Tuesday, July 30, 2013

Tường trình từ trong nước: Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH

VRNs (30.07.2013)Sài Gòn – Vào lúc 8 giờ sáng ngày 29.07.2013, tại giáo xứ ĐMHCG (Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp-Sài Gòn), các Quý chức sắc Tôn giáo tại Việt Nam cùng Quý  ân nhân ở vùng Vancouver thuộc Canada đã tổ chức một buổi tri ân cho hơn 220 Quý thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, là những người đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương đất nước VN.
Mục đích của buổi tri ân Quý thương phế binh này không chỉ trao tặng những món quà nho nhỏ nhưng điều quan trọng hơn là để mọi người có cơ hội gặp nhau, chia sẻ cho nhau sự kính trọng và tình yêu thương trong tình người mà mỗi thương phế binh luôn dành trọn cho quê hương đất nước VN và cho các thế hệ trẻ trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Trong buổi hôm nay, đặc biệt có sự tham gia của Hiền Huynh Chánh Trị Sự Hứa Phi, Cao Đài Chân Truyền; Đại Đức Hoàng Pháp, PGVN thống nhất; Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Tổng thư ký Giáo hội Tin Lành Lutheran và Mục sư Hồ Hữu Hoàng; cụ Hội Trưởng Lê Thanh Liêm, PGHH thuần túy; cha Giám Tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành, cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Bề trên Chánh xứ; cha Antôn Lê Ngọc Thanh và cha Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT; và có gần 50 anh chị em cộng tác viên.
Thầy Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật Giáo VN thống nhất là người đã có sáng kiến tạo nên buổi Tri ân Quý thương phế binh. Nhưng ngày hôm nay, Thầy không đến tham dự cùng mọi người được, bởi vì trước cổng chùa Liên Trì, nơi Thầy trụ trì có từ 4 – 7 anh an ninh “bảo vệ” chùa một cách hết sức cẩn thận từ thứ sáu tuần trước, vào ngày 26.07 vừa qua đến nay. Tuy Thầy không đến nhưng Thầy đã ủy quyền cho Đại Đức Hoàng Pháp đến chia sẻ niềm vui với mọi người và, gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến các chức sắc tôn giáo và quý thương phế binh có mặt cũng như không có mặt trong ngày hôm nay.
Đặc biệt cụ Lê Quang Liêm, 93 tuổi, một trong những người lính VNCH chia sẻ với quý thương phế binh: “Tôi xin tỏ lòng tri ân đến tất cả các anh em thương phế binh đã hy sinh cho đất nước, để cho chúng tôi được lành lặn và được sống cho đến ngày hôm nay, còn các anh em thì phải mang thân thể tàn tật. Các anh em thương phế binh là ân nhân của đất nước VN và không ai có thể quên công ơn của anh em. Tôi đến đây để bày tỏ lòng tri ân đến anh em.”
Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Bề trên Chánh xứ có đôi lời động viên: “Hôm nay, tôi rất vui khi có mặt nơi đây để tri ân Quý thương phế binh và chia sẻ cho nhau những thao thức về quê hương đất nước. Với người Kitô giáo chúng tôi dù ở trong tình trạng nào cũng có thể đóng góp cho công việc chung của đất nước, tuy không phải bằng vũ khí như trước đây hay bằng sức của mình, nhưng bằng lời cầu nguyện. Cho nên, tôi thiết nghĩ, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người đều có thể góp phần vào cho công cuộc chung của đất nước”.

Bất kỳ ai trong đất nước VN cũng có thể trở thành dân oan. Hiền Huynh Chánh trị sự Hứa Phi bộc bạch: “Quý thương phế binh đã hiến một phần thân thể chiến đấu tự do của quê hương. Thân thể của quý thương phế binh bị tàn nhưng không phế vì quý vị vẫn có thể hướng dẫn các thế hệ trẻ trong khả năng có của quý vị. Quý vị là một trong những nạn nhân của chiến tranh phi lý. Hiện tại những thương phế binh và mẹ VN anh hùng liệt sĩ ngày hôm nay cũng đang trở thành dân oan. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện quyền năng thiêng liêng của Đấng Tối Cao để ban cho VN sớm thoát khỏi khổ nạn của chế độ cs vô thần”.
Được biết Hiền Huynh Chánh trị sự Bạch Phụng và Hiền Huynh Chánh trị sự Kim Lân bị nhà cầm quyền gây khó dễ nên không thể đến tham dự cùng với mọi người.
Những vết thương trên thân thể của quý thương phế binh là bằng chứng sống động để dạy cho lớp trẻ về lòng yêu nước và giá trị làm người. Mục sư Nguyễn Hồng Hoa xúc động: “Chúng tôi là những lớp người trẻ và hôm nay chúng tôi có dịp thành kính tri ân quý thương phế binh đã cống hiến một phần thân thể cho đất nước. Đi ngược lại dòng lịch sử, dù ở trong giai đoạn nào đi nữa quý thương phế binh đã mang một dòng máu yêu nước nồng nàn và ưu tư cho tương lai của đất nước. Hiện nay, đạo đức và nhân lễ nghĩa trí tín của lớp trẻ đi xuống rất nhiều, cho nên, tôi hy vọng những ngày còn lại của quý vị sẽ quan tâm đến lớp trẻ đặc biệt là con cháu của quý vị, để hướng các cháu vào cuộc sống trong sự sống mới. Tôi cũng cầu xin ơn trên ban ơn thiêng cho quý vị và chúc quý vị sức khỏe”.
Đời chiến binh của quý thương phế binh kề cận với tử thần, nhiều khi gần kề với thần chết trong gang tấc, các chiến binh chỉ còn biết phó dâng vào Thượng Đế trong niềm tin tinh thần. Đây là cách diễn tả của một người có tôn giáo chứ không phải là một người vô thần. Cha Thanh nhấn mạnh: “Chúng ta là những người có kinh nghiệm trong đời sống tâm linh, tức đời sống có Trời có Đất, có Tiên có Phật chứ không phải là những người vô thần. Chúng ta sống cậy nhờ vào đời sống thiêng liêng nâng đỡ, phù trì và bảo vệ chúng ta trong mọi hoàn cảnh, nhất là quý ông quý anh đã là những người tham gia các cuộc chiến. Nhiều khi quý ông thắc mắc và tự hỏi tại sao mình không bị trúng đạn mà chiến hữu của mình lại bị trúng đạn. Đây là những lần chúng ta có kinh nghiệm được thần linh bảo vệ và che chở chúng ta”.
Qua lời chia sẻ tâm tình của quý chức sắc tôn giáo, cha Giám tỉnh Vinh Sơn cám ơn quý chức sắc và quý thương phế binh đã có mặt trong ngày hôm nay. Sau đó, cha Giám tỉnh dâng lời cầu nguyện trong tâm tình tạ ơn: “Xin Cha đổi lòng dạ chúng con và biến quả tim chúng con thành quả tim biết yêu thương, biết xóa bỏ hận thù, biết xây dựng tình thương để chúng con nâng đỡ, đoàn kết, phục vụ nhau và làm cho tình thương ấy ngày càng được lan tỏa hơn, để chữa lành xã hội và thế giới này. Một xã hội đã tan hoang vì hận thù và tội ác. Xin Cha thương và biến những nỗi khổ đau ấy để các anh trở nên những dụng cụ của tình yêu thương.”

Sau 1975, đây là lần đầu tiên quý thương phế binh VNCH được quý ân nhân và các chức sắc tôn giáo tri ân, còn nhà nước xem họ như thế lực thù địch nên họ đã bị bỏ rơi và bị lãng quên bên lề xã hội.
Ông Ngọc, một thương phế binh nghẹn ngào nói: “Thật là vui mừng cho một thương phế binh VN Cộng Hòa như tôi, vì hôm nay, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một buổi tri ân công khai đầy ý nghĩa, nhân ái và tình thương này. Vào ngày 27.07 vừa qua, tôi nằm ở nhà và cảm nhận được rằng, chúng tôi đã bị nhà nước bỏ rơi và lãng quên nên tôi cảm thấy rất mặc cảm. Chúng tôi chiến đấu nhưng chúng tôi không có kẻ thù. Ngày hôm nay, tôi cảm thấy tôi không bị bỏ quên nữa nên dầu cho hoàn cảnh nào, dầu cho bất cứ khó khăn nào tôi cũng sẽ cố gắng vươn lên để sống làm sao cho trọn cuộc đời anh em phế binh. Nhà thờ có xa xôi thế nào chúng tôi cũng đến nhận món quà từ quý liên tôn vì đây là món quà nhân ái và đã nhớ đến chúng tôi, nên chúng tôi trân trọng những món quà này và không bao giờ quên được tình nghĩa này, ngoại trừ trường hợp anh em chúng tôi chết hết thì thôi”.
Thương phế binh trở thành dân oan. Ông Đoàn Văn Mới, sinh năm 1943, (SQ: 139912; KBC 4233) bị cụt một chân phải, ông kể: “Vào ngày 16.05.1966, tôi bị thương và cụt chân phải tại Bà Rịa Vũng Tàu. Sau 1975, gia đình tôi có 10 công đất nhưng nhà nước đã mượn và lấy sạch của gia đình tôi. Vợ tôi là Nguyễn Thị Sáu đi khiếu kiện mấy chục năm nay nhưng nhà nước không trả đất cho chúng tôi.

Ngoài ra có rất nhiều trường hợp thương phế binh VNCH bị nhà cầm quyền cản trở quyền tự do mưu sinh và quyền sống của họ.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, thuộc sư đoàn 18, trung đoàn 248, (SQ: 73140932) bị thương vào năm 1972 và bị mất một phần của chi phải. Ông Hùng mong muốn: “Tôi có một nguyện vọng là xin mọi người quan tâm tới anh em của chúng tôi, chúng tôi muốn được bình đẳng hơn, không có một cơ quan nào giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi chỉ làm lặt vặt để sống qua ngày.”
Những gia đình có cha mẹ là thương phế binh VNCH được nhà cầm quyền xếp vào loại “cá biệt”.
Ông Hoàng Văn Hải, thuộc sư đoàn 21, tiểu đoàn 233 (KBC 4518). Vào ngày 23.02.1974, ông Hải bị thương ở Cà Mau và bị mất một chân trái. Sau 1975, gia đình ông bị nhà cầm quyền xếp vào thành phần cá biệt nên quá trình đi học cũng như đi làm của con cái ông cũng như bản thân vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn. Hơn hai năm nay, ông làm đơn xin nhà nước trợ cấp tiền tháng vì ông bị khuyết tật do thời chiến nhưng ông không được nhà nước đồng thuận bởi vì ông Hải là thương phế binh VNCH.
Được biết, cùng ngày, một anh an ninh xưng danh phóng viên tờ báo Tuổi Trẻ đến quay phim, chụp hình… sau đó, cha Đinh Hữu Thoại đề nghị anh an ninh này xuất trình thẻ nhà báo nhưng anh ta không xuất trình mà còn nói với cha Thoại: “anh là ai mà bắt tôi xuất trình thẻ nhà báo?…”. Nhưng cuối cùng anh an ninh này được mời ra khỏi khuôn viên nhà thờ.
HT, VRNs

0 comments:

Powered By Blogger