Tuesday, June 30, 2015

Trần Đăng Khoa, văn thi nô của chế độ VC!


Tối Thứ Tư, một người bạn ở Saigon gửi cho tôi một bài báo, tường thuật buổi toạ đàm, đề tài “Báo chí cách mạng với công tác xây dựng Đảng”,  do Đảng uỷ và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 17.6.2015. Tại buổi toạ đàm, nhà thơ Trần Đăng Khoa, cựu thượng tá VC và hiện là Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam, đã đọc hai câu thơ của Tố Hữu, “Chết còn cởi áo cho nhau. Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”, và nói: “Hai câu thơ đó viết về Đảng, viết về chiến sĩ cách mạng nhưng cũng làm cho người ta ứa nước mắt”. Khi một số người đòi hỏi nhà báo cần có can đảm để viết bài “phản biện xây dựng đảng”, Trần Đăng Khoa tuyên bố: “...công tác xây dựng Đảng có nhiều vấn đề, nhưng cũng chỉ có hai việc lớn: Làm sao chống tham nhũng cho hiệu quả và vấn đề biển Đông. Nếu làm tốt hai việc này, chúng ta sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Lúc đó Đảng của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh và linh thiêng.
Đọc những dòng chữ trên, tôi thở dài thất vọng, và nhớ lại đầu tháng Giêng năm 2000, tôi đã viết bài “Trần Đăng Khoa Và Những Tiếng Thở Dài!”, ghi lại những suy nghĩ của mình đối với Trần Đăng Khoa. Sau đây, kính mời Quý vị theo dõi bài viết, để phần nào thấy được bi kịch văn thi nô, của Trần Đăng Khoa nói riêng, những người cầm viết nói chung, trong chế độ VC.



Tuần vừa rồi, qua trao đổi email với Đỗ Quyên, tạp chí Cánh Én ở Châu Âu, tôi hân hạnh được bạn Đỗ Quyên gửi cho một số bài trích trong cuốn Chân Dung Và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa, mới được Thanh Niên xuất bản tại Việt Nam. Sau khi tôi gửi thư, trình bầy một số suy tư ngắn gọn của mình về Trần Đăng Khoa, bạn Đỗ Quyên muốn tôi viết thành một bài có đầu đuôi. Phần có những rung động chân thành, muốn giãi bầy sau khi đọc các bài viết của Trần Đăng Khoa, trong đó có bài Phù Thăng, phần trong thâm tâm, tha thiết muốn “bồi đáp tấm thịnh tình” của bạn Đỗ Quyên, nên dù bận rộn, tôi cũng đã cố gắng viết bài này, trình bầy vội vã những cảm nghĩ của mình. Tôi biết, khi đọc, có thể nhiều vị độc giả không đồng ý hoặc chỉ đồng ý với tôi phần nào. Tôi tôn trọng những dị biệt đó, và tha thiết mong muốn được qúy vị góp ý để vấn đề thêm sáng tỏ.

Trần Đăng Khoa là người biết làm thơ từ khi còn nhỏ. Sinh ngày 24.4.1958, tại thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Không đầy mười năm sau, Trần Đăng Khoa đã có tập thơ đầu “Từ góc sân nhà em” được xuất bản vào năm 1968. Lớn lên, Trần Đăng Khoa đi bộ đội, làm thơ, viết trường ca, viết báo, viết văn... Tuy viết nhiều, xuất bản nhiều, tất cả các tác phẩm sau này của Trần Đăng Khoa đều không giá trị bằng tập thơ ông sáng tác năm ông mới lên 10.
Mặc dù được chế độ cộng sản đánh bóng, ca ngợi suốt nhiều thập niên, người đọc đều thừa nhận, nếu tập thơ “Từ góc sân nhà em” xuất bản năm 1968, đã khiến nhiều người coi Trần Đăng Khoa là một “thiên tài” có nhiều hứa hẹn đáng kỳ vọng, thì trái lại, qua những tác phẩm về sau của ông, độc giả đã thất vọng, coi ông chỉ là một người cầm viết có tài giống như phần đông văn sĩ, thi sĩ khác.

Những tưởng với tài năng thiên phú ngay từ khi còn nhỏ, nếu Trần Đăng Khoa không trở thành một thi hào cỡ Nguyễn Du, thì ông cũng dễ dàng sánh vai cùng hàng trăm thi sĩ nổi danh khác trên thi đàn Việt Nam. Đáng tiếc, thực tế đã không xảy ra như vậy. Tại sao?

Suốt thời gian hơn 30 năm qua, nhiều người Việt Nam yêu thơ Trần Đăng Khoa thuở đầu đã thắc mắc và cố gắng đi tìm một câu trả lời…

Có điều, khác hẳn tất cả những tập thơ, văn khác của Trần Đăng Khoa được độc giả chậm chạp đón nhận, tác phẩm “Chân dung và đối thoại” ông mới sáng tác, đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường sách báo VN. Chỉ trong thời gian không đầy một năm, nhà xuất bản Thanh Niên đã phải tái bản 7 lần. Nhiều nơi, độc giả phải xếp hàng cả ngày hoặc phải đặt mua từ nhiều tuần trước, mới có sách. Trước hiện tượng này, một số người không thể không băn khoăn tự hỏi: Phải chăng, tài năng đích thực của Trần Đăng Khoa không phải là thơ mà phải là văn? Chẳng lẽ một người phải đi hết nửa cuộc đời mới phát hiện ra được chân tài của mình hay sao? Chuyện đó xưa nay đều có thể, nhưng có lẽ với Trần Đăng Khoa thì không hẳn như vậy.

Theo tôi, có hai nguyên nhân chính khiến độc giả “xôn xao” đón nhận Chân Dung & Đối Thoại của Trần Đăng Khoa.

Một, Trần Đăng Khoa đã trình bầy trong tác phẩm những “bí mật” có tính “thâm cung bí sử”, tính “hậu trường” về thói quen, cá tính, tật xấu của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong xã hội VC, kể cả Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Khải…

Như đã nói ở trên, nhờ có tài biết làm thơ khi mới lên 8, Trần Đăng Khoa được nhiều nhà thơ lớn của chế độ trong đó có Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, trực tiếp dậy dỗ, bồi đắp “hồng chuyên” ngay từ khi ông mới còn nhỏ. Chính mối giao tiếp có vẻ “tình bạn vong niên” với những nhân vật thành danh trong chế độ, đã tạo cho Trần Đăng Khoa cơ hội “biết” những điều thiên hạ khao khát “muốn biết mà không thể biết”. Nay trong bầu không khí được coi là “cởi mở văn chương”, Trần Đăng Khoa phơi bầy những “thâm cung bí sử” đó trong tác phẩm. Do vậy, thiên hạ đổ xô đi mua là chuyện hợp lý.

Hai, trong tác phẩm, Trần Đăng Khoa vừa xoa vừa đấm, hầu hết những cai văn nghệ, những “thần tượng”, những nhà văn nhà thơ thành danh trong xã hội VC. Dĩ nhiên, ngay cả khi xoa, cái “xoa” của Trần Đăng Khoa cũng nặng phần hài hước, châm biếm, nên đôi khi xoa đấm đúng hơn là xoa ca. Dĩ nhiên, khi những thần tượng văn chương của chế độ bỗng nhiên bị đấm, chắc chắn độc giả, thù bạn của người bị đấm lẫn chính bản thân người bị đấm, đều tò mò muốn coi cho biết. Đó là thị hiếu tầm thường của con người, và Trần Đăng Khoa đã đáp ứng thị hiếu tầm thường này một cách tận tình.
Điều quan trọng được đặt ra ở đây là động cơ nào khiến Trần Đăng Khoa viết Chân Dung Và Đối Thoại với nội dung như vậy? Có thể có hai động cơ chính.

Thứ nhất, xuất phát từ thực tế, những nhân vật được gọi là thần tượng văn nghệ trong xã hội cộng sản chẳng qua chỉ là những “ông bình vôi”. Qua giao tiếp, thân cận, Trần Đăng Khoa có dịp nhìn thấy chân diện đích thực của những ông bình vôi này. Mặt khác, cho dù có những thần tượng thơ văn thật sự trong xã hội VC, không sớm thì muộn, những thần tượng đó cũng bị thất sủng. Dĩ nhiên, mặt trái của một thần tượng bị thất sủng, cùng những bí mật về thất sủng, luôn luôn là “chuyện quốc cấm”, có sức lôi cuốn người đọc mãnh liệt. Và chiều theo thị hiếu của độc giả, thường bao giờ cũng là sở thích của người cầm viết tầm thường.

Thứ hai, Trần Đăng Khoa là một người có tài. Đáng tiếc, tài năng của ông bị xã hội VC phát hiện quá sớm, nên tư tưởng, tình cảm của ông đã bị VC uốn nắn ngay từ khi còn bé. Hậu quả, tài năng của ông bị thui chột, văn thơ của ông trở thành công cụ tuyên truyền cho chế độ. Đau đớn hơn, vì được những cai văn nghệ chăm sóc ngay từ khi chưa đầy 10 tuổi, nên ông đã một lòng một dạ, tôn thờ những viên cai văn nghệ như là thần tượng, và ngoan ngoãn tuân theo những phương pháp sáng tác, được coi là “khuôn vàng thước ngọc” trong chế độ VC. Như vậy, điều được nhiều người ước mơ và được nhiều người cho là may mắn đối với “thần đồng Trần Đăng Khoa”, thực tế, lại chính là nỗi bất hạnh lớn lao đối với ông nói riêng và nhân tài sống trong chế độ cộng sản nói chung.

Sau này lớn khôn, qua tiếp xúc với đời, qua sách vở phim ảnh, qua những biến động của thế giới, nhất là qua chứng kiến, những thực tế phũ phàng của chế độ VC, cùng mặt thật của các thần tượng, Trần Đăng Khoa đau khổ nhận ra, tài năng cùng thời gian hơn nửa cuộc đời của ông, đã bị phung phí trong ảo tưởng luân lý, huyễn mộng đạo đức, do người cộng sản thêu dệt.

Chính bối cảnh hoàng hôn của chủ nghĩa cộng sản, cùng mặt thật của những thần tượng được phơi bầy, đã khiến Trần Đăng Khoa, cũng như nhiều văn nghệ sĩ có tài, nhiều người có lòng trong chế độ VC, bước vào giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Từ khủng hoảng niềm tin, họ nhận ra, chính họ đã bị lừa, bị phản bội. Và một người, khi bước vào tuổi 40, nhận ra mình bị lừa, bị phản bội suốt mấy chục năm đẹp nhất của đời người, chắc chắn người đó có nhiều nỗi đau đớn uất giận phải giải tỏa, phải nói lên, phải viết ra... Vì thế, những gì Trần Đăng Khoa viết trong tác phẩm Chân Dung Và Đối Thoại, là điều tất nhiên, và đó chỉ mới là phần rất nhỏ so với những gì Trần Đăng Khoa đã biết và toan tính phơi bầy.

Giống như tất cả những người bị lừa về đức tin, về lý tưởng, tâm trạng của Trần Đăng Khoa là tâm trạng của Ruồi Trâu: Mấy chục năm tôn thờ một vị linh mục đức độ, khả kính, không ngờ khi lớn lên, phát hiện ra vị linh mục đó chính là cha đẻ của mình! Trong thâm tâm, Trần Đăng Khoa rất muốn bắt chước Ruồi Trâu, dùng búa đập tan những thần tượng của ông, nhưng ông không thể làm được. Đọc Chân Dung Và Đối Thoại, nhiều người tin rằng, tương lai, nếu mọi chuyện trôi chảy, Trần Đăng Khoa sẽ viết tiếp những chuyện động trời hơn, “xoa đấm” những nhân vật “cao qúy” hơn, thậm chí ông có thể dùng búa đập tan những thần tượng trong chế độ cộng sản, kể cả thần tượng Hồ Chí Minh.

Có điều Trần Đăng Khoa là người khôn ngoan, và biết sợ. Được chế độ cưng chiều, biệt đãi, lại thiếu bề dầy công lão hãn mã trong cuộc chiến “chống Mỹ”, lại có dịp giao tiếp với giai cấp lãnh đạo cao cấp của chế độ, Trần Đăng Khoa không thể có cái “dũng” của Trần Độ, của Dương Thu Hương, nhưng có dư cái “biết sợ” của Nguyễn Tuân. Vì sợ nên Trần Đăng Khoa vừa xoa vừa đấm. Đấm để giải thoát phần nào nỗi uất giận, của một người mấy chục năm tôn thờ những kẻ bất tài là thần tượng. Nhưng phải xoa để khỏi bị thất sủng, khỏi trở thành “thằng phu”, khỏi trở thành “hạt thóc”... Nhưng dù có biết xoa bóp cách mấy chăng nữa, khi viết cuốn Chân Dung Và Đối Thoại, Trần Đăng Khoa vẫn không thoát khỏi nỗi lo sợ bị “gà mổ”. Tâm trạng lo sợ tự kỷ ám thị “mình là hạt thóc” của Phù Thăng đã truyền sang Trần Đăng Khoa, và tâm trạng này này đã được thể hiện trong đoạn cuối bài ông viết về Phù Thăng: “Và câu chuyện mini của ông xưa, lại ám ảnh tôi, chợt làm tôi ớn lạnh. Bất giác, tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sẫm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy...”

Trần Đăng Khoa có tài làm thơ. Phát hiện ra tài năng đó, chế độ cộng sản và các viên cai văn nghệ đã khôn ngoan cưng chiều và nhuộm đỏ mầm mon văn nghệ Trần Đăng Khoa ngay từ thuở ấu thơ, nên ông không sớm có cơ hội nhìn ra bản chất của chế độ và người VC. Hậu quả, thơ văn của ông trở thành thơ văn “cung đình” phụng sự chế độ VC. Nay đau đớn nhận ra điều này, Trần Đăng Khoa muốn thanh toán nợ nần, muốn trả lại cho lịch sử chân diện đích thực của những “thần tượng” mà ông đã “mù quáng” tôn thờ hơn nửa đời người.

Tiếc thay, ông không có cái tài của một kẻ sĩ làm cách mạng, ông cũng không có cái “dũng” cần thiết để thành kẻ sĩ trong văn chương. Do đó, qua tác phẩm Chân Dung Và Đối Thoại, người đọc ngạc nhiên và thích thú trước những tiết lộ của một Trần Đăng Khoa “lê la lắm chuyện”, hơn là một Trần Đăng Khoa nhà văn, nhà thơ. Phải chăng vì thế, đâu đâu trong không trung, cũng vọng lên những tiếng thở dài của những người đã một thời ái mộ ông, một thời kỳ vọng vào ông?…


Hữu Nguyên
huunguyen@saigontimes.org

0 comments:

Powered By Blogger