Một nông dân - Thời gian gần đây báo chí, dư luận bàn tán nhiều về sự kiện cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng, Tp Hải Phòng. Xung quanh đề tài này đã không ít lời ra tiếng vào song theo dõi các bài viết trên các báo với các phân tích khác nhau nhưng đều thông cảm và chia sẻ với Đoàn Văn Vươn, người đã đến bước đường cùng của sự quẫn bách như rất nhiều bài báo đã phân tích, bình luận.
Tôi dám chắc những người có cùng cảnh ngộ như Đoàn Văn Vươn sẽ chẳng còn sự lựa chọn nào tốt hơn bởi nếu chấp hành pháp luật (do người khác nắm giữ và định đoạt) đồng nghĩa với vô gia cư, đồng nghĩa với bơ vơ hết kế sinh nhai và tiền đồ “Chị Dậu” là rất hiện hữu. Tôi đã nếm trải trạng thái tâm lý của Đoàn Văn Vươn cho nên tôi đọc không thiếu bài viết nào về anh vì thế mãi đến hôm nay mới viết vài dòng suy nghĩ những mong được chia sẻ với nỗi đau nơi anh đang gánh chịu cho dù hoàn cảnh không thật giống anh.
Năm 2005, quê tôi, Làng Lại Yên, huyện Hoài Đức, Tp Hà Nội (Hà Tây cũ) có sự kiện nông dân bị thu hồi đất để làm khu công nghiệp. Không đồng tình với việc thu hồi đất với giá đền bù rẻ mạt nông dân đã phản đối và chính quyền huyện và xã cũng đã sử dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi đất, thế rồi hậu quả cũng rất nghiêm trọng, dân làng tôi cho là cán bộ xã đã vào hùa cùng với huyện để lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp, trong cơn quá khích nông dân đã kéo lên UBND xã đập phá và đốt trụ sở ủy ban nhân dân xã và cũng rất may chưa xảy ra án mạng cho dù dân đã bắt một cán bộ y tế huyện làm con tin. Sự kiện này báo đài chính thống của ta đưa tin rất hạn chế nhưng là nạn nhân của sự kiện đó có thể tóm tắt hậu quả của cơn quá khích đó dân làng tôi đã phải gánh chịu tổng cộng hơn 100 năm tù. Đất thì vẫn cứ mất mà nông dân thì vẫn cứ phải đi tù. Phiên tòa xét xử các nông dân làng tôi với tội danh hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Đau lắm nhưng vẫn phải chịu vì pháp luật là phân minh anh khiếu kiện, anh đòi quyền lợi chẳng ai dám bắt anh đi tù cả nhưng anh quá khích đập phá trụ sở ủy ban thì anh phải chịu trách nhiệm. Với kiến thức về pháp luật nông cạn không đủ để mà biện hộ cho hành vi quá khích của mình nhưng sau khi đọc một loạt bài viết về anh Vươn (ở Tiên Lãng, Hải Phòng) tôi mới lờ mờ hiểu rằng việc Tòa án xử chúng tôi là đúng tội danh nhưng Tòa đã bỏ sót tội liên đới trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đẩy các nông dân vào vòng lao lý. Tôi nghĩ là các cán bộ đương chức tại các cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp xã về trình độ hiểu biết pháp luật chắc cũng không hơn những nông dân chúng tôi là mấy. Tôi nói như vậy là vì các vị ấy khi thu hồi đất của chúng tôi luôn mồm nói nhà nước thích thu hồi đất của ai là nhà nước thu. Điều này giáo sư Đặng Hùng Võ đã chứng minh rằng nói như vậy là sai. Thôi thì đúng sai tôi chẳng bàn nữa vì dẫu sao nông dân chúng tôi cũng đã chấp hành xong hình phạt và chuẩn bị đón tết Nhâm Thìn rồi. Tuy nhiên tôi bàn ở đây là sự dã man của chính quyền xã Lại Yên và huyện Hoài Đức nó nằm ở mấy vấn đề như sau :
Thứ nhất, trước khi tiến hành cưỡng chế anh chẳng giải thích, phổ biến chính sách rõ ràng gì cả. Giá cả áp mỗi nơi một kiểu, nông dân thắc mắc khiếu kiện anh không giải quyết mà cứ khăng khăng là anh đang làm đúng.
Thứ hai, anh thu hồi đất của chúng tôi, tức anh thu phương tiện sản xuất của chúng tôi, sau đó anh lại giao cho các doanh nghiệp tức anh trao phương tiện sản xuất đó cho người khác vậy thì giá cả phải thỏa thuận chứ sao lại đi áp giá của nhà nước để đền bù? Đã vậy không những không có câu trả lời thỏa đáng lại còn dọa dẫm, thách thức kích động nông dân chúng tôi bằng những hành vi vô cảm trước quyền lợi chính đáng của chúng tôi.
Mâu thuẫn với một bên là nhà nước, một bên là nông dân, mà khi nông dân đòi quyền lợi thì nhà nước với Tòa án, công an, bộ đội trong tay thử hỏi nông dân chúng tôi đòi được cái gì nữa đây? Cho nên mới dẫn tới đốt trụ sở Ủy ban là vì vậy.
Bây giờ hệ lụy của việc thu hồi đất đối với dân làng tôi là vô cùng to lớn, là làng thuần nông, văn minh làng xã là văn minh lúa nước. Làng, với nghề nông là chính bây giờ nhà nước (tức ông xã và ông huyện cứ nhân danh nhà nước) thu hồi cũng chẳng thấy có biện pháp chuyển đổi nghề gì cho dân cả, các doanh nghiệp hứa sẽ ưu tiên cho nông dân vào làm việc tại các cơ sở của họ nhưng đến nay chẳng có bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng lao động của địa phương cả vì lao động địa phương đâu có tay nghề gì? và nông dân chúng tôi mất đất và cũng mất nốt cả việc làm.
Nông dân quê tôi bây giờ buộc phải tập thích nghi với đời sống thị thành, bao nhiêu nét đẹp của tình làng nghĩa xóm bây giờ mất sạch. Phải tập sống phong cách dịch vụ và kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho sự lai căng dở quê dở tỉnh. Dân trí thì thấp, các vấn đề xã hội như nghiện hút, mại dâm đã và đang tàn phá quê tôi vô cùng nặng nề.
Ai đã đẩy số phận chúng tôi đến chỗ nghiệt ngã này? Nếu không phải bắt đầu là chủ trương, chính sách của nhà nước? là sự ngu dốt và vô cảm của chính quyền địa phương khi tiến hành thu hồi đất? cộng với cả sự ngu dốt về luật pháp của chúng tôi nữa?
Nhưng thử hỏi nếu không có sự kiện Làng Lại Yên quê tôi của những năm 2005, của Đoàn Văn vươn năm 2012 này cùng với bao cuộc đấu tranh đòi quyền lợi khác đã và đang xảy ra trên khắp các miền quê ở nước ta thì liệu có sự thay đổi nào không từ phía chính quyền?
Tết sắp đến, mặc dù được đoàn viên với gia đình nhưng tôi cũng chạnh lòng khi biết anh Vươn và những người thân của gia đình anh phải đón tết trong lao tù. Chúc anh và gia đình gặp nhiều may mắn và sớm được đoàn viên với gia đình.
Tác giả gửi cho Quê choa
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)
http://quechoa.info/2012/01/15/chia-s%E1%BA%BB-v%E1%BB%9Bi-anh-v%C6%B0%C6%A1n/#more-20804
0 comments:
Post a Comment