Lời nhận định: Tôi có người bạn được một cựu Đại Tá Thiết Giáp VNCH gửi cho anh ta một bài viết ”Hồn Thiêng Sông Núi”.
Tôi xin gửi cho các bạn đọc cho biết. Có điều tôi cầu mong các bạn dù
có tin hay không tin thì cũng đừng chế riễu vì ít nhiều gì thì bài viết
nầy của Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa cũng giúp cho những con người đã mất niềm tin về sức mạnh của vô hình .
Cá nhân tôi thì tôi vẫn thường nói ” Lưới Trời Thưa Lồng Lộng ….. ” hay nói cách khác là ” không ai thoát được luật Nhân Quả ”.
Thân ái,
Giang
Lời người lính VNCH tại tỉnh Vĩnh Long:
Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Vĩnh Long Dương Hiếu Nghĩa là vị lãnh đạo chỉ
huy đáng kính , Ông được lòng thuộc cấp và dân Vĩnh Long thương yêu ,
qúy mến . Baõ Tháp Xá Lợi (Gần Bắc Mỹ Thuân ) được ông xây dựng cho dân
chúng nơi đây , là thể hiện lòng thương yêu và đạo đức của người lãnh tụ
quốc gia sĩ quan quân lực VNCH .
Tôi có niềm tin về tinh thần yêu dân tộc và tổ quốc VN của ông Dương Hiếu Nghĩa !
Một Người lính VNCH phục vụ tại tỉnh Vĩnh Long,
HBN .
Lời tác giả: Nhân đọc được sự tích của hai Ngài Lê văn Duyệt và Lê văn Khôi trong quyển “Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai”
của anh bạn Nguyễn Lý Tưởng vừa gởi tặng (1/2004), tôi bổng sực nhớ lại
một “duyên kỳ ngộ” giữa cá nhân tôi và Ngài Tả Quân Lê văn Duyệt vào
năm 1967 tại Châu Đốc. Đúng là một duyên kỳ ngộ, một chuyện không thể
nào tin được mà là một chuyện hoàn toàn có thật, một cuộc gặp gỡ kỳ lạ
giữa hai người bằng xương bằng thịt, giữa ông Tổng Trấn Gia Định Thành
hồi thế kỹ thứ 19 (năm 1820 đời vua Gia Long) và ông Tư Lệnh Phó Lãnh
Thổ của Sư Đoàn 9 Bộ Binh vào thế kỹ thứ 20 (năm 1967 thời đệ nhị Cộng
Hòa của ông Nguyễn văn Thiệu).
Tôi xin viết lại một đoạn hồi ký sau đây, trích dẫn từ một số những
dữ kiện mà tôi đã ghi lại được từ thời điểm năm 1967 cho đến những năm
tháng kế tiếp, gọi là có liên quan trực tiếp tới cuộc đời binh nghiệp
của tôi, cho đến ngày mất nước 30/4/1975 và những ngày tháng sau đó…..
cả ở hải ngoại.
………………….
Một ngày cuối tháng 6 năm 1967, với tư cách là Tư Lệnh Phó Lãnh Thổ
của sư đoàn 9 bộ binh / khu 41 Chiến Thuật, tôi đến Châu Đốc để thanh
tra, một cuộc thanh tra định kỳ các đơn vị Địa phương quân trong Khu 41
và luôn tiện thanh tra luôn pháo đội 105 thuộc sư đoàn 9 đang được biệt
phái cho tiểu khu Châu Đốc và đang đóng quân tại đó để yễm trợ cho tiểu
khu …
Sau khi thanh tra xong các đơn vị của tiểu khu trong suốt 3 ngày
liền, tôi đến vị trí dã chiến của pháo đội ở Núi Sam vào một buỗi chiều,
sau khi dùng xong cơm trưa tại tỉnh. Vào lúc 3 giờ chiều, lúc đang xem
kho đạn của pháo đội thì tự nhiên tôi thấy quá sốt ruột, không biết có
việc gì xảy ra và cũng không hiểu tại sao tôi lại nóng ruột muốn ra về
ngay. Tôi nói với trung úy pháo đội trưởng là ngày mai tôi sẽ trở lại,
và tôi lên xe trở về tỉnh ngay sau đó.
Thay bộ quân phục ra, tôi mặc một áo sơ mi trắng và mượn ông tĩnh
trưỡng chiếc “ho bo” và một chú tài xế, rồi ung dung bước xuống tàu bảo
chú chạy dọc theo bờ sông phía Tân Châu đi ngược về hướng Bắc, mà không
có một chủ đích nào đặc biệt hết.
Chạy được chừng 200 thước, tự nhiên chiếc “ho bo” chết máy. Chú tài
xế cố giật máy năm bảy lần nhưng máy vẫn không nổ, chiếc “ho bo” lúc nầy
chì cách bờ bên kia (đối diện với tỉnh) chừng 6, 7 thước…….
Bỗng có một giọng nói từ trên bờ nói vọng xuống:
- Thôi trung tá ơi, máy không nổ được đâu. trung tá ghé vào đây chơi
giây lát, uống tách trà với chúng tôi đi, xong rôì hảy về, không sao
đâu, còn sớm mà, chừng đó tôi bảo đảm với trung tá là máy khỏi cần sửa,
giật là nỗ ngay, không có sao hết.
Tôi giật mình tự nghĩ : mình không mặc quân phục, tại sao người ta
lại gọi mình là trung tá ? Quen chăng ? Không . Nhất định là không rồi!
Nhưng tại sao ?……
Dòm lên bờ tôi thấy môt người đàn ông còn trẻ, tuổi không ngoài 30,
mặc bộ dồ bà ba trắng, tóc để dài xỏa xuống tận vai, mới trông qua hình
dung và tướng tá hao hao mường tượng như Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của Phật
Giáo Hòa Hảo vậy, gương mặt hiền hậu mà đôi mắt sáng quắt, lời nói nghe
nhẹ nhàng nhưng sao mà như một cái lệnh cho mình vậy ?
Đang suy nghị miên man thì chiếc “ho bo” đã tấp vô cây cầu chùi lúc nào
không hay. Tôi “riu ríu” bước lên cầu theo lời của người lạ mặt trên bờ :
- Lên đây lên đây, vô nhà uống trà đi trung tá.
Lại một lần ngạc nhiên quá đổi nữa, nhưng chưa kịp lên tiếng hỏi thì ông ta lại bảo:
- Đừng thắc mắc tại sao Ta biết ông là trung tá, rồi sau nầy ông cũng
sẽ biết tại sao. Với lại Ta không phải là Ông Huỳnh phú Sổ đâu nghe !
Vô nhà đi…..vô đây, vô đây.
Lạ quá, hình như ông nầy đọc được tư tưởng của mình vậy ! Mình vừa
suy nghỉ chưa kịp nói ra, là ông ta lên tiếng liền gần như trả lời thẳng
cho mình vậy.
Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác khi ông ngồi xuống ghế
và chỉ chiếc ghế đối diện bên nầy chiếc bàn dài cho tôi ngồi và gọi
người mang trà ra:
- Tư ơi Tư, đem trà ra đây con !
Người mang bình trà ra là một ông già râu tóc bạc phơ, mà nhìn kỷ lại
thì quá quen thuộc với tôi cách đây 13 năm. Đó là trung tá Trọng, một
nhân sĩ Phật Giáo Hòa Hão, đã từng là tiểu khu trưởng tiểu khu thuộc
Phân Khu Vĩnh Long năm 1954, lúc tôi còn là trung úy tiểu đoàn trưởng
tiểu đoàn 6 Thám Thính (thiết giáp) đóng tại Ngả Tư Long Hồ (lúc đó còn
người Pháp tiểu khu được gọi là sous secteur, và Phân Khu là
subdivision). Giờ nầy ông đã quá lớn tuổi, (tôi nghĩ cũng phải trên 80)
râu bạc trắng dài xuống tới ngực, nhưng tại sao người kia lại gọi ông
Trọng là “con” ? vì so tuổi tác với nhau thì phải ngược lại mới đúng, và
trông ông có vẽ khúm núm, khép nép, đặt bình trà lên bàn rồi cúi đầu
xuống lùi ra, yên lặng đi xuống nhà dưới, làm tôi quá đổi kinh ngạc và
bở ngở đến nổi không kịp chào cấp chỉ huy lảnh thổ cũ của mình.
- Nó là một trong hai người giúp việc ở đây cho tôi đó.
- Dạ.
Tôi lúc nầy chỉ biết có một tiếng “dạ” mà thôi ! Sau đó Người quay sang tôi nói :
- Ta cho gọi “con” từ Núi Sam đi về đây đó, rồi cho tàu của “con” tấp vô đây đó. Ta với con có chút duyên phận “Thầy Trò”.
Tôi vừa nghĩ không biết ông nầy là ai thì Người nói tiếp:
- Rồi đây cũng sẽ có một ngày nào đó thằng trung tá con sẽ biết Ta là
ai, con đừng suy nghĩ mắc công.Ta cũng ở Gia Định, gần nhà con đó. Đây,
con uống với Ta tách trà nầy, coi như đánh dấu ngày hai Thầy trò ta
hạnh ngộ !.
Tôi lật đật đứng dậy, xô ghế định bước ra ngoài để làm lễ “bái sư”
cho đúng thủ tục, nhưng Người khoác tay ra dấu cho tôi ngồi xuống và nói
ngay :
- Đừng có chi tiết ! Ta không chú trọng ở lễ nghi bề ngoài đâu, miễn
là trong Tâm con lúc nào cũng có hình ảnh của Ta là được rồi, là quí
rồi.
Thật đúng là ông nầy “đi guốc trong bụng” mình rồi, nhưng chắc chắn
là ông đọc được dòng suy nghĩ của mình. Đang suy nghĩ miên man thì bỗng
Ngưòi bảo :
- Con đưa cho Ta xem ông Phật con đang đeo đó coi.
Tôi rất ngạc nhiên vì tượng Phật mà tôi đeo, đang nằm kín dưới hai
lớp áo T shirt và chiếc sơ mi của tôi khó ai mà có thể nhìn thấy được
lắm. Tôi lật đật cởi dây đeo ra đưa hết ông Phật và cả dây đeo cho
Người. Vị Phật nầy đã được một vị Sư già ở Cheng Mài (Thái Lan) cho tôi
từ năm 1964, mà theo lời của vị Sư nầy thì đây là vị Thần hộ mạng của
tôi, nên lúc nào tôi cũng đeo trong người, nhất là khi tôi đi hành quân…
.
Người cầm ông Phật độ chừng môt phút, xong ông nói ngay:
- Vị nầy cũng khá đó, hình như con thỉnh vị nầy ở Thái Lan phải không
? Cũng khá lắm nhưng chưa đi đến đâu, để ta thử cho con coi nghen.
Đoạn ông lên tiếng gọi :
- Thằng Tư đâu? Con ra đây, ông nhờ chút coi con.
Ông Trung tá Trọng lại xuất hiện. Tôi cũng chưa kịp có thì giờ chào ông, vì ông đang đứng chờ lịnh, thì Người nói :
- Con đeo ông Phật nầy vô….., Thằng Năm đâu con ? Lấy cây dao dâu ra đây coi con.
Sau một tiếng “Dạ” lớn từ trong nhà, một ông già khác cũng râu tóc
bạc phơ nữa, lại xuất hiện, tay cầm một cây dao dâu, một loại dao cán
dài khoảng trên 7 tấc với lưỡi mỏng, dài chừng 5 tấc ngang chừng một tấc
mà người dân quê thường dùng để xắc chuối cho heo ăn,
- Bây giờ thằng Năm, con chém thằng Tư năm dao cho Ta coi, chém ngang
lưng và chém thẳng tay cho thật mạnh nghen, Ta muốn thử ông Phật của
thằng trung tá nầy coi có khá hay không vậy mà.
Ông già tên Năm làm đúng theo lệnh được truyền, chém ông Trọng năm
phát thật mạnh vào lưng, khoảng ngang lưng quần. Tôi cảm thấy rợn người,
trong lúc tất cả 3 người kia đều bình thản, người bị chém vẫn bình thản
đứng yên cho người kia bình thản chém, và người ra lệnh chém vẫn bình
thản ngồi yên nhìn cảnh người chém người, mặt không một chút dao động.
Chỉ có một mình tôi là vừa kinh sợ vừa lo âu (nhở có việc gì thì sao ?)
mà không nói được một lời nào !
- Được rồi, thằng Tư con đem cái lưng lại cho Ta xem.
Ông Trọng lại bên bàn, xoay lưng lại cho Người vén áo lên xem. Người nói ngay:
- Cũng khá lắm, nhưng chưa hoàn toàn đúng như Ta đã thấy. Tuy lưỡi
dao không cắt đút được da thịt nhưng vẫn để lại dấu vết trên lưng, vẫn
còn mấy lằn đỏ ửng nằm vắt trên lưng rất rõ ràng. Thằng Tư con xây lưng
lại cho thằng trung tá coi xem có đúng như vậy không ?
Thật đúng như Người nói. Vẫn còn rõ mấy lằn dao đỏ ững nằm vắt ngang trên lưng người bị chém.
- Thằng Tư con cởi ông Phật đưa lại cho Ta.
Người đưa tay trái ra cầm ông Phật và dùng ba ngón tay chà chà xát xát chừng một phút, xong lên tiếng gọi:
- Thằng Năm con lên đây coi, con đeo ông Phật nầy vô, rồi hãy để cho
thằng Tư nó chém con lại năm dao, để con khỏi mang nợ nó sau nầy.
Thằng Tư đâu, đem con dao dâu ra đây và con chém thằng Năm lại đủ năm
dao, cũng phải chém mạnh như nó đã chém con lúc nãy vậy nghen ! Vậy là
huề nghen, không đứa nào thiếu nợ đứa nào hết nghen !
Ông Trung tá Trọng từ trong nhà trong đi ra tay cầm con dao dâu dài,
sắc bén lúc nãy. Và cảnh cũ lại tái diễn trước mặt tôi, chỉ cách có một
thước ! Cũng vẫn không khí bình thản, người ra lệnh chém, người chém
cũng như người bị chém, cả ba người đều không thay đổi nét mặt, thật
khó mà có thể tin được. Lần nầy tôi được bớt sợ, bớt lo, và bình tĩnh
quan sát kỹ hai ông già, nhất là người cầm dao chém. Có lẻ tôi bị lây
cái trạng thái bình thản, nên tôi nhận thấy rất rỏ cái “lực” của cây dao
khi nó chạm vào người của ông Trọng. “bực, bực… bực…nghe rất rõ và rất
mạnh, không có gì gọi là “diễn xuất” hết ! Và không có gì có thể gọi là
“mà con mắt” của tôi được hết. Đúng vào lúc tôi có ý nghĩ như vậy thì
Người lại ngó qua tôi và nói :
- Nó chém thiệt chớ đâu có chém giả ? Thôi, đủ năm dao rồi, đưa lưng đây cho ta coi.
- Được quá, thằng trung tá con xem nè, chém mạnh như vậy mà không có
một vết tích nào của lằn dao trên lưng của thằng Năm. Như vậy đó mới
được chớ !
Vừa nói ông vừa bảo ông Năm tháo ông Phật ra và trao lại cho tôi đeo.
Bây giờ tôi mới khắp khởi mừng thầm, vì thấy cái “bùa hộ mạng” của mình
đã hiệu nghiệm nhiều nhờ có sự giúp đở của Người. Tôi vừa đưa hai tay
ra nhận lại ông Phật của mình vừa nói:
- Dạ cám ơn Ông.
- Thầy giúp cho trò mà cám ơn gì ! Sẵn đây, Ta cũng nói cho con biết
luôn để quên :sắp tới đây là con phải về nhận cái tỉnh Vĩnh Long đó
nghen.
Ngừng chừng 2 phút, Người lại nói tiếp:
- Cũng gặp nhiều khó khăn lắm đó…. giặc giả mà, nhưng không sao, để Ta bảo thằng Giãn nó lo cho con.
Nghe tới đây tôi đâm hoảng thật sự. Không lẽ mình bị thương nên phải
nhờ ông bác sĩ Giãn? (tôi biết ông Bác sĩ Giãn là bác sĩ trưởng của bệnh
viện của tỉnh Vĩnh Long). Nhưng, vừa nghĩ quẩn như vậy thì Người nói
ngay :
- Không, không ! không phải bác sĩ Giãn của bệnh viện Vĩnh Long đâu,
mà là thằng Phan thanh Giãn, đền thờ của nó là Văn Thánh Miếu ờ quận
Châu Thành Vĩnh Long đó”.
- Dạ
À, thì ra là Ngài Phan thanh Giãn. Mà, tại sao Người lại gọi là thằng
? Chắc Người phải lớn hơn ngài Phan thanh Giãn nhiều nên Người mới gọi
bằng thằng một cách rất tự nhiên như vậy. Đang suy nghĩ như vậy thì
Người nói:
- Ta sẽ bảo nó giúp cho con, dĩ nhiên nó cũng phải lo cho dân chúng
Vĩnh Long ! Thôi Thầy trò ta gặp nhau như vậy là quá đủ rồi đừng nghĩ
vẫn vơ gì nữa hết, rồi một ngày nào đó con cũng së biết Ta là ai thôi.
Bây giờ con về đi, cũng tối rồi. máy “ho bo” đề là chạy rồi không cần
sửa gì hết. Thỉnh thoảng có rảnh thì con lên đây chơi với Ta, ăn cơm
với Ta nghen, ăn mặn chớ không có ăn chay đâu mà lo. Ta ăn mặn chớ không
có ăn chay.
- Dạ, Thưa Ông con về.
Người đi với tôi ra đến bến nước, tôi bước xuống tàu rồi mà Mgười vẫn
còn đứng đó, tàu nổ máy chạy rồi, tôi nhìn lại mới thấy là trên bờ
không còn có ai ….. Tôi định bụng lên tiếng chào ông Năm và ông Tư (cựu
Trung tá Trọng) trước khi về nhưng rồi hai ông cứ ở nhà sau nên rồi tôi
cũng không gặp được .
Ngày 8 Tháng 10 năm 1967, tôi lại có dịp lên Châu Đốc, tôi lại đến
căn nhà hôm trước. Lần nầy Người đi vắng nhà 2 ngày rồi. Tôi vào nhà chỉ
gặp ông Trọng và ông Năm. May quá, hôm nay tôi mới chào được người chỉ
huy lãnh thổ cũ của tôi là Trung tá Trọng. Mừng rở với nhau một hồi. Ông
còn nhớ tôi rất rõ và ông nói là trưa nay Người về và ông Trọng được
lệnh giữ tôi lại ăn cơm
- Trưa nay Ngài về, và trước khi đi Ngài có dặn tôi là phải giữ anh lại ăn cơm với chúng tôi trưa nay.
- Nhưng, Trung tá làm ơn cho tôi biết Người là ai vậy ?
- Có hai ông ở thường trực với xác của Ngài : ông “Đại Bạch Hổ” và
ông “Tiểu Bạch Hổ” . Hễ ông “Đại”đi vân du thì ông “Tiểu”giữ xác, và hể
ông “Tiểu” đi thì ông “Đại” giữ xác. Hai ông không có ở trong xác Ngài
cùng một lúc. Chúng tôi nghe tiếng nói thì biết là ông nào ngay. Người
nói chuyện với anh hôm trước là “ông Đại Bạch Hổ”.
- Nhưng ông “Đại” là ai và ông “Tiểu” là ai vậy Trung Tá ?
- Ngài đã căn dặn chúng tôi là chỉ cho anh biết bấy nhiêu thôi, đến
một thời điểm nào đó thì tự nhiên anh nhận ra ngay. Chúng tôi không dám
trái ý Ngài đâu anh Nghĩa.
Vừa nói đến đây thì nghe có tiếng của Người ngoài cổng. Hai ông già
im bặt ngay. Tôi thấy rõ là Người cố ý về hơi trưa để cho tôi được tiếp
xúc với Trung tá Trọng, cốt cho tôi một ít thời gian đủ để biết được bấy
nhiêu thôi. Và thật tình tôi chỉ được cho biết có bấy nhiêu thôi. Có
tính toán hết !
Người bước vào, tôi đứng dậy chấp tay lại vái chào Người. Người cười lớn và nói ngay:
- Hay lắm ! Hôm nay thằng trung tá con ở lại đây ăn cơm với Ta nghen,
có canh chua cá bông lau, có cá bông lau chiên tươi,….. đúng không
thằng Tư ?
- Dạ thưa đúng vậy, thưa Ông. Ông Trọng đáp nhanh.
- Dạ (tội nghiệp, tôi lúc nào cũng chỉ biết có chữ Dạ mà thôi )
- Con sắp phải đi xuống Vĩnh Long rồi đó nghen, con có vẽ lo lắng ?
Đừng có lo, tuy có nguy hiểm đôi chút đó, nhưng con thì không sao cả, và
rồi sang năm mới thì hạnh thông hết. Tất cả đều do định mệnh an bài
hết, con “phải nằm lòng câu nầy luôn” thì Tâm con mới an được. Nhớ
nghen. Con đừng có lo chi cho mệt nghen.
Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện Người nói mấy tháng trước.
Ông Năm và ông Tư Trọng đã dọn cơm lên và theo lệnh Người hai ông
cùng lên ngồi ăn cơm với chúng tôi. Bữa cơm có canh chua cá bông lao và
cá chiên tươi. Cũng như hai ông già, tôi ngồi ăn yên lặng không nói một
lời nào. Vã lại, có muốn nói cũng không biết nói gì !
- Sao, ăn được không con ? Người lên tiếng .
- Dạ cá bông lao tươi ngon lắm
- Thỉnh thoảng con lên đây chơi, ăn cơm với Ta, thì có cá bông lao ăn hoài !
- Dạ …
Ăn cơm xong, tôi xin phép ra về, Người còn dặn vói theo :
- Đừng có quá lo lắng nghen !
- Dạ..
Ngày 27 Tháng 12 / 1967, vào khoảng 6 giờ chiều, lực lượng hành quân
của tiểu khu Vĩnh Long trên đường về bị rơi vào ổ phục kích của Việt
Cộng, cả tiểu khu trưởng và tiểu khu phó đều bị thương, cố vấn trưởng Mỹ
thì tử thương ngay từ đầu. Từ Ngả Tư Long Hồ trung đoàn 16 / thuộc sư
đoàn 9 được lệnh tiếp viện ngay. Tôi và anh Trần bá Di Tham mưu trưởng
sư đoàn đều phải thay phiên nhau bay lên tại chỗ để điều khiển cuộc hành
quân giải tõa và tản thương.
Đến 12 giờ khuya trong lúc tôi đang bay thì được lệnh của Thiếu tướng
sư đoàn trưởng/kiêm khu 41 Chiến Thuật : “Đáp xuống sân bay và vào Vĩnh
Long tạm thời thay thế đại tá Huỳnh ngọc Diệp trong nhiệm vụ tiểu khu
trưởng, tiểu khu Vĩnh Long”. Và khi tôi vào đến tiểu khu là đúng 2 giờ
30 sáng.
Như vậy là đúng như lời Người đã nói với tôi từ tháng 6 và lần chót
nhất vào ngày 8 tháng 10 vừa qua! Đúng là “định mệnh đã an bài” một câu
mà Người bảo tôi phải luôn nằm lòng !
Tôi tạm thay thế bạn Diệp (trong tình trạng dưỡng thương) trong chức vụ
“quyền tiểu khu trưởng Vĩnh Long”. Ngay từ lúc đó cho đến ngày 28 tháng
chạp năm Đinh Mùi, tình hình trong tỉnh gần như đã được ổn định nên tôi
xin sư đoàn cho tôi mấy ngày phép về ăn Tết với gia đình ở Gia Định.
Ngày mồng 1 Tết, hai vợ chồng chúng tôi đi chùa Xá Lợi và Lăng Ông
(Bà Chiểu) xong về đến nhà là vào khoảng 10 giờ đêm. Đại tá Tuấn ở Bộ
Chỉ Huy Thiết Giáp gọi điện thoại nhắc tôi đêm nay nhớ lên nhà anh đánh
mạt chược như đã hứa hôm qua .. Nhưng hôm nay không biết tại sao tôi lại
từ chối hết sức tự nhiên, làm hai ông bà Tuấn cự nự quá .
Vào khoảng 2 giờ đêm đang ngủ mê mang thì lại nghe điện thoại reo.
Tôi lại tưởng đại tá Tuấn gọi nên không muốn nghe. Nhưng rồi điện thoại
cứ reo mãi, vợ tôi nhấc lên nghe, xong gọi tôi :
- Chú Tám gọi (Chú Tám là Dương bá Nhẫn, em ruột tôi, thượng sĩ truyền tin ở Bộ chỉ huy Thiết Giáp).
- Anh Sáu hả ? Việt Cộng chiếm hết Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp rồi, tôi đang ở trên lô cốt sát đường, giáp với kho đạn gọi anh đây .
- Mầy nói chơi hay nói thiệt đó mậy ? Tết nhất đừng có đùa dai nghe !
- Trời ơi, tôi chạy trối chết mới thoát lên đây được và gọi cho anh
đây, chắc tụi nó đang lục soát trong đó nên không thằng nào để ý tới lô
cốt nầy đâu. Anh báo động cho các nơi giùm đi.
Tôi tỉnh ngũ hẳn, ngồi nghĩ xem coi phải làm sao đây, và lúc đó tôi
mới nghe được tiếng súng nỗ ròn tan ở một vài nơi xa xa. Tôi gọi quận Gò
Vấp. Sĩ quan trực cho biết là có nhiều tiếng súng và lựu đạn nỗ dữ dội ở
Hạnh Thông Tây, ở hướng các Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Pháo Binh và Quân Cụ
và ở hướng bệnh viện Cộng Hòa hay Tổng Tham Mưu gì đó.
Sáng mồng 2 Tết, vừa 6 giờ sáng, tôi lái xe lên Hạnh Thông Tây ….từ
đó tôi bị kẹt luôn với chiến sự Tết Mậu Thân ở vùng nầy mãi đến ngày
mồng 5, chiếm lại xong khu Hạnh Thông Tây tôi mới về nhà ngũ lấy sức
lại. Vào được Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp ngay sáng mồng 3 tôi mới biết cả nhà
đại tá Tuấn (2 vợ chồng và 3 đứa con) đều chết ngay tại hầm trú ẩn
trong căn nhà ông đang ở tại Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp và cả vợ chồng đại tá
Huỳnh ngọc Diệp (Thiết Giáp ), bà mẹ và 2 đứa con ông cũng đều bị bắn
chết ngay tại căn nhà trong trại gia binh Thiết Giáp. Chừng đó tôi mới
hú hồn vì nếu đêm đó tôi lên chơi mạc chược với đại tá Tuấn thì coi như
cuộc đời binh nghiệp của tôi được chấm dứt sớm ở đây !
Sáng ngày mồng 8 Tết, một chiếc M. 113 đến nhà đón tôi lên Bộ Chỉ Huy
Thiết Giáp. Ở đây tôi nhận được lệnh của thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ
“phải về gấp Vĩnh Long” vì ở Thủ Đô đã tâm yên rồi. Tôi phải qua trại
Phi Long để đợi phương tiện bay về dưới. Trong khi chờ đợi tôi đến “Nhà
Vĩnh Biệt” của Không Quân đốt nhang và lạy một hàng 5 chiếc quan tài của
gia đình đại tá Tuấn (do người em của anh Tuấn mang về tẩn liệm và së
chôn cất sau), trước khi lên một chiếc phi cơ vận tải vừa dứt nhiệm vụ
“thả trái sáng” trong đêm.
Tôi là hành khách duy nhất và bất đắc dĩ của chiếc vận tải cơ C.47
nầy, trên đường về Miền Tây. Quan sát tình hình quốc lộ 4 tôi thấy từ
Trung Lương xuống bến phà Mỹ Thuận có một số cầu bị sập, nhất là cầu An
Hữu bị sập cả 2 nhịp, lưu thông bị bế tắt. Đến phi trường Vĩnh Long, phi
cơ không đáp xuống được vì phi đạo và một số lô cốt và cơ sở đã bị địch
chiếm. Phi cơ phải bay qua Cần Thơ. Ngay tại phi trường tôi gặp Thiếu
tướng Trần văn Minh tại Bộ chỉ huy hành quân, và ông cho trực thăng chỉ
huy của ông đưa tôi về Vĩnh Long. Đến địa phận Vĩnh Long, trực thăng
liên lạc được với tiểu khu và trực thăng được lệnh đáp ngay bờ sông
trước tiểu khu, và phải bay lên ngay thật nhanh, vừa đủ thời gian cho
tôi nhảy xuống khỏi trực thăng, vì khắp nơi đều có địch. Tôi vừa nhảy ra
khỏi trực thăng là cúi xuống chạy thẳng một mạch vào ngay tiểu khu,
dưới lằn đạn AK và súng máy từ trên lầu chuông của nhà thờ Nguyễn trường
Tộ bắn xuống, may mà không sao cả (cách tiểu khu chỉ có một con đường
và một bức tường). Tôi gặp anh Trần bá Di, Tham mưu trưởng sư đoàn đang
lo hành quân giải tõa cho tỉnh Vĩnh Long . Anh đã xuống tiểu khu cả tuần
lễ nay, khan cả tiếng, nói thều thào không ra tiếng nữa, xem chừng như
anh đã quá mệt mỏi trong những ngày qua. Tôi së thay thế anh để anh về
nghĩ ngơi kể từ giờ nầy.
Tôi bắt đầu hành quân giải tõa từ thành phố ra phi trường và suốt gần
3 tháng, chiếm lại quận Chợ Lách và toàn bộ các xã đã mất trong Tết Mậu
Thân, trừ xã Hựu Thành và Khu trù mật Cái Sơn đã mấy năm nay không vào
được .
Bình tỉnh rồi, tôi mới nhận thấy những lời mà Người đã nói với tôi
trước đây về Ngài Phan thanh Giãn đã ứng hiện quá rõ qua 2 sự việc sau
đây :
1.- Ngay trước tòa hành chánh tỉnh trên con đường chính dẫn xuống
chợ, có một tượng bán thân của Ngài Phan thanh Giãn bằng đồng (bộng
ruột). Tôi đến tận nơi quan sát thì thấy bức tượng lảnh một viên đạn
suốt từ ngực ra đến sau lưng, và anh em Địa Phương Quân cho biết từ ngày
mồng 2 Tết đến nay Việt Cộng chỉ tiến đến ngang bệnh viện rồi ngừng tại
đó chớ không đột nhập bệnh viện mà cũng không tiến đến tòa hành chánh
hay đến chợ được. Sau đó tôi đã đưa tượng bán thân của Ngài vào thờ ở
Miểu Quốc Công ngay tại tỉnh lỵ.
2.- Suốt gần một tháng từ khi tôi về đến tiểu khu, gần như đêm nào
Việt Cộng cũng có pháo kích vào chợ và vào dinh tỉnh trưởng. Nhưng tất
cả đều rơi và nỗ trên sông, tuyệt đối không gây được một thiệt hại vật
chất nào trên bờ hay trên phố chợ..
Lúc vui miệng tôi có nói cho đại úy Quí thuộc Phòng 2 sư đoàn 9 nghe
về hai sự kiện nầy kể cả những lời mà Người đã nói với tôi tại Châu Đốc.
Ngờ đâu đại úy Quí cũng cũng là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và cũng
đã gặp và biết Người (qua Trung tá Trọng), nên nhờ đó lần hồi tôi mới
được đại úy Quí cho biết “Đại Bạch Hổ” chính là Ngài Tả Quân Lê văn
Duyệt và “Tiểu Bạch Hổ” là Ngài Lê văn Khôi. Thật đúng như lời Người đã
nói với tôi : “đến một thời điểm nào đó thì tôi së nhận ra ngay” là “Ta
cũng ở gần nhà con đó ”
Tháng 6 năm 1968, tôi đang bay trên vùng Trà Ôn trong một cuộc hành quân, thì được Trung Tâm Hành Quân báo cáo :
- Có hai ông già đi trên một chiếc ghe “cà dom”, ghé ngay cầu tàu của tỉnh, nói đến thăm Đông Phương.
Tôi biết ngay là Người rồi, nên trả lời ngay :
- Đông Phương đây, cho người dẫn quý vị đó lên nằm nghĩ ở phòng Phật của tôi trên lầu, tôi së về ngay.”
Tôi bay về và lên gặp Người ngay. Thấy Người có vẻ vui, tôi vái chào Người và nói:
- Dạ, có gì mà Ông đến ngay đây vậy ?
- Không có gì đâu, tại hai thằng Tư và thằng Năm nầy ,Ta đã nói ở đây
yên rồi mà tụi nó không tin Ta, nhất là thằng Tư nó muốn xem lại bộ mặt
tỉnh Vĩnh Long của nó sau biến cố Mậu Thân, nên sẵn ta đi chơi quanh
đây nên mới ghé lại cho tụi nó gặp con, và cho thằng Tư thăm Vĩnh Long
luôn.
- Con đã đưa tượng bán thân của Ngài Phan thanh Giãn vào thờ ở Miểu Quốc Công rồi…
- Nó lãnh thế cho dân ở đây một viên đạn đó .
- Dạ thưa, con biết .
Ngồi chơi một lúc, dùng cơm xong, Người từ giả tôi và xuống ghe ra đi vào khoảng xế chiều…..
Rồi từ đó hằng năm lúc nào rảnh rỗi là tôi lên Châu Đốc thăm Người.
Tháng 5 năm 1972, lần nầy, tôi muốn lên thăm Người trước khi tôi rời khỏi Tỉnh, về lại binh chủng Thiết Giáp.
- Thưa Ông (tôi bắt chước hai ông già gọi Người là Ông), tôi sắp rời
khỏi tỉnh rồi, chắc tháng sau, sau khi Vĩnh Long làm lễ khánh thành
“Tháp Xá Lợi Miền Tây”. Tôi thấy dân chúng ở đây cũng có tâm đạo lắm nên
dù đi khỏi đây con cũng thấy mến họ lắm.
Người hiểu ý của tôi ngay, Người nói:
- Không sao đâu, đã có thằng Giãng nó lo !
Ăn cơm xong với Người, lúc tôi sửa soạn ra về Người nói :
- Ta muốn con đem vợ con của con lên đây ở với Ta, có mắm ăn mắm có
muối ăn muối, không đói đâu. Còn con thì cứ phải ở lại Sài Gòn …
- Mấy đứa con của con còn đi học, lên đây ở với Ông rối làm sao tụi nó đi học được đây ?
- Sao lại không được ? mấy đứa nó së học hành tới nơi tới chốn hết, thành tài hết đó nghen !
- Dạ để về con tính lại…
Trên đường về tôi suy nghĩ hoài về những lời dạy của Người sau bữa
cơm trưa. Tôi nghĩ quá gần : làm sao cho vợ con mình xuống Châu Đốc
được, trong lúc mình đang về lại Sài Gòn? Nhà đâu mà ở, trường đâu mà
học ? Thôi thì ta nghe vậy hay vậy, làm sao được ?
Đến năm 1974 tôi lại bay xuống Châu đốc và sang thăm Người. Lần nầy Người tỏ vẽ không bằng lòng:
- Ta đã bảo con đưa hết vợ con xuống đây, còn con thì phải ở lại Sài Gòn. Mà cho tới giờ nầy con còn chưa chịu nghe lời Ta.
Tôi chỉ còn nước “Dạ, Dạ” mà thôi, không nói gì được hết. Cơm nước
xong tôi xin phép Người ra về, Người vẫn còn dặn vói thêm y như vậy một
lần nữa. Rồi từ đó tôi không còn có dịp lên Châu Đốc nữa… và không còn
được gặp Người nữa…
Cho đến tháng 5 năm 1975, có lần lang thang đi ngang Lăng Ông Bà
Chiểu, tôi bỗng giựt mình, sực nhớ tới lời của Người đã mấy lần căn dặn
tôi : “con phải ở lại Sài Gòn , đưa vợ con về Châu Đốc ở ….” Như thế là
Người dạy tôi quá rõ ràng mà tôi ngu quá không chịu hiểu, tức là: “vợ
con tôi phải rời khỏi Sài Gòn, còn tôi thì phải chịu ở lại Sài Gòn”.
Đúng quá rồi ! vợ con mình đã được đi qua Mỹ rồi, còn mình thì “bị Người
bắt mình phải lái xe vào ngũ ngon lành ở Bộ Chỉ Huy Pháo Binh ngày 29
tháng 4″ nên phải bị kẹt ở lại đây thôi. Đúng là “định mệnh đã được an
bài” một câu mà Người vẫn bảo “mình phải nhớ nằm lòng”. Từ hôm đó dù tôi
có ý trách Người sao quá úp mở kín đáo, nhưng tôi đã có phần nào “an
Tâm” vì đã “an phận” rồi, không còn lo lắng gì về tương lai của mình nữa
! Số mạng đã được an bài !
Khi được ra khỏi tù (8/1987), tôi lật đật lên ngay Châu Đốc để tìm
lại Người. Nhưng vô ích, vì không còn một chút dấu vết nào của căn nhà
bên kia sông nữa ! Tôi lên núi Thất Sơn, được một người đang ở ngay nền
chùa Cao Đài cũ trên núi, cho người đưa tôi lên lễ “Vồ Chư Thần” ở trên
Núi ông Cấm … Dịp nầy tôi có làm lễ tạ ơn chư Thần, và âm thầm tạ ơn
Người nữa .
Về
đến Sài Gòn tôi đến Lăng Ông Bà Chiểu đảnh lễ Người, trong đền thờ xong
tôi ra lễ ở Mộ Người. Chừng đó tôi mới vỡ lẻ ra, vì thấy được hai con
cọp bằng xi măng sơn trắng nằm hai bên mộ. Có lẻ vì thế mà Người dùng
danh hiệu “Đại Bạch Hổ” và “Tiểu Bạch Hổ” là danh xưng của Ngài Lê văn
Khôi .
Tôi xin kết thúc câu chuyện có vẽ “hoang đường” nầy bằng một đoạn còn
“rất hoang đường” hơn nữa để xin cầu nguyện cho Hồn Thiêng Sông Núi sớm
giúp cho dân tộc Việt Nam vĩnh viễn dứt hết nghiệp đọa đày và chóng
thoát khỏi ách độc tài cộng sản …
Cho đến ngày tôi rời khỏi Việt Nam (5/1992) tôi không còn đến viếng
lăng của Người được nữa, nhưng Người cũng vẫn còn gián tiếp cho tôi biết
là Người vẫn còn giúp đệ tử của Người.
Số là qua đến Hoa Kỳ từ năm 1994 tôi vẫn cho người về Việt Nam để
giúp tôi vài công việc. Người nầy đến năm 1998 mới cho tôi biết là anh
ta được sai đi làm những công tác liên quan đến Tâm Linh và Đạo Giáo
bằng những mệnh lệnh được truyền âm trực tiếp vào tai anh, những mệnh
lệnh tuy ngắn gọn nhưng rất rõ ràng. Lệnh được truyền vào tai anh, ấn
định từ ngày rời khỏi Hoa Kỳ đến từng chặn lộ trình từ Sài Gòn phải đi
khắp các nẽo đường của đất nước, ngày nào phải đi đâu, ngừng xe ở đâu và
làm gì .. v.v.. cho tới ngày rời Việt Nam về lại Hoa Kỳ .
Công tác hoàn tất vào cuối năm 1998 và câu anh ta được nghe lần cuối cùng trước khi về Mỹ là :
- Về báo cho thằng S là bàn cờ đã gài xong, sắp đến hồi kết thúc, chỉ chờ nước chiếu bí nữa mà thôi.
Anh bạn tôi cũng lắc léo hỏi lại
- Thằng S là ai ?
Thì được một câu trả lời nhẹ nhàng nhưng âm thanh nghe muốn bể cả lổ tai :
- Là cái thằng đã sai mầy đi về Việt Nam đó !
Con xin cúi đầu đảnh lể Thầy và xin kính cẩn tạ ơn Thầy.
Anh bạn nói trên của tôi hiện đang ở một thành phố lớn ở Hoa Kỳ và
hai vợ chồng anh ta đã ăn chay trường từ mấy năm nay, và trong nhà anh,
ngoài bàn thờ Phật Thích Ca ra, anh còn dành một phòng riêng rất tôn
nghiêm thờ các vị “cựu thần” như Đức Thánh Trần hưng Đạo, các Ngài Tả
quân Lê văn Duyệt, Phan thanh Giãn , Nguyễn trung Trực …, hương đăng trà
quả, cúng lạy mỗi đêm…, đề cầu nguyện cho Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam
sớm được hưởng cảnh thanh bình trong Tự Do và Dân Chủ thật sự…
Washington, ngày rằm tháng giêng năm Giáp Thân.
Dương hiếu Nghĩa
0 comments:
Post a Comment