Sunday, September 11, 2011

Điếc không sợ súngViệt Nam nhất định phải xây lò nguyên tử!

-Nhị Khê

Sau hội nghị chính phủ liên hiệp Đức kéo dài 12 tiếng đồng hồ, nửa đêm ngày 30/05/2007, ông Norbert Rottgen, Bộ trưởng Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên và Năng lượng nguyên tử, tuyên bố: Năm 2021, Đức Quốc sẽ đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử. Tuy nhiên, ba nhà máy mới nhất trong số 17 nhà máy điện nguyên tử của Đức hiện nay sẽ được sử dụng thêm một năm, đến năm 2022 Đức Quốc mới hủy bỏ hoàn toàn.Với quyết định này, Đức là cường quốc kỹ nghệ lớn nhất thế giới tuyên bố hủy bỏ các nhà máy điện nguyên tử. Sau đó, Ý Đại Lợi và Thụy Sĩ cũng tuyên bố sẽ không dùng điện nguyên tử. Trong khi đó, Việt Nam vẫn nhất định không thay đổi quyết định xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận công bố ngày 11/03/2011.

Đức hủy bỏ các nhà máy điện nguyên tử
Sau khủng hoảng nguyên tử tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima, dân Đức tổ chức biểu tình yêu cầu chính phủ thôi sử dụng các nhà máy điện nguyên tử. Nữ Thủ tướng Angela Merkel thành lập ban xét duyệt lại kế hoạch điện nguyên tử. Sau cuộc họp hiệp thương kéo dài mưới mấy tiếng đồng hồ, Đức quyết định hủy bỏ toàn bộ các nhà máy điện nguyên tử vào năm 2022.
Bộ trưởng Môi trường Rottgen cho biết, theo kế hoạch, 7 lò phản ứng cũ nhất đã ngưng hoạt động để xem xét độ an toàn ngay sau khi xảy cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật, và từ đó không bao giờ được sử dụng lại. Nhà máy thứ 8 ở Kruemmel (miền bắc nước Đức) vốn có nhiều vấn đề kỹ thuật đã ngưng hoạt động, sẽ được đóng cửa vĩnh viễn. Từ nay tới năm 2021, 6 nhà máy khác cũng sẽ ngưng hoạt động , 3 nhà máy mới nhất sẽ chấm dứt hoạt động vào năm 2022. Ông Rottgen nói: "Đây là điều chắc chắn. Việc đóng cửa 3 nhà máy điện nguyên tử mới nhất sẽ diễn ra vào năm 2022".
Ngay khi đó nhiều người đặt câu hỏi: "Nước Đức phải trả giá thế nào khi hủy bỏ nhà máy điện nguyên tử?". Qua một cuộc thăm dò dư luận, ba phần tư số người được hỏi trả lời họ sẵn sàng chi thêm tiền để được sử dụng nguồn điện an toàn. Một câu hỏi khác đặt ra là họ sẽ chi thêm bao nhiêu? 200 tỷ Euro, nhiều hơn hoặc ít hơn?
Ông Jürgen Trittin, cựu Bộ trưởng Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên và Năng lượng nguyên tử hiện nay là trưởng nhóm nghị sĩ của Đảng Xanh (Alliance '90/The Greens) tính toán rằng mỗi người dân sẽ trả thêm cho một KWh điện 0,005 Euro. Như vậy trung bình mỗi gia đình một tháng phải chi tiền điện cao hơn trước 1,5 Euro. Theo ông, với giá rẻ như vậy, người Đức có thể tự cho phép mình tiễn biệt năng lượng nguyên tử vào quá khứ.
Ông Stephan Kohler, một chuyên gia của tổ chức Năng lượng Mặt Trời, phản đối ý kiến của Trittin. Kohler cho rằng chỉ riêng việc xây dựng thêm các tuyến tải điện mới cũng làm tăng giá điện thêm 0,01 Euro cho 1 KWh. Đó là chưa tính đến chi phí cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Kohler, giá điện sẽ tăng từ 20% trở lên.
Ông Gerd Billen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Bảo vệ Người tiêu dùng, từng tìm hiểu vấn đề giá điện sau khi hủy bỏ các nhà máy điện nguyên tử đưa ra kết luận: Tại Đức đã bắt đầu cuộc đua đưa ra giá điện cao hơn: 5%, 10% hay 20%... Theo ông, không có cơ sở đáng tin cậy để đánh giá như vậy.
Theo tính toán của bà Claudia Kemfert, Giáo sư Kinh tế Năng lượng (Professor of Energy Economics), cần khoảng 130 tỷ Euro cho việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, 20 tỷ cho các biện pháp tiết kiệm điện, 25 tỷ để xây dựng các tuyến tải điện mới. Tính ra hết khoảng 180 tỷ Euro mới đảm bảo nguồn điện ổn định sau khi Đức hủy bỏ các nhà máy điện nguyên tử. Ai phải trả khoản chi này? Người sử dụng điện à? Nữ giáo sư Kemfert không nghĩ vậy. Bà cho rằng người sử dụng không phải trả thêm một Euro nào, lý do là có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ để từ bỏ năng lượng nguyên tử. Họ sẽ đầu tư nhiều vốn liếng nếu có sự cạnh tranh mạnh hơn trong thị trường nội địa. Theo bà, hiện tại 86% người tiêu dùng Đức buộc phải mua điện của 4 "ông vua" chia nhau thị trường năng lượng. Việc đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều nhà máy điện loại nhỏ. Như vậy sẽ xảy ra cạnh tranh. Ai cũng biết, có cạnh tranh sẽ cản trở việc tăng giá.

Đến lượt Thụy Sĩ và Ý Đại Lợi
Thượng tuần tháng 06/2011, Hạ viện Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất từ bỏ phát triển nhà máy điện nguyên tử. Hãng thông tấn AP cho biết, phần lớn các ông bà nghị trong Hạ viện Thụy Sĩ đã bỏ phiếu đồng ý cho đóng cửa 5 lò phản ứng nguyên tử nước này với 101 phiếu đồng thuận, 54 phiếu chống và 30 phiếu trắng.
Sau thảm họa Fukushima I của Nhật Bản, Thụy Sĩ dấy lên cao trào thúc đẩy từ bỏ điện nguyên tử. Các cuộc trưng cầu dân ý tại Thụy Sĩ cho thấy, phần lớn người dân nước này ủng hộ việc đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử.
Ngày 25/05, Chính phủ Thụy Sĩ quyết định đình chỉ mọi kế hoạch xây dựng mới nhà máy điện nguyên tử và từng bước hủy bỏ 5 nhà máy hiện có. Với sự nhất trí của phần lớn các ông bà nghị, các nhà máy điện nguyên tử ở Thụy Sĩ sẽ ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2034.
Ngày19/04/2011, TTg Ý Đại Lợi Silvio Berlusconi đệ trình một dự luật lên Thượng viện đề nghị "xếp xó" không thời hạn việc xây dựng một nhà máy điện nguyên tử mới. Dự luật nói rằng, kế hoạch này đã được "đóng băng" để có thêm bằng chứng khoa học về sự an toàn của nhà máy điện nguyên tử.
Sau thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine ngày 26/04/1986, Ý Đại Lợi đã đóng cửa tất cả các nhà máy điện nguyên tử. Chính phủ Berlusconi vẫn đưa ra kế hoạch xây dựng một nhà máy mới để giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của đất nước. Sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima do trận động đất và sóng thần gây ra ngày 11/03/2011, Ý công bố lệnh cấm một năm về lựa chọn địa điểm và xây dựng nhà máy. Hành động này dường như để đáp lại sự phản đối công khai ngày càng tăng đối với việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử.
Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 06/2011, 90% phản đối phát triển điện nguyên tử, TTg Silvio Berlusconi tuyên bố: "Nguyện vọng của dân Ý rất rõ ràng. giờ đây chính phủ và Quốc hội phải thực hiện đầy đủ nguyện vọng của số đông".

Và sự "ngoan cố" của Việt Nam
Nếu không xử lý được các tai biến xảy ra, thảm họa nguyên tử Fukushima còn lớn hơn nhiều so với thảm họa ở Tchernobyl, Ukraine. Sau tai nạn xảy ra ở Fukushima, các nước hiện khai thác điện nguyên tử đã có phản ứng nhanh chóng, thông báo sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, rà soát lại các biện pháp bảo đảm an toàn, sẵn sàng đóng cửa những cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc đã cũ. Nhiều quốc gia chuẩn bị phát triển điện nguyên tử tuyên bố đình chỉ, xem xét lại các dự án trong lĩnh vực này. Trong khi đó ở Việt Nam, giới hữu trách trấn an công luận một cách ngắn gọn: Sẽ ưu tiên chú trọng đến vấn đề an toàn hạt nhân. Điều này có nghĩa là không thay đổi kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử trong những năm tới.
Theo kế hoạch, năm 2014, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 chính thức khởi công, năm 2020 chính thức phát điện thương mại. Hiện nay dư luận trong và ngoài Việt Nam đang đặt câu hỏi: "Việt Nam có những lợi thế gì để xây dựng và vận hành thành công nhà máy điện nguyên tử?". Nhất là hiện nay kẻ giúp Việt Nam là Nhật Bản đang lúng túng trước sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Cùng thời điểm này, Đức, Thụy Sĩ, Ý Đại Lợi là những cường quốc điện nguyên tử đã chính thức tuyên bố chấm dứt. Tất cả những sự kiện này đã tác động đến người dân Việt Nam. Một lần nữa câu hỏi "Nên hay không nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân" lại "nóng" hơn bao giờ hết. Nhiều nhà khoa học Việt Nam ở hải ngoại nghe tin các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn xây dựng nhà máy điện nguyên tử đã viết bài đề nghị hãy nghiên cứu kỹ vấn đề này. Trong đó có giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trong nhiều năm qua từng viết hàng chục bài về vấn đề năng lượng tại Việt Nam. Quan điểm của ông từ trước đến nay vẫn không thay đổi: "Việt Nam không nên phát triển điện nguyên tử mà cần chú ý tới các loại năng lượng tái tạo khác". Trong dịp trả lời phỏng vấn của ký già đài Tiếng nói Tự do Quốc tế (RFI) ở Pháp về vấn đề Việt Nam có nên xây dựng nhà máy điên nguyên tử hay không? Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn nhấn mạnh: "Cũng như nhiều nước trên thế giới, các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn, kể cả Nhật Bản, đang cấp tốc kiểm tra toàn bộ các nhà máy điện nguyên tử, đồng thời xét duyệt lại chiến lược phát triển năng lượng. Thảm họa Fukushima đang diễn biến có thể xem như một Tsunami rất hùng mạnh, ồ ạt lay chuyển công nghiệp nguyên tử thế giới. Thảm họa Fukushima sẽ làm cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia khoa học khiêm tốn và dè dặt hơn xưa. Việt Nam không nên coi thường hậu quả tai biến này, vẫn tiếp tục xúc tiến chương trình xây cất một loạt 8 lò từ năm 2014 đến 2031".
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn còn cho biết, trong cuốn Economie de l'Apocalypse - Trafic et Prolifération nucléaire (Kinh tế Tận thế - Buôn bán và Phổ biến nguyên tử) xuất bản năm 1994, Jacques Attali, nhà kinh tế học người Pháp, đề nghị Liên Hiệp Quốc không nên để các nước thiếu điều kiện xây cất lò nguyên tử. Tổng thống Pháp cũng đã tuyên bố sẽ không bán lò nguyên tử cho những quốc gia không đủ điều kiện, mặc dù trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, đi đâu ông cũng quảng cáo để bán lò EPR của Aréva. Giáo Sư Arnold Gundersen, một chuyên gia hàng đầu về lò nguyên tử của Mỹ, từng tuyên bố rằng hiện nay không nên xây cất thêm một nhà máy điện nguyên tử nào khác trên thế giới, cần phải đợi cho đến lúc các chính phủ lượng định lại mức độ nguy hiểm tối đa như thế nào. Thảm họa Fukushima đã thức tỉnh dư luận. Bây giờ người ta bắt đầu mở mắt, thấy rõ thực hư. Công nghiệp nguyên tử là một công nghiệp đồ sộ, giàu mạnh, nhưng mỏng manh nhất thế giới. Do coi đồng Dollars cao hơn tính mạng con người và môi trường, các công ty, các lobby dối trá với cấp lãnh đạo và dân chúng, thường xuyên che giấu sự thật... Cuối cùng ông đề nghị chính phủ Việt Nam: "Vì sự sống còn của dân tộc, của những thế hệ con cháu sau này, tôi thiết tha đề nghị chính phủ Việt Nam rút lui có trật tự, cương quyết hủy bỏ chương trình điện hạt nhân ngay từ bây giờ, đúng thời, hợp lý, để tránh thảm họa cho đất nước. Các cơ quan trách nhiệm nên nghĩ đến sự an toàn của hàng chục, hàng trăm thế hệ con cháu, thay vì chạy theo những thế hệ lò 3, lò 4, không an toàn chút nào".
Các giáo sư Phạm Duy Hiên - nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt và giáo sư Lê Quốc Trinh (Canada) cũng đã viết bài gửi cho các tờ báo nói về Việt Nam không nên xây dựng nhà máy điện nguyên tử.
Vậy mà, do "dốt nát", "điếc không sợ súng" hay một dã tâm nào đó, ngày 11/03/2011, trong cuộc giao lưu trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Truyền thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa Học - Công Nghệ Lê Đình Tiến vẫn khẳng định, tại thời điểm này Việt Nam có 4 lý do để có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm: Các nguồn năng lượng hóa thạch cũng như thủy điện trong nước cũng như trên thế giới đang cạn kiệt; nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tại và tương lai ở trong tình trạng thiếu; năng lượng hạt nhân hiện nay đã đảm bảo tính an toàn cao và hiệu quả kinh tế cũng cao; điện hạt nhân giảm được khí thải nhà kính. Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng cục Năng lượng nguyên tử, cho rằng, tai nạn nguyên tử ở Nhật Bản một lần nữa cho chúng ta cân nhắc kỹ hơn các điều kiện hiện có để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Những vấn đề chọn địa điểm xây dựng, cần phải xem xét lại. Bên cạnh đó, các thiết bị ngoại vi như thiết bị dẫn điện cũng cần được tính toán kỹ hơn. Ngày 21/03 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại khẳng định: Việt Nam sử dụng lò phản ứng nguyên tử thế hệ 3 hoặc 3+, kỹ thuật tiến bộ hơn hẳn lò phản ứng nguyên tử thế hệ 2 của Nhà máy điện nguyên tử Fukushima I. Hơn nữa, Việt Nam sẽ chỉ xây dựng Nhà máy điện nguyên tử khi đảm bảo chắc chắn các yếu tố an toàn cho môi trường và cuộc sống người dân (?).
Tuy nhiên, trước đó trong một buổi họp báo khẩn do Bộ Khoa Học - Công Nghệ tổ chức long trọng ngày 16/03/2011, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam đã vô tình để lộ ra sự dốt nát yếu kém của một cơ quan quan trọng hàng đầu về điện nguyên tử. Ông Tấn thú nhận không hiểu phương thức giải quyết tai hoạ nổ lò nguyên tử của người Nhật, không hề rút ra được một bài học hay kinh nghiệm quý báu gì cho VN, ngoại trừ những lời tuyên truyền giả dối che đậy cho dự án xây hai nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận (theo vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/03/rut-ra-bai-hoc-tu-su-co-hat-nhan-nhat-ban). Điều này khiến cho nhiều người càng lo cho số phận của người dân Việt Nam sau khi xây dựng xong nhà máy điện nguyên tử. Hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam đừng coi đồng dollars cao hơn tính mạng con người và môi trường, dối trá dân chúng, che giấu sự thật để gây tổn thương cho các thế hệ con cháu Việt Nam sau này. Đừng để cho kẻ xấu lợi dụng việc xây dựng nhà máy nguyên tử để "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" như các vụ PMU 18, Tập đoàn Vinashin và nhiều vụ tham nhũng khác.

0 comments:

Powered By Blogger