Wednesday, June 15, 2011

 Tuổi trẻ Việt Nam đã đứng dậy

thoidiemdaden

Làn gió cách mạng dân chủ Bắc Phi đã quật sập chế độ độc tài Tunisia ngày 13/01/2011 sau 17 ngày dân chúng nổi dậy, cuốn theo Egypt ngày 11/02/2011 cũng sau 17 ngày giông bão. Làn gió này tiếp tục quật dữ dội vào Yemen từ ngày 22/01/2001 và Lybia từ ngày 15/02/2011. Cả hai quốc gia này đang trong tình trạng lung lay tận gốc rễ. Riêng với ông Moammar Gadhafi, Tổng Thống Lybia hơn 41 năm tàn bạo với đồng bào, nhất là từ khi người dân nổi dậy đến nay, ông càng tàn bạo hơn nữa, nên lực lượng NATO thi hành Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc bằng cách sử dụng Không Quân để ngăn chận Tổng Thống Gadhafi tàn sát người dân dưới quyền. Làn gió này chẳng những đã ảnh hưởng trực tiếp đến các chế độ độc tài vùng Bắc Phi, mà lan sang vài quốc gia vùng Trung Đông nữa.

Tại Việt Nam, lãnh đạo cộng sản vốn dĩ rất sợ người dân dưới quyền, vì bản chất của cộng sản là độc tài để phục vụ đảng, sau đó mới nói đến đất nước dân tộc, nên phải dối trá trong mọi chính sách cai trị. Bộ máy đảng với bộ máy cai trị của cộng sản Việt Nam (CSVN), sử dụng toàn bộ hệ thống truyền thông để bịt mắt bịt tai người dân, sử dụng mức độ tàn bạo của Công An để bịt miệng người dân, và tạo cho người dân phải sợ hãi họ. Vì nếu không tạo cho người dân luôn sống trong sợ hãi bộ máy cầm quyền, thì đến một lúc nào đó, người dân nhận ra bản chất gian trá dối gạt của CSVN thì người dân sẽ phẫn uất mà nổi lên lật đổ họ. Trước kia còn bị mắt bịt tai bịt miệng người dân được, nhưng ngày nay sự liên lạc giữa mọi người trên trái đất ngang qua hệ thống internet, một phương tiện tối tân để trao đổi tin tức nhanh chóng và chính xác, giúp tuổi trẻ trên quê hương Việt Nam có điều kiện nhận ra “mặt thật của CSVN”.

Ước tính, khi người dân Việt Nam nhận ra mặt thật của lãnh đạo CSVN, người dân sẽ đứng dậy như người dân Bắc Phi để giành lại những quyền căn bản của mình, lãnh đạo CSVN sẽ thẳng tay đàn áp để bảo vệ đảng cũng là bảo vệ quyền lực của họ, lúc ấy sẽ bị Liên Hiệp Quốc sử dụng quân sự để ngăn chận như trường hợp Lybia trong 3 tháng qua. Với nỗi sợ hãi tăng dần theo tình hình Lybia diễn biến ngày càng nguy hiểm cho chế độ độc tài của Tổng Thống Gadhafi. Vì vậy mà lãnh đạo CSVN vừa run sợ, vừa theo dõi nhất cử nhất động của người dân, nhất là những cá nhân và những tổ chức từng tham gia đấu tranh trước đây, để chúng ra tay trước.

Và điều đó đã xảy ra.

Bắt đầu ngày 2/6/2011, khi Blogger Người Buôn Gió (anh Bùi Thanh Hiếu) vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất để dự hội thảo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, thì bị Công An bắt.

Đến Blogger Uyên Vũ tại Sài Gòn, bị Công An canh gác trước nhà, nhưng Uyên Vũ vẫn thoát được để đến với buổi hội thảo.

Trưa ngày 04/06/2011, Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng bị bắt khi đi thăm Blogger Hồ Lan Hương.

Hầu hết những người hoạt động cho dân chủ từ trước đều bị bao vây, cô lập, và ngăn chận, như: Blogger Tạ Phong Tần, nhà xuất bản Giấy Vụn Bùi Chát, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, đến những văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức…v.. v.. từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng hồi năm 2007, đều bị Công An địa phương gọi làm việc, thật ra là chúng cầm chân để không thể tham gia biểu tình ngày 5/6/2011.

Trước đó, vào ngày 1/6/2011, trường đại học Công Nghiệp Sài Gòn, có văn thư cấm sinh viên tham gia biểu tình, nếu sinh viên nào bị Công An ghi tên trong đám biểu tình sẽ bị đuổi học.

Rồi ngay trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 6, Công An chìm Công An nổi, đem các thanh chắn (barrier) đến chặn đường dẫn vào tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội và tòa tổng lãnh sự Trung Cộng tại Sài Gòn.

Ngày 5/6/2011, ngày tuổi trẻ Việt Nam đứng dậy.

Tại Hà Nội. Có bản tin nói hơn 1.000 người, bản tin khác cho là gần 2.000 người. Chính xác không biết bao nhiều, nhưng chắc chắn phải là số người tham dự rất đông trước tòa đại sứ Trung Cộng.

Tại Sài Gòn. Có bản tin ước lượng từ 4.000 đến 5.000 người, trong khi phóng viên đài Á Châu Tự Do đưa ra con số khoảng 10.000 người vào lúc đông nhất trước tòa Tổng Lãnh Sự Trung Cộng.

Thành phần người tham dự mít tinh biểu tình tại Sài Gòn thủ đô kinh tế, và tại Hà Nội thủ đô chính trị, đa số là thanh niên sinh viên, phần còn lại gồm nhiều thành phần trong xã hội, kể cả văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu, các bloggers, và vài quan chức của nhà nước cộng sản.

Các biểu ngữ bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, và Trung Hoa, với nội dung:

Phản đối Trung Quốc gây hấn.

Phản đối “đường lưỡi bò” phi pháp.

Phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam.

China, hàng xóm to xác mà xấu tính.

Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.

Chấm dứt ngay thái độ hiếu chiến, bành trướng tại Biển Đông.

Hòa bình và Công lý cho Biển Đông.

Ngoài ra, trên một lá cờ Trung Cộng có vẽ hình đầu lâu và xương người, có ý như nói Hải Quân Trung Cộng hành động như đám cướp biển.

Đây là cuộc mít tinh biểu tình phản đối Trung Cộng lớn nhất từ trước tới nay. Với những tấm hình trên nhiều Diễn Đàn trong nước và hải ngoại, nhìn đông đảo những người tham dự nhất là tuổi trẻ, với nét mặt rạng rỡ, với thái độ can đảm và cương quyết. Quả thật, tinh thần đấu tranh bất khuất trong lịch sử trước họa xâm lăng từ thời Trung Hoa phong kiến đến Trung Hoa cộng sản ngày nay, được thể hiện một cách mãnh liệt, dù đang bị cai trị bởi CSVN dưới sự khống chế của Trung Cộng, nói theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang (trong nước) thì “lãnh đạo CSVN trong ống tay áo của Trung Cộng”.

Sự kiện tuổi trẻ và bà con trên quê hương trong ngày 5 tháng 6 lần này (2011), càng chứng minh điều không thể phủ nhận là lãnh đạo CSVN tàn bạo với người dân bao nhiêu, lại càng khiếp nhược với Trung Cộng bấy nhiêu.

Vậy mà sau cuộc biểu tình, trên báo Thanh Niên có đăng bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTX/VN) như sau: “Một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra gọi là “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố HCM. Đó là thông tin sai sự thật”.

Thật không thể tưởng tượng được, với cuộc mít tinh biểu tình trước hằng chục ngàn con mắt chứng kiến, với những máy thu hình và rất nhiều điện thoại cầm tay cũng thu hình, đến các hãng tinAP, AFP, và Reuter, đều đăng tin với nhiều hình và những biểu ngữ phản đối Trung Cộng lấn chiếm Việt Nam, vậy mà cơ quan TTX Việt Nam cung cấp bản tin, như thể cơ quan này vừa đui, vừa điếc, lại vừa câm vậy.

Sự kiện ngày chủ nhật tuần qua tại Việt Nam (5/6/2011), tôi nghĩ, đây là “giọt nước làm tràn ly nước”. Vậy, chúng ta cũng nên ngược dòng thời gian để nhận ra “tại sao có ly nước đầy”:

Năm 1956, trong văn phòng Bộ Ngoại Giao CSVN, ông Ung Văn Khiêm, Bộ Trưởng Ngoại Giao nói với ông Li Zhiman, đại lý sự vụ tòa đại sứ CSTH tại Hà Nội rằng: “Về phương diện lịch sử thì quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc về Trung quốc”.

Ngày 4/9/1958, ông Chu Ân Lai, Thủ Tướng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa -tức Trung Cộng- công bố “lãnh hải Trung Hoa là 12 hải lý”. Và lãnh đạo CSVN đã có văn kiện công nhận lãnh hải đó của Trung Cộng, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1972, Cục Đo Đạc & Bản Đồ của CSVN phát hành tập bản đồ thế giới, Hoàng Sa đổi tên là Tây Sa và Trường Sa đổi tên là Nam Sa đúng theo ý muốn của CSTH. Hai năm sau đó -1974- trong sách giáo khoa sử địa của Bộ Giáo Dục VNCS ghi: “Chuỗi hải đảo từ Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa), Hải Nam, đến Đài Loan, là bức tường thành bảo vệ Trung quốc”.

Ngày 19/1/1974, Trung Cộng huy động một lực lượng Hải Quân hùng hậu so với lực lượng trú phòng của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), mở cuộc tấn công quần đảo Hoàng Sa do Hải Quân VNCH trấn giữ. Sau trận ác chiến, hai bên cùng tổn thất đáng kể, và Hải Quân THCS chiếm đóng Hoàng Sa.

Năm 1988, với chính sách gậm nhấm, CSTH lần lượt đánh chiếm hoặc lấn chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Cứ mỗi lần chiếm đóng một đảo, CSTH với CSVN tuyên bố hai bên cùng giải quyết trong hòa bình, nhưng rồi CSVN vẫn để nguyên trạng mất đất chớ không giải quyết gì cả, và một đảo khác lại vào tay CSTH. Cứ như vậy mà 8 đảo đã vào tay Trung Cộng.

Tháng 2/79, Trung Cộng xua 220.000 quân tràn sang đánh chiếm 23 thị trấn và nhiều nơi khác của Việt Nam thuộc 6 tỉnh dọc biên giới Việt-Trung. Một tháng sau đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân về nước, nhưng vẫn chiếm giữ nhiều địa điểm chiến lược sâu trong lãnh thổ nước ta, ngay cả cửa Hữu Nghị Quan phải lui vào nội địa Việt Nam đến 480 thước. Chúng trục xuất người Việt trên vùng đất hằng chục ngàn mẫu tây trong vùng này, và đưa người Trung Hoa đến canh tác.

Ngày 30/12/1999, CSVN với CSTH đã ký Hiệp Ước biên giới trên bộ, và ông Nông Đức Mạnh phê chuẩn ngày 9/6/2000 với tư cách Chủ Tịch Quốc Hội bù nhìn. Theo đó, biên giới Việt Nam mất 789 cây số vuông vào tay Trung Cộng, bao gồm Ải Nam Quan và thác Bản Giốc mất 3/4.

Ngày 25/12/2000, Chủ Tịch nhà nước cộng sản Trần Đức Lương sang Trung Cộng với danh nghĩa thăm viếng thiện chí, nhưng thật sự là ký Hiệp Ước biên giới trên vịnh Bắc Việt với lãnh đạo Trung Cộng tại Bắc Kinh. Việt Nam lại mất 11.362 cây số vuông trên biển.

Ngày 2/12/2007, Quốc Vụ Viện Trung Cộng ban hành văn kiện thành lập quận Tam Sa trong tỉnh Hải Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông của Việt Nam. Lãnh đạo CSVN phản ứng qua Lê Dũng, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao CSVN, đủ để gọi là có phản ứng và sau đó im lặng hoàn toàn.

Ngày 9/12/2007, thanh niên sinh viên học sinh tại Hà Nội cũng như Sài Gòn, thực hiện biểu tình chớp nhoáng trước tòa đại sứ và tòa tổng lãnh sự Trung Cộng, để phản đối họ chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam. Sau đó, dự định tổ chức mít tinh biểu tình chức qui mô hơn vào ngày 16/12/2007, với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, nhưng đã bị lãnh đạo CSVN sử dụng lực lượng Công An đàn áp ngăn chận nên không thực hiện được.

Thanh niên sinh viên và đồng bào, dự định mít tinh biểu tình trước tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội vào ngày 14/9/2008, ngày mà 50 năm trước Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Đồng đã ký văn kiện công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông của Việt Nam. Mục đích biểu dương ý thức chính trị của đồng bào Việt Nam phẫn uất về hành động của Trung Cộng ngang nhiên ghép hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào quận Tam Sa của họ. Lãnh đạo CSVN phản ứng mạnh mẽ theo cách đứng về phía Trung Cộng, khi sử dụng Công An ngăn chận đàn áp bất cứ ai tham gia cuộc biểu tình, tại: Sài Gòn, Hà Nội, Lâm Đồng, Thái Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng. Một số trường đại học tại Sài Gòn và Hà Nội, Công An cũng bao vây ngăn chận. Nhà trường còn ra lệnh cấm và đe dọa sẽ đuổi học nếu sinh viên nào tham gia biểu tình. Trong khi đó, tại sứ quán Trung Cộng ở Hà Nội và tòa tổng lãnh ự Trung Cộng tại Sài Gòn, Công An dày đặc để bảo vệ cho Trung Cộng. Vì vậy mà không thực hiện được.

Ngày 31/5/2011, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, sau khi cho rằng tàu hải giám của họ hoạt động chính đáng trên Biển Đông, người phát ngôn của Trung Cộng lớn tiếng: “Yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay các hoạt động của họ và không gây thêm rắc rối.”

Thưa quí vị, tôi nghĩ, “quyền chính đáng” mà Trung Cộng nói đến, được hiểu là năm 1958, lãnh đạo CSVN đã ký văn kiện công nhận Biển Đông thuộc Trung Cộng, cho nên Trung Cộng cho là họ có chủ quyền riêng với CSVN.

Lãnh đạo CSVN cũng hai lần phản đối Trung Cộng xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng là phản đối chiếu lệ chớ không phải quyết tâm phản đối Trung Cộng, vì lãnh đạo CSVN: (1) Đã dâng đất dâng biển cho Trung Cộng. (2) CSVN xây cất cơ sở văn hoá Trung Cộng trên đất Việt Nam. (3) CSVN cho Trung Cộng mướn dài hạn hằng chục ngàn mẫu rừng trong phạm vi 10 tỉnh của Việt Nam. (4) CSVN cho Trung Cộng xây dựng làng xã tại các công trường lớn mà Trung Cộng đã trúng thầu một cách không minh bạch và đang khai thác trên đất Việt Nam, như: Bauxite tại Tân Rai và Đắc Nông, tại các công trình lớn về hóa chất, điện năng, xây dựng, thậm chí cho Trung Cộng sắp xây dựng một khu phố của chúng ngay trong thành phố Bình Dương, trong khi CSVN vẫn sử dụng chính sách cai trị tàn bạo với người dân dưới quyền. Và (5) Lãnh đạo CSVN khiếp nhược với Trung Cộng đến mức tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ra khơi đánh cá, bị tàu của Trung Cộng cố tình đụng chìm mà CSVN không dám cho Hải Quân bảo vệ và phản kháng, truyền thông Việt Nam thì không dám chỉ đích danh tàu Trung Cộng, mà nói là “tàu lạ” đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Ngày 3/6/2011, bên lề hội nghị quốc tế tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quang Thanh, khẳng định với Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Lương Quang Kiệt rằng : “Việt Nam và Trung Quốc là anh em tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt”. Theo TTXVN, Đại Tướng Phùng Quang Thanh còn nói với Trung Cộng, là vụ tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02, ngày 26 tháng 5 vừa qua (26/5/2011) bị tàu hải giám của Trung Cộng cắt cáp, chỉ là chuyện nhỏ, không ảnh hưởng đến “truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt-Trung”.

Trên đây là những sự kiện gộp lại, làm cho “ly nước phẫn uất chính sách của CSVN tàn bạo với đồng bào, nhưng lại khiếp nhược với Trung Cộng, dẫn đến ly nước ngày càng đầy lên. Và ngày 5/6/2011, “ly nước phẫn uất” đã thật sự tràn ra tại Sài Gòn và Hà Nội.

Trở lại với cuộc mít tinh biểu tình ngoạn mục chủ nhật vừa qua (5/6/2011).

Sự kiện rất quan trọng trong ngày chủ nhật vừa qua, thật sự là tuổi trẻ và nhiều thành phần trong xã hội trên quê hương Việt Nam “đã thật sự đứng dậy?” Đây là bước khởi đầu cho hành trình tạo nên lịch sử, một lịch sử “mà tuổi trẻ đã đứng dậy chống chế độ độc tài”, tương tự như bước khởi đầu của người dân Tunisia, Ai Cập, Yemen, Sirya, nhất là Lybia hiện nay, để xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị, và bảo vệ toàn vẹn tổ quốc Việt Nam.

Bước khởi đầu này, đã và đang được Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại hỗ trợ, trước mắt là những cuộc mít tinh biểu tình phản đối Trung Cộng tại các cơ quan ngoại giao của họ, như sau:

Ngày 4/6/2011, tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ.

Ngày 5/6/2011, tại Franfurkt, Đức quốc.

Cùng ngày 9/6/2011, tại thủ đô Olso, Na Uy. Tại Houston, tiểu bang Texas. Và tại Los Angeles tiểu bang California, Hoa Kỳ, biểu tình lần 2.

Ngày 10/6/2011, tại San Francisco, tiểu bang California.

Ngày 11/6/2011, tại Seattle tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Cùng ngày 12/6/2011, tại Melbourne, Australia. Và đặc biệt tại thủ đô Washington DC, nơi có tòa đại sứ Trung Cộng và Việt Cộng, sẽ có cuộc biểu tình qui mô với sự tham dự của nhiều phái đoàn từ nhiều tiểu bang quy tụ về đây. Sau mít tinh, là biểu tình tuần hành từ tòa đại sứ Trung Cộng đến tòa đại sứ Việt Cộng.

Ngày 18/6/2011, biểu tình tại Hòa Lan.

Cùng ngày 18 hoặc 19/6/2011, tại thủ đô Paris, Pháp quốc.

Trong những ngày gần đây, lãnh đạo CSVN đã tuyên bố liên quan đến Biển Đông, cũng là liên quan đến chính sách của họ, thứ chính sách lừa dối người dân “nói nhưng không làm”.

Tối ngày 08/06/2011, tại Nha Trang, Thủ Tướng CSVN khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với quyết tâm cao nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển và hải đảo của tổ quốc”. Cùng lúc, Thủ Tướng CSVN cũng cảnh giác: “Không để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các nước có liên quan”.

Theo cách nói của Thủ Tướng CSVN, có thể được hiểu chỉ có lãnh đạo CSVN mới có quyền chống Trung Cộng lấn chiếm Việt Nam, và nếu hiểu như vậy thì những cuộc biểu tình tới đây rất có thể sẽ bị Công An cộng sản đàn áp, như đã từng đàn áp thô bạo từ trước. Và trong lời cảnh giác ở đoạn cuối, rõ ràng là Thủ Tướng CSVN không dám nói đến sự ảnh hưởng xấu giữa CSVN với Trung Cộng, mà chỉ dám nói là “với các nước liên quan”.

Và sau lời khẳng định cũng như quyết tâm của Thủ Tướng CSVN một ngày, tức là ngày 9 tháng 6 (2001), tàu hải giám của Trung Cộng lại xông vào gây rối định cắt cáp của tàu Viking 2 do Việt Nam mướn thăm dò địa chấn. Hành động này của Trung Cộng, cho thấy Trung Cộng chẳng coi quyết tâm của Thủ Tướng CSVN ra gì cả. Cũng đúng thôi, vì cả nhóm lãnh đạo CSVN đang trong ống tay áo của Trung Cộng mà.

Chưa hết, trong bài phỏng vấn đăng trên báo Tuổi Trẻ 6/6/2011, sau cuộc biểu tình rầm rộ tại Hà Nội và Sài Gòn, khi nhắc tới việc Philippines từng đưa Hải Quân, Không Quân đối đầu với tàu Trung Cộng xâm nhập hải phận của họ, thì Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN, một nhân vật tay chân của Trung Cộng, tuyên bố: “Quân đội không dính vào vụ này. Quân đội chỉ theo dõi và giám sát chặt chẽ không để vụ việc leo thang, nhưng không tham gia giải quyết.” Ông ta còn nói: “Như vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 vừa rồi, ta không đưa Hải Quân ra để trở thành chủ thể giải quyết. Việt Nam khác với nhiều nước là ở chỗ ấy.”

Theo cách nói của Nguyễn Chí Vịnh thì “quân đội không dính vào vụ này”, vậy “Hải Quân Nhân Dân” chỉ có nhiệm vụ buôn lậu hay sao, còn trọng trách bảo vệ Biển Đông là của tổ chức “Dân Quân Biển?” Nhưng rồi Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN lại nói: “Quân đội chỉ theo dõi và giám sát…” để làm gì, và bằng cách nào mà ngăn chận leo thang vì Hải QuânNhân Dân bận kinh doanh cho lãnh đạo?

Kết luận.

Thưa quí vị và quí Bạn Trẻ,

Đây là một đoạn trong lời kêu gọi của tuổi trẻ trong nước: “Lòng người Việt Nam đã giao động trước hiện trạng tổ quốc lâm nguy, chúng tôi là tuổi trẻ, sinh viên học sinh Hà Nội-Huế-Saigon và các tỉnh thành, kêu gọi đồng bào bao gồm mọi thành phần xã hội của dân tộc Việt Nam, đoàn kết một lòng chống giặc nội xâm và ngoại xâm cứu nước, ngõ hầu chấm dứt sự cai trị của CSVN, và thoát khỏi bàn tay bá quyền xâm lược Bắc Kinh”.

Và trong một tấm hình được xem là tấm hình lịch sử trong ngày 5/6/2011, cho thấy đông đảo người dân đứng đối diện với đám Công An dày đặc, ngăn chận lối vào tòa tổng lãnh sự Trung Cộng, một người dân mặc áo trắng đã nói với Đám Công An như thế này: “Tôi là dân Việt Nam, đây là đất Việt Nam, tại sao các anh không cho tôi đi, trong khi Trường Sa là của Việt Nam tại sao các anh để Trung Quốc nó vào? Khi chiến tranh xảy ra, các anh có bao nhiêu người theo người dân chúng tôi ra trận?”

Để chấm dứt bài này, tôi có một niềm tin xin gởi đến tuổi trẻ trên quê hương và tuổi trẻ trong Cộng Đồng tị nạn cộng sản tại hải ngoại rằng:

“Tôi tin tưởng sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia, Ai Cập, và cuộc nổi dậy của người dân Libya được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để lật đổ nhà độc tài Gadhafi, là bài học kinh nghiệm quí giá cho tuổi trẻ Việt Nam về vai trò và trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc. Kinh nghiệm đó cộng với kinh nghiệm trong mấy chục năm dưới sự cai trị của cộng sản độc tài, sẽ giúp tuổi trẻ và đồng bào trên quê hương, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Cộng Đồng tị nạn cộng sản tại hải ngoại, thật sự sẽ làm nên lịch sử để thực hiện mục tiêu chiến lược, khôi phục và xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị, với một nền giáo dục nhân bản, khoa học, đào tạo những thế hệ công dân tử tế phục vụ công cuộc phát triển quê hương Việt Nam, theo hình tượng chiếc phản lực cơ thương mại đang trên đường băng cất cánh vươn lên bầu trời xanh thẳm. Lúc ấy, công dân Việt Nam có đủ tư cách của một nước văn minh và ngẫng cao đầu với passport trong tay đi khắp đó đây trên thế giới./.

Houston, 11/06/2011.

Phạm Bá Hoa

0 comments:

Powered By Blogger