Wednesday, January 11, 2012

HRW kêu gọi châu Âu thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền


Ngày mai, 12/01/2012, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiến hành vòng đối thoại đầu tiên, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác, được ký kết năm 2010. Nhân dịp này, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây sức ép để Việt Nam cải thiện về mặt nhân quyền.

Tổ chức Human Rights vWatch, có trụ sở tại New York, đã công bố một bản khuyến nghị dài 15 trang, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây sức ép để Việt Nam thả toàn bộ tù chính trị, đề ra các biện pháp cải thiện về tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do tôn giáo.

Trong thông cáo báo chí được phát hành hôm nay, 11/01/2012, HRW cho biết trong năm 2011, « có ít nhất 33 blogger và nhà vận động nhân quyền bị kết án hình sự vì đã bày tỏ chính kiến và niềm tin tôn giáo của mình ». Bên cạnh đó, còn « có ít nhất 27 nhà vận động khác cũng bị chính quyền Việt Nam bắt giữ đang chờ điều tra, xét xử ».

HRW chú ý đến trường hợp của các ông Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày và Phan Thanh Hải, bút danh Anhbasg, bị giam giữ từ năm 2010 mà chưa xét xử và trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng, bị giam giữ trong một cơ sở giáo dục hai năm, không qua xét xử, vì đã tham gia các cuộc biểu tình trong năm 2011, phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tổ chức theo dõi về nhân quyền còn liệt kê danh sách nhiều tù chính trị hiện đang có vấn đề sức khỏe, có người bị giam giữ từ lâu, từ ông Nguyễn Hữu Cầu, 65 tuổi, hiện bị mù lòa và điếc, nhà hoạt động Phật giáo Hòa hảo Mai Thị Dung, 42 tuổi, bị ốm nặng, hai chân liệt, mắc bệnh tim, sỏi mật, hoặc trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý…

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức HRW, nhấn mạnh : « Giới chức Liên Hiệp Châu Âu cần sử dụng vòng đối thoại để yêu cầu chính quyền Việt Nam cũng tôn trọng những cam kết về nhân quyền theo công pháp quốc tế, tương ứng với các điều khoản về viện trợ và thương mại quốc tế họ mong nhận được ».

Thông cáo báo chí của HRW còn tố cáo Việt Nam cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện, sản xuất một số mặt hàng để xuất khẩu. Do vậy, tổ chức theo dõi về nhân quyền của Mỹ khuyến cáo Liên Hiệp Châu Âu « nên vận động Việt Nam áp dụng một mô hình khác, nhân đạo… và bảo đảm rằng không một mặt hàng nào mang tì vết cưỡng bức lao động được nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu ».

0 comments:

Powered By Blogger