Wednesday, January 18, 2012

NĂM CON RỒNG… CHẦU, NÓI CHUYỆN CON BÒ TÓT



Gì chứ mười hai con giáp thì người Việt Nam chúng ta ai lại không biết và không thuộc lòng! Tí, Sửu, Dần, Mẹo…

Tết năm nay là năm Nhâm Thìn. Nhâm là một trong Thập Can; và Thìn là một trong Thập nhị Chi.

Thập Can gồm có Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Thập nhị Chi theo thứ tự là: Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Hồi nhỏ, có lần Lão Móc gặp một số năm có tên lạ trong cuốn “Việt Nam sử lược” của Cụ Trần Trọng Kim:

“… Tháng Tư năm Ất Vị 1655, tướng Trịnh là Lê Văn Hiển và Phạm Tất Toàn đem quân đánh chúa Nguyễn lần thứ năm. Quân Trịnh vượt Linh Giang đánh vào Nam Bố Chính…”

Mò mẫm hết mấy này tính toán được rằng năm 1655 là năm Ất Mùi. Và sử gia họ Trần kiêng tên ai đó mà đổi thành Ất Vị.

… Năm Đinh Mão 1625, Trịnh Tráng rước vua Lê thân chinh đi đánh quân Chúa Sãi ở Đàng Trong. Năm đó là năm Đinh Mùi.

Năm Canh Ngũ 1630, quân Trịnh lại đánh Nguyễn lần thứ hai… 1630 là năm Canh Ngọ.

*

Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần…

Như vậy có Trời trước, kế đến có Đất rồi sau mới có Người. Đúng! Mấy ông Tàu xưa nói cũng có lý lắm. Nhưng mà “Thiên khai ư Tý” hồi nào, cái Big Bang ấy cách nay 25 tỷ năm, 30 tỷ năm? Chưa ai dám nói chắc. Rồi cái “Địa tịch ư Sửu” ấy hồi nào? 3 tỷ năm, 4 tỷ năm trước đây? Người ta cũng phỏng chừng chứ chưa ai dám khẳng định. Còn chuyện “Nhân sinh ư Dần”, thì người ta nói cái vụ này xảy ra ở Phi Châu, cách đây khoảng 2 triệu năm.

Đúng hay không đúng? Mấy cái chuyện ấy xa xôi quá.

Hồi thời Pháp thuộc, có cụ Nguyễn Khoa Vy, sinh năm 1881, người phủ Thừa Thiên có làm một bài thơ 8 câu mà kể đủ mười hai con giáp. Cái lắt léo của bài thơ ấy là phải dùng ca dao, tục ngữ để nói về các con vật của đủ mười hai chi mà không được nói thẳng ra. Cụ Vy làm bài thơ ấy như sau:

1 – Tha ra, cắp lấy, bộ loay hoay,

2 – Đào lỗ không nên tiếng cả bầy.

3 – Lạc ngõ theo đuôi trâu dễ bước,

4 – Cả gan bóp dái chẳng gờm tay.

5 – Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu,

6 – Cối vẫn ăn no, ỉa miễu đầy.

7 – Cá gáy hoá ra, chi có cánh,

8 – Mồng năm len lét trốn đi ngay.

-Trong câu 1, tác giả nói đến chó, mèo qua câu tục ngữ “Chó tha ra, mèo cắp lấy.”

-Câu 2: Câu tục ngữ “Chuột bầy đào không nên lỗ.”

-Câu 3: “Lạc: ngõ theo đuôi trâu.”

-Câu 4: “Cả gan bóp dái ngựa.”

-Câu 5: “Cám treo để heo nhịn đói” và câu “Nhăn răng như khỉ ăn ớt.”

-Câu 6: Câu tục ngữ: “Gà què ăn quẫn cối xay” và câu “Nuôi dê để ỉa miễu.”

-Câu 7: “Cá chép hóa rồng” và câu “Cơ chi hùm có cánh.”

-Câu 8: “Len lét như rắng mồng năm.”

Đúng là một bài thơ hết sức công phu.

*

Điểm qua điểm lại, mười hai con giáp ấy rất quen thuộc với loài người. Trừ Rồng là một con vật tưởng tượng, còn mười một con giáp kia, người ta ai cũng từng gặp qua, kể cả con Cọp có vẻ hơi khó gặp nhưng không một sở thú nào không có.

Giận ai người ta nói: Cái bản mặt thằng đó mười hai con giáp không giống con giáp nào!

Nói vậy là vì giận quá mất khôn. Không giống con giáp nào còn đỡ, giống một trong mười hai con giáp ấy mới khó coi chứ. Một cái bộ mặt chuột, mặt trâu, mặt rắn, mặt mèo đâu có hay ho gì! Đến như đồ mặt heo, cái tù mặt chó, cái bản mặt dê xồm, cái thứ mặt gà mái, cái mặt dài như mặt ngựa, thứ đồ mặt khỉ… thì quả là tệ hại.

Đến như mặt cọp. Ai dám nói một người mang mặt cọp là một con người đẹp trai? Còn nếu các bà, các cô lại càng nguy hiểm: đàn bà con gái gì mà dữ như cọp! Quanh đi quẩn lại chỉ có mặt rồng là quý. Long nhan là mặt vua. Thế nhưng nhìn cho kỹ, cái bộ mặt con Rồng cũng không lấy gì làm dễ coi. Con mắt thì lộ, lỗ mũi thì to.

Hãy cải tiến câu mắng của mình sao cho thực tế hơn một chút.

*

Vì mười hai con giáp là những con vật quen thuộc cho nên tính đi tính lại, mười hai con ấy đều bị người ta ăn thịt. Có người sẽ cãi: Thịt rồng ở đâu mà ăn?

Thưa có! Lý ngư hóa long, con cá chép sẽ hoá rồng sau khi vượt tam cấp Vũ môn. Ăn cá chép tức là ăn con rồng lúc chưa tung mây, lướt gió. Tức nói theo kiểu Không Quân là con rồng hay “thằng đó nó chết lúc chưa rời phi đạo.”

Còn mười một con kia thì thường quá. Có hai con giáp bị người ta ăn gần như hàng ngày là anh Hợi và chị Dậu. Tuất, Sửu và Mùi thì thỉnh thoảng. Đối với một số người ở thành phố thì Tý và Tỵ là hai thứ hiếm. Ngọ và Mẹo ít người ăn. Đến ông Dần lại càng hiếm hơn nữa, hiếm hơn cả ông Thân mà chỉ vùng rừng mới có.

Đối với anh lính trẻ như anh Binh Móc, chỉ trừ con rồng mà anh đã sơi tam bằng cá chép, còn thì mười một con kia anh đã xơi đủ trên đường chinh chiến.

Một ngày cận Tết ở nơi heo hút Bù Prăng, Phước Hỏa, anh lính trẻ ăn thịt cọp của những người Thượng mang cho. Bà con đi xe đò ngang vùng Rừng Lá năm nào đã hết hồn che mặt không dám nhìn vì cách hơi xa mặt đường một chút hai cái gì giống như hai cái xác … người bị căng trên một thân cây cắm đứng. Thật ra đó chỉ là trò nghịch ngợm của một ông lính trẻ đã bắn hạ và lột da hai con dộc rồi đem căng lên đấy trước khi nấu nướng!

Ai đã từng “lội” vùng Mộc Hoá, Kiến Tường, Mỹ An, Cao Lãnh thì phải nhớ chuột và rắn. Trên đường hành quân, rắn kho muối ớt, rắn bông súng nấu canh chua với trái chòi mòi, chuột nướng lửa củi tràm… thay cho những hộp thịt ba lát đã ngấy lên tận cổ.

Rồi đến thịt mèo anh cũng chẳng chê, thịt ngựa anh cũng chẳng chối từ. Có người chê anh ăn tạp, anh cười hề hề: lính mà!

*

Trong mười hai con giáp chỉ có rồng là con vật thần thoại, còn bao nhiêu đều là những con vật rất quen thuộc, kể cả con cọp. Chẳng nói đâu xa, hồi thập niên 50, thế kỷ trước, ở Việt Nam, người đi đêm vẫn gặp các ông kễnh ra ngồi ngắm trăng trên đèo Rù Rì.

Tại sao toàn những con vật quen thuộc? Có người trả lời là lúc đó con người Đông phương biết bắt đầu làm lịch họ lấy ngay những con vật đã được thuần hóa như Trâu, Ngựa, Mèo, Chó, Gà, Heo, Dê hoặc những con sống ngay trong nhà như Chuột, Rắn hoặc gần nhà như Cọp để đặt tên cho mười hai con giáp. Cũng có thể, có thể thôi, chuyện không lấy gì làm chắc lắm.

Trong mười hai con giáp, con cọp có vẻ đáng sợ nhất. Trong hai loài cọp, cọp cái đáng sợ hơn. Điều này đã được 3 tỷ đàn ông, con trai trên trái đất xác nhận. Cọp cái làm chúa tể trong… nhà!

*

Năm nay là năm con Rồng… chầu nhưng xin được nói về chuyện những con bò tót!

Sở dĩ gọi là năm “Rồng chầu” vì con Rồng dữ chưa đến mà người vợ của ông “kỹ sư nông dân” Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãnh đã phải rầu chồng!

Và phải nói đến chuyện những con bò tót vì phải nói là Lão Móc rát ứa gan khi nghe tên Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng tuyên bố vào ngày 17-1 năm 2012: “Nhân dân bức xúc phá nhà ông (Đoàn Văn) Vươn”. Phó Chủ tịch một thành phố mà tuyên bố như thế thì không gọi là con bò thì phải gọi là con gì?

Cũng như mấy tháng trước, Đại biểu Quốc Hội VC Hoàng Hữu Phước tuyên bố:

“… Thực tế là gần đây khi đi ngang qua vài cuộc tạp họp đông người bày tỏ chính kiến về “đường lưỡi bò” ở thành phố HCM, tôi đã nghe những người bị kẹt xe thốt lên những lời nguyền rủa thoá mạ văng tục, giận dữ đe dọa dành cho những người đang tập họp mà ta gọi là “biểu tình” ấy. Sự giận dữ ấy có thể biến thành gây biến, bạo loạn, đánh nhau giữa nhóm biểu tình và chống biểu tình. Cuộc biểu tình tháng 8 tại Luân Đôn gây ra bạo loạn cướp bóc, đốt nhà làm ô danh đất nước, cuộc biểu tình chiếm phố Wall đã làm “ô danh” nước Mỹ… VNchưa phải là siêu kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh”.

Phát biểu như thế mà không gọi là phát biểu của một con bò thì phải gọi là gì?

Phát biểu này thì cũng y chang phát biểu của cựu Đại sứ VC Lê Công Phụng khi trả lời về chuyện VC bán đất, dâng biển cho TC: “Bây giờ ta yếu ta dâng lãnh hải, bán lãnh thổ cho TC.Mai sau con cháu ta mạnh lên chúng sẽ đòi lại (sic!)”.

Cũng giống như phát biểu của tên cựu Bộ Trưởng Thông Tin & Tuyên Truyền Lê Doãn Hợp là: “Dân trí của người dân Việt Nam còn thấp quá”.

Không có cái lưỡi của con bò thì làm sao mà phát biểu được những câu “ngầu (pín)” tới như vậy?!

Đọc tới đây thì thế nào cũng có bọn tay sai VC tìm cách khích bác cho rằng Lão Móc hỗn xược dám gọi các Quan Lớn của chúng là những con bò tót!

Xin thưa không phải do Lão Móc. Mà chính những người lãnh đạo Đảng CSVN đã coi những người trí thức ở trong nước là…những con bò!

Ông trí thức Nguyễn Huệ Chi từ Hà Nội đã bày tỏ mong muốn nhà cầm quyền hãy biết rằng: “Trí thức không phải là Bò”.

Ông giáo sư Hà Văn Thịnh từ Huế cũng ước mong: “Trong năm 2012 này chúng ta không phải là Bò”.

Trong khi đó thì nhà văn Võ Thị Hảo lại hoài nghi: “Có lẽ trí thức VN bây giờ không còn, không giống con người nữa”.

Trong khi những trí thức ở trong nước “được” lãnh đạo đảng VC coi như những con bò – như họ đã công khai lên tiếng; thì ở hải ngoại lại có tới 35 ông bà trí thức hãnh diện làm đơn tình nguyện gia nhập hàng ngũ trí thức ở trong nước!

Lại có cả những ông bà “trí thức đầu ruồi” ở hải ngoại “phấn đấu” dẹp bỏ tàn tích Việt Nam Cộng Hoà bằng mọi cách như “tạm dẹp, tạm giấu, tạm cất trong tim” lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, không hát Quốc ca VNCH, không mặc niệm khi tổ chức những buổi lễ lạc, kỷ niệm – cho giống với các trí thức ở trong nước!

Thiệt là “hết nước nói!”

Chuyện năm con “Rồng Chầu” nói chuyện con bò tót còn dài, nói hoài không hết; nhưng xin tạm chấm dứt ở đây!

LÃO MÓC

http://nguyenthieunhan.wordpress.com

0 comments:

Powered By Blogger