Bài
viết này phân tích tìm hiểu tại sao cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đều
có nhiều người ủng hộ cũng như có đông người chống đối Tổng Thống
Obama; nhất là hầu như rất đông Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ chống
đối tổng thống trong vấn đề Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương
trong khi giới lãnh đạo Cộng Hoà quyết tâm ủng hộ tổng thống. Còn vấn đề
ObamaCare trong lúc gần như toàn đảng Dân Chủ ủng hộ tổng thống thì đa
số Thống Đốc, Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà chống đối tổng thống
tới mức độ thưa kiện ra toà; tuy nhiên, ở Tối Cao Pháp Viện Mỹ có những
chánh án bảo thủ lại ủng hộ Tổng Thống Obama trong những phán quyết rằng
ObamaCare không vi hiến.
*
Liên tiếp trong hai ngày, thứ Ba 23/6/2015 cho dù có sự chống đối của
những Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ, Thượng Viện Mỹ đã
chấp thuận cho Tổng Thống Obama có thẩm quyền xúc tiến nhanh đàm phán
thương mại (trade promotion authority) - một quyền lực để thương lượng
ký kết những thỏa thuận mua bán ngoại thương mà Quốc Hội Mỹ không thể
sửa đổi hoặc cản trở không cho thi hành; hơn nữa, thứ Năm 25/6/2015 Tối
Cao Pháp Viện Mỹ đã biểu quyết với kết quả 3 chống 6 thuận để quyết định
duy trì Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ ObamaCare có số tiền trợ cấp của chính
phủ liên bang cho người công dân Mỹ lợi tức thấp để mua bảo hiểm sức
khoẻ là không vi phạm hiến pháp, và Luật ObamaCare trở thành Luật của
nước Mỹ (Law of the Land). Như vậy Tổng Thống Obama đã có hai chiến
thắng quan trọng trong nỗ lực để Hành Pháp Mỹ có được thẩm quyền xúc
tiến nhanh đàm phán thương mại, còn gọi là Fast-Track Authority (Quyền
Đàm Phán Nhanh) không bị ràng buộc bởi Quốc Hội Mỹ; và Luật Bảo Hiểm Sức
Khoẻ ObamaCare có tiền trợ cấp của liên bang là không vi hiến để có thể
thực sự giúp ích cho nhiều triệu người công dân Mỹ nghèo có được bảo
hiểm sức khoẻ cá nhân và gia đình. Hai sự kiện quan trọng này chắc chắn
được ghi nhận là hai “điểm son” trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống
Obama.
Hiệp định thương mại quốc tế có tầm cỡ rộng lớn này được gọi là Đối Tác
Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, nó phải mất thời gian 10 năm hội họp
thảo luận rất khẩn trương với những nội dung thương lượng được tuyệt đối
giữ bí mật của từng nước để hình thành một hiệp định thương mại quốc tế
rất dài có 30 Chương, và nó có thể qui định những điều kiện mới trong
công việc giao dịch thương mại và đầu tư doanh nghiệp giữa nước Mỹ và 11
nước thành viên ở xung quanh Vành Đai Thái Bình Dương, một tập họp các
nước có tổng sản lượng mỗi năm tính ra gần 28 ngàn tỉ đôla, chiếm 40%
phần trăm Tổng Sản Lượng Thế Giới/- Global GDP, và một phần ba (1/3)
giao dịch thương mại quốc tế. Khi Thượng Viện Mỹ sớm chuyển Dự Luật Thẩm
Quyền Xúc Tiến Nhanh Đàm Phán Thương Mại tới TT Obama để ký thành luật,
thì nó là một bước tiến rất quan trọng dẫn tới việc hoàn tất Hiệp Định
Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương trong năm nay. Kể từ năm 1990
nước Mỹ đã một có Hiệp Ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ với các nước Canada
và Mexico cũng có một qui mô mậu dịch rộng lớn, nhưng năm nay 2015 với
việc hoàn tất một hiệp định thương mại với 11 nước gồm có Nhật, Úc Châu,
Tân Tây Lan, Mã Lai, Singapore, Brunei, Việt Nam, Canada, Mexico,
Chile, Peru, ở Vành Đai Thái Bình Dương là quan trọng nhất, rộng lớn
nhất từ trước tới nay.
Trong suốt quá trình nhiều năm tháng nỗ lực làm nên một hiệp định thương
mại rộng lớn gồm có các nước ở Vành Đai Thái Bình Dương mà dẫn đầu là
nước Mỹ thường có những lập luận chống đối cũng như ủng hộ ở ngay trong
Quốc Hội Mỹ. Những người ủng hộ thì khẳng định rằng hiệp định thương mại
này sẽ mở ra nhiều cơ hội và mang lại phúc lợi cho tất cả các nước
thành viên của nó. Quan trọng hơn nữa là hiệp định này đề cập tới những
vấn đề sống còn thiết yếu của thế kỷ 21 trong phạm vi của nền kinh tế
toàn cầu. Hơn nữa, mục tiêu của hiệp định là cởi mở, khuyến khích thêm
nhiều nước tham gia, ngay cả Hoa Lục Tàu Cộng cũng có thể được gia nhập
tổ chức thương mại quốc tế này. Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái
Bình Dương là điều tâm huyết của TT Obama, và tổng thống đã hết sức vận
động thuyết phục các lãnh đạo của cả hai đảng để hiệp định được Quốc Hội
Mỹ chấp thuận thông qua.
Tuy nhiên, các Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ lại là
những người chống đối TT Obama mạnh mẽ nhất; quả thật trớ trêu khi Obama
là một tổng thống thuộc đảng Dân Chủ lại không được người trong đảng
Dân Chủ của mình ủng hộ. Họ chống đối quyết liệt với lập luận rằng cái
hiệp định này sẽ khiến cho người công dân Mỹ mất nhiều việc làm vì các
công ty Mỹ sẽ xuất cảng nhiều công việc sản xuất công nghệ phẩm tới
những nước có lực lượng nhân công được trả lương thấp, và các công đoàn
lao động Mỹ phản đối mạnh nhất, họ còn yêu cầu chính phủ Mỹ phải có một
luật bảo đảm cho những công nhân Mỹ mất việc làm được nhận tiền trợ cấp
học nghề chuyên môn mới theo nhu cầu sản xuất công nghệ mới và những cơ
hội có việc làm mới.
Khi hiểu rằng Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương là một
thành phần chủ yếu quan trọng trong chính sách “Xoay Trục Á Châu” của TT
Obama thì người ta nhận ra cái phương cách và nỗ lực của hiệp định để
liên minh chặt chẽ hơn giữa nước Mỹ với những nước đối tác thương mại ở
Vành Đai Thái Bình Dương. Hiệp định TPP này được xem như một phương tiện
hữu hiệu để dần dần giải quyết những vấn đề giao dịch thương mại khó
khăn còn tồn đọng của các nước có liên quan trong khu vực Á Châu-Thái
Bình Dương trong lúc sự giao dịch thương mại trên thế giới đang gia tăng
nhanh gồm có công việc mua bán được thực hiện càng lúc càng nhiều trên
trực tuyến e-commerce, và sự giao lưu xuyên quốc gia trao đổi thông tin
trên Liên Mạng Toàn Cầu, quan trọng hơn nữa là những dịch vụ tài chánh
được thực hiện nhanh chóng trên liên mạng. Các doanh nghiệp Mỹ chắc chắn
là một thách thức lớn đối với Hoa Lục Tàu Cộng, một nước vẫn còn đứng
bên ngoài của hiệp định này, mặc dù Hoa Lục có thể xin gia nhập bất cứ
lúc nào. Đối với các doanh nghiệp Mỹ khi thực hiện cái hiệp định thương
mại này là một dịp đẩy mạnh sự cạnh tranh công bằng, tôn trọng luật lệ
với nhau để bảo vệ bản quyền, giấy phép sản xuất, và bằng phát minh để
giải quyết tệ nạn làm hàng giả, hàng nhái. Nước Mỹ sẽ tăng cường quan hệ
thương mại chặt chẽ hơn với hai nước Canada và Mexico cũng là hai nước
thành viên hiện tại của NAFTA-Hiệp Ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ. Cũng còn
có những vấn đề thương mại truyền thống mà nước Mỹ cần phải giải quyết
với các nước có liên quan để có thể đạt tới những thoả thuận mậu dịch
bình thường với năm nước Malaysia, Brunei, New Zealand, Việt Nam, và
nhất là nước Nhật. Khi xem xét tỉ mỉ cẩn thận các tài liệu liên quan tới
Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương người ta nhận thấy
nó được xây dựng trên một “Kiến Trúc Mở Rộng-Open Architecture” để đáp
ứng dễ dàng hơn với việc kết nạp thêm nhiều nước Á Châu nữa vào tổ chức.
Có một điều cần phải nói thêm là cái phương cách cấu tạo hiệp định này
sẽ được dùng làm mẫu cho việc thành lập một Hiệp Định Đối Tác Đầu Tư và
Thương Mại Xuyên Đại Tây Dương đang được tiến hành. Như vậy trong thế kỷ
21 nước Mỹ có hai hiệp định thương mại rộng lớn rất quan trọng, đó là ở
phía tây của nước Mỹ có Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình
Dương còn ở phía đông của nước Mỹ có Hiệp Định Đối Tác Đầu Tư và Thương
Mại Xuyên Đại Tây Dương. Nước Mỹ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu của một nền
kinh tế thế giới.
Hiệp Định TPP này cũng nhắm vào mục tiêu sau cùng là tạo nên một Vùng Tự
Do Thương Mại Vành Đai Thái Bình Dương, cho nên những thoả thuận sau
cùng có những thuật ngữ khôn khéo để có những điều kiện chắc chắn phải
có sự cạnh tranh công bằng; trong lúc này hiệp định TPP vẫn mở rộng cửa
để sẽ có thể tiếp nhận Hoa Lục Tàu Cộng gia nhập tổ chức tự do thương
mại rộng lớn ở Vùng Vành Đai Thái Bình Dương.
Người ta cũng nhận thấy nội dung của các cuộc đàm phán thương mại giữa
các nước với nhau đều đã được giữ kín để tạo thuận lợi cho các đề nghị
đầu tư với một mức thành thật và tín nhiệm lẫn nhau cao độ và để có thể
đạt được những thoả thuận ngoại thương tốt đẹp. Ngay từ ngày đầu của các
cuộc đàm phán hiệp định TPP thì Hoa Lục Tàu Cộng đã tỏ ra quan ngại
nhiều vì nó là một thành phần quan trọng chủ yếu trong chính sách “Xoay
Trục Á Châu” của nước Mỹ được dần dần thực hiện song song với các nỗ lực
liên minh quân sự Mỹ-Ấn-Mã-Sing-Phi-Nhật-Hàn-Úc-Tân Tây Lan trong khu
vực Nam Á Châu - Tây Thái Bình Dương.
Rõ ràng kết quả cuộc biểu quyết ở Thương Viện Mỹ với 60 phiếu thuận - 38
phiếu chống, Thượng Viện Mỹ đã trao cho TT Obama cái thẩm quyền xúc
tiến đàm phán nhanh (fast-track authority) trong những thoả thuận ngoại
thương ở Á Châu cũng như ở các nơi khác trên thê giới. Đây là một “thắng
to” trong chính sách ngoại giao, ngoại thương của TT Obama. Nó cũng là
một “thắng to” của TT Obama đối với những Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ trong
đảng Dân Chủ đã chống đối lại hiệp định TPP. Khi Thượng Viện Mỹ với đa
số là Cộng Hoà đã quyết định trao thẩm quyền đàm phán nhanh cho TT Obama
Dân Chủ, sự kiện này cho thấy rõ tính chất liên hiệp chính trị có kết
quả tốt đẹp khi các bên đối lập đều đặt quyền lợi của quốc gia lên trên
quyền lợi của đảng phái. Bởi vì trong trường hợp TT Obama không có thẩm
quyền đàm phán nhanh, thì các nước thành viên của hiệp định TPP sẽ e
ngại lo sợ Quốc Hội Mỹ can thiệp sửa đổi các thoả thuận thương mại với
nước của họ. Như thế trực tiếp ảnh hưởng xấu lên chính sách “Xoay Trục Á
Châu” của nước Mỹ. Người ta cũng nhận ra rõ ràng hiệp định TPP của nước
Mỹ ở Vành Đai Thái Bình Dương là một đối trọng làm cân đối sức ảnh
hưởng ngoại giao và ngoại thương đang tăng lên của Hoa Lục Tàu Cộng
trong khu vực.
Hơn nữa, khi TT Obama có thẩm quyền đàm phán nhanh, thì công việc đang
tiến hành một hiệp định Đối Tác Đầu Tư và Thương Mại Xuyên Đại Tây Dương
- Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership (TATIP) với các nước
Tây Âu sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều. Như vậy cả hai hiệp định TPP và
TATIP sẽ có thể qui định công việc giao dịch thương mại của thế giới
bằng những luật lệ mậu dịch thống nhất giống nhau. Với mục đích là tự do
thương mại nên không chỉ là giảm bớt hạn mục, thuế nhập cảng, và những
rào cản nhập khẩu khác, mà nó còn tạo ra những tiêu chuẩn cho việc tiếp
cận Liên Mạng Toàn Cầu, bảo vệ bản quyền và tài sản của các nhà đầu tư
nữa.
Ở những đoạn trên vừa nói sơ lược về cái “thắng to” thứ nhất của TT
Obama khi được Thượng Viện Mỹ trao thẩm quyền đàm phán nhanh (fast-track
authority) trong các hiệp định ngoại thương TPP ở Á Châu Thái Bình
Dương và TATIP ở Âu Châu Đại Tây Dương. Trong bài viết này còn nói tới
cái “thắng to” thứ nhì của TT Obama trong ngày thứ Năm 25/6/2015 khi
được Tối Cao Pháp Viện Mỹ phán quyết rằng Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ Vừa Túi
Tiền (Affordable Care Act) hay còn gọi là ObamaCare không vi phạm hiến
pháp khi cho phép chính phủ liên bang cung ứng trợ cấp tiền để giúp
những người công dân Mỹ có lợi tức thấp hoặc không có lợi tức vẫn được
mua bảo hiểm sức khoẻ. Như vậy hiện tại có gần 8 triệu người Mỹ vui mừng
vì họ vẫn còn được bảo hiểm sức khoẻ.
Phán quyết quan trọng này của Tối Cao Pháp Viện Mỹ chẳng những trao
chiến thắng cho Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ ObamaCare mà nó còn khẳng định
chắc chắn rằng Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ Vừa Túi Tiền (Affordable Care Act)
là luật của nước Mỹ vĩnh viễn (the Affordable Care Act as the Law of
the Land); nó có nghĩa là sẽ không có một tổng thống Mỹ nào trong tương
lai có thể dùng quyền hạn Hành Pháp để huỷ bỏ, sửa đổi, hoặc thay thế
Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ ObamaCare.
Tóm lại, TT Obama đã thắng to với kết quả có được thẩm quyền đàm phán
nhanh (fast-track authority) cho hiệp định TPP - Đối Tác Thương Mại
Xuyên Thái Bình Dương và hiệp định TATIP - Đối Tác Đầu Tư và Thương Mại
Xuyên Đại Tây Dương; cùng với Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ Vừa Túi Tiền
–Affordable Care Act (ACA) hay là ObamaCare đã trở thành Luật của nước
Mỹ vĩnh viễn. Đây là hai điểm son của nhiệm kỳ TT Obama.
0 comments:
Post a Comment