Wednesday, June 24, 2015

Những nét tang thương trước & sau ngày Quốc Hận 30.4.1975


Lò cừ nung nấu sự đời - Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương (Cung Oán Ngâm Khúc)

Võ Phương

“Mai kia cháu có quay về, chắc là Saigon sẽ không còn nhận ra cháu, chú ạ! Nhưng cháu không bao giờ quên cho dù mọi thứ đã đổi thay, cháu nghĩ vậy…”, một phụ nữ duyên dáng nhỏ nhẹ phát biểu trên chuyến xe, vô tình cùng tôi đồng hành trên chặng đường dài gần 7 giờ xe chạy, từ Santa Ana đến San Jose.
Cô đến San Jose để tham dự Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 theo lời mời của một người bạn, trước kia cùng ở trại tỵ nạn Panatnikhom - Thái-Lan, đã lâu lắm không gặp. Cô cho biết như thế, và nói là cô đã xa Saigòn từ khi cô chưa đủ 11 tuổi tính đến tháng 4.1975: “Đã 40 năm cháu chưa một lần quay về cố hương, Saigon, mặc dầu cháu chỉ thực sự ra khơi, xa rời Việt-Nam vào Mùa Giáng Sinh năm 1986 trong một chuyến hải hành cùng với bà con trong gia đình, tất cả chỉ có 13 người”.
Người phụ nữ duyên dáng ấy với vẻ thật thà, nét mặt buồn, bằng giọng nói chùng hẳn xuống khi tâm sự: “Chuyến vượt biển kinh hoàng ấy, theo cháu, chỉ là một  trong hàng ngàn chuyến vượt biển kinh hoàng khác của đồng bào mình. Tất cả 13 người trên ghe chỉ có một mình cháu sống sót là nhờ có chút nhan sắc Chúa ban cho cháu, cháu nghĩ vậy, nhưng sau đó cũng gian khổ, nhục nhã lắm, chú ơi! Dù sao, cháu vẫn cám ơn Chúa và chấp nhận… mất mát”.

***
Trên đây là một mẩu chuyện -- tôi, tác giả của bài viết này – tóm tắt ý chính theo lời kể lại của một anh bạn từ xa đến thăm thành phố San Jose, hàn huyên tâm sự vào dịp đầu năm Ất Mùi vừa qua.

Sau khi nghe, tôi không ngạc nhiên, chỉ buông tiếng thở dài, thương cảm và hoàn toàn thông cảm với nỗi xót xa của người phụ nữ trong câu chuyện.  Có một điểm đáng chú ý là, đã 40 năm một người trẻ như cô ta (ước tính về tuổi đời và vóc dáng theo lời anh bạn kể, chưa đến đến 50), chưa một lần trở lại Saigon, nơi sinh ra và lớn lên cho đến năm 11 tuổi, mặc dầu cô không quên và mặc dù mọi chuyện đã đổi thay. Phải chăng, không về Saigon là một hành động ‘vô hiệu hóa’ nghị quyết 36 của “đảng”? -Tôi không dám chắc, vì nhiều người tuy đã 40 năm ly-biệt, vẫn không muốn trở lại Saigon với nhiều duyên cớ riêng tư. Nhưng câu chuyện người bạn vừa kể, rất đúng như nạn nhân đã nhận định: chỉ là một  trong hàng ngàn chuyến vượt biển kinh hoàng khác”, đã tạo đề tài cho bài viết này.

Một chuyến hải hành bất hạnh

Không ngạc nhiên khi nghe câu chuyện trên, vì cách đây 29 năm chính tôi đã là một ‘boat people’. Khi còn ở trại tỵ nạn Panatnikhom - Thái-Lan hồi đầu năm 1987, rồi tới trại Bataan - Philippines, cho đến cuối tháng 4 năm 1988 mới đi định cư ở Hoa Kỳ; cho nên tôi đã từng nghe và từng chứng kiến tận mắt nhiều hoàn cảnh thương tâm tương tự như trường hợp vừa kể trên.

Trước hết phải nói, vượt biên, vượt biển tìm Tự Do chỉ là chuyện bất đắc dĩ sau ngày 30.4.1975, mà nguyên nhân chính là vì người vượt biển không thích sống trong “thiên đàng cộng sản”, một ‘thiên đàng’ thiếu Tự Do, một xã hội thiếu ‘tình người’, mà chỉ có ‘tiền’ là trên hết. Nhưng đấy là nói chung, còn riêng đối với ‘người tù cải tạo’ một thời, thì lại phải thêm vào nhiều nguyên nhân khác nữa, như: -Mặc dù đã được ‘tha về’ vẫn bị quản chế, muốn đi đâu xa phải xin phép, phải nêu rõ lý do - Hàng tuần vẫn phải báo cáo với công an phường - Công an khu vực vào nhà mình rất tự nhiên như nhà riêng của họ, bất cứ lúc nào - Nếu bất cứ biến cố gì xảy ra, bản thân có thể sẽ là mục tiêu đáng quan tâm của bạo quyền - Và nguyên nhân sau cùng: không tin “H.O.” là một chương trình có thật; chỉ nghe nói.

Tôi tham dự vào chuyến vượt biển hồi Giáng Sinh năm 1986 như một ‘khách hàng’, không hề biết một tí gì về ‘tổ chức’, ngoài việc được thông báo địa điểm khởi hành trước 3 tiếng đồng hồ.  Lúc ấy tôi nghĩ, thôi thì “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, và dù sao, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ ơn người đã giúp tôi có lối thoát vào lúc thất vọng nhất trong cuộc sống. Tôi còn nhớ, cách đây 29 năm, khi vừa bước xuống ghe vượt biển, thì bị đẩy ngay xuống hầm, không còn chỗ đặt chân, tối om, chật ních người như ‘hộp cá mòi’. Tôi ước đoán, có đến hơn 150 đồng bào cùng tham dự, nữ giới và trẻ em chiếm hơn một nửa tổng số. Chuyến vượt biển của tôi ở thời điểm đó có lẽ cũng chỉ cách xa chuyến vượt biển mà anh bạn vừa kể (ở phần đầu của bài viết), trước hoặc sau một/hai tuần lễ.

Cũng may là tôi vượt biển một mình, vì không thể mang theo cả gia đình với nhiều lý do. Tuy vậy, nhưng  đứng trước thảm cảnh xảy ra trên biển, tôi vẫn thấy xót xa cho đồng bào cùng chung cảnh ngộ; nhất là những thiếu nữ bị hải tặc hành hạ, và nhiều thiếu nữ xấu số hơn, đã bị chúng bắt đi mất tích.

Riêng bọn đàn ông trên ghe, xốn xang lớn nhất vào lúc hải tặc tấn công, chính là một thứ ‘mặc cảm tội lỗi’ về sự bất lực của bản thân, đã để cho thảm cảnh rất tồi tệ xảy ra ngay trước mắt mà không dám can thiệp. Hàng chục ‘đấng mày râu’ vì hoàn cảnh bó buộc “muốn được chấp nhận tỵ nạn”,đành chịu thúc thủ, ấm ức trước hành động thô bạo, dã man, đầy thú-tính của bọn hải tặc.

Vì thiếu may mắn, chuyến hải hành ấy đã bị hứng chịu tất cả 3 thảm kịch xảy ra trong 3 ngày liên tiếp. Bọn hải tặc đã 3 lần ‘viếng thăm’ chiếc ghe của chúng tôi bị chết máy, trôi lềnh bềnh giữa biển khơi. Vì ghe không thể đi xa được, hoặc chỉ giập gình tại chỗ, cho nên bọn cướp rất dễ ước định vị trí. Tôi nghĩ là toán hải tặc đầu tiên khi phát hiện ra chiếc ghe xấu số, chúng ‘đánh hơi’,  thấy dễ dàng ăn cướp và hãm hiếp phụ nữ, cho nên chúng không bỏ lỡ cơ hội và khi thực hiện dã tâm xong, thì chúng lại thông báo vị trí này cho toán cướp đến sau, rồi toán sau nữa. Cứ mỗi lần đến ‘thăm’, là bọn chúng rủ nhau, từ 7 đến 10 chiếc tàu đánh cá với mũi tàu bọc sắt, vây quanh chiếc ghe mỏng manh của chúng tôi. Chúng nhảy sang ghe chúng tôi, đuổi mọi người trên ‘boong’ xuống, dùng làm nơi hãm hiếp phụ nữ. Chúng tôi đã dự đoán, thế nào bọn chúng  cũng sẽ húc thủng ghe của mình sau khi hoàn tất mọi hành động thú-tính, để phi tang. Chúng tôi không có cách nào chống đỡ. Chúng lục soát thân thể từng người, từng hành lý, từng khe góc để tìm kiếm dollars và quý kim. Những hành động này, bọn chúng lập đi lập lại trong cả 3 lần, mỗi lần từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ.

Đúng như phỏng đoán, đến lần thứ ba cũng là lần cuối: -Bảy cô gái bị chúng bắt đi, sau khi chúng đã hành hạ nhiều phụ nữ khác ngay trên ‘boong’ như 2 lần trước. -Một thanh niên bị hải tặc đá văng xuống biển, mất tích vì anh ngồi ngay trên đường đi của chúng. -Ghe của chúng tôi bị tàu của hải tặc húc bay mất một phần phía sau, nơi dùng làm ‘bath room’.

Cũng may, phần thân ghe tiếp xúc với mặt nước biển vẫn còn nguyên vẹn, đủ sức chống đỡ những đợt sóng nhẹ. Chiếc ghe ‘bị thương’ cứ giập gình trên mặt biển mênh mông, chỉ có bầu trời và nước biển chứng kiến. Ghe muốn trôi đi đâu thi trôi, hoặc không trôi đi đâu cả cũng không còn cách nào cứu vãn. Chúng tôi đành phó thác cho số phận!

Sau đây, tôi xin tóm tắt 3 điều đáng chú ý :

- Một là nói về điều không may: Ghe của chúng tôi bị chết máy sau 2 ngày hoạt động (tính từ lúc khởi hành). Và suốt 8 ngày sau đó, chiếc ghe cứ lênh đênh trên mặt biển, không biết sẽ trôi về đâu! Chỉ lo sóng biển đưa ghe trở về Việt-Nam thì ‘lúa’ đời. Thêm vào nỗi lo ấy là nỗi nhục, mọi người bị hải tặc hành hạ, bị cướp bóc, bị đói, khát; ban ngày thì nóng như thiêu đốt, ban đêm thì lạnh giá thấu xương.

- Hai là nói về điều may mắn (mặc dù không trọn vẹn): Mọi người đến được bến bờ, biết là đã thoát nạn. Không gặp bão tố cuồng nộ. Sóng biển tương đối êm. Nhờ có mưa nhẹ hạt, và gió nhẹ thổi, tuy không định hướng mà vô tình chiếc ghe rách của chúng tôi vẫn cặp được vào bờ biển Pattani, một địa-danh ở cực Nam của Thailand.

- Ba là nói về nhân mạng: Một thanh niên bị chết. Bảy cô gái bị bắt đi trên 7 chiếc ghe khác nhau của bọn hải tặc. Sau 2 tháng thì, 3 trong số 7 cô được cảnh sát Thái gửi trở lại trại tỵ nạn Panatnikhom. Các cô được gặp lại người thân, mừng mừng, tủi tủi! Còn 4 cô khác vẫn biệt tăm, mà trong số 4 cô đó có 1 cô đi với mẹ; chỉ có 2 mẹ con gắn bó với nhau trong cuộc hành trình, bây giờ chỉ còn mẹ! Chúng ta hãy tưởng tượng nỗi đau xót của người mẹ cũng như người con, đến mức nào!  Lúc ấy, mọi người chỉ còn biết cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số theo niềm tin tôn giáo của riêng mình.

Đấy chỉ là một trong hàng trăm ngàn thảm cảnh vượt biển tìm Tự Do sau ngày 30.4.1975. Đấy là cái giá người vượt biển phải trả cho việc đi tìm Tự Do. Nếu Tự Do có sẵn trên quê hương thi chẳng ai phải đi tìm.

***

Nghĩ lại, nếu đời người là một “bể dâu” thì mỗi người chỉ cần một lần “trải qua một cuộc bể dâu”, cũng đã đủ. Thế mà, thế hệ người Việt được sinh ra ở cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, cho đến nay đã phải trải qua nhiều ‘cuộc bể dâu’, thì chắc hẳn phải cảm nhận được nhiều nỗi đau hơn.

Cụ Nguyễn Du đã nhận định: “Trải qua một cuộc bể dâu,Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”Vậy thì, không biết có nên so sánh ‘cuộc bể dâu’ của cụ Nguyễn Du với cuộc chiến Chống Cộng Sảncủa nhân dân miền Nam, 20 năm đẫm máu trên quê hương?

Còn cụ Nguyễn Gia Thiều đã cho biết: “Lò cừ nung nấu sự đời, Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.” Vậy thì, không biết có nên so sánh “lò cừ nung nấu sự đời” của cụ Nguyễn Gia Thiều với lò“tù cải tạo” được thiết lập từ Nam ra Bắc, sau ngày Quốc Hận 30.4.1975?

Thế hệ của chúng tôi đã tiêu phí hết tuổi thanh xuân trên các chiến địa. Đến khi thua cuộc, lại thêm một lần nữa tiêu phí tuổi thanh xuân còn sót lại, trong các “trại tù cải tạo”. Đấy là nỗi đau của ít nhất 2 thế hệ người Việt trên chính quê hương của mình.

Tuy bây giờ một số bạn đã an phận trên đất khách quê người nhưng vẫn luôn hướng về quê mình. Trong số đó, có nhiều người đã thấm nỗi đau khi phải rời bỏ nơi ‘chôn dau cắt rốn’ ở miền Bắc, để tìm Tự Do ở miền Nam sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết giữa Pháp và Việt Minh chia đôi 2 miền Nam - Bắc, ngày 20.7.1954.




Việt-Minh (Việt Cộng) và Pháp ký kết chia cắt đất nước VN



Sinh viên Saigon phản đối chia cắt đất nước
Hàng năm cứ đến ngày này, dân miền Nam tổ chức ghi nhớ Ngày Quốc Hận. Thời điểm đó chúng ta mới mất một nửa nước về tay sai Giặc Đại Hán.

Đến ngày 30.4.1975 chúng ta đã mất cả nước về tay Giặc, lại một lần nữa phải bỏ quê chất đất tổ để sống lưu vong, không phải là ở quê mình như lần trước, mà là quê người. Lần sau đau hơn lần trước! Cho nên lại càng không thể nào quên Ngày Quốc Hận lần thứ hai. Không những không quên, mà hàng năm cần phải nhắc nhở cho con cháu chúng ta, tại sao lại có ngày Quốc Hận lần thứ hai.

Cũng trong ý nghĩa đó, những thế hệ đi sau không chỉ dừng lại ở sự hiểu biết, mà còn phải ý thức được hậu quả phát sinh sau Ngày Quốc Hận, một đại thảm họa cực kỳ kinh hoàng, sẽ mất luôn cả Nền Văn Hóa Dân Tộc. Đó là ‘Hội Nghị Thành Đô’ được ký kết giữa 2 Cộng Đảng Hanoi - Bắc-Kinh, vào 2 ngày 3 và 4 tháng 9.1990, tại Thành-Đô bên Tàu. Trong Hội Nghị này, Cộng Đảng Hanoi đã tự nguyên dâng hiến Tổ Quốc Việt-Nam cho Giặc. Ngày này được xem là Ngày Quốc Hận lần thứ ba.

Chúng tôi xin nhắc lại ở đây, gọi tên ‘Giặc Đại Hán’ là căn cứ vào hành động xâm lăng của bè lũ Hán Cộng cầm quyền ở Bắc-Kinh chứ không ám chỉ nhân dân Trung Hoa; và tương tự, ‘Cộng đảng Hà-Nội’ không phải nhân dân Hà-Nội. “Dân oan” Hà-Nội cùng với “dân oan” cả nước và nhiều blogger ở khắp nơi đang dấn thân tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, rất đáng ngưỡng mộ.

Dĩ nhiên, Cộng Đảng Hà-Nội không muốn nhắc đến những ngày ô-uế này và họ đang cố gắng tẩy xóa, hoặc biến đổi ‘Ngày Quốc Hận’ thành những mỹ từ khác để hy vọng làm mờ nhạt trọng tội của họ, được chừng nào hay chừng đó. Nhưng không thể tẩy xóa hay biến đổi, vì cả thế giới đều biết rõ ngày 30.4.1975 là ngày gì, và nhất là những nạn nhân Cộng Sản sau 2 lần biệt xứ không thể quên nỗi đau Quốc Hận.

Cho đến hôm nay, thế hệ chúng tôi đã vượt quá chặng đường dài “thất thập cổ lai hy” sau 2 lần Quốc Hận, thiết tưởng như thế cũng đã đủ. Thời gian dành cho chúng tôi chẳng còn bao lâu nữa, nhưng chúng tôi vẫn luôn đặt niềm tin và hy vọng vào những thế hệ đi sau và những ‘Người Việt Khả Kính’ dù ở bất kỳ nơi đâu, đang đấu tranh cho Tự Do, dân Chủ và xây dựng một quê hương không còn độc tài cộng sản. Họ chính là những người đang vô hiệu hóa nghị quyết 36 của Cộng Đảng Hanoi bằng những hành động cụ thể. Ta hãy xem và nghe ở đây:


Về thời gian và nỗi bất hạnh trong quá khứ, nếu chỉ nói riêng cho dân miền Nam, thì tính đến nay, tuy đã 40 năm ly-biệt, nhưng những nét tang thương trong “bức tranh vân-cẩu” vẫn chưa phai mờ và chẳng bao giờ phai mờ. Dù sao, chúng tôi cũng xin cám ơn các quốc gia trong Thế Giới Tự Do đã một thời quan tâm đến “boat people” sau ngày Saigon bị “giải phóng”, chính là ngày Quốc Hận lần thứ hai của dân tộc Việt-Nam.

Nỗi bất hạnh chung của phụ nữ

Thế hệ người Việt được sinh ra vào đầu thập niên 1950 trở về trước, đều biết rõ, phụ nữ Việt-Nam trong thời binh lửa, thường được các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ ví von như những ‘cánh hoa thời loạn’, tan tác trong cơn bão-tố của một đất nước loạn-ly triền miên. Nhìn lại lịch sử cận đại để thấy, vừa hết loạn-ly thời Thực Dân, lại tiếp đến loạn-ly thời Cộng Sản. Vừa hết đời mẹ khóc con ra đi đánh giặc Thực Dân, tử trận - lại đến đời con gái để tang cho bạn đời lên đường dẹp giặc Cộng Sản, đền xong nợ nước giữa lúc tuổi đời còn nhiều mơ ước dở dang. Đấy là nói về phía miền Nam Việt-Nam sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết giữa Pháp và Việt-Minh - ngày 20.7.1954, đã một thời được nhân miền dân Nam, chọn làm Ngày Quốc Hận.

Còn nói về phía miền Bắc Việt-Nam ở cùng thời điểm, với thảm cảnh “sinh Bắc tử Nam”, Hanoi đem thanh niên nướng vào lò lửa chiến tranh dưới khẩu hiệu bịp “chống Mỹ cứu nước” mà thực ra là “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên-Sô và Trung -Quốc”. Thanh niên chết dọc Trường Sơn và trên mọi trận địa, từ “Xương Trắng Trường Sơn” cho đến “Giải khăn sô cho Huế”, cũng chẳng khác gì. Cũng không thiếu những người mẹ, người vợ cùng ôm chung một nỗi buồn muôn thuở, tương tự như người miền Nam!  Đấy là chưa kể, trước đó, dân miền Bắc còn phải chịu nhiều cực hình khác nữa từ khi “đời ta có đảng”(!), từ 70 năm trước.

Nếu chỉ so sánh giữa 2 thời loạn: -thời loạnThực Dân và -thời loạn Cộng Sản, thì thời loạn sau đauhơn thời loạn trước rất nhiều.

Khi miền Nam vừa bị ‘giải phóng’ xong, thì những ‘cánh hoa thời loạn’ biến ngay  thành những ‘cánh hoa thời ly-biệt’Cánh hoa thời ly-biệt ngóng chồng, đợi con từ những trại tù cải tạo; ngày vào tù thì biết rõ, còn ngày về thì không. Nhiều ‘’cải-tạo-viên” vĩnh viễn không có ngày về, cho nên thân nhân chỉ còn biết lấy ngày vào tù làm ngày cúng giỗ hàng năm. Ta hãy xem và nghe ở link dưới đây:“Không có ngày về” đồng nghĩa với “Anh vẫn ở đây”:


Sau 30.4.1975, miền Nam không có ‘chinh-phu’ nhưng vẫn có ‘cô-phụ’ mỏi mòn đợi chồng, mong con với tâm trạng bồn chồn, lo sợ. Ngoài việc phải thay chồng nuôi con thơ dại, cô-phụ lại còn phải phụng dưỡng cha mẹ già, và còn phải ‘chạy bữa ăn’ từng ngày, thậm chí từng bữa trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ngoài ra, họ còn phải chống chỏi lại với biết bao nỗi cám dỗ, vùi dập, hăm dọa và các tệ nạn thường xuyên xảy ra trong xã hội mới, như các vụ lừa tình, gạt tiền, đánh tư sản mại bản, đổi tiền không chỉ một lần mà 3 lần, v.v…Ngày ấy, dân miền Nam thường thấy và thường nghe nói đến: “vào vơ vét về”“người miền Nam nhận họ, người miền Bắc nhận hàng” hoặc “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”!...Dân miền Nam không đánh bạc mà vẫn ‘cháy túi’. Cán bộ Cộng đảng không đánh bạc mà tiền và vàng vẫn chảy vào đầy túi.

Dưới đáy tận cùng của sự khốn khổ đó, sức người có hạn, vì không tin vào ‘thiên đàng cộng sản’, và không đủ sức chịu đựng hoàn cảnh khắc nghiệt lâu dài, cho nên những con thuyền mỏng manh tìm đường ra khơi, hướng về tương lai vô định với ý nghĩ “5 ăn 5 thua”, nhưng biết chắc là sẽ thoát khỏi“quê hương ngục tù”. Ai có điều kiện vượt biển vào lúc ấy cũng đều nghĩ như thế, và họ đã ‘liều mạng’ ra đi, phó mặc cho ‘thời may vận rủi’. Và cũng từ đó, thảm cảnh tiếp nối thảm cảnh, liên tục hàng chục năm sau ngày “Saigon giải phóng”. ‘Bức tranh vân cẩu’ lại có dịp vẽ thêm nhiều nét tang thương!

May thay! Thế giới Tự Do đã một thời mở rộng vòng tay nhân ái, tiếp đón nạn nhân “Bên Thua Cuộc” cũng như “Bên Thắng Cuộc”, dân miền Bắc cũng vượt biển tìm Tự Do như dân miền Nam. Tất cả được gọi chung là ‘boat people’.

Và cũng thảm thương thay! Đáy biển Thái Bình Dương cũng đã một thời là nơi tiếp nhận hàng trăm ngàn sinh linh vô tội!

Ngày nay, mọi người có thể rất dễ dàng kiểm chứng vô số những thảm cảnh tang thương đó trên các hệ thống Google hoặc youtube. Dưới đây là một số link tiêu biểu:








Thảm cảnh xảy ra liên tục

Như trên đã nói, sau tháng 4.1975, miền Nam Việt-Nam tuy không còn “loạn” nhưng vẫn còn thảm cảnh biệt-ly. Biệt-ly vô thời hạn giữa người tù cải tạo với cha, mẹ, vợ, con, anh, chị, em trong gia đình và họ hàng thân thích. Giữa lúc thảm cảnh biệt-ly này đang nở rộ, thì được bồi tiếp thêm thảm cảnh khác, cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng ‘hy sinh’  trên chiến trường Campuchia. Tiếng khóc Campuchia chưa dứt, lại đến thảm cảnh khác nữa,  cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng ‘hy sinh’ trên chiến trường Biên giới Phía Bắc Việt-Nam. Thảm cảnh cứ tiếp nối thảm cảnh, liên tục!

“Không có gì quý hơn độc-lập, tự-do” và “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ” là những khẩu hiệu “đảng” dùng để bịp toàn dân và để biện minh cho những hành động quân sự từ những ngày “chống Mỹ cứu nước” mà không bao gờ chống Giặc Đại Hán xâm lăng.



Hanoi không bao giờ dám đối diện với sự thật để đặt câu hỏi: nguyên nhân bởi đâu đã gây nên cớ sự thảm thương liên tục như thế? Bởi đâu đã gây nên những thảm cảnh chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, Chiến tranh Campuchia, Chiến tranh biên gìới phía Bắc? Hãy thành thật với chính mình để đáp trả những vấn nạn trên.

Thực tế cho thấy, càng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thì càng mất lãnh thổ về tay Giặc Đại Hán. Càng bảo vệ Độc-Lập Tự-Do thì càng lún sâu vào cạm bẫy nô lệ Bắc Kinh. -Tại sao thế? -Tại vì đấy là ý muốn của “đảng” đã coi trọng “16 chữ vàng” và “4 tốt” do Giặc Đại Hán đề ra, nhồi nhét vào tâm não “đảng”. Chấp nhận nhục nhã, cho nên “Đảng ta” đã ca ngợi “tình hữu nghị” với Giặc Đại Hán như một thứ tình cảm khắng khít “môi hở răng lạnh”, không phải mới đây mà đã có từ thời “bác Hồ” quốc tặc nằm mơ trong hang Pak-Pó, đến nay vẫn không thay đổi.

Thảm cảnh này chưa dứt, thì thảm cảnh kia đã ập đến. Cứ như thế, liên tục! Máu và nước mắt không ngừng chảy trên quê hương suốt 70 năm qua!..Đấy là sáng kiến ‘thần thánh’ và là ‘thiên tài’ của “đảng ta”! Thế nhưng, điều đáng nói hơn cả, đứng đằng sau những sáng kiến thiên tài vô địch ấy lại là một đại thảm họa cực kỳ khủng khiếp: Hội Nghị Thành Đô đã do 2 Cộng đảng Bắc-Kinh – Hà-Nội ký kết lén lút với nhau vào ngày 3 và 4 tháng 9.1990 tại Thành Đô, trong đó Cộng đảng Hà-Nội đã chấp nhận làm nô lệ ‘Hán Triều’. Nhân dân Việt-Nam và nhân dân Trung-Hoa không hề hay biết. Nhiều người Việt-Nam muốn biết chi tiết ra sao, nhưng “đảng ta” vẫn cứ một mực bưng bít. Nhưng không thể bưng bít mãi



Không một người Việt-Nam yêu nước nào, khi biết mục đích của ‘Hội Nghị Thành Đô’ mà không khỏi giật mình, kinh hãi cho số phận dân tộc. “Đảng ta” đã tự nguyện gắn thêm 1 ngôi sao nữa (biểu tượng của một chư hầu mới) vào cờ 5 sao của Giặc Đại Hán.




Cờ 6 sao được các cháu đem ra đón Tập Cận Bình
Dĩ nhiên là Giặc Đại Hán hết sức mừng rỡ gọi “đảng ta” là "đứa con hoang gia nhập đại lục Hán quốc": Đấy là nét tang thương kinh hoàng nhất trong lịch sử! Đó chính là Ngày Quốc Hận lần thứ ba cần ghi nhớ.

Chắc chắn rồi đây, máu và nước mắt lại tiếp tục chảy vì bức tranh vân cẩu lại thêm một nét tang thương mới, kinh hoàng nhất kể từ sau NGÀY QUỐC HẬN 30.4.1975.

Tháng 3.2015
Võ Phương

0 comments:

Powered By Blogger