Trần Mạnh Hảo - Trên các trang mạng, chúng tôi vừa công bố bài viết : “Hai tác phẩm của ông Hữu Thỉnh dự giải thưởng Hồ Chí Minh 2011; một tác phẩm dở và một tác phẩm phạm quy”.Trong bài báo này, chúng tôi đã phân tích cặn kẽ và chứng minh rõ ràng rằng tập thơ “Thương lượng với thời gian” của Hữu Thỉnh dự xét giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011 là một tập thơ dở, nhạt nhẽo, ít có giá trị nghệ thuật. Nay chúng tôi xin mời qúy độc giả cùng chúng tôi khảo sát thêm một tập thơ khác là “Trường ca Biển” của Hữu Thỉnh (do NXB Quận đội nhân dân in năm 2004 – trong đó in kèm hai trường ca: “Đường tới thành phố” và “Sức bền của đất”). Trong tập “Trường ca Biển”, trường ca này in từ trang143 đến trang 202, chia làm sáu chương.
Chúng tôi buộc lòng phải làm khổ bạn đọc là xin trích nguyên chương một “Trường ca Biển” ra đây để nhờ qúy vị độc giả, hoặc nhờ quý vị trong hội đồng xét đề cử giải thưởng văn học Hồ Chí Minh 2011 của Hội nhà văn Việt Nam, quý vị trong hội đồng xét giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh của nhà nước có con mắt xanh chỉ dùm cho chúng tôi xem, trong “biển thơ” dài dằng dặc của chương một mở đầu này, chất thơ nằm ở đâu, chất nghệ thuật nằm ở đâu ? Chứ chúng tôi, vốn người trần mắt thịt, chỉ thấy toàn bộ chương “Dốc biển” mở đầu “Trường ca Biển” này của Hữu Thỉnh toàn chữ là chữ mà tịnh không thấy một câu thơ.
Xin trích :
“Chương một: Dốc biển
Đi hết Trường Sơn ra với đảo
Dốc lại dựng lên trong mỗi ngày thường
Mỗi ngọn sóng một đỉnh đèo thác trắng
Bóng mát thật hiền dưới vành mũ gian nan
Đến một ngày kia những người lính đã tới biển của mình. Cuộc gặp gỡ của triệu năm với đứa con trận mạc. Không chỉ là người lính lạ lẫm, chính biển lạ lẫm đầu tiên. Biển thốt lên: "Người sắp thắng trận sao mà hốc hác quá". Những người lính cầm le ta cành sú hoe vàng, cầm luôn cả một miền che chở mới. Người lính nói: "Tôi đi qua nhiều bóng mát để về đây". Bóng mát đã lùi xa. Mực tím đã trải lại cho tuổi học trò. Tiếng gàu sòng đã trả về cho cơn hạn hán. Trước mặt là biển, bốn bề là biển, hình như phải nói một câu gì với biển.Và người lính nói:- Hôm nay tôi thấy biển lần đầu. Biển nói:- Mái gianh nhà anh không nói thế.Vại nước gốc cau nhà anh không nói thế. Người lính nói:- Tôi phải làm gì.Biển nói:- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
Đó là, nghi lễ đầu tiên và nghi lễ cuồi cùng. Người lính nói:- Mẹ dặn tôi: Ra sông lấy sóng mà yêu. Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin.Tôi đã tin và chưa hề bị ngã. Biển nói:- Không ngã chưa chắc đã khỏi chìm. Người lính nói:- Có bí quyết gì sau sóng kia chăng? Biển nói: - Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.Người lính nói: Tôi đã đi suốt hai đầu đất nước. Biển hiu hiu thán phục- Những vết thương của tôi nhiều hơn cả tuổi đời.Biển hiu hiu thán phục. Và biển chỉ hỏi anh đơn giản điều này:- Anh có biết bơi không? Người lính nói:- Không phải ai cũng biết bơi. Thế mà sao vẫn rất nhiều cái huơ tay hãnh tiến. Biển nói: - Họ đang bơi trên số phận của mình. Một nửa trí khôn của con người là tìm cách chứng nhận mình và chứng nhận lẫn nhau. Người lính nói: - Cây không đi tìm gió, nhưng kẻ thù sẽ đến tìm ta. Ta lấy gì để che mắt chúng? Màu cát hay màu biển. Biển nói- Còn lại một mình anh. Người lính nói"- Tôi phải làm gì? Biển nói: - Sống với nước hãy bắt đầu từ nước. Người lính nói: - Tôi có nhiều bạn.
Tôi cầm tay nhiều người Nhiều người cầm tay tôi
Tôi sẽ gọi tên ai đầu tiên trong cơn khát biển? Biển nói:- Kẻ thù nói ngoài khơi có vàng và tìm cách cướp vàng.Bạn bè nói ngoài khơi có sóng dữ và chia sóng cùng anh. Hãy gọi ai không biến sóng dữ của kẻ khác thành quà tặng cho mình. Người lính nói:- Bao năm rồi tôi nhìn mây biết giớ nhìn cỏ biết mưa, cả cánh buồm cũng giúp tôi chạy thóc và nhà trước khi cơn giông đến. Gió đấy, cỏ ấy và cánh chuồn mau mắn ấy có giúo gì tôi ở biển? Biển nói:- Đó là những đồng tiền để tiêu trên mặt đất. Người lính nói:- Bao vốn liếng cả một đời góp nhặt. Bước xuống tàu bỗng thành kẻ tay không. Biển nói:- Những chiếc huân chương còn soi sáng trên bờ Sống với nước hãy bắt đầu từ nước. Người lính nói:- Xin tạm biệt những dây hòm dây cóc day mai.
Đến thay đôi thiếu đứt
Giúp ta xong buổi cày
Xin tạm biệt những cử nâu me mệt ngủ
Chín dần bên dấu chân voi.
Xin tạm biệt những buổi trưa bát vở những buổi tối hết dầu những ban mai thổi lửa.
Tạm biệt em, nỗi éo le của anh, dang dở của anh, cay đắng của anh; tạm biệt cơn khát tình vằng vặc.
Em đã đến thở than trên sáo trúc
Xua đêm đi thành mộng mị đời anh...
Lời sóng I
Những người lính ra đảo/Có dòng sông đồng hành/Năm dài và đất rộng/Vui buồn sau chiến tranh/Có người lính xây thành/Lẫn vào lau biên ải/Có bao người con gái/Đến thăm nàng Vọng Phu../.Biển thành nắng thành mưa/ Của đất liền vòi vọi/ Biển thành đêm thành ngày/ Nồng nàn trên gối cưới/ Em muốn đem tóc xanh/ Buộc trời cho đỡ bão/ Em muốn gửi tròn tay/ Gối mềm trên cát đảo…” ( hết trích)
Giả sử như năm chương sau của “Trường ca Biển”, Hữu Thỉnh viết thật hay, thì cũng không cứu nổi trường ca này rơi xuống biển nhạt nhẽo mất tăm vì toàn chương một là những con sâu lớn làm rầu nồi canh mất rồi. Chẳng lẽ, chúng tôi phải in lại toàn bộ “Trường ca biển” trong bài viết này để tra tấn bạn đọc, đành phải trích thêm một đoạn khá nhất của chương hai có tên là “ Cát” để các vị trong các hội đồng xét giải thưởng dùng con mắt xanh chỉ cho chúng tôi xem đoạn trích dưới đây thơ nằm ở đâu, nghệ thuật nằm ở đâu, xúc động nằm ở đâu ? Xin trích : “…
Cát ở đây là lối đi
Cát là chỗ ăn cơm chiêu ngụm nước
Cát là giường nằm gối đầu lên cát
Cát theo lá thư đồng đội gửi về
Cát ở đây là tất cả
Cát là tiền duyên cát là điểm tửa
Nơi chạm súng đầu tiên chốt cặn sau cùng
Sống cát là bệ tì
Chết cát là hoa tươi và nước mắt
Sống cát là màu che mắt địch
Chết cát là màu tang
Không có chỗ nào không có cát
Không có điều gì không có cát
Cúng tôi bắt đầu ngả bóng của mình lên
Bóng ngả về Đông về Tây về Nam về Bắc
Bóng chúng tôi nóng lên dưới cát
Bóng chúng tôi che lên Đất Nước
Giữ nguyên lời dặn của ông bà
Chúng tôi vốc cát lên
Chúng tôi nghe cát nói
Chúng tôi bắt đầu như thế với Trường Sa
*
- Cấm đi câu ti tắm một mình
Xuống nước phải mang theo dao găm
Lũ cá he hay bổ từ trên xuống
- Cấm bơi xa miệng vực
Ở đấy nhiều sóng ngầm nhiều cá mực
Và nếu chẳng may
Nhất thiết phải bơi đứng
Cá mập không quen săn mồi thẳng
- Không được lệnh quân y
Cấm ăn một thứ lạ
Những mệnh lệnh lạnh lùng
Chúng tôi học từ máu người đi trước
Chúng tôi học để làm quen và đứng vững
Để có thể nói rằng tôi đang ở Trường Sa.
Tôi đang ở Trường Sa
Trong đội hình Song Tử Đông, Song Tử Tây, An Bang Nam Yết
Kết bạn với vô cùng
Đảo rập rờn chìm nổi những quả cân
Cân người lính và hiểm nguy đời lình
Bạn tôi đang thổi sáo sau hầm
Bỗng ngừng bặt
Giữa chừng réo rắt
Chúng tôi chạy ra
Chấp chới cánh tay ngoài năm sải nước
Tiểu đội xếp hàng chuyển gạo
Sóng lườn quanh thân
Bỗng
Một tiếng thét
Một vũng máu
Một khoảng trống
Tôi gào lên
Im ắng rợn người
Tìm qua sóng
Gặp đàn cá mập
Rong rêu nhiều
Mà mất bạn
Bạn ơi!
Hôm đó đảo có thêm gạo mới
Chúng tôi đầu bỏ cơm
Hôm đó đất liền ra thư
Chúng tôi bỏ thư ôm nhau khóc
Gạo chiều nay thành cơn cúng đưa tang
Thư chiều nay viết thêm vào lời điếu
Ngày mai lại có đoàn văn công
Em hãy đến
Ngổn ngang
Cùng im lặng!
( hết trích)
Hầu hết những cái gọi là câu thơ trên đều chỉ là những câu nói dẫn chuyện (tự sự) năng xuống dòng mà thành. Đã nhiều lần chúng tôi cho rằng, trong thơ có nói, nhưng chỉ là những câu nói thông thường năng xuống dòng thì dứt khoát không phải là thơ.
Xin trích thêm một đoạn gọi là “thơ toàn nói” của Hữu Thỉnh trong chương ba có tên “Tự thuật của người lính”, như sau:
Tôi được ăn bữa no đầu tiên
Cha phá kho thóc Nhật
Dòng khẩu hiệu trên nong nia thúng mẹt
Năm làng tôi đi cướp quyền
Tôi nhập tâm những chữ cái đầu tiên
Ngồi tránh đạn trong chiếc hầm thước thợ
Tôi còn dễ mất hơn
Hòn cuội trắng trong chiếc bao diêm nhõ
Một đứa trẻ bị bỏ quên và dễ vỡ
Vẫn bị rầy vì cài cúc so le
Tôi đã lớn để trở thành người lính
Thọc đôi tay vào chiếc túi của rừng
Chiến công đôi khi là tìm ra một thứ gì ăn được
Để có giấc ngủ yên mười lăm hai mươi phút
Chúng tôi đào hầm hì hục suốt đêm
Đã đem theo những căn nhà mái thấp
Đường vào Nam mưa mỗi lúa mỗi to
Đã giấu mình trong lá lau lá chít
Đã nấu nung để chớp giật không ngờ
Chúng tôi chưa bao giờ yên tĩnh
Đi như song hiếu động như rừng
Đã để lại thảnh thơi cho cỏ
Và nhận về giông bão trên lưng
Đã khắc vào cây để nhớ một ngày
Để nhớ một người để thương đất nước
Đã để ít đời mình nơi ngã ba khốc liệt
Đã bông đùa xen kẽ với bom rơi
Tôi đã ăn những quả cà kho mặn
Hái trong vườn có nắng xiên quai
Có chú ve sầu làm tổ gốc cây
Kêu sốt ruột những ngày tôi đi vắng
Cố nhóm lửa lại vội vàng qiấu khói
Cơm chín rồi cứ ngân ngấn thương nhau
Tiếng nai tác đi ăn than ngoài rẫy
Sao ta hoài thắc thỏm đâu đâu
Sao hay nhớ hay thương va hay vấp
Bước say mê trên sông núi hữu tình
Chiếc lá mở trước của hầm thân mật
Thưa của trời súc tích chỉ màu xanh
Tôi đeo quanh cây của đất nước mình
Làm chùm quả dưới vòm trời nhiệt đới
Những chùm quả có nắng vào làm lõi
Cứ ngày ngày thơm thảo với quê hương
(hết trích)
Câu gọi là thơ nôm na hơn cả câu nói đời thường kiểu: “Đường vào Nam mưa mỗi lúc mỗi to”…là dáng tiêu biểu những “câu thơ toàn nói” của Hữu Thỉnh trong “Trường ca biển”.
Xin trích thêm một đoạn trong chương năm:
“Cho những buổi trưa đàn trâu mộng dầm mình trong nước sánh. Cho bên lở bên bồi tạo hóa buộc lòng bất công dằng dặc. Cho lóng một lóng đôi rổ rá giần sàng, che chắn gió biến thành kẻ ăn người ở.
Cho bên ấy bên này diệu vợi, cả tiếng gọi đò cũng là quà tặng của dòng sông
Khi gặp biển đó là lúc sông đem cho lần cuối, một cuộc cho trọn vẹn huy hoàng như thơ cho, như mùa dâng quả, cô gái biến thành nàng dâu để lại sau lưng bao tiếng thở dài. Và khi không còn gì để cho, sông như tráng sĩ không còn vũ khí, giáo chủ không còn mật kinh, võ sư không còn bí quyết; sông như nghệ sĩ đã nắm xong vai, một kẻ trắng tay giàu có đo mình bằng kích thước của biển.
Dung nhan của biển là bình thản
Vẻ đẹp của sông là không tỉnh táo
Nỗi khổ của biển là sở hữu không cùng
Sông - những cây nước khổng lồ
Bóng mát mệt mê mang mang bồi đắp
Sông góp củi cho nồi cơm lớn
Lòng vị tha là người khách sau cùng
Dưới đáy biển
Sông lang thang tìm lại các dòng sông
Trên mặt sóng
Đảo đang vào mùa nắng
*
Sông đi sông đi vờ vật sông đi
Tìm lại mình trong biển
Biển nói bằng muối chát
Sông không nghe được gì
Thỉnh thoảng lại tụng lên vài trận bão
Vò mây chơi
Thỉnh thoảng lại cho vài chú cá ngáp
Tuột khỏi vòng luân hồi
Cá chớp mắt; Ta lên thăm lính đảo
Xem đời có gì vui’’
( hết trích)
Hữu Thỉnh ưa triết lý, mà hầu như toàn triết lý sống sượng, buồn cười, ví dụ :
“Đức hạnh của sông là đa mang
Dung nhan của biển là bình thản
Vẻ đẹp của sông là không tỉnh táo
Nỗi khổ của biển là sở hữu khôn cùng”
Bốn câu gọi là thơ này của Hữu Thỉnh nếu đem đi dự thi báo “Tuổi Trẻ Cười” chắc sẽ được giải cao.
Triết lý như những “câu thơ” này của Hữu Thỉnh còn chết cười hơn nữa :
“Sông đi sông đi vờ vật sông đi
Tìm lại mình trong biển
Biển nói bằng muối chát
Sông không nghe được gì
Thỉnh thoảng lại tụng lên vài trận bão
Vò mây chơi
Thỉnh thoảng lại cho vài chú cá ngáp
Tuột khỏi vòng luân hồi
Cá chớp mắt; Ta lên thăm lính đảo
Xem đời có gì vui”
Hữu Thỉnh quả là có óc hài hước, có tài về thơ chọc cười ngay trong khi chơi thơ trữ tình quả là xưa nay hiếm có.
Thường trong “Trường ca biển”, Hữu Thỉnh hay triết lý rất ngô nghê, dông dài, lẩm cẩm, buồn cười, như sau :
“Dưới bầu trời khắc nghiệt của chiến tranh
Tôi ít nói nhường lời cho súng nổ
Chính khẩu súng cũng giúp tôi gạt bỏ
Tính hiếu kỳ như một sự trớ trêu”
Có khi Hữu Thỉnh “triết lý” rất chi là bí hiểm, y như đánh đố, sao lại : “Không có cái chết nào nhục nhã hơn là sống không phải mẹ”…
“thế lày nà thế lào” thưa nhà thơ Hữu Thỉnh ? Xin trích cả đoạn này, để quý độc giả suy luận, khỏi mang tiếng cắt xén :
“Mẹ ơi , khi con đau đớn nhận ra cái ác là vô cùng
Cũng là lúc con nhận ra sự hữu hạn của lòng tốt
Mảnh ván con bơi là lòng tốt cuối cùng
Trên thế gian đầy bất trắc
Ngày thứ tư con "đi" trên biển
Bằng đôi tay của mình
Số phận biến con thành một chú bọ gậy ngang tàng
Không chịu chết vì chán nản
Và khi cả người con dán chặt vào đất
Như một - con - tem - người
Dán vào dòng đời
Con bỗng nhận ra không phải lá cờ ta
Không phải mẹ
Không có cái chết nào nhục nhã hơn là sống không phải mẹ”
(hết trích)
Nói cho công bằng, trong “Trường ca biển” nếu chịu khó đãi cát tìm vàng, vẫn có thể tìm thấy một vài đoạn thơ khá, ví dụ :
“Đom đóm ơi đom đóm dẫn đi đâu
Đêm là tàu lá sen che nửa phần trái đất
Ấy là lúc những vì sao xa lắc
Nối với tôi qua một sợi dây diều”
Và câu hay :
“ Ngày anh về
Lúa đồng cúi hạt”
Nhưng những câu hay, câu khá như trên quả là hiếm hoi trong thi phẩm này của Hữu Thỉnh.
Trong “Trường ca biển”, ta bắt gặp lối viết, cách nói phúng chỉ, ví von thẽo thọt, tủi phận …lặp lại từ các tập thơ trước của chính tác giả, ví dụ :
“Đời bao nhiêu trớ trêu mà đêm còn quá rộng / Đêm như là vắt kiệt các vì sao”, “Đồng vắt kiệt nằm than trong gió bấc”, “Không không mẹ dặn tôi không/ Ngọt chả sợ đường đường không sợ lội”, “Chim ngói cả tin mắc lồng oan nghiệt/ Ngọn tơ hồng chết nghẹn giữa bòng bong”…. Hoặc một câu lục bát thất vận : “Cầu vồng xanh đỏ tím vàng/ Chim cu toan đổi chuỗi cườm trời cho”…
Nói tóm lại “Trường ca biển” là một thi phẩm làng nhàng, nhạt nhẽo, thiếu hẳn giá trị nghệ thuật vì tác giả viết bằng sự khéo tay, thiếu xúc cảm, thiếu một trái tim chân thành của một thi sĩ đúng nghĩa. Chẳng lẽ người ta lại đi tôn vinh hai tác phẩm dở tệ này của Hữu Thỉnh là “ Trường ca biển” và “ Thương lượng với thời gian” bằng giải thưởng Hồ Chí Minh, để tìm cách hạ thấp giá trị của giải thưởng này đến mức không còn từ gì để nói thế này ư ?
Trần Mạnh Hảo
0 comments:
Post a Comment