Thursday, September 1, 2011

Chuyện xưa chuyện nay: Trường Bách Khoa Bình Dân Sài Gòn

(giai đoạn 1954 – 1975)

Ảnh minh họa

Mùa hè năm 1954, lúc đòan sinh viên di cư chúng tôi mới từ Hà Nội di tản vào Sài Gòn, thì được chính phủ bố trí cho tạm trú ngụ tại trường nữ Trung học Gia Long trong vài tháng. Sau đó thì phải trả lại cơ sở này cho các học sinh đến học. Vì thế, chúng tôi lại được chở tới cư ngụ tại khu lều vải dựng trên bãi đất trống của Khám Lớn cũ, sát bên Tòa Án Sài Gòn, cũng gần kề với chợ Bến Thành ở khu trung tâm thành phố. Hồi đó, chúng tôi vào khỏang 200 sinh viên cư ngụ trong khu lều vải này. Qua đầu năm 1955, thì chúng tôi được chuyển đến Đại Học Xá Minh Mạng gần khu Ngã Sáu Chợ Lớn, cư xá dành riêng cho sinh viên này vừa mới được xây cất xong và được trang bị khá tươm tất.

Vào cuối năm 1954, mấy anh bạn sinh viên di cư chúng tôi được mời đến tham dự một phiên họp tại trường tiểu học Tôn Thọ Tường trên đường Galliéni (sau này là đường Trần Hưng Đạo), đối diện với rạp ciné Đại Nam. Buổi họp do mấy đàn anh sinh viên mới du học ở Mỹ về, như các anh Hùynh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu, Bùi Kiến Thành Nguyễn Thái, Lê Thành Cường v.v… tổ chức để bàn về việc mở các lớp học bình dân vào các buổi tối hay cuối tuần, nhằm giúp việc bổ túc văn hóa, dậy sinh ngữ Anh, Pháp và Hoa văn, dậy môn kế tóan thương mại, đào tạo thư ký văn phòng, cùng các khóa học về kỹ thuật thực hành như sửa chữa radio, máy nổ v.v…

Các anh trong Ban Tổ chức dò hỏi các bạn sinh viên chúng tôi có thể cộng tác với chương trình xã hội này như thế nào?Anh Trần Thanh Hiệp, với tư cách là Chủ tịch của Đòan sinh viên di cư, mới lên tiếng trả lời vì lý do việc bố trí sinh họat của Đòan chưa đi vào nền nếp ổn định, nên Đòan chưa thể cam kết sẽ cộng tác với dự án này như thế nào. Tuy nhiên, nếu bất kỳ đòan viên nào muốn tham gia công tác, thì các bạn đó vẫn có thể hợp tác với tư cách cá nhân, chứ không cần thiết phải nhân danh tập thể của Đòan.

* Riêng cá nhân mình, thì dù rất thích lọai công tác xã hội này, nhưng vì quá bận rộn với mấy chuyện vừa đi học vừa phải đi làm việc để giúp gia đình, nên tôi đã không thể tham gia vào chương trình giáo dục bình dân này được khởi sự từ đầu năm 1955.

Tuy vậy, tôi vẫn theo dõi công việc họat động của tổ chức này, mà về sau có danh xưng chính thức là “Trường Bách Khoa Bình Dân” với nhiều trung tâm trong khu vực Saigon – Chợ Lớn – Gia Định. Trường này do “Hội Văn Hóa Bình Dân” chủ xướng và điều hành, vì chỉ có Hội này mới có giấy phép thành lập do chính phủ cấp để có tư cách pháp nhân, mà đứng ra giao dịch với những cơ quan nhà nước, các Tòa Đại sứ, cũng như với các tổ chức văn hóa xã hội, hoặc các cơ sở kinh doanh thương mại… để xin được sự yểm trợ giúp đỡ mặt này mặt khác.

Như đã ghi ở trên, vì bận rộn với chuyện vừa đi học, vừa phải đi dậy kèm ở mấy lớp học tư, nên tôi đã không còn thời giờ nào rảnh rỗi để cùng tham gia sinh họat với các anh chị em trong Hội Văn Hóa Bình Dân này. Nhưng tôi thật cảm phục và ngưỡng mộ cái đức tính năng nổ tháo vát của các anh chị mới đi du học từ bên Mỹ về, và nhất là sự hy sinh tự nguyện bền bỉ của các giảng viên tại các trung tâm dậy văn hóa và dậy nghề trong khuôn khổ của Trường Bách Khoa Bình Dân. Các anh chị không những họat động ở vùng thủ đô Saigon, mà sau này lại còn tìm cách phát triển rộng rãi hơn nữa, bằng cách mở thêm những lớp học ở các tỉnh địa phương xa xôi hẻo lánh. Có thể nói là trong suốt trên 20 năm dưới chính thể cộng hòa ở miền Nam, đây là một cơ sở giáo dục thiện chí tư nhân mà đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho hàng chục vạn những học viên thuộc giới bình dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng Sài Gòn Gia Định.

* Cụ thể, tôi xin nêu trường hợp của một cựu học viên tại cơ sở văn hóa này. Đó là anh Đặng Đức Hiền, người bạn cùng làm việc chung với tôi từ năm 1958 tại văn phòng Quốc hội. Anh Hiền theo học về môn Bảo Hiểm do giảng viên người Pháp dậy trực tiếp bắng tiếng Pháp vào năm 1958 – 59 tại cơ sở Tôn Thọ Tường ở đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Sau này anh Hiền chuyển sang ngành Ngọai giao và đã từng giữ chức vụ Đại diện Việt nam tại Đài Loan và Đại Hàn hồi đầu thập niên 1970. Anh Hiền hiện định cư ở Houston Texas.

* Về phía các anh chị trong ban Điều hành và ban Giảng huấn, thì tôi cũng xin nêu tên một số nhân vật mà tôi quen biết, cụ thể như anh Đào Trinh Bính hiện ở Pennsylvania, chị Phan Nguyệt Minh hiện ở Texas, anh Nguyễn Văn Mừng hiện ở Illinois, anh Nguyễn Xuân Diễm hiện ở Texas, anh Nguyễn Hữu Tùng hiện ở Canada. Có hai người bạn đã khuất ở Sài Gòn sau 1975, đó là anh Lê Thành Cường và anh Nguyễn Xuân Quỳnh. Anh Cung Đình Thanh, vị chủ tịch cuối cùng của Hội Văn Hóa Bình Dân trước 1975, thì cũng mới qua đời mấy năm nay tại Australia. Tôi xin được bày tỏ lòng thương tiếc đối với các anh là những người đã đóng góp nhiều cho công trình văn hóa xã hội quý báu này.

* Đặc biệt, tôi muốn được viết ít dòng về người đã góp phần rất lớn lao trong những năm đầu của Trường Bách Khoa Bình Dân này. Đó là anh Hùynh Văn Lang nay đã gần 90 tuổi và hiện định cư tại miền Nam California. Hồi năm 1954 -55, lúc Trường mới khởi sự thành lập, anh Lang làm việc tại Bộ Tài chánh rồi sau giữ chức vụ Giám đốc Viện Hối Đóai, nên đã có sự quen biết rộng rãi với nhiều nhân vật trong chính quyền, trong giới ngọai giao, cũng như trong giới kinh doanh thương mại. Anh đã khôn khéo vận động nơi những nhân vật đó, để xin họ yểm trợ tích cực và cụ thể cho chương trình họat động văn hóa xã hội này.

Và rõ ràng là việc vận động của anh Lang đã có kết quả rất là khả quan, để giúp cho cơ sở giáo dục bách khoa bình dân này có những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ như nhiều người đương thời đã chứng kiến và mến phục. Các chi tiết về họat động liên tục trong suốt trên 20 năm của Hội Văn Hóa Bình Dân cần phải được ghi lại một cách đầy đủ, chân thực và chính xác.

* Dĩ nhiên đây là một công trình của cả một tập thể có đến cả hàng trăm, hàng ngàn thành viên giàu thiện chí hăng say với việc phục vụ nhân quần xã hội, chứ không phải chỉ do một vài cá nhân dù tài ba xuất sắc đến mấy đi nữa, mà lại có thể làm nên chuyện lớn lao như thế được. Nhưng ta cũng phải công bình mà đánh giá cho đúng mức công lao hy sinh đóng góp của một trong những sáng lập viên kiệt xuất này, không những đối với Trường Bách Khoa Bình Dân, mà còn cả đối với Tạp chí Bách Khoa nữa.

* Để tóm tắt lại, ta có thể ghi rằng :

Cơ sở văn hóa xã hội này hòan tòan do sáng kiến và cố gắng của các thiện nguyện viên tư nhân cùng hợp tác chung với nhau mà thành lập ra được, và đã họat động tương đối êm thắm suông sẻ trong suốt hai chục năm liên tục, bất kể tình hình chiến sự leo thang và chế độ chính trị bất ổn định. Công trình văn hóa xã hội với quy mô lớn lao như thế phải được liệt kê như là một thành quả tuyệt vời trong quá trình xây dựng Xã hội Dân sự tại miền Nam Việt nam thời kỳ trước năm 1975 nữa vậy.

California, tháng Chín 2011

© Đoàn Thanh Liêm

0 comments:

Powered By Blogger