Thursday, January 5, 2012

Dép xẹp biểu hiệu cho công lý ở Indonesia

Hàng núi dép nhựa chất đống ở bậc thềm của các đồn cảnh sát khắp Indonesia, ngày 4/1/2012

Hàng núi dép nhựa chất đống ở bậc thềm của các đồn cảnh sát khắp Indonesia, ngày 4/1/2012

Đôi dép xẹp xuề xòa đang được dùng làm biểu hiệu châm biếm hệ thống tư pháp của Indonesia trong tuần này, với hàng núi dép nhựa chất đống ở bậc thềm của các đồn cảnh sát khắp nước. Để phản đối việc một trẻ vị thành niên bị đưa ra tòa về tội ăn cắp vặt, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền nói rằng phản ứng này nêu bật sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng trước một cơ chế đầy tham nhũng. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Kate Lamb gửi về bài tường thuật sau đây.

Vụ đôi dép xẹp gây ồn ào này phát xuất từ trường họp một học sinh 15 tuổi ở Palu trên đảo Sulawesi, bị cáo buộc ăn cắp một đôi dép nhựa của cảnh sát trị giá khoảng 3 đôla. Bị can vị thành viên này còn bị cảnh sát tra hỏi và đánh đập nay có thể bị kêu án 5 năm tù.

Vụ này đã khiến cả nước lên án, với hàng ngàn đôi dép xẹp xuất hiện tại bậc thềm của các đồn cảnh sát khắp nước.

Phối hợp viên của tổ chức Human Rights Watch Andreas Harsono nói phong trào tự phát cho thấy người dân Indonesia ngày càng khinh miệt hệ thống pháp lý của họ.

Ông Harsono nói: “Sự kiện dân chúng nay đang vứt hàng chục đôi dép vào các đồn cảnh sát, ở nhiều nơi chứ không phải chỉ ở một thành phố, cho thấy công chúng Indonesia đã chán ngấy cảnh sát. Họ rất tức giận. Họ thấy quá nhiều hành động bạo lực và bất công của cảnh sát. Và họ thấy cảnh sát phần đông là tham nhũng.”

Lực lượng cảnh sát Indonesia vẫn bị coi là một trong các cơ chế tham nhũng nhất tại một trong các nước tham nhũng nhất thế giới. Nhưng một loạt các hành động mạnh tay mới đây đang gây thêm sự bất mãn của công chúng. Trong những ngày lễ Giáng Sinh, cảnh sát đã nổ súng và gây thiệt mạng cho 3 người và làm 7 người khác bị thương trong một cuộc biểu tình phản đối một đề nghị mỏ ở Đông Nusa Tenggara. Giới chỉ trích nói cảnh sát không nên dùng đạn thật để kiềm chế đám đông.

Một tuần trước đó, tại tỉnh Aceh áp dụng luật Sharia, cảnh sát đã bắt giữ 65 nhạc sĩ rock mà không truy tố, buộc họ phải qua một tiến trình “học tập cải tạo” gồm việc đọc các bài kinh Hồi giáo và cắt tóc ngắn. Hồi tháng chạp, những cáo giác cảnh sát tham gia vào việc chặt đầu dân làng gần một trại dừa ở đảo Sumatra miền nam cũng gây tranh luận.

Ông Harsono nói cảnh sát hiếm khi điều tra nhân viên của mình về các hành động vi phạm và nếu có thì hình phạt cũng không đáng kể. Ông nói những sự cố như thế cho thấy cảnh sát thiếu tính chuyên nghiệp nghiêm túc.

Ông Harsono nói tiếp: “Họ hành động giống quân đội nhiều hơn. Coi các thành viên trong xã hội như kẻ thù thay vì như những người dân thường mà họ phải phục vụ...Phải có nhiều biên pháp nghiêm túc hơn đối với cảnh sát, để cải tổ cảnh sát ngoài việc chỉ phân phát dép... Phải có những nỗ lực phối hợp để cải tổ cảnh sát tại Indonesia.”

Hai cảnh sát viên đã bị phạt giam vì đánh đập thiếu niên 15 tuổi bị cáo buộc ăn cắp dép xẹp của họ. Một người đang chờ bị ra tòa kỷ luật trong khi người kia sẽ không được thăng chức trong thời hạn 1 năm. Phiên xử bị can dự trù tiếp tục trong tuần này.

0 comments:

Powered By Blogger