Monday, January 2, 2012

2012: Năm Tận Thế của Đảng Cộng Sản?

Trung Cộng Sắp Sụp Đổ: Ấn Bản Năm 2012

Gordon G. Chang – PBD dịch

Tôi xin thú nhận rằng: Tôi đã tiên đoán sai là Đảng Cộng Sản sẽ sụp đổ trễ nhất là vào năm 2011. Nhưng, tôi vẫn chỉ sai có một năm.

Vào giữa năm 2001, tôi đã tiên đoán trong quyển sách của tôi, Trung Cộng Sắp Sụp Đổ(1), là mười năm nữa Đảng Cộng Sản sẽ sụp đổ, phần lớn là vì các thay đổi khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Muời năm đã trôi qua, Đảng Cộng Sản vẫn còn cầm quyền. Nhưng chớ có nghĩ là tôi sẽ rút lại lời tiên đoán đó.

Tại sao một nước Trung Cộng mà chúng ta biết lại vẫn còn sống sót? Trước hết và trên hết, chính quyền trung ương của Trung Cộng đã tìm cách tránh né được nhiều bổn phận của họ khi gia nhập WTO vào năm 2001 là phải mở cửa nền kinh tế của họ và tuân hành luật lệ, và cộng đồng quốc tế nói chung vẫn giữ thái độ dung túng đối với hành vi bất tuân luật lệ này. Vì thế, Bắc Kinh đã có thể bảo vệ phần lớn thị trường trong nước của họ đối với các hãng ngoại quốc cạnh tranh trong khi họ vẫn gia tăng xuất cảng.

Xét theo bất cứ phương diện gì thì Trung Cộng cũng đã thành công vượt bực trong việc phát triển kinh tế sau khi gia nhập WTO, trở lại mức tăng trưởng gần hàng chục mà họ đã đạt được trước giai đoạn gần bị trì trệ kinh tế vào cuối thập niên 1990. Nhiều nhà phân tích mặc nhiên cho rằng mức tăng trưởng này có thể tiếp tục mãi mãi. Thí dụ, Lâm Nghị Phu(2), trưởng ban kinh tế của Ngân Hàng Thế Giới, tin rằng nước này có thể tăng trưởng ở mức 8 phần trăm trong ít nhất là hai thập niên nữa, và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì tiên đoán nền kinh tế Trung Cộng sẽ lớn hơn nền kinh tế Hoa Kỳ trễ nhất là vào năm 2016.

Đừng tin vào bất cứ điều nào nói trên, Trung Cộng vượt qua các nước khác vì họ đã ở trong siêu chu kỳ tăng trưởng kéo dài ba thập niên, phần chính là nhờ ba lý do. Thứ nhất, nhờ các chính sách “cải tổ và mở cửa” để biến đổi nước này của Đặng Tiểu Bình, được thực thi lần đầu tiên vào cuối thập niên 1970. Thứ nhì, thời kỳ của Đặng trùng hợp với giai đoạn chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, nhờ đó mà đưa đến việc dẹp bỏ các trở ngại chính trị cho nền thương mại quốc tế. Thứ ba, tất cả các diễn biến này đều xảy ra trong khi Trung Cộng đang hưởng thụ “số lời về nhân khẩu,” tức là lực lượng lao động của họ gia tăng hơn mức bình thường.

Nhưng “yếu tố vừa đạt quân bình” của Trung Cộng nay đã hết vì, trong những năm gần đây, các điều kiện tạo ra yếu tố đó đã không còn nữa hoặc không bao lâu nữa cũng sẽ chấm dứt. Trước hết, Đảng Cộng Sản đã không còn áp dụng các chính sách cấp tiến của họ Đặng nữa. Hồ Cẩm Đào, lãnh tụ hiện nay, đang cầm quyền trong một giai đoạn mà tính chung thì còn đảo ngược khuynh hướng cải tổ. Họ đã áp dụng biện pháp tái quốc hữu hóa một phần hoạt động kinh tế, nhất là từ năm 2008 trở đi, và rõ rệt thắt chặt các cơ hội cho thương nghiệp ngoại quốc. Thí dụ, Bắc Kinh ngăn chặn những trường hợp công ty ngoại quốc mua các công ty của Trung Cộng, dựng lên các chướng ngại mới như các điều luật về “sáng tạo bản xứ”, và sách nhiễu các công ty dẫn đầu thị trường như Google. Để củng cố các công ty nhà nước “cho chủ nghĩa dân tộc trước hết” bằng cách hy sinh các công ty khác, họ Hồ đã từ bỏ mô hình kinh tế vốn đã giúp cho nước của y thành công.

Thứ nhì, mức phát triển cực thịnh toàn cầu trong hai thập niên qua đã chấm dứt vào năm 2008 khi mà các thị trường trên khắp thế giới tuột dốc thê thảm. Các biến cố xáo trộn trong năm đó đã kết thúc một thời kỳ tốt lành lạ thường mà các quốc gia khác đã nỗ lực giúp Trung Cộng hội nhập vào hệ thống quốc tế và do đó dung túng các chính sách duy thương(3) của họ. Nhưng nay thì nước nào cũng muốn xuất cảng nhiều hơn và, trong một thời kỳ mà nơi nào cũng muốn bảo vệ hàng hóa của họ hoặc áp dụng đường lối quản trị mậu dịch, Trung Cộng sẽ không thể dựa vào xuất cảng để trở nên thịnh vượng như thời xảy ra khủng hoảng tài chánh Á Châu vào cuối thập niên 1990. Trung Cộng lệ thuộc vào nền thương mại quốc tế hơn hầu hết bất cứ quốc gia nào khác, do đó, nếu xảy ra va chạm về mậu dịch — hoặc ngay cả khi mức cầu của thế giới giảm sút – thì Trung Cộng sẽ bị thiệt hại nhiều hơn những nước khác. Chẳng hạn Trung Cộng có thể là nạn nhân bị thiệt hại nặng nhất từ cuộc khủng hoảng của vùng euro.

Thứ ba, Trung Cộng, vốn đã có các yếu tố nhân khẩu thích hợp nhất trong kỷ nguyên cải tổ của họ so với bất cứ quốc gia nào khác, không bao lâu nữa sẽ trở thành một trong những nước có các yếu tố tệ hại nhất về nhân khẩu. Theo các nhà nhân khẩu học của cả Trung Cộng lẫn ngoại quốc thì lực lượng lao động của Trung Cộng sẽ giảm dần rồi ngưng trệ vào khoảng năm 2013, hoặc có thể là năm 2014, nhưng hiện đã thấy được tác động của chiều hướng này là lương công nhân tăng lên, một khuynh hướng mà cuối cùng sẽ làm cho các cơ xưởng của nước này không cạnh tranh nổi. Lạ thay, Trung Cộng lại cạn người dọn đến các thành phố, làm việc trong các cơ xưởng, và để làm nguồn lực đẩy mạnh nền kinh tế. Nhân khẩu có thể không phải quyết định số phận của họ nhưng nay sẽ tạo ra nhiều trở ngại cho vấn đề tăng trưởng.

Trong khi nền kinh tế của Trung Cộng không còn có được ba điều kiện thuận lợi này nữa thì đồng thời cũng phải hồi phục từ những trục trặc gây gián đoạn khác, bong bóng tài sản và lạm phát, từ biện pháp kích thích kinh tế quá mức của Bắc Kinh trong năm 2008 và 2009, chương trình kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới (gồm hơn 1 ngàn tỷ đô la chỉ nội trong năm 2009). Kể từ cuối Tháng Chín, các dấu hiệu kinh tế, mức tiêu thụ điện lực, đơn đặt hàng kỹ nghệ, mức gia tăng xuất cảng, số lượng xe bán ra, giá bất động sản, và nhiều lãnh vực khác, đều cho thấy đang hướng về một nền kinh tế đứng lại hoặc sụt giảm. Tiền bạc đã bắt đầu bỏ đi khỏi nước này trong Tháng Mười, và quỹ dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã liên tục giảm đi kể từ Tháng Chín.

Vì thế, chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng sụp đổ hoặc, có nhiều xác suất xảy ra hơn nữa, nền kinh tế bị suy thoái trong nhiều thập niên theo kiểu Nhật Bản. Dù xảy ra theo kiểu nào đi nữa, các khó khăn kinh tế này xảy ra vào lúc xã hội Trung Cộng đang trở nên hết sức bất trắc. Không phải chỉ có những vụ biểu tình phản đối mới gia tăng nhiều, một nguồn tin cho biết đã có 280.000 “vụ dân chúng biểu tình” hồi năm ngoái, mà những vụ này còn càng ngày càng trở nên bạo động hơn như đã thấy qua làn sóng nổi dậy, nổi loạn có bạo lực, thịnh nộ và đặt bom dạo gần đây. Đảng Cộng Sản, không hòa giải được nỗi bất mãn của xã hội, đã chọn cách gia tăng các biện pháp đàn áp đến mức chưa từng thấy trong hai thập niên qua. Chẳng hạn như nhà cầm quyền đã bố trí đầy dẫy công an và các lực lượng vũ trang tại các thành phố và làng mạc trong nước và gia tăng theo dõi tất cả các dạng liên lạc và truyền thông báo chí. Chả trách gì mà trong các cuộc thăm dò trên mạng, hai chữ “kiểm soát” và “cấm” đã được bầu là những chữ thông dụng nhất trong nước cho năm 2011.

Đường lối cứng rắn này đã giúp giữ vững được chế độ cho đến ngày nay, nhưng tình tạng ổn định do đường lối này đem lại chỉ có thể có hiệu quả ngắn hạn trong xã hội ngày càng tân tiến hơn của Trung Cộng, vì đa số mọi người xem chừng như đều tin rằng một nước độc đảng không còn thích hợp nữa. Chế độ rõ ràng đã thua mặt trận tư tưởng.

Ngày nay, mức thay đổi xã hội tại Trung Cộng đang xảy ra nhanh hơn. Vấn đề khó khăn của đảng cầm quyền tại nước này là, tuy người dân tại Trung Cộng nói chung không có ý định làm cách mạng, các hành động gây gián đoạn xã hội của họ có thể đưa đến các hệ lụy cách mạng vì diễn ra vào một thời điểm hết sức tế nhị. Tóm lại, Trung Cộng là một nước quá năng động và có nhiều thay đổi thất thường nên các lãnh tụ của Đảng Cộng Sản khó bám víu quyền lực được lâu. Tại một nơi nào đó trong năm tới này, dù là một ngôi làng nhỏ hay một thành phố lớn, sẽ xảy ra một vụ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và lan rộng nhanh chóng. Vì người dân trong nước có cùng ý tưởng như nhau nên chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy họ sẽ hành động như nhau. Chúng ta đã nhìn thấy người dân tại Trung Cộng đồng thanh hành động: Hồi Tháng Sáu năm 1989, trước khi có phương tiện xã hội trên mạng, đã có các cuộc biểu tình phản đối tại khoảng 370 thành phố tại Trung Cộng, mà các cuộc phản đối này đều không có lãnh tụ cấp toàn quốc.

Hiện tượng này đã xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông trong năm vừa qua và cho chúng ta thấy được là chính bản chất thay đổi chính trị trên thế giới cũng đang thay đổi và gây bất ổn đến cả các chính quyền độc tài nào trông có vẻ như an ninh vững chắc nhất. Trung Cộng chắc chắn sẽ không tránh được làn sóng nổi dậy này của dân chúng, như đã thấy qua phản ứng quá mức của Bắc Kinh đối với các cuộc phản đối được gọi là “Hoa Lài” vào mùa xuân vừa qua. Đảng Cộng Sản, vốn từng thủ lợi từ các khuynh hướng toàn cầu, nay lại là nạn nhân của các khuynh hướng đó.

Vậy thì liệu Trung Cộng có sẽ sụp đổ hay không? Các chính quyền yếu kém vẫn có thể tồn tại được một thời gian lâu. Các nhà chính trị học, vốn thích xếp đặt lại cho có trật tự các biến cố không giải thích được, nói rằng cần phải có nhiều yếu tố thì chế độ mới sụp đổ và tình hình Trung Cộng đang thiếu mất hai yếu tố quan trọng nhất: một chính quyền chia rẽ và một phe đối lập vững mạnh.

Vào thời điểm càng ngày càng có thêm các khó khăn quan trọng, Đảng Cộng Sản đang bắt đầu tiến trình chuyển tiếp chính trị nhiều năm và do đó không chẩn bị được chu đáo để đối phó với các vấn đề khó khăn. Đã thấy có các rạn nứt trong giới lãnh đạo Đảng, và mức đáp ứng chậm chạp của giới lãnh đạo trong những tháng gần đây – rõ ràng ngược hẳn với phản ứng nhanh như chớp của họ hồi năm 2008 đối với các khó khăn kinh tế ở ngoại quốc – cho thấy là tiến trình quyết định tại Bắc Kinh đang suy thoái. Vậy thì chúng ta hãy đánh dấu vào ô ghi yếu tố thứ nhất: chính quyền đã chia rẽ.

Còn về yếu tố có phe đối lập hay không thì Liên Xô trước đây đã sụp đổ mà không nhất thiết phải có sẵn phe nào là phe đối lập cả. Trong thời đại nhiều bất trắc thất thường hơn này thì chính quyền Trung Cộng có thể tan rã như các chế độ độc tài tại Tunisia và Ai Cập. Như chúng ta đã thấy trong “cuộc nổi dậy công khai” tại làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông hồi tháng trước, người dân có thể tự tổ chức nhanh chóng, như họ đã từng làm nhiều lần kể từ cuối thập niên 1980. Dù sao đi nữa thì nay không còn cần phải có một guồng máy trơn tru để phá sập một chế độ trong kỷ nguyên cách mạng không cần lãnh tụ.

Cách đây không lâu, mọi việc đều tiến triển êm xuôi cho các viên chức tại Bắc Kinh. Nay thì không có chuyện gì êm xuôi được nữa. Vậy thì đúng thế, đúng là tôi đã tiên đoán sai. Thay vì 2011, Đảng Cộng Sản Trung Hoa đầy quyền lực sẽ sụp đổ vào năm 2012. Chắc chắn là vậy.

Source: http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/12/29/the_coming_collapse_of_china_2012_edition
__________________________

Chú thích của người dịch:

(1) The Coming Collapse of China
(2) Justin Yifu Lin
(3) Mercantilism, tức là chủ nghĩa kiểm soát lãnh vực mậu dịch ngoại thương để chắc chắn phần lợi về mình. Có thể gọi là “chủ nghĩa trọng thương” theo tiếng Tàu nhưng vì “trọng thương” có thể hiểu thành “bị thương nặng” nên người dịch đổi thành “duy thương”.

0 comments:

Powered By Blogger