Friday, September 23, 2011

Emmanuel Todd: "Tây phương chưa giãy chết đâu!" (Le Point)



Emmanuel Todd: "… nếu nhìn về Á Châu lục địa, nơi mà tiến trình lão hoá sẽ tăng tốc, tôi đặt rất nhiều nghi vấn về một tương lai xán lạn của Trung Quốc, một Trung Quốc chỉ đang bắt kịp thế giới. Họ đã gửi phi hành gia bay vòng quanh quả địa cầu như người Nga đã làm trong thập kỉ 60… "

Lời toà soạn: Emmanuel Todd vừa trình làng tác phẩm « Nguồn gốc các hệ thống gia đình - Quyển 1 » (L’origine des systèmes familiaux). Trong tác phẩm này, ông đã mô tả và giải thích tiến trình phát triển của nhân loại qua lăng kính của một nhà nghiên cứu về gia-đình-học.

Tuần báo Le Point (Pháp) đã quyết định dành 5 trang báo cho ông. Trong phần phỏng vấn, ông đã đưa ra nhiều lập luận về các mô hình xã hội. Ông cũng có một nhận định về mô hình Trung Quốc, nói riêng, và mô hình của các nền văn hoá Á Châu lục địa, nói chung. Những nhận định này đáng được nghiên cứu, khai triển hoặc phổ biến.

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng Emmanuel Todd đã viết và tiên đoán một số dữ kiện. Nhiều dữ kiện ông tiên đoán đã được thực tế xác minh. Quan trọng nhất là tiên đoán về sự giải thể của Liên-Xô ngay vào năm 1976 khi ông cho phát hành tác phẩm đầu tay « Ngày tàn » (La chute finale). Đến năm 1998, trong tác phẩm « Ảo tưởng kinh tế » (L’illusion économique), ông đã lớn tiếng chỉ trích dự án thiết lập vùng tiền tệ Châu Âu và những giá trị được dùng làm nền tảng của hiện tượng toàn cầu hoá.

Thông Luận dịch lại phần trò chuyện giữa tuần báo Le Point và Emmanuel Todd.

Le Point (LP): Tác phẩm của ông là kết quả của một công trình đồ sộ. Lý do nào khiến ông đam mê sưu tầm nguồn cội của các hệ thống gia đình?

Emmanuel Todd (ET): Tôi bắt đầu viết quyển sách này vào năm 2003. Nhưng đây chỉ là thành quả của 40 năm tìm tòi nghiên cứu về các cơ cấu gia đình. Ở thư viện Ai-Cập học của Collège de France (1), tôi vô tình bắt gặp tác phẩm để đời của Jacques Pirenne, sử gia nổi tiếng về Ai-cập. Tác phẩm này nghiên cứu hệ thống luật dân sự vào thời kỳ Đế Quốc Cổ (Ancien Empire). Theo tôi, đây là một công trình tối quan trọng vì nó đưa ra một hình ảnh hoàn toàn bất ngờ và mang nhiều khía cạnh «cá nhân chủ nghĩa» của hệ thống gia đình Ai-Cập thời thượng cổ. Trong phần dẫn nhập, Pirenne nêu ra câu hỏi mà mọi nhà nghiên cứu khoa học rồi cũng phải đặt ra: «Tại sao tôi lại dâng hiến cả cuộc đời của mình cho công việc này?». Lúc đó, tôi đã dành cho sử gia Pirenne một tình cảm nồng nàn của những người đồng cảnh ngộ.

LP: Bây giờ đi vào đề tài, niềm say mê mà ông dành cho việc nghiên cứu gia đình đã nảy nở như thế nào?

ET: Mọi thiên hướng như trên thường xẩy ra một khi sự tình cờ gặp phải cái gì đó khá sâu xa. Khi còn là sinh viên, tôi đã đến trường Cambridge để học tiếng anh. Emmanuel Le Roy Ladurie – thầy tôi và, đối với tôi, cũng là một sử gia và một con người mẫu mực – đã gửi gấm tôi cho một đồng nghiệp, Peter Laslett. Sau này, ông Laslett cũng là người chỉ dẫn cho luận án của tôi. Ông Leslett đã giao tận tay tôi một đóng hồ sơ mô tả những gia đình ở một làng thuộc miền Bắc nước Pháp (Longuenesse). Vốn giỏi toán, tôi tức khắc yêu thích công việc thống kê được giao phó. Nhưng có lẽ số phận đã an bài cho tôi đi theo con đường nghiên cứu các hệ thống gia đình vì chính gia đình của tôi cũng khá độc đáo: nó vừa dựa vào nền tảng rất vững, tuy nhiên cấu trúc của nó thì đã mai một.

Thích đối chiếu là bản năng của tôi. Vì vậy trong luận án, tôi đã so sánh làng xã Pháp, Thuỵ Điển và Ý. Năm năm sau, vào buổi đầu của thập niên 80, tính đa dạng của các hệ thống gia đình đã giúp tôi hiểu được nguyên nhân đưa đến sự phát triển của mô hình cộng sản Nga hay Trung Quốc tại một vài khu vực. Ở những vùng đất khác, tính đa dạng này cũng giải thích sự thành thịnh của chủ nghĩa cá nhân bình đẳng theo khuôn mẫu Pháp, của chủ nghĩa cá nhân thuần túy Anh và của chủ nghĩa thượng tôn dân tộc của Đức và Nhật. Tôi đã khai triển một phương pháp nhận diện lịch sử dựa vào khái niệm gia đình: Ý thức hệ, mô hình phát triển tư bản, thái độ dành cho người nhập cư… đều được khắn khít đan xen trong mỗi mô hình gia đình.

gia đình đã giúp tôi hiểu được
nguyên nhân phát triển của mô hình cộng

LP: Có phải nhờ vào phương pháp nghiên cứu này mà ông thường đưa ra nhiều tiên đoán, phần đông rất chính xác?

ET: Mặc dù không hiển nhiên đối với mọi người, nhưng những gì tôi tiên đoán đều dựa vào công trình nghiên cứu của tôi, ở địa vị của một sử gia hay của một nhà nhân loại học. Khác với các tông đồ Mác-xít, khác với những môn đồ của của chủ nghĩa phóng khoáng quá khích (Ultralibéraux), tôi quan niệm rằng kinh tế không hẳn có đủ khả năng để an bài tất cả. Gia đình – mà chúng ta xuất thân hoặc chúng ta muốn xây dựng – giúp chúng ta thấu hiểu thái độ của con người. Hơn nữa, từ xa xưa, khái niệm về kinh tế chỉ là một phần của khái niệm gia đình.

Đối với một nhà nhân loại học, «đồng vợ, đồng chồng» không chỉ là sản phẩm của tính nhất quán về tình yêu hay về nhục dục. Nó cũng là kết quả của sự kết hợp kinh tế, sản xuất và tái tạo.

LP: Thực ra, ông cũng phải đương đầu với một khó khăn lớn: Tính đa dạng của các thể loại gia đình trong khu vực Âu-Á mà ông mô tả trong tập 1 của quyển sách.

ET: Thật tình thì có rất nhiều mô hình gia đình – rốt cuộc, tôi đã định loại được khoảng 15 mô hình vượt trội. Chẳng hạn như ở hai cực điểm của vùng Âu-Á, người Đức và Nhật đều có mô hình «gia đình gốc» tương tự như nhau. «Gia đình gốc» này dựa vào nguyên tắc chọn lựa một đứa con duy nhất để thừa kế. Mô hình này cũng tồn tại tại Đại Hàn, Tây Tạng và tại vùng Catalan (thuộc Tây Ban Nha). Càng đi ra vòng ngoài của khu vực Âu-Á, có thể nhận diện ở người Anh, người Phi và ở người Chà-Và (Javanais) mô hình «gia đình hạt nhân» và những biến thể của mô hình này: Cha, mẹ và con cái. Trung tâm Âu-Á – Nga, Trung Hoa và Serbie – là vùng đất mà con người sống theo mô hình «gia đình cộng đồng»: Hình thể lý tưởng của nó là một gia đình có cha và các con trai, với một cấu trúc «cha truyền con nối» dành cho nam giới. Người phụ nữ hoàn toàn bị loại. Tại các thảo nguyên Âu-Á, dân du mục (Mông cổ, Kazakh, Turkmène) sinh sống theo mô hình «trung gian»: Thể loại «gia đình hạt nhân» liên hợp với thể loại «cha truyền con nối», trong đó nam giới nắm giữa vai trò chính, để tạo thành những tập hợp linh hoạt.

Tại sao lại đa dạng như vậy? Nguyên do không liên quan gì đến khí hậu, địa hình hay phương pháp sản xuất. Càng không phải vì trình độ phát triển. Trước Đệ nhị Thế chiến, các nhà nhân loại học thường sử dụng một quy tắc: «Nguyên tắc bảo tồn của những vùng ngoại biên» (Principe du Conservatisme des Zones Périphériques - PCZP). Để độc giả dễ hiểu hơn, tôi xin dùng hình ảnh của chiếc bánh pizza. Nhìn vào bánh pizza, chúng ta thấy một khối mầu đỏ thuần nhất ở trung tâm (vùng B). Ở vòng ngoài, chúng ta thấy nhiều vết đốm với mầu sắc khác nhau và tách biệt nhau (vùng A).

Nguyên do của hiện tượng này: Trong thuở ban đầu, trên toàn khu vực, chỉ hiện hữu những vết đốm A, mà ngày nay chỉ còn tồn tại ở vùng ngoại biên và trong tình trạng phân đoạn.

Tuy nhiên, một thay đổi lớn tại trung tâm đã xẩy ra. Thay đổi này đã tạo ra vùng B và lan tỏa ra ngoài nhưng không lan truyền đến hết vùng ngoại biên. Tất cả những vết đốm (vùng A) là di vật của một hệ thống cổ xưa.
Phương pháp diễn giải PCZP này đã thay đổi cuộc đời tôi. Chúng ta có thể nhận diện lịch sử từ bản đồ. Nhưng cần bổ túc bằng những gì còn lại từ những hồ sơ lịch sử, tập san niên biên, bản ghi bằng đất sét của vùng Sumer (2) …

LP: Vậy thì, nằm ở vùng ngoại biên của Âu-Á, Châu Âu hưởng thụ được mô hình «gia đình hạt nhân» cổ xưa?

ET: Đúng vậy. Nếu muốn rút tỉa một tầm nhìn toàn thể của lịch sử nhân loại, có thể cho rằng trong giai đoạn đầu, các xã hội nguyên thủy – xã hội săn-hái – đã có mô hình «gia đình hạt nhân»: Một cha, một mẹ và con cái. Gia đình không đơn độc. Nó có những liên hệ gia tộc chiều ngang với những «gia đình hạt nhân» khác (anh-em ; anh-em rể/chị-em dâu). Nó sinh hoạt trên quy tắc của những «băng đảng địa phương». Nhóm người linh hoạt này đã tận dụng những liên hệ giữa con người, nam hay nữ, để tự lập. Lịch sử nhân loại bắt đầu trong bối cảnh này. Mọi phát minh và sáng kiến nảy nở: Nông nghiệp, chữ viết, thành phố, nhà nước… Nói tóm lại, một nền văn minh xuất hiện. Và có cả những canh tân trong địa hạt gia đình để hướng về những thể dạng phức tạp hơn và nặng nề hơn. Và cuộc canh tân quan trọng nhất là sự thay đổi trong tương quan giữa đàn ông và đàn bà. Có thể quan sát hiện tượng này qua sự xuất hiện của hệ thống «cha truyền con nối» tại Sumer vào giữa thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên (TNK3-TCN), hay tại Trung Hoa vào cuối TNK2-TCN. Thoạt đầu là sự xuất hiện, qua hệ thống gia đình, của nguyên tắc «trưởng nam» (Người con trai đầu lòng thừa hưởng gần như toàn bộ gia tài. Nhưng, nếu gia đình không có con trai, đứa con gái vẫn còn có thể thừa kế). Dần dần là sự thịnh hành của mô hình «gia đình cộng đồng» hoàn toàn «cha truyền con nối» (Ở đây người đàn bà không còn địa vị gì trong việc thừa kế). Từ thời điểm này, một khi cấu trúc «cha truyền con nối» đã thắng thế, một động lực nội tại đã phát tạo ra hiện tượng liên tục hạ thấp vai trò của phái nữ.

"gia đình hạt nhân":
Một cha, một mẹ và con cái
LP: Thật ngược đời khi hiện tượng thoái bộ này đã diễn ra trong những xã hội đã phát minh ra tất cả.

ET : Vâng ! Nó đã diễn ra tại những xã hội rất tiến bộ, vào thời điểm mà Châu Âu là một vùng không văn minh. Hiện tượng hạ thấp địa vị của đàn bà đã cằn cỗi hoá sức sáng tạo của các xã hội này. Không nên tỏ ra nữ quyền một cách quá đáng, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng tiềm lực học thức của con cái sẽ suy giảm với hiện tượng ấu trĩ hoá người mẹ. Ngay cả người đàn ông – trên nguyên tắc thuộc thành phần thống trị – cũng trở thành những đứa con nít trong một hệ thống «cha truyền con nối» có bản chất chống lại cá nhân. Nguyên lý của hệ thống này, cộng với sự tăng tiến của nó, dần dần đem lại những xã hội bị tê liệt. Chính vì vậy, lịch sử đã cho thấy sự khựng lại của nền văn minh Trung Đông, Trung Hoa và Ấn Độ.

LP:
Rồi chuyện gì đã xẩy đến cho Tây Phương?

ET: Tây phương – tuy không phát minh ra nông nghiệp, chữ viết, thành phố hay nhà nước – đã tiếp thu những phát minh này qua sự phổ biến của chúng. Đồng thời, Tây phương tránh khỏi hệ thống «cha truyền con nối» và vẫn giữ được tính năng động nguyên thủy. Đó là tính năng động của những người ăn lông ở lỗ. Những nhât vật như Max Weber đã truy tìm bí quyết đã khiến Tây phương cất cánh. Thật ra, không có bí quyết Tây phương nào cả. Điều bí ẩn đến từ các xã hội ở trung tâm Âu-Á: Họ đã khám phá ra tất cả nhưng đã tự tê liệt mình bằng cách chọn lựa hệ thống «cha truyền con nối». Trong trường hợp của Trung Đông – khu vực mà Châu Âu đã tiếp thu được nhiều tiến bộ – tình trạng còn bi đát hơn vì có thêm một cản trở có tính chất trì trệ: Chế độ nội hôn với mục đích quy tụ những người trong một dòng dõi. Trong điều kiện này, một nhóm người không những chỉ dựa vào nam giới mà, hơn nữa, họ đã tự nhốt kín mình qua nguyên tắc hôn phối giữa anh em họ hàng.

LP: Đọc sách của ông, có thể cảm nhận rằng Hồi giáo đã mong muốn bảo vệ phụ nữ. Ông muốn khiêu khích dư luận hay sao?

ET: Không dám đâu ! Tôi vẫn biết rằng trào lưu thời thượng hiện nay chủ trương chống lại Hồi giáo một cách cuồng loạn. Tuy nhiên, ở cương vị của một sử gia, tôi có thể khẳng định rằng chúng ta đánh giá quá cao uy lực của tôn giáo so với tác động của gia đình. Đối với tôi, quy chế «cha tuyền con nối» mới là xu hướng cơ bản tại Trung Đông. Quy chế này đã lộ mặt vào TNK3 TCN, rất lâu trước khi Hồi giáo ra đời. Nếu nhìn lại lịch sử Trung Đông, việc củng cố nguyên tắc «cha truyền con nối» và việc hạ cấp cương vị của đàn bà là hai hằng số chủ động. Hồi giáo chỉ xuất hiện ở thời điểm khá muộn màng của lịch sử Trung Đông, vào thế kỷ 7 Sau Công Nguyên (SCN). So sánh với những định luật đã hiện hữu trước nó, những gì chúng ta tìm thấy trong Kinh Coran và có liên quan đến đề tài thừa kế đều nhắm mục đích bảo vệ người đàn bà. Tuy nhiên, với tiến trình lịch sử sau đó, chế độ «cha truyền con nối» vẫn lấn át Mahomet. Sự thật là những quy tắc thừa kế trong Kinh Coran chưa bao giờ được nông dân Ả Rập áp dụng.

LP: Đáng gây tai tiếng hơn nữa là việc ông đưa ra lập luận cho rằng chính nền dân chủ Athènes đã phát minh ra chế độ nội hôn.

ET: Đúng vậy ! Hiện nay, không ai tìm thấy một cách chính xác dấu vết của trường hợp nội hôn trong mô hình «cha truyền con nối» tại vùng Mésopotamie (3) hay tại vùng Trung Đông thượng cổ. Vậy tạm thời, theo tôi, giải thích duy nhất là chế độ nội hôn đã được du nhập qua người Hy Lạp để rồi bị chính những người này bỏ rơi sau đó. Những trường hợp nội hôn trong khuôn khổ «cha truyền con nối» đầu tiên đã được chính xác tìm thấy tại Athènes, vào lúc mà chế độ dân chủ đã đi đến tuyệt điểm, vào thế kỷ thứ 5 TCN.

Trong giai đoạn đầu, nguồn gốc của phong trào này xuất phát từ hiện tượng tự co cụm lại. Hiện tượng này mang mầu sắc thi-hành-nghĩa-vụ-công-dân. Nhưng nó cũng chứa đựng ít nhiều tính chất kỳ thị. Đây là hiện tượng mà Robert Lowie gọi là «niềm tự hào chủng tộc»!Dĩ nhiên nền dân chủ nguyên thuỷ rất đạo đức (éthique). Nhưng khái niệm bình đẳng không hề được xác định trong một giấc mơ phổ cập – như người Pháp chủ trương mãi sau này. Bình đẳng giữa các công dân được định nghĩa dựa vào mối quan hệ với người ngoại bang, mà Hy Lạp xem là phường man di. Có thể so sánh với quốc gia Do Thái ngày hôm nay. Tóm lại bình đẳng giữa công dân Hy Lạp có nghĩa là bất bình đẳng đối với người ngoài. Bình đẳng Hy Lạp dựa vào ý niệm cho rằng tất cả đều phải được ưu tiên nếu so với các đối tượng ngoại vi. Từ một quan điểm tương tự, chúng ta có thể nhận thức được sự thành hình của quy chế nội hôn. Ngày hôm nay, Hoa Kỳ vẫn là một nền dân chủ da trắng.

LP: Không còn « trắng » như thế đâu. Ông quên lên giây đồng hồ rồi…

ET: Không đâu ! Tôi xin nhắc lại rằng Phu nhân Tổng thống Obama vẫn là người da đen và vợ Phó Tổng thống Joe Biden là người da trắng. Tôi là độc giả đều đặn của Niên bạ Thống kê Hoa Kỳ. Tỷ lệ hôn phối giữa người khác mầu da – giữa phụ nữ da đen và người đàn ông khác mầu da – vẫn không đáng kể trong thời Obama.

LP: Mô hình gia đình nào vượt trội hẳn, hiện nay?

ET: Tôi rất nghi ngờ. Trong khoảng hai năm qua, đã có những lập luận cho rằng Tây Phương đang đi vào hồi suy tàn và Trung Quốc hay Ấn Độ đang trổi dậy. Phạm vi nghiên cứu của tôi trải dài từ TNK3 TCN đến TNK2 SCN, tổng cộng là 5 thiên niên kỷ. Vì vậy, những dao động tâm trạng nhất thời trong hai năm qua…

Dù sao, tôi cũng chia sẻ nhận định cá nhân: Chẳng bao giờ tôi tỏ ra thiên vị Tây Phương và điều này ai cũng biết rõ. Tôi cũng nhìn nhận rằng tôi thường tinh nghịch phát biểu rằng Tây Phương là loại người man rợ trên phương diện gia-đình-học. Tôi cũng thường so sánh người Anh – dân tộc mà một nhà nghiên cứu như tôi đã mắc nợ rất nhiều – với những cư dân nguyên thủy tại các quần đảo Á Châu. Nhưng tôi là một người lương thiện !

Khi người ta nói với tôi rằng Trung Quốc đang cất cánh, tôi đáp lại rằng Trung Quốc chỉ đang bắt kịp sự chậm trễ. Bắt kịp thế giới không đồng nghĩa với sáng tạo. Hơn nữa hệ thống «cha truyền con nối» không phải là vùng đất mầu mỡ cho sáng kiến.

Chúng ta chứng kiến, tại Trung Quốc và tại Bắc Ấn, hiện tượng «phá thai chọn lọc» qua kỹ thuật chuẩn đoán siêu âm (échographie) để giới hạn số lượng bé gái ra đời. Từ đó, có thể kết luận rằng nguyên tắc «cha truyền con nối»ngày càng rõ nét. Phải giải thích và thuyết phục tôi tại sao mô hình này sẽ mất đi tác hại tê liệt hoá của nó, khi nó đã tồn tại hơn hai ngàn năm và đạt được tỷ trọng đáng kể.

LP: Vậy khu vực bị tê liệt không phải là Tây Phương?

ET: Có nhiều hiện tượng đáng quan ngại cho Tây Phương – gồm có Nhật Bản – nhất là hiện tượng lão hoá dân số. Chưa bao giờ một thế giới lại bị đe dọa bởi lão hoá ở mức độ như thế. Nhưng nếu nhìn về Á Châu lục địa, nơi mà tiến trình lão hoá sẽ tăng tốc, tôi đặt rất nhiều nghi vấn về một tương lai xán lạn của Trung Quốc, một Trung Quốc chỉ đang bắt kịp thế giới. Họ đã gửi phi hành gia bay vòng quanh quả địa cầu như người Nga đã làm trong thập kỉ 60.


một Trung Quốc
chỉ đang bắt kịp thế giới
Họ vừa sáng chế ra tầu cao tốc tương tự như người Nhật đã làm trong thập kỉ 60 và người Pháp vào những năm 80, hơn nữa loại tàu cao tốc này vừa gây ra tai nạn và đâm vào nhau. Đó là chưa đề cập đến kỹ thuật vận hành của các lò điện hạt nhân Trung Quốc. Chưa ai dám chắc rằng Trung Quốc có khả năng định đoạt tương lai nhân loại trên phương diện lựa chọn và trên phương diện phát minh. Hay là khả năng đó có thể việc chọn lựa ngày tận thế, nếu dựa vào số lượng lò điện hạt nhân của họ.

Nếu tôi phải đánh cuộc về Á Châu, tôi sẽ chọn Nam Dương. Quốc gia này vẫn giữ nguyên hệ thống «gia đình dựa theo cá nhân chủ nghĩa». Vẫn biết rằng họ theo Hồi giáo và không nhiều người thoải mái về việc này. Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào Nam Dương hơn. Vả lại, chỉ dấu dân số của họ hiện ở trạng thái cân bằng hơn. Phụ nữ thường có địa vị cao. Người Nam Dương đã dứt khoát rẽ hướng và chọn lựa chế độ gửi rể (ở rể). Kể từ thế kỉ thứ 5, đã có một sự phản kháng chống lại nguyên tắc «cha truyền con nối». Nguyên tắc này được du nhập từ Ấn Độ, nhưng không được xã hội Nam Dương chấp thuận và thông qua.

Ngoài ra, tình trạng thất cân bằng nội tại trong tăng trưởng của Trung Quốc cũng khiến tôi quan ngại. Sự tan rã của Nga – nơi mà mô hình «cha truyền con nối» chỉ ở mức độ vừa phải – đã gây cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi cũng rất ấn tượng về hiện tượng tụt giảm về dân số của Nga.

Có vẻ lạ lùng vì nghịch lý, nhưng tin tôi không tin rằng Tây Phương đang giãy chết đâu.

Le Point
Nguyễn Huy Đức
dịch
Chú thích:

(1) Collège de France: Một trường cao học nổi tiếng của Pháp, nơi mà nhiều môn khoa học, khoa học nhân văn và nghệ thuật được truyền bá. Được giảng dạy tại đây là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của một giáo sư.

(2) Summer: Khu vực Nam phần của Iraq ngày nay. Nơi đây đã nẩy sinh một nền văn minh độc đáo và được xem như chiếc nôi của chữ viết, kiến trúc. Nền văn minh này cũng đã tổ chức đời sống con người xung quanh thành phố. Thời điểm phát triển của Sumer khép lại giai đoạn Tiền sử và đưa ra những ánh sáng văn minh đầu tiên.

(3) Mésopotamie: Tên gọi của một nền văn minh nằm tại khu vực quy tụ lãnh thổ Iraq, Syria, Thổ Nhĩ KỳBa Tư hiện nay. Mésopotamie có nghĩa là «nằm giữa hai con sông». Người Việt dịch là Lưỡng Hà. Lưỡng Hà là khu vực tập trung một số vương quốc xưa nhất thế giới. Các vương quốc này đã đạt đến trình độ tổ chức xã hội khá cao và khá phức tạp

http://ethongluan.org/component/content/article/685-em-todd-tay-phuong-chua-giay-chet-dau.html

0 comments:

Powered By Blogger