Xin khấu đầu trước anh linh của Trần tiên sinh cho tôi lại mượn tựa
đề nổi tiếng "vừa đi đường, vừa kể chuyện" của ngài để chia sẻ vài
chuyện vui vui trên những nẻo đường quê hương. Tối qua, trong chuyến đi
từ Vịnh Hạ Long về Hà Nội, tôi thấy một việc mà nghĩ đi nghĩ lại hơi tức
cười...
Đoạn đường Vịnh Hạ Long - Hà Nội chỉ khoảng 150 km (hay 180 km?) nhưng
đường xá chưa được tốt mấy nên có trạm dừng chân cho khách. Hình 1 dưới
đây là "Trạm Dừng Nghỉ Quốc Tế Loại I", nằm đâu giữa Quảng Ninh và Bắc
Ninh. Điều làm tôi chú ý và thấy vui vui là phía dưới cái biển đó có câu
"Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký". Tôi ngạc nhiên về cái uy danh của trạm dừng
chân này. Đã quốc tế rồi, mà còn loại I nữa thì oách thật. Đã loại I mà
còn thêm chữ kí của bộ trưởng, thì còn gì hơn.
Tôi tưởng tượng cái "job" của bộ trưởng – bất cứ bộ trưởng nào – chắc
phải bận rộn lắm. Họ phải dành thì giờ lo nghĩ chuyện chiến lược phát
triển lâu dài. Họ phải tiếp khách trong và ngoài nước. Họ phải lo cái
ghế của mình. Họ phải hội ý với thành viên Chính phủ. Họ phải lo điều
hành công việc ở Bộ. Vân vân. Ấy thế mà ở đây, tại Việt Nam này, Bộ
trưởng Bộ giao thông vận tải lại đi quan tâm đến việc kí tên vào một
trạm dừng chân cho khách. Nghĩ đến đó làm tôi cảm động về sự quan tâm
của ngài bộ trưởng.
Trạm nghỉ chân coi vậy chứ tương đối nhỏ. Nếu các bạn đã từng ghé qua
trạm nghỉ chân của các hãng xe Mai Linh hay Phương Trang ở miền Tây, thì
"trạm dừng chân quốc tế loại I" này chỉ bằng 1/5 mà thôi. Nhưng lớn nhỏ
không quan trọng, mà quan trọng hơn là chất lượng phục vụ.
Tôi phải nói thẳng là giá cả ở đây rất phải chăng, nhân viên rất nhiệt
tình, nhưng chất lượng phục vụ chưa được ổn mấy, mà nó có cái gì đó còn
rơi rớt lại từ thời bao cấp. Tôi đến hàng phở kêu một tô phở, thì giật
bắn người khi anh chàng phở hỏi tôi "Phiếu ăn đâu"? Ui trời ơi, thời này
mà còn phiếu tem gì nữa, tôi tự hỏi. Nhưng tôi cũng bình tĩnh hỏi anh
ấy phiếu ăn là cái gì, thì anh giải thích là phải đến đằng kia, gặp cô
ấy, mua cái phiếu ăn, rồi anh ấy mới "xuất phần ăn". Kinh thật, chỉ một
tô phở mà cũng khá nhiêu khê. Nhưng "luật giang hồ" ở đây là thế, nên
mình cũng phải tuân theo thôi.
Ăn xong, đi một vòng chẳng thấy có gì hay ho hay đáng chú ý. Có hàng bán
bánh mì loại "hot dog" nhưng không có mù tạt. Có rất nhiều hàng hoá Tàu
ở đây. Tôi cầm trái mận lên thấy đẹp đẹp, hỏi cô bán hàng "Đồ Trung
Quốc hả cháu", thì cô ta nói "Vâng ạ". Tôi đàng phải trả nó về cho gian
hàng.
Ở VN muốn biết chất lượng nhà hàng ra sao thì cần phải xem cái cầu tiêu,
chứ bề ngoài thì chỉ là hoa lá cành thôi. Do đó, tôi cũng mon men ra
cái cầu tiêu của trạm dừng chân, thì … hỡi ơi. Từ xa đã bốc mùi hôi
thối, nước nôi tùm lum trên sàn, và dây nước chạy loạn xạ cả. Nhưng ấn
tượng nhất là cái cầu tiêu có lẽ thuộc thời thế kỉ 19 (xem hình 2). Tôi
ngạc nhiên là một "trạm dừng chân quốc tế loại I" với chữ kí ghi nhận
của Bộ trưởng Bộ GTVT mà lại có cái cầu tiêu loại này! Bôi bác quá.
Để công bằng, tôi không bao giờ so sánh phục vụ và chất lượng phục vụ ở
đây với mấy nước tư bản, mà chỉ so sánh với trạm dừng chân ở miền Tây
thôi. Theo tôi thấy, từ tổ chức phục vụ, quang cảnh, đến chất lượng phục
vụ ở "trạm dừng chân quốc tế loại I" này thua cả trăm năm ánh sáng so
với hai trạm dừng chân trên đường Sài Gòn - miền Tây. Phải có đi xa như
thế này mới thấy những hào nhoáng ở thành phố chỉ là bề mặt, chứ bề
trong thì vẫn còn nhiều điều phải cải tiến lắm, và sợ nhất là cái air,
cái di sản của thời bao cấp nó vẫn còn tồn tại đó đây ở miền Bắc. Nghĩ
đến đó chợt thấy lạnh cả người và thấy thương đồng hương mình ở đây,
nhưng cũng thấy mình may mắn vì còn có miền Nam ["đi sau về trước"] để
gọi là quê nhà.
0 comments:
Post a Comment