôn bị các đạo quân châu Âu càn quét qua lại. Tuy nhiên Phổ vẫn tồn tại và vươn lên vì đã có được những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ nói về hai người là vua Friedrich II và thủ tướng Otto von Bismarck.

1. Friedrich II (1712-1786)

Được người Đức tôn xưng là Friedrich đại đế hay còn gọi thân mật là cụ già Fritz. Sau khi lên nối ngôi vua cha Friedrich Wilhelm I, ông đã trị vì nước Phổ suốt 46 năm và đã đưa Phổ lên hàng cường quốc của châu Âu. Ngay từ thuở thiếu thời, Friedrich II đã được giáo dục rất tốt. Ông rất đam mê thi ca, văn học, nghệ thuật và triết học. Đến khi trưởng thành, ông càng tỏ ra là một người có tư tưởng phóng khoáng và hoài bão to lớn.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, tác phẩm "Quân vương (The Prince)" của chính trị gia người Ý Niccolò Machiavelli luôn được xem là tài liệu gối đầu cho các vị vua châu Âu. Tuy nhiên ở tuổi 28 khi vẫn chưa lên ngôi, Friedrich II đã cực lực bác bỏ quan điểm "lừa đảo và sử dụng bạo lực khi cần thiết" của Machiavelli khi cho rằng điều này hủy hoại tư cách và tôn nghiêm của một vị vua. Đồng thời ông cũng chủ trương "trị vì đất nước trên quan điểm công bằng, nhân từ và bác ái". Sự tiến bộ nhất về trí tuệ của Friedrich II chính là nhận định "vua không phải là người có quyền uy vô thượng mà chỉ là người công bộc đầu tiên của quốc gia". Những đảng viên cộng sản Việt Nam vì ít chịu đọc sách và không hiểu gì về lịch sử thế giới mới ngu muội tin rằng câu nói "cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân" là sáng tạo của lão Hồ Chí Minh. Thật ra lão ta chỉ ăn cắp và sửa chữa lại phát biểu của vị vua Phổ từ năm 1739 mà thôi.

Sau khi lên ngôi, Friedrich II đã lập nên những kì tích phi thường mà vào thời điểm đó không một vị vua nào trên lục địa châu Âu có thể sánh kịp:

- Về quân sự: Ông đã xây dựng và phát triển một quân đội hùng mạnh, tinh nhuệ và có kỉ luật khắt khe bậc nhất châu Âu. Bằng chiến thuật "đánh lấn sườn" độc đáo, ông đã chỉ huy quân đội Phổ giành rất nhiều thắng lợi vang dội trong chiến tranh với Áo (1740-1748) và sau đó là chiến tranh bảy năm chống lại liên minh ba nước hùng mạnh Nga-Áo-Pháp (1756-1763). Dưới triều đại của ông, lãnh thổ Phổ không những được bảo toàn nguyên vẹn mà diện tích còn tăng lên gấp đôi.

- Về kinh tế: Với suy nghĩ một nước có nền kinh tế yếu kém không bao giờ có thể tự vệ được, ông đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng để vực dậy đất nước sau những cuộc chiến tranh khốc liệt như khuyến nông, bảo hộ công nghiệp, cải tổ hệ thống thuế, thiết lập ngân hàng, tái định cư nông dân trên những vùng đất bỏ hoang, trợ cấp cho vợ con những binh sĩ đã tử trận... Nước Phổ do ông trị vì dù có những lúc khó khăn cùng cực vẫn không bao giờ thiếu nợ ai.

- Về văn hóa-xã hội: Phổ là quốc gia đầu tiên bãi bỏ hình phạt tra tấn. Ông cũng thực hiện chính sách tự do tôn giáo khi cho phép những người theo đạo Tin lành đến định cư trên những vùng đất của mình. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết học ánh sáng của Voltaire, ông đã tiến hành nhiều cải cách sâu rộng về bộ máy hành chính nhà nước. Người dân Phổ có quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí dù bị hạn chế. Trường học được xây dựng khắp nơi để mở mang trí tuệ cho người dân. Friedrich II cũng đích thân thành lập Viện hàn lâm khoa học Berlin vào năm 1744 và cho xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị vẫn tồn tại đến ngày nay như những biểu tượng đầy kiêu hãnh cho giá trị văn hóa Đức như cung điện Sanssouci, nhà hát quốc gia, thư viện hoàng gia...

- Về đối ngoại: Tuy đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ và mở mang bờ cõi nhưng phần lớn triều đại của ông, dân chúng được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Ông cũng theo đuổi chính sách ngoại giao hết sức khôn khéo, thiết lập những liên minh tùy hoàn cảnh nhằm đem lại lợi ích cho đất nước. Thành công trong việc thiết lập "Liên minh các vương hầu người Đức" năm 1785 của ông chính là tiền đề cho công cuộc thống nhất nước Đức về sau.

⇨ Những thành quả to lớn mà ông đạt được trong suốt thời gian trị vì đất nước đến từ trí tuệ và tính cách của mình. Là vị vua được giáo dục rất tốt, ham học hỏi, dũng cảm, cần cù, thường xuyên đi thị sát tình hình dân chúng, ông rất được thần dân mến mộ. Sau khi chiến tranh bảy năm kết thúc, ông thường thức dậy từ 4 giờ sáng và làm việc 20 giờ mỗi ngày với mong muốn nhanh chóng vực dậy nước Phổ đang kiệt quệ. Là người đứng đầu một đất nước nhưng ông sống rất bình dị và đạm bạc, thậm chí là khổ hạnh. Khi qua đời, người ta phải mặc cho ông áo sơ mi của một người lính hầu vì ông không hề có một bộ quần áo nào tươm tất. 

Hàng mấy trăm năm sau người Đức vẫn thán phục ông, châu Âu và cả thế giới phải ngưỡng mộ ông. Hoàng đế Napoléon Bonaparte của Pháp từng thừa nhận sẽ không bao giờ tiến được vào kinh đô Phổ nếu Friedrich II vẫn còn sống. Adolph Hitler khét tiếng là nhà độc tài vẫn phải tán dương ông là anh hùng của dân tộc Đức, dựa vào ông để xây dựng hào quang cho đệ tam đế chế Đức và đảng Quốc xã. Friedrich II đại đế là tấm gương sáng về đạo trị quốc cho những nguyên thủ quốc gia ngày nay bởi những phẩm chất tuyệt vời mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng cần có.

2. Otto von Bismarck (1815-1898)

Thủ tướng nước Phổ và nước Đức thống nhất, Bismarck cũng là nhân vật rất được ngưỡng mộ ở Đức. Xuất thân trong một gia đình địa chủ quý tộc trung lưu Junker, Bismarck được học hành tử tế và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông đã trải qua một quá trình rèn luyện và phấn đấu chính trị lâu dài trước khi trở thành thủ tướng Phổ. Công lao lớn nhất của Bismarck đối với dân tộc Đức chính là việc thống nhất thành công 25 công quốc trong liên minh La Mã thần thánh để hình thành nên nước Đức hiện tại, điều mà không ai làm được trong suốt cả ngàn năm. Tương tự như vua Friedrich II, tài năng của Bismarck là không thể phủ nhận được trên nhiều phương diện:

- Về quân sự: Với sự trợ giúp đắc lực của hai vị tướng tài Helmuth von Moltke và Albrecht von Roon, các cuộc chiến tranh do Phổ phát động dù là chống lại quốc gia nào: Đan Mạch, Áo hay Pháp đều giành chiến thắng.

- Về chính trị: Bismarck chỉ tiến hành chiến tranh vì quyền lợi tối thượng của nước Đức. Chiến tranh với Đan Mạch đã giúp Đức chiếm được lãnh thổ Schleswig và Holstein. Chiến tranh với Áo tạo điều kiện cho Phổ thành lập liên bang Bắc Đức. Chiến tranh với Pháp đã đưa uy tín của Phổ lên tột đỉnh và trở thành lãnh đạo của nước Đức thống nhất năm 1871. Vua Wilhelm I của Phổ trở thành vua nước Đức và Bismarck từ thủ tướng Phổ trở thành thủ tướng Đức. Sau sự kiện nước Đức thống nhất, Bismarck đã cố gắng xây dựng một chính sách ngoại giao hòa bình với tất cả các quốc gia châu Âu vì ông muốn bảo vệ nước Đức non trẻ trỗi dậy trong thịnh vượng. Đáng tiếc đường lối này đã bị phá bỏ sau khi vua Wilhelm II lên ngôi và sa thải ông. Kết quả chính là sự bùng nổ thế chiến thứ nhất năm 1914 với sự khơi mào của những thế lực quân phiệt hiếu chiến Đức.

- Về kinh tế, xã hội: Nước Đức dưới sự điều hành của Bismarck là quốc gia đầu tiên thiết lập chế độ phúc lợi xã hội trên toàn thế giới bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tàn tật và lương hưu. Adolph Hitler sau này đã nghiên cứu rất kĩ những chính sách của Bismarck nhằm mục đích mị dân để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của hắn.

⇨ Cả cuộc đời Bismarck tận tụy phục vụ vua Wilhelm I và nước Đức. Ông nổi tiếng bởi tầm nhìn xa trông rộng và có khả năng tiên đoán sự kiện một cách kì lạ. Trong thời kì mà các quốc gia châu Âu đang thay nhau xâm chiếm thuộc địa khắp nơi thì Bismarck đã tỏ ra thờ ơ vì ông cho rằng chiếm đóng các thuộc địa sẽ bòn rút và làm kiệt quệ sức mạnh của các nước đi xâm chiếm. Lập luận này đã trở thành sự thật khi Anh, Pháp, Tây Ban Nha... đều không thể duy trì được hệ thống thuộc địa của mình sau thế chiến thứ hai. Trước khi qua đời, ông đã cảnh báo vua Wilhelm II về nguy cơ đến từ quân đội. Quả nhiên năm 1918, vua đã bị lật đổ khi quân đội không còn ủng hộ chế độ quân chủ. 

Ông cũng đưa ra một dự báo mà thời điểm xảy ra chính xác đến cả năm, tháng về thất bại không thể tránh khỏi của nước Đức một khi xảy ra chiến tranh sau khi đường lối ngoại giao hòa bình của ông bị xóa bỏ: "Trận Jena đã xảy ra hai mươi năm sau ngày mất của Friedrich đại đế. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến như thế này thì hai mươi năm sau khi tôi ra đi, sự sụp đổ một lần nữa sẽ đến với chúng ta (Jena came twenty years after the death of Frederick the Great; the crash will come twenty years after my departure if things go on like this)". 

Bismarck cũng đã tiên tri được nguyên nhân thế chiến thứ nhất khi phát biểu: "Một ngày kia, chiến tranh sẽ bùng nổ dữ dội ở châu Âu vì một sự kiện ngu xuẩn ở Bankan" (One day the great European War will come out of some damned foolish thing in the Balkans). Đó là sự kiện một số thành viên của tổ chức Bàn tay đen người Serbia đã ám sát thái tử Franz Ferdinand thừa kế ngai vàng Áo-Hungary tại Bosnia năm 1914. Đây chính là cái cớ cho Áo-Hungary tuyên chiến với Serbia, châm ngòi thế chiến thứ nhất.

3. Lời kết

Nhìn lại hai vĩ nhân người Đức này, chúng ta có thể thấy một số điểm khá tương đồng dù bối cảnh, xuất thân và thời điểm lịch sử của họ rất khác nhau:

- Họ được giáo dục rất tốt, thông thạo ngoại ngữ, ham học hỏi và trải qua quá trình rèn luyện đầy thử thách và gian khổ.

- Họ là những người thông minh, có tài năng bẩm sinh, có óc suy xét phán đoán và tầm nhìn chiến lược rất sắc sảo.

- Họ đều yêu tổ quốc và làm mọi việc để đưa đất nước đi lên.

- Họ có những tính cách điển hình của dân tộc Đức đó là giản dị, cần cù, nhẫn nại, thực tế, không ngại gian khổ và hi sinh...

- Những thành tựu họ đạt được đã đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho nước Đức. Có những việc họ chính là những người đi tiên phong trên toàn thế giới.

- Họ không bao giờ hài lòng với những gì đã làm được, không kiêu ngạo và cũng không yêu cầu người khác biết ơn hay ca tụng mình.

- Dù sao đi nữa, lịch sử vốn công bằng với bất kì ai nên những đóng góp của họ đã được hậu thế trân trọng một cách xứng đáng. Nước Đức tôn xưng họ là những anh hùng dân tộc. Thế giới ngưỡng mộ họ là những nhân vật tài ba lỗi lạc.

Trông người rồi nghĩ đến ta! Nhìn lại đất nước Việt Nam thân yêu, từ ngày có tên Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, đã có nhân vật nào xuất thân cộng sản có được những phẩm chất và năng lực như vua Friedrich II và thủ tướng Bismarck hay không, làm được những việc như họ đã làm hay không? Nếu chúng ta muốn đất nước được mở mày mở mặt, vươn lên như nước Đức năm xưa đã làm thì hãy can đảm tiếp thu bài học này. Phải xóa bỏ cộng sản triệt để, tìm những người có tài năng, phẩm chất tương tự để gánh vác công việc quốc gia. Nước Đức không tự nhiên giàu mạnh, chúng ta cũng không thể tự nhiên giàu mạnh. Không tự vận động cứu lấy bản thân thì suốt đời chỉ ngập ngụa trong bùn đen mà thôi. Đồng bào Việt Nam! Chúng ta hãy dũng cảm và sáng suốt quyết định vận mệnh của chính mình.

Ngày 26/09/2015

0 comments:

Powered By Blogger