Thursday, January 5, 2012

Chiến lược quốc phòng 10 năm của Mỹ

Tổng thống Obama và phu nhân thăm quân sỹ ở Fort Bragg, Bắc Carolina giữa tháng 12/2011
Tổng thống Obama dự kiến sẽ công bố chiến lược quốc phòng mới đi kèm kế hoạch cắt giảm bộ binh

Hoa Kỳ sẽ cắt giảm hàng nghìn binh sĩ trong chương trình tái bố trí quốc phòng sâu rộng nhằm tiết kiệm chi tiêu quân sự trong thập niên tới nhưng sẽ chuyển hướng sang châu Á.

Ngày 5/12 Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Leon Panetta dự kiến sẽ công bố tại Ngũ Giác Đài, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ một loạt kế hoạch nhằm chấm dứt tình trạng ‘lưỡng bề thọ địch’ của quân đội Mỹ.
Trong vòng 10 năm tới, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ cắt 450 tỷ USD, và vào đầu năm 2013, một khoản cắt 500 tỷ USD nữa có thể sẽ được áp dụng.
Nhưng dù vậy, trong năm tranh cử 2012, ông Obama sẽ vẫn nhấn mạnh rằng ngân sách quân sự của Hoa Kỳ tiếp tục tăng tuy với tốc độ chậm hơn trước.
Các quan chức Mỹ, được báo chí trích lời hôm 4/12, nêu ra với truyền thông rằng tổng thống Hoa Kỳ sẽ cho cắt giảm quân lính chỉ sau khi có các báo cáo chiến lược của cấp tư lệnh lực lượng.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Jay Carney mô tả các kế hoạch cắt giảm là “mang tính phẫu thuật”, và được biết tổng thống Obama theo dõi chặt chẽ quá trình ra quyết định.
Vào trưa thứ Năm 05/12 theo giờ Mỹ, ông Obama sẽ không công bố chi tiết về con số cắt giảm quân lính mà chỉ nhấn mạnh đến các ưu tiên mới cho chi phí quốc phòng và các quyết định cho tương lai.
Nhưng hãng Reuters đã nêu rằng các quan chức Hoa Kỳ đang xem xét cắt giảm 10-15% lực lượng Bộ binh và Thủy quân Lục chiến trong 10 năm tới, tương đương 10 nghìn quân.
Bộ binh và Thủy quân Lục chiến của Mỹ sẽ bị cắt giảm quân số
Châu Á là trọng tâm
Tương lai của quân lực Hoa Kỳ được nói là sẽ nhắm vào châu Á và chấm dứt tình trạng quân Mỹ phải chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận được cho là kéo dài 10 năm qua.
Cùng với kế hoạch cắt giảm bộ binh là hướng tăng cường không quân và hải quân ở châu Á.
Mùa thu năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã nêu rõ rằng châu Á sẽ là trọng tâm của chiến lược an ninh Hoa Kỳ, gồm cả mục tiêu ngăn ngừa ảnh hưởng của Trung Quốc và coi Thái Bình Dương là “ưu tiên hàng đầu”.
Nhưng theo các hãng thông tấn, sự chuyển hướng chiến lược này có cả mục tiêu nhắm vào Iran.
Theo Washington Post, ngoài hai "mối đe dọa Trung Quốc và Iran", Hoa Kỳ cũng chuẩn bị cho các biến động ở Bắc Triều Tiên.
Đổi lại, quân bộ đóng tại châu Âu và chi phí cho các chương trình vũ khí hạng nặng sẽ bị cắt, theo báo chí Hoa Kỳ.
"Tổng thống Obama theo dõi chặt chẽ quá trình ra quyết định về chiến lược quốc phòng mới"
Tòa Bạch Ốc
Tại cuộc họp báo hôm nay, Tổng thống Obama dự kiến cũng sẽ chỉ ra cả các tiêu chí mới cho quốc phòng như ngăn chặn chiến tranh trên mạng Internet (cyber warfare) và nạn khủng bố.
Ngũ Giác Đài đã bàn thảo về kế hoạch rút khỏi cảnh lâm chiến một lúc hai nơi từ nhiều năm nay.
Ngay từ tháng 6/2001, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, ông Donald Rumsfeld nói với Quốc hội rằng chiến lược “hai cuộc chiến” là không hiệu quả.
'Thực tiễn hơn'
Khi Hoa Kỳ lâm trận cùng lúc ở cả Iraq và Afghanistan, quân lực Mỹ rơi vào cảnh thiếu quân.
Về hướng tới châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng trước, ông Robert Gates hồi 2010 cũng đã từng phát biểu rằng: "Hoa Kỳ muốn có một sự hiện diện quân sự lớn hơn ở châu Á".
Hoa Kỳ sẽ chính thức tăng cường hải quân ở châu Á
Trên đường đến Australia để dự hội đàm an ninh thường niên hồi 11/2010, ông Gates cho biết mối quan hệ gần gũi hơn với nước Úc sẽ giúp Hoa Kỳ mở rộng vai trò của mình tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng nói họ quan tâm rộng rãi đến an ninh khu vực, từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á sang đến Ấn Độ Dương.
Nay, thay đổi chiến lược sẽ chuẩn bị cho quân Mỹ chỉ tham chiến ở một nơi và đồng thời duy trì chiến dịch ở một nơi khác với mục tiêu phá thế đe dọa của đối phương thứ nhì.
Quan chức Mỹ nêu ra ví dụ gần đây để chỉ đạo cho các quyết định này.
Chẳng hạn, Hoa Kỳ nay tin rằng trong chiến sự “không nhất thiết phải có quân trên bộ liên tục,” một quan chức nói với Reuters,
Ông này cũng nói quân đội Hoa Kỳ "đang điều chỉnh chiến lược để có tính thực tiễn hơn".
Trong lúc nhiều nước đồng minh Nato ở Libya cũng gặp cảnh phải cắt giảm chi tiêu quân sự, ông Obama có thể sẽ bị phe diều hâu tại Quốc hội chỉ trích.
Trong số họ sẽ có cả những nhân vật Cộng hòa ra thách thức ông vào kỳ tranh cử tổng thống tháng 11 này.

0 comments:

Powered By Blogger