Tuesday, June 23, 2015

Phóng viên bị công an đánh, Tổng biên tập chối bỏ trách nhiệm vì giữ ghế?!

  Đêm 18/6/2015, phóng viên Văn Đạt (báo Tuổi Trẻ Thủ Đô) bị lực lượng công an phường Văn Quán và một số đối tượng khác hành hung khi đang lấy tin việc công an lập chốt xử lý người vi phạm giao thông.

Rất nhiều báo đảng đồng loạt đưa tin này ngay trong ngày hôm sau.

Phóng viên Văn Đạt viết trong đơn tường trình sau đó: "Trong thời gian ghi hình tôi bị lực lượng công an phường đang lập chốt tại địa điểm trên bắt lên xe, đánh nhiều lần vào gáy, đầu và lưng”.





Năm ngày sau, trong công văn gửi Ban tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hà Nội, Phòng Quản lý báo chí, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, Hội Nhà báo Tp Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam... bà Trần Thị Hồng Khiêm (Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô) đã phủ nhận toàn bộ sự việc.

Bà Khiêm đã chối bỏ trách nhiệm của toà báo với phóng viên Văn Đạt vì cho rằng:

1. Anh Tống Văn Đạt chỉ là nhân viên thử việc; 

2. Tổng biên tập (là bà Khiêm) có thẩm quyền và chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành điều hành phóng viên tác nghiệp xử lý các vụ việc nhạy cảm, phức tạp đã không cử anh Đạt đi đến phường Văn Quán làm tin (theo thông tin người dân cung cấp);

3. Anh Đạt mạo nhận là phóng viên báo Tuổi Trẻ Thủ Đô khi làm đơn tố cáo sự việc đã xảy ra gửi đến nhiều cơ quan báo chí gây ảnh hưởng đến uy tín của báo TTTĐ.

Ngoài ra trong công văn gửi đi, bà Khiêm còn cho rằng: “Với tư cách là Thủ trưởng đơn vị có liên quan đến thông tin báo chí phản ánh như trên, tôi thấy rằng đây là một việc hết sức hệ trọng, bởi lẽ sự việc xảy ra đúng những ngày cả nước quan tâm cùng báo giới Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng đồng thời các lực lượng Công an, trong đó có Công an Thủ đô nỗ lực phấn đấu lập thành tích tiến tới Kỷ niệm ngày thành lập Công an nhân dân 19/8. Sự việc xảy ra khiến hàng loạt tờ báo chính thống, không kể các trang mạng xã hội đưa tin phản ánh khiến dư luận xã hội xôn xao. Bên cạnh đó có rất nhiều ý kiến từ các trang mạng cá nhân bình luận đã tạo hiệu ứng rất xấu cho Công an phường Văn Quán và Báo TTTĐ”.

Trình độ của bà TBT được thể hiện rất rõ qua nội dung công văn với đầy lỗi văn bản không thể chấp nhận nhận được như: viết hoa tuỳ tiện, câu cú lủng củng...

Việc chối bỏ trách nhiệm khi nhân viên cơ quan mình bị công an đánh đã thể hiện sự hèn hạ của vị TBT này rất rõ. 

Bà Khiêm lo giữ ghế, giữ hình ảnh của công an và tờ báo của mình mà quên rằng ngay cả một người dân thường cũng có quyền giám sát các hoạt động của công an nếu phát hiện có dấu hiện sai pham pháp luật. Điểm mấu chốt của vấn đề là công an không bao giờ được phép đánh đập người dân.

Thông qua sự việc xảy ra ngay trước ngày kỷ niệm báo chí Cách mạng Việt Nam và cách xử lý tình huống sau đó cho thấy: vấn đề nghiêm trọng lớn nhất của nền báo chí cách mạng hiện nay chưa hẳn là vấn đề tự do, nó còn tuỳ thuộc vào tư cách và trình độ của nhà báo.

Với một nhà báo hèn, luôn tự kiểm duyệt bản thân để giữ vị trí, thì không có tự do nào có thể cứu vãn nổi.

23/06/2015

0 comments:

Powered By Blogger