Sunday, June 24, 2012

Luật Biển, báo chí và nhân dân



Đào Tuấn - Một bộ luật mà người dân có muốn cũng không thể biết có thể gọi là gì nếu như không phải là một bộ luật bí mật?


Điều mà báo chí quan tâm nhất trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, có lẽ chính là việc QH có thông qua luật Biển? Và báo chí sẽ đưa những gì, đưa như thế nào về dự án được xem là quan trọng nhất trong kỳ họp lần này?
Câu hỏi thứ nhất có thể trả lời ngay: Hóa ra các vị đại biểu QH không kém như người ta tưởng. Căn cứ vào bản giải trình tiếp thu, thì trong các phiên thảo luận mà báo chí không được phép tham dự và đưa tin trước đó, rất nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại Điều 1 của dự thảo Luật. Có ý kiến thậm chí đề nghị cần quy định trong Luật này vị trí địa lý của các đảo, quần đảo. Điều này đã được Ban soạn thảo tiếp thu và ngay trong điều 1 luật Biển, chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định. Khoảng 10h20 phút sáng qua, Quốc hội với 495/496 đại biểu tán thành đã thông qua luật Biển Việt Nam.
Chỉ có một điều đáng nói. Đó là vị đại biểu thứ 496. Dù không đồng ý thông qua hay không bỏ phiếu thông qua thì vị đại biểu duy nhất này cũng đã tạo ra sự ngạc nhiên đến sững sờ đối với những người chứng kiến. Thật khó có thể cắt nghĩa “lá phiếu thứ 496” này.
Có lẽ là tình cờ khi luật Biển, một bộ luật có ý nghĩa cách mạng – được thông qua đúng vào ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Chỉ có điều, báo chí không “cách mạng” như người ta tưởng. VietNamNet là tờ đầu tiên đưa tương đối chi tiết luật Biển vào buổi trưa 21-6. Có điều, bài báo được gỡ xuống gần như ngay sau đó. Không cần phải đọc báo sáng nay cũng biết: Luật Biển chỉ được thể hiện dưới dạng tin một dòng. Đại khái QH thông qua luật Biển. Không chi tiết. Ngoại trừ trường hợp cực khó cắt nghĩa, là một bài to uỵch trên báo Nhân dân dưới dòng tít: “Quốc hội thông qua luật Biển Việt Nam”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ 4T Lê Doãn Hợp, trong ngày báo chí cách mạng đã khẳng định hùng hồn: “Không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào thì thành vùng cấm”. Đã không có “vùng cấm” mà báo chí lại chỉ đưa “tin một dòng”- không chi tiết, không bình luận về một bộ luật được quan tâm nhường đó thì chỉ có một khả năng: Các nhà báo, các tòa soạn cho rằng dân không được phép biết, hoặc không cần biết.
Tháng 8 năm ngoái, đại biểu QH Dương Trung Quốc đã có phát biểu vô cùng thẳng thắn xung quanh báo cáo về tình hình Biển Đông, một “báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận”, rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm. Nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả”. Vị đại biểu, đồng thời là một nhà sử học nhấn mạnh:”Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết”.
21-6 năm nay thì lại là một bộ luật “bí mật”.
Ai sẽ là người bảo vệ chủ quyền nếu không phải là nhân dân! Ai sẽ là người thực thi các bộ luật ngoài nhân dân! Nhưng liệu người dân có thể thực thi các bộ luật khi nó được các tòa báo “dấu kín”. Liệu họ có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo nếu như hoàn toàn mù tịt, không biết bộ luật đó nói về cái gì!
Và liệu một bộ luật còn có giá trị thực thi nếu như chỉ vài trăm vị, dù là đại biểu dân cử được bàn, được biết?

0 comments:

Powered By Blogger