Saturday, February 3, 2018

Tương quan thiếu nghiêm chỉnh giữa Hiến Pháp 2013 và luật pháp (các điều 79, 88 và 258 BLHS) dưới pháp chế xã hội chủ nghĩa

Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Gần đây nhất, các ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và một thanh niên trẻ tuổi Trần Hoàng Phúc bị kết án tù tuần tự 8 năm, 6 năm rưỡi và 6 năm, ngày 31 tháng 1 tại TAND Hà Nội, với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo điều 88 BLHS ghi trên.

Đảng CSVN đã đàn áp nhân quyền dữ dội trong năm 2017 và khuynh hướng này có thể gia tăng trong năng 2018.

Cũng như tại nhiều các quốc gia độc tài khác, từ độc tài cá nhân trị, quân phiệt, đến giáo phiệt hoặc Mác xít, khi bị quốc tế lên án là đàn áp nhân quyền và giam giữ các tù nhân lương tâm hoặc chính trị, các chế độ này thường biện minh cho hành động của mình như sau:

Một là dưới chế độ của họ, hoàn toàn không có tù nhân lương tâm hay chính trị, chỉ có tù nhân hình sự.

Hai là, nếu trả tự do cho các tù nhân mà quốc tế cho là tù nhân lương tâm hoặc chính trị, thì xã hội sẽ trở nên bất ổn và ảnh hưởng đến sự trị an và phát triển quốc gia.

Tất cả các chế độc độc tài, đàn áp nhân quyền, tự cổ chí kim, từ Hitler đến Stalin, từ Saddam Hussein đến Kim Chính Ân, từ Gaddhafi đến CSVN đều lập luận như thế.

Một thực tế nữa xảy ra là sau khi các chế độ sụp đổ và các tù nhân lương tâm và chính trị được trả tự do, thì họ không còn là những kẻ tội phạm, cũng không gây bất ổn cho trị an, mà còn trở thành những lãnh đạo các đảng phái khác nhau, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.

Trường hợp các quốc gia Đông  như Balan, Tiệp, Khắc, các quốc gia thuộc Yougoslav cũ, Latvia, Lituania, Estuania, Mông Cổ và ngay cả những quốc gia độc tài quân phiệt không cộng sản trước đây như Nam Hàn, Đài Loan v.v... là những chứng minh hùng hồn cho sự thật này, khi chấp nhận chuyển mình thành dân chủ đa nguyên.

Đảng CSVN lập luận rằng, những tù nhân chính trị này đều là những phạm nhân hình sự vì thông thường họ bị truy tố và kết án bằng 3 điều luật sau đây, vốn là thành phần của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam:

Điều 79 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) BLHS quy định như sau:


Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 88 BLHS (Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN) quy định như sau:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) BLHS quy định như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Cả 3 điều trên rõ ràng vi hiến vì đi ngược lại tinh thần của các điều 24, 25 và 30 của Hiến Pháp 2013.

Điều 24 Hiến Pháp quy định:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 25 minh thị quy định:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.



Điều 30 Hiến Pháp quy định:

1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 

3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Một trong những nguyên tắc nền tảng của luật hiến pháp hiện hành tại các quốc gia dân chủ pháp trị xuất phát từ phán quyết của Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ John Marshall trong phiên xử Marbury v Madison 1803 như sau:

“Bởi vậy văn bản đặc thù của Hiến Pháp Hoa Kỳ xác định và củng cố cho nguyên tắc, được coi là căn bản của mọi bản hiến pháp thành văn, là bất cứ một điều luật nào đi ngược lại với hiến pháp đều vô hiệu lực, và tất cả các tòa án cũng như cơ chế chính quyền khác, đều phải tuân theo hiến pháp”.

Đôi khi các điều khoản trong các hiến pháp có thêm thành ngữ “theo quy định của luật pháp”. Tuy nhiên, câu này không hề có ý nghĩa rằng luật pháp muốn quy định thế nào cũng được và có thể ngang nhiên đi ngược với tinh thần của hiến pháp. Thành ngữ này chỉ có ý nghĩa là hiến pháp nêu ra những nguyên tắc lớn, luật pháp sẽ triển khai chi tiết và phương pháp cụ thể hầu thi hành nguyên tắc này, nhưng luật pháp không thể vi phạm tinh thần của một điều khoản nào của hiến pháp cả.

Các điều khoản 79 (Tội lật đổ chính quyền nhân dân), 88 (Tội có hành vi chống nhà nước) và 258 (Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ) rõ ràng đi ngược với tinh thần của các quyền tự do công dân theo các điều 24, 25 và 30 của Hiến Pháp 2013. Điều này vi phạm nguyên tắc về tương quan nghiêm chỉnh giữa luật pháp và hiến pháp nêu trên của Thẩm Phán John Marshall theo tinh thần của luật hiến pháp đương đại.

Thêm vào đó, từ góc cạnh đạo đức Đông Phương, sự kiện đảng CSVN đề xướng các điều 79, 88 và 258 trắng trợn đi ngược lại với tinh thần của hiến pháp 2013 như trên có thể so sánh với hành động xúi dục con cái miệt thị hoặc chửi bới cha mẹ vậy.

Một tương quan nghiêm chỉnh giữa hiến pháp và luật pháp là một tương quan theo đó, bất cứ một điều luật nào xung đột với tinh thần của hiến pháp đều phải triệt tiêu và vô hiệu lực ở mức độ của sự xung đột.

Khi đảng CSVN dùng quyền lực của công an và quân đội, áp đặt một tương quan nghịch chiều giữa Hiến Pháp và Bộ Luật Hình Sự, trong đó BLHS ngồi xổm trên đầu của Hiến Pháp, thì họ không những xé bỏ một giềng mối trị quốc nền tảng, mà họ còn minh thị khinh miệt sự thông minh của cả dân tộc Việt Nam.

Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn mất khả năng nhận diện khách quan sự vận hành của lịch sử. Họ đã gia tăng đàn áp mọi đối kháng chính trị trong nước và trong năm 2017, đã tu chính và siết chặt thêm BLHS.

Từ ngày 1/1/2018, các điều 79, 88 và 258 đều được lưu giữ lại trong Bộ luật Hình Sự tu chính với số thứ tự và hình phạt thay đổi khắt khe hơn. Điều 79 trở thành điều 109 và điều 88 trở thành điều 117 với những điều khoản hình sự hóa hành vi “chuẩn bị phạm tội” và điều 258 trở thành điều 331 với thay đổi nhỏ tại khoản 2.

Những hành vi của các công dân bị CSVN cáo buộc các tội liên hệ sau ngày 1/1/2018 sẽ bị truy tố theo các điều trên nhưng với số thứ tự mới.

Bằng cách phá hoại tương quan nghiêm chỉnh giữa luật pháp và hiến pháp hầu bảo vệ sự tồn tại của đảng, CSVN đã phản bội quyền lợi dân tộc.

Thêm vào đó, khi đảng CSVN củng cố quyền lực vị kỷ của mình bằng phương thức “cho phép luật pháp chửi vào mặt hiến pháp” như thế, thì hiện tượng thượng bất chính xảy ra tại ngay các định chế thượng tầng cơ sở như Quốc Hội, Chính phủ, Tòa Án Tối Cao, Viện Kiểm Sát... và tình trạng hạ tắc loạn không tránh khỏi nơi các cơ sở hạ tầng như bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quận, huyện, làng xã, trường học, gia đình... và tham ô, phi đạo đức trong mọi giai tầng xã hội là một hậu quả đương nhiên.

Những hô hào và chiêu thức chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ là một màng bi hài kịch đầu môi chót lưỡi, cười ra nước mắt, mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu.

Đã đến lúc, toàn dân Việt đứng lên giải thể đảng CSVN. Một bản hiến pháp hiến định, pháp trị và đa nguyên sẽ hình thành và một tương quan nghiêm chỉnh giữa hiến pháp và các sắc luật của quốc gia sẽ làm giềng mối cho một nước Việt Nam thực sự dân chủ và văn minh của tương lai.

03.02.2018

0 comments:

Powered By Blogger