Wednesday, January 18, 2012

Chuyện Vui: Lady First hay "Lê Đi Lết"

Tác Giả: Nguyễn thị Lộc Tưởng

Bạn có biết đi hớt tóc hoặc uốn tóc ở tiệm Việt có rất nhiều cái lợi không?

Thứ nhất nói tiếng Việt với người thợ cũng dễ diễn tả kiểu tóc mình muốn hơn tiệm Mỹ. Thứ hai, đến tiệm Việt bạn được nghe rất nhiều tin “quan trọng” vì tiệm hớt tóc hay uốn tóc Việt Nam là trung tâm phát hành tin tức nhanh chóng và đầy đủ hơn báo chí và trên mạng, đôi khi bạn còn biết được “hành tung” của người quen hay kẻ thù không cần lên “America Most Wanted”.

Tin trong nước, tin quốc tế thì hết 50 phần trăm bị móp méo sự thật vì đã được sàng lọc qua nhiều người, nhưng tin nhà thiên hạ (loại báo không đăng) thì đúng 100 phần 100. Chẳng hạn như tuần trước, tôi phải đi tiệm uốn “cái đầu” vì sau khi đi Úc về bỗng ! dưng tôi trở thành người trí thức phần tóc ở mỏ ác không biết buồn chuyện gì ra đi không bao giờ trở lại, khổ quá đành chơi theo “mốt” lông chó xù để tóc có thể che được phần trống vừa đẹp mắt vừa ấm cái đầu không sợ sổ mũi vì mùa đông ở đây lạnh lắm.

Vào mùa Giáng Sinh tiệm uốn tóc rất đông khách hơi ồn, nhưng không sao vì đi uốn tóc chứ có phải nghe nhạc đâu mà cần yên lặng, đối với tôi chờ đợi trong tiệm uốc tóc không làm tôi bực mình vì đây là cơ hội tôi được đọc mấy tờ báo tiếng Việt mà ít khi có thời giờ để đọc. Bà chị ngồi kế bên thấy tôi cầm tờ “Thời Nay” một tờ báo biếu không của cộng đồng, chị hỏi tôi:
- Chị có biết ông chủ báo nầy không?
Tôi lắc đầu chưa kịp trả lời thì đã có người lên tiếng:
- Chị nói báo nào?
- Báo Thời Nay của ông Nguyễn Đại Việt đó, thằng con mới bị bắt ngày hôm qua. (tiếng ồn ào trong tiệm bớt dần có lẽ đề tài nầy quá hấp dẫn).
- Vậy sao???, gia đình ổng đàng hoàng lắm mà.
- Bởi vậy mới nói, sanh con đâu có sanh lòng. Cha mẹ nào không muốn con mình đàng hoàng nhưng vô phước thì phải chịu.
- Bà chị ơi! ai mà không biết chuyện con là nợ, loại nợ trả tới khi chết mà lòng vẫn chưa yên. Tụi tui chỉ muốn biết tại sao nó bị bắt?
- Thì hút cần sa ma túy. Tội anh Việt con người đạo đức hiền lành, ảnh đặt hết hy vọng vào thằng con nầy.

Một bà khách đang cắt tóc có vẻ rành chuyện nhà nầy góp ý:
- Tôi làm chung với chỉ, nghe mấy đứa bạn nói mấy năm nay ảnh với chỉ sống chung nhưng “ngả rẽ tâm tình” thân ai nấy lo, tiền ai nấy xài. Cuối tuần ông đi chùa hướng nam, bà đi miếu hướng bắc. Sống chung mà cũng như không. Vợ chồng là nền tảng gia đình mà sống kiểu đó thì giống như cây thúi gốc làm sao cành lá sum sê. Nghe thằng con tui nói thằng Huy con ảnh, nó thất tình, lại thêm hoàn cảnh gia đình không vui nên la cà với đám bạn hút hút xách. Cũng may nó chưa đi đến chổ trộm cướp, bị bắt biết đâu là cái may nó được dịp cai hút khi trở ra, không chừng nó lại đàng hoàng…..

Xoay qua cô thợ chị nói:
- Chỗ này còn vài sợi tóc cô cắt dùm tôi.
Câu chuyện đang hứng thú bị bỏ ngang vì bà chị này đang bận rộn chỉ cô thợ sửa lại mái tóc của mình. Tôi nghĩ rằng mình đã mất dịp may nghe thêm chuyện ở đời, đâu ngờ mọi người thật là tài vừa xong chuyện nầy họ bắt qua chuyện khác làm tôi có cảm tưởng mình đang đọc tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.
Để phá tan không khí yên lặng chị thợ hỏi tôi:
- Dì có nhớ cái bà Tám lần trước ngồi cái ghế bên kia không? Cái bà ở gần nhà con đó.
Tôi trả lời theo kiểu vuốt đuôi cho xong, chứ làm sao tôi nhớ bà Tám là ai.
- Dì nhớ mài mại không rõ lắm, bộ bả có chuyện hả?
Cô thợ được trớn bắt đầu hát:
- Dì biết hông, mấy tuần trước trong nhà bả có chuyện cơm không lành canh không ngọt, anh chồng lớn tiếng chưởi thề “…., mầy còn nói nữa tao dộng bể mặt”, bả nhảy đông đỗng la lớn: “Có giỏi thì đánh đi, ở đây lế đi phớt (Lady first), ông mà đụng tới tui là cảnh sát còng liền”. Anh chồng nổi sùng chưởi thề “…., tao biết mầy giỏi muốn phớt tao cho mầy phớt” miệng chưa dứt tiếng đã “động thủ” dộng bả một cái, thiếu gì chỗ không dộng lại dộng vô cái lỗ mũi bả mới “rì tuốt” làm nó méo xẹo. Bả ôm mũi la như heo bị thọc huyết, thằng con đang ngủ mơ mơ màng màng giật mình chạy ra thấy cha thì hầm hừ mẹ thì ôm mũi la hét, hình như có chảy máu, tưởng ba nó sắp giết má nó nên gọi 911. Thế là ! xe chữa lửa, xe cứu thương, xe cảnh chạy tới rần rần làm cản trở lưu thông cả khúc đường. Ổng bị còng dẫn ra khỏi nhà giống như mấy thằng phạm tội giết người cướp của. Sau đó dì biết không, bả phải tốn hết một ngàn đồng đóng ngoại hầu tra cho ông chồng ra khỏi khám, lại phải làm thủ tục bãi nại rườm rà nếu không từ nay ông chồng không được bước chân vô nhà, phải cách xa bả khoảng mấy chục thước, con nói thiệt ổng mà bị đuổi ra ngoài, bả sẽ khổ dài dài, ai phụ trả tiền nhà đây, hơn nữa đàn ông bây giờ có giá lắm, lơ mơ thằng chả về Việt Nam cưới vợ nhí chừng đó có muốn xin làm bé hổng chừng ổng cũng chê. Cũng may được luật sư chùa nếu không phải tốn thêm phần tiền nầy, cho bỏ cái tánh “lế đi phớt”.

Người đàn bà đang cắt tóc cạnh tôi nóng mũi xen vô.
- Chưởi cha tui, tui hổng giận nhưng nói đến “lế đi phớt” là tôi nghe lùng bùng cái lỗ tai. Hông lẽ đem chuyện nhà ra nói cho bà con nghe, chứ tức quá nín hông được. Ông chồng tui hễ mở miệng là: “Tôi nhớ hồi xưa khi tôi còn thời, nói một tiếng là bà câm họng. Tôi về tới nhà là có cơm có nước, còn bây giờ tôi chỉ nói một bà róng họng cãi tới mười, ăn xong tôi phải rửa chén, đúng là mạt vận”. Mấy chị thấy đó hồi xưa tôi đâu có đi cày hai ba “zốp” (job) như bây giờ, ổng chỉ giúp tôi một chút mà than van đứt ruột. Nếu tôi bực mình cãi lại thì ổng nói: “Tôi biết bà giỏi rồi, ở đây cái gì cũng lế đi phớt, đàn ông là đồ bỏ”, ổng còn dán bài thơ con cóc ở nhà bếp tôi tức tới thuộc lòng:

Ăn chẳng bao nhiêu, rửa thật nhiều,
Đoài đoạn thương cho chú Việt Kiều.
Nếu biết qua đây mà rửa chén,
Thà ở quê hương húp “cháo Tiều”
Một đàn bà tuổi độ 50, ngồi chờ tới phiên cắt tóc ngứa miệng châm vô:
- Nghe nói “lế đi phớt” mà ham, không lẽ đàn bà phải mở cửa xe để mấy ông vô ngồi à???. Mấy thằng Mỹ, nó khôn thấy mẹ cái gì nó cũng nói “lế đi phớt”, về nhà mở cửa cho con vợ vô trước vì nó biết ở xứ nầy không an toàn, rủi có ăn cướp đang ở trong nhà, con vợ lãnh nạn, nó còn đủ thời giờ để chạy hoặc làm người hùng cầu cứu. Ăn cũng “lế đi phớt” có gặp thuốc độc thì con vợ làm vật thế thân. Chồng tôi cũng vậy, mỗi lần có chuyện, đem câu đó nói hoài, thiệt lãng nhách. Vậy chớ ở Việt Nam hồi đó vợ chồng rầy lộn sao không nghe mấy ông nói “lế đi lết”.
- Chị nói đúng đó ở Việt Nam khi ảnh còn thời, chị mà cãi là ảnh sẽ “dợt” cho chị thành “lế đi lết”.
Mọi người cười ầm lên. Anh thợ cắt tóc bên cạnh đang chải cái đầu ông khách để chuẩn bị hớt cũng xía vào:
- Đúng là đàn bà, chỉ có vài bà thôi mà đã ồn như cái chợ.
Một chị trả lời:
- Bộ tụi tui nó hông đúng sao. Thật ra “Lady first” cũng như “ga lăng” có gì khác đâu, vậy mà có một số ông bà nhà mình thấy chữ “first” cứ tưởng đàn bà là số một, nói theo mấy ông sư trong phim Tàu: “A di đà phật…. tội lỗi thật tội lỗi…”. Ai cũng nói đàn bà ở đây sướng, sướng đâu không thấy, thấy cày mút mùa “Lệ Thủy” lại còn phải lo cơm nước, nhà cửa, mấy cha chỉ biết chê, nhờ một chút là có chuyện, còn mang tiếng “lế đi phớt”, phớt con khỉ gì cực quá thành “lế đi lết” thì có.

Biết mình cải không lại với mấy nhà hùng biện, anh thợ uốn tóc chuyển đề:
- Mấy bà chị có nghe chuyện anh Tiến với anh Hùng không?
- Ai mà không biết họ sắp làm sui, đang sửa soạn cái bụng để ăn đám cưới đây.

Anh thợ vừa lấy chai nước xịt lên đầu ông khách vừa nói:
- Còn đâu mà ăn, hai đứa nhỏ tự làm đám cưới tụi nó bỏ “Đọt” (Dorchester) về dưới “rồ ai lền” (Rhode Island) lâu rồi. Chị Tiến khóc sưng con mắt, tui tưởng mấy bà bắt tin lẹ như tên, rốt cuộc chậm hơn rùa.
- Có chuyện đó sao? Hồi trước mấy ổng gài cho hai đứa nó thương nhau để làm sui mà.

Anh thợ để chai nước lên mặt bàn, chậm rãi đi một đường “tôn đơ” lả lướt trên mái tóc muối nhiều hơn tiêu của ông khách, cố ý để mấy bà nhiều chuyện nôn nóng, sau đó trịnh trọng nói:
- Thì đúng vậy, tụi nhỏ đâu có quen nhau, hai cha tìm mọi cách để tụi nó thương nhau, rồi đi tới hôn nhân. Trong ngày bàn chuyện đại sự, mấy bà nhắc đừng uống nhiều thì mấy ổng nói “Ối đây là chuyện đàn bà mấy bà lo đi mắc mớ gì tới bọn đàn ông tụi tui” thế mà tiệc rượu chưa tàn, chuyện cưới hỏi chưa xong, hai cha lại bất đồng ý kiến về chính chị chính em, về thằng China, về thằng Đại Hàn, về thằng Mỹ láo cá sẽ bỏ thằng Iraq như nó bỏ VN hồi trước, rồi nào mấy chuyện ngày xưa …v.v..và ..v.v., lời qua tiếng lại lúc đầu còn nhỏ sau thành lớn, ông sui trai đứng lên tuyên bố bãi hôn, hai bà sui chưng hửng, có cản cũng không được, thế là sui gia thành xui xẻo. Chỉ tội hai đứa nhỏ đã lỡ thương nhau đ! ành phải tự làm đám cưới nho nhỏ chỉ mời bè bạn cùng sở, có gởi thiệp mời hai ông “xui” nhưng không ông nào đi, chỉ có hai bà đi dự đám của con.

Chị ngồi ghế bên kia chắc lưỡi hít hà nói:
- Thiệt tội nghiệp, ở xứ nầy con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, có con biết nghe lời mà còn “cà chớn”, mấy ông càng già càng sanh tật, lúc nào cũng nghĩ mình đúng, chỉ muốn con cái làm theo ý mình, thường chỉ trích mấy ông già ngày xưa hủ lậu chứ thật ra mấy ổng đang đi vào con đường đó mà không hay không biết. Tôi thường nhắc nhà tôi: “Ông khó khăn quá con gái ông không dám có chồng Việt Nam đâu, nhìn cha nó, nó khùng sao đút đầu vô”.

Ông khách nãy giờ im lặng, có lẽ nhịn hết nổi nên cất giọng trầm trầm góp ý:
- Bộ mấy chị tưởng có chồng Mỹ là được chiều chuộng sao, đúng là chưa “thấy quan tài chưa đổ lệ” đa số mấy thằng Mỹ nghiền rượu mà khi đã nghiền thì vợ con có nghĩa lý gì, đó là chưa kể tiền ai nấy xài, chị mà không đi làm sẽ thấy cảnh tiền phát gạo đong chứ không phải như mấy thằng Việt tụi tui, đi làm không biết tiền bạc có được bao nhiêu, lãnh lương là đưa hết cho con vợ rồi nó phát lại cho vài chục để dằn túi ngừa khi gặp bè bạn có tiền uống cà phê.. Tui chạy xe nhưng vợ tôi nó lái, ngồi một bên cứ nhắc tuồng, nào đèn xanh, đèn đỏ, phải quẹo trái, quẹo phải, chạy đường này đừng chạy đường kia, hễ nói tới là giận, ăn xong bữa cơm muốn uống lon bia cũng không yên, “ông làm cái này, ông làm cái kia” tôi nghĩ mấy thằng Mỹ chắc không có sức chịu đựng như vậy đâu.

Chị cắt tóc cạnh tôi hỏi ông khách:
- Anh có thể cho tôi số điện thoại nhà anh không?
- Chị xin điện thoại nhà tôi làm gì?
- Không có gì, tôi chỉ muốn gọi điện thoại hỏi chị đã học “bí kíp” nào mà giỏi như vậy, tính xin chị vài chương về nghiên cứu để giúp ông chồng tôi được như anh.

0 comments:

Powered By Blogger