Tuesday, June 26, 2012

Khi chủ tịch nước cũng kêu buồn

Tác Giả: Ðào Tuấn   
“Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Nghe mà buồn quá”.
               Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang
Trả lời Tuổi Trẻ, chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói “Không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật”. Còn trên Tiền Phong: “Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Nghe mà buồn quá”. Nhân dân sẽ là người phải nói lời xin lỗi vì đã làm ông buồn?
Cả “trăm vấn đề” đã lại được đặt ra trong buổi chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri.
VietNamNet dẫn lời cử tri Bùi Công Sự bày tỏ lo ngại về tình trạng quản lý lỏng lẻo khi để cho người nước ngoài vào mọi địa bàn thu mua nông, hải sản, nuôi trồng không tuân thủ luật lệ của nhà nước, thao túng giá cả, gây thiệt hại cho người dân, có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế. Cử tri này đề nghị: Quốc Hội, nhà nước xem lại con người trong hệ thống của mình. Ðặc biệt là cần quy trách nhiệm tập thể, cá nhân gây ra hậu quả, chứ không thể nói mãi việc rút kinh nghiệm nghiêm khắc, nhưng nói xong cho an dân rồi để đấy.
Cử tri Hoàng Hữu Hiền thì bức xúc trước thực trạng một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước như Vinalines, Vinashin... đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm, không thấy ai đưa đơn từ chức mà chỉ nói rút kinh nghiệm: “Người dân chúng tôi rất không đồng tình. Cá nhân làm sai, tập thể phải chịu, toàn dân phải gánh nợ, điều đó thật không công bằng”.
Cử tri cũng phàn nàn lãi suất cho vay của các ngân hàng là quá cao. Tình trạng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản do thiếu vốn, trong khi trên thực tế chẳng mấy doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để vực dậy sản xuất.
Cử tri đề nghị Quốc Hội, chủ tịch nước giám sát tình trạng sản phụ, thai nhi tử vong ngày càng nhiều; tình trạng đầu cơ, thu gom đất; tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng; tình trạng mạng lưới y tế tuyến dưới yếu kém dẫn đến quá tải tuyến trên; tình trạng phòng khám Trung Quốc thành lập nhiều, quảng cáo rầm rộ nhưng chất lượng khám chữa bệnh bị buông lỏng; bất cập trong công tác thu hồi đất, đền bù, giải tỏa; và vấn đề tham nhũng đang gây nhức nhối trong xã hội...
Ðúng là cả “trăm vấn đề”, cả “ngàn nỗi bức xúc”. Những “vấn đề” đó, là thực tế cuộc sống. Những bức xúc đó, là nỗi lòng người dân. Bức xúc trước thực tế cuộc sống. Và buồn vì cái gọi là trách nhiệm.
Chỉ đáng tiếc đây là những vấn đề lại được đặt ra ngay sau kỳ họp Quốc Hội. Không mới hơn so với những gì người dân đã gửi gắm trước kỳ họp. Cũng chẳng có gì khác so với những kỳ họp trước. Sự lặp đi lặp lại những vấn đề, những tình trạng, và những nỗi bức xúc từ kỳ họp này sang kỳ họp khác, từ năm này qua năm khác cho thấy việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là chưa được rốt ráo, hoặc ít nhất việc giải quyết cũng chưa làm thỏa mãn, chưa làm vơi đi nỗi bức xúc trong lòng người dân. Người đáng buồn, có lẽ phải là nhân dân.
“Nhiều lần tiếp xúc cử tri, tôi rất chạnh lòng. Bà con cô bác nói ở nước ngoài, chỉ cần sập cầu, ngay lập tức bộ trưởng từ chức. Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Nghe mà buồn quá. Tôi khẳng định việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện trong năm nay” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trên Tiền Phong. Cụ thể hơn là: Trung ương đảng sẽ họp kiểm điểm cụ thể theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 trước tháng 10 năm 2012.
Khi được hỏi cảm nhận của mình về bầu không khí “bức xúc, có lúc gay gắt, ít thấy lời khen” trong buổi tiếp xúc cử tri, chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời Tuổi Trẻ “Tôi không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật”.
“Cuộc sống đang diễn ra như thế nào thì cần nói thế đó, không được quy kết thế này thế kia. Những gì dân còn muốn nói với người đại biểu của mình, muốn lãnh đạo biết, hay các phản ánh của báo chí thì suy cho cùng những ý kiến đó cũng nhằm mong muốn phản ánh sự thật, phản ánh những điều nóng bỏng của cuộc sống, mong muốn sớm được giải quyết, chứ không có ý làm cho vấn đề nóng lên hay làm phức tạp thêm” - Câu này cũng là của chủ tịch nước.
Người dân xin cảm ơn chủ tịch nước cũng như các đại biểu Quốc Hội đã lắng nghe sự thật. Duy chỉ có điều, họ mong muốn chủ tịch, mong muốn các vị đại biểu Quốc Hội thể hiện bằng việc làm cụ thể, trên diễn đàn của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao là Quốc Hội để sau mỗi kỳ họp, cử tri không còn thấy ông nói buồn quá.

0 comments:

Powered By Blogger