Wednesday, January 18, 2012

Tốn Tiền Vô Ích!

Tại Sao Trung Cộng lại Yếu về Nhu Lực

Joseph S. Nye Jr. – PBD dịch

Gianpaolo Pagni

Chủ tịch nước của Trung Cộng, Hồ Cẩm Đào, đã đón năm 2012 bằng một bài diễn văn quan trọng cảnh cáo là Trung Cộng đang bị nền văn hóa Tây Phương vùi dập: “Chúng ta phải thấy rõ là các lực lượng thù nghịch quốc tế đang tăng cường âm mưu chiến lược nhằm Tây Phương hóa và chia rẽ Trung Cộng, và các lãnh vực ý thức hệ và văn hóa là trọng tâm của nỗ lực xâm nhập dài hạn của họ,” ông ta viết như thế, và thêm rằng “nền văn hóa quốc tế thì hùng mạnh trong khi chúng ta lại yếu kém.”

Tóm lại, họ Hồ nói rằng Trung Cộng đang bị nhu lực(1) của Tây Phương tấn công — nhu lực là khả năng đem lại kết quả bằng cách thuyết phục và thu hút hơn là cưỡng bách hoặc trả tiền hối lộ — và cần phải phản công.

Trong thập niên qua, sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Cộng đã gia tăng đáng nể, và tình trạng này đã làm cho những nước láng giềng của họ lo sợ mà phải tìm đồng minh để quân bình cương lực(2) đang lên của Trung Cộng. Nhưng nếu một nước cũng có thể gia tăng nhu lực của mình, thì các nước láng giềng của họ cảm thấy bớt có nhu cầu phải tìm đồng minh để quân bình hóa. Chẳng hạn như Canada và Mexico không tìm cách liên minh với Trung Cộng để quân bình sức mạnh của Hoa Kỳ như là những nước Á Châu muốn Hoa Kỳ có mặt tại đó để quân bình Trung Cộng.

Từ năm 2007, họ Hồ đã lên tiếng trước Đại Hội Kỳ 17 của Đảng Cộng Sản Trung Hoa là Trung Cộng cần đầu tư nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên nhu lực của họ. Do đó, Trung Cộng đã chi ra hàng tỷ đô la để mở chiến dịch ve vãn lấy lòng các nước.

Kiểu lấy lòng của Trung Cộng nhấn mạnh đến những biện pháp sao cho nổi bật, chẳng hạn như tái thiết tòa nhà Quốc Hội Cam Bốt hoặc Bộ Ngoại Giao của Mozambique. Kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 được tổ chức linh đình đã nâng cao hình ảnh Trung Cộng, và Kỳ Triển Lãm Thượng Hải 2010 đã thu hút hơn 70 triệu du khách. Diễn Đàn Bác Ngao Á Châu(3) trên Đảo Hải Nam thu hút gần 2.000 chính khách và lãnh tụ thương mại Á Châu đến tham dự một diễn đàn được xem như “Diễn Đàn Davos Á Châu”(4). Và các chương trình viện trợ của Trung Cộng cho Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh không bị giới hạn vì các mối quan tâm về định chế hay nhân quyền như phần viện trợ của Tây Phương.

Trung Cộng vẫn luôn luôn có một nền văn hóa cổ truyền quyến rũ(5), và nay họ đã lập ra vài trăm Viện Khổng Tử trên thế giới để giảng dạy về ngôn ngữ(6) và văn hóa của họ. Số học viên ngoại quốc ghi danh theo học tại Trung Cộng đã tăng từ 36.000 cách đây mười năm lên đến ít nhất là 240.000 vào năm 2010, và trong khi Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cắt giảm chương trình phát thanh bằng tiếng Hoa thì Đài Phát Thanh Quốc Tế của Trung Cộng tăng chương trình phát thanh bằng Anh Ngữ lên 24 giờ mỗi ngày.

Vào năm 2009, Bắc Kinh loan báo các kế hoạch chi tiêu hàng tỷ đô la để phát triển các cơ quan truyền thông toàn cầu để cạnh tranh với Bloomberg, Time Warner và Viacom. Trung Cộng đã đầu tư $8.9 tỷ vào nỗ lực tuyên truyền ra ngoại quốc, gồm cả đài tin tức dây cáp 24 giờ là Tân Hoa Xã để bắt chước đài Al Jazeera.

Bắc Kinh cũng đã dựng thêm hàng rào phòng thủ. Họ giới hạn phim ảnh ngoại quốc chỉ được 20 phin mỗi năm, trợ cấp cho các công ty Trung Cộng sản xuất các sản phẩm văn hóa, và đã cấm các chương trình truyền hình nào bắt chước các chương trình giải trí của Tây Phương.

Nhưng dù có tất cả các nỗ lực như vậy, Trung Cộng chẳng thu được bao nhiêu kết quả trên số đầu tư của mình. Một cuộc thăm dò mới đây của BBC cho thấy là công luận về ảnh hưởng của Trung Cộng là tốt đẹp tại phần lớn Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, nhưng đại đa số lại thấy là xấu xa tại Hoa Kỳ và Âu Châu, cũng như tại Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Một cuộc thăm dò tại Á Châu sau kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh đã thấy là chiến dịch ve vãn lấy lòng của Trung Cộng đã không có hiệu quả.

Điều mà Trung Cộng xem chừng như không nhận ra là không dễ sử dụng văn hóa và tuyên truyền để tạo sức mạnh mềm khi nền văn hóa và những lời tuyên truyền đó không đúng với thực trạng trong nước.

Thế Vận Hội 2008 đã thành công, nhưng sau đó không lâu thì xảy ra vụ đàn áp trong nước của Trung Cộng tại Tây Tạng và Tân Cương, và đàn áp những nhân vật hoạt động cho nhân quyền, và những vụ đàn áp như vậy đã tác hại đến kết quả về nhu lực. Cuộc Triển Lãm Thượng Hải cũng thành công lớn, nhưng sau đó lại xảy ra vụ bỏ tù người đoạt giải Nobel hòa bình là Lưu Hiểu Ba và nghệ sĩ Ải Vị Vị. Và mặc dù có mọi nỗ lực nhằm biến Tân Hoa Xã và Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Cộng(7) thành các cơ quan cạnh tranh với CNN và BBC, nhưng vẫn không có bao nhiêu người trên thế giới muốn nghe hay xem những loại tuyên truyền khô khan này.

Nay, sau khi xảy ra các cuộc cách mạng tại Trung Đông, Trung Cộng lại thẳng tay đàn áp Internet và bỏ tù các luật sư về nhân quyền, và một lần nữa lại tự phá hủy chiến dịch phát huy nhu lực của họ.

Như Hàn Hàn, một tiểu thuyết gia và người viết blog nổi tiếng, đã lập luận hồi Tháng Mười Hai, “việc cấm đoán các sinh hoạt văn hóa khiến Trung Cộng không thể nào gây được ảnh hưởng gì trên toàn cầu về văn chương và phim ảnh hay giúp gì được để những người quan tâm đến văn hóa như chúng ta có thể ngẩng mặt hãnh diện.”

Việc phát triển nhu lực không bắt buộc phải là chuyện “một bên thắng bao nhiêu thì bên kia phải thua bấy nhiêu”. Tất cả các nước đều có thể có lợi khi thích những điểm tốt đẹp trong nền văn hóa của nhau. Nhưng nếu Trung Cộng muốn thành công thì họ sẽ cần phải thả lỏng những người có tài trong xã hội dân sự của họ. Tiếc thay, xem chừng như việc này khó có thể xảy ra ngay(8).

Joseph S. Nye Jr. là giáo sư tại Viện Đại Học Harvard và là tác giả của nhiều tác phẩm, mới nhất là “The Future of Power.”

Source: http://www.nytimes.com/2012/01/18/opinion/why-china-is-weak-on-soft-power.html?_r=1

________________________

Chú thích của người dịch:

(1) Soft power, hay còn gọi là “nhuyễn thực lực”, “sức mạnh mềm”…

(2) Hard power, hay còn gọi là “ngạnh thực lực”, “sức mạnh cứng”…

(3) Tiếng Tàu gọi là Bác Ngao Á Châu Luận Đàn

(4) Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Davos, Thụy Sĩ

(5) Nền văn hóa cổ truyền đây là nền văn hóa Trung Hoa cổ xưa trước thời cộng sản. Khi trở thành một nước cộng sản thì chính Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã phá hủy rất nhiều kho tàng văn hóa cổ truyền này và biến đổi thành một “nền văn hóa cộng sản”, một “nền văn hóa” tương đương với “văn hóa thùng rác”!

(6) Cũng chính tay Đảng Cộng Sản phá hoại ngôn ngữ bằng cách “chính trị hóa” ngôn ngữ để phục vụ mục đích tuyên truyền rỗng tuếch. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng dẫm nát con đường hủy hoại văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam tương tự như vậy.

(7) Tiếng Tàu gọi là “Trung Quốc Trung Ương Điện Thị Thai

(8) Không có gì là lạ, một khi vẫn còn chế độ đạo tặc hiện nay và còn tham vọng đất đai để bành trướng lãnh thổ thì muôn năm chỉ có thù chứ không thể có bạn thực sự! Cứ dẹp chế độ độc tài đảng trị cho dân được tự do dân chủ thực sự thì họ tự động sẽ thi thố tài năng mà phát huy nhu lực sung mãn ngay lập tức. Còn giữ chế độ độc tài đảng trị thì chính dân trong nước còn căm ghét chế độ huống gì dân các nước khác?

0 comments:

Powered By Blogger