Wednesday, June 6, 2012

Kinh tế tư nhân ở Việt Nam bị đối xử bất công

Tác Giả: Người Việt   
‘Bơm’ quá đáng cho các ‘tập đoàn’ kinh tế nhà nước

 VIỆT NAM (NV) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, hội nghị quy tụ các nhà tài trợ quốc tế tổ chức tại tỉnh Quảng Trị đòi hỏi tạo lập một “sân chơi bình đẳng” giữa hai thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân.


Hội thảo quốc tế tại tỉnh Quảng Trị sáng 5 tháng 6. (Hình: VNExpress)

Báo mạng VNExpress cho biết, cuộc hội thảo này diễn ra sáng ngày 5 tháng 6 cũng đã công bố một phúc trình mang tên “Phát triển cho Việt Nam.”
Ðây là phúc trình đầu tiên chỉ trích chính sách ưu đãi quá mức thành phần kinh tế nhà nước bằng cách vội vã thành lập các “tập đoàn,” tổ hợp kinh tế, các tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Lâu nay, nhà nước cộng sản Việt Nam coi thành phần “kinh tế quốc doanh,” thuộc sở hữu nhà nước là “thành phần chủ đạo ”của chế độ. Từ chủ trương này, nhà nước cộng sản Việt Nam giành độc quyền thị trường và liên tiếp “bơm” vốn cho “những đứa con cưng” mỗi khi lỗ lã.
Mặc dù thấy trước hình thái sở hữu nhà nước ở những lĩnh vực không cần thiết chỉ gặp thất bại, lỗ lã, đôi khi gây cản ngại cho sự phát triển của nền kinh tế, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn khư khư bảo vệ các “tập đoàn,” các tổng công ty vì coi đó là “lá bùa hộ mệnh” của chế độ.
Nhiều cuộc hội nghị gần đây được tổ chức tại Việt Nam cho thấy dấu hiệu suy tàn của các tổng công ty, tập đoàn “biểu tượng” của chế độ cộng sản Việt Nam.
VNExpress trích dẫn thống kê của Ngân Hàng Thế Giới cho biết chỉ trong ba năm, từ 2007 đến 2009, tỉ lệ nợ trên vốn của các công ty nhà nước cao gấp 3 lần các công ty tư nhân, trong khi tỉ lệ lợi nhuận thì “cực” thấp.
Cuộc hội thảo mới đây của Bộ Tài Chính cộng sản Việt Nam cũng cho thấy 10 “tập đoàn” kinh tế nhà nước lớn tại Việt Nam bị lỗ hàng ngàn tỉ đô trong mấy năm qua.
Trong khi nhà nước cộng sản Việt Nam hô hào “tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước,” có chuyên viên kinh tế xuất thân từ giới cán bộ lãnh đạo cộng sản Việt Nam cảnh cáo rằng sự suy sụp các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể “gây ảnh hưởng đến nền an ninh tài chính quốc gia.”
Phúc trình trên còn cho rằng “hệ thống công ty nhà nước ở Việt Nam đã trở nên quá lớn để đổ vỡ và vuột khỏi tầm can thiệp của nhà nước Việt Nam nếu biến cố xảy ra.”
Tại cuộc hội thảo, một số đại diện nhà tài trợ chỉ trích chính phủ cộng sản Việt Nam “quá vội vàng” khi muốn thúc đẩy các “tập đoàn” kinh tế của họ tìm kiếm sức mạnh cạnh tranh trước ngày gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Phúc trình cho biết, vì được hưởng quá nhiều đặc quyền trong thị trường độc quyền; lấn ép thành phần kinh tế tư nhân, các “tập đoàn kinh tế” nhà nước ở Việt Nam trở nên cồng kềnh, trì trệ, lạc hậu và cuối cùng là lỗ lã, thất bại. Có thể nói, việc ủng hộ nền kinh tế tư nhân là điều cấm kỵ tại Việt Nam từ 20 năm nay.
Thực tế gần đây ở Việt Nam cho thấy các “tập đoàn” kinh tế quốc doanh tiêu biểu cho chế độ cộng sản ở Việt Nam đang đi vào giai đoạn lụi tàn.
Hội nghị này còn cho rằng tình trạng thiếu thông tin minh bạch dẫn dến nạn tham nhũng và sử dụng không hữu hiệu các nguồn viện trợ của quốc tế ở Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo trên, đại diện của tổ chức tài chính quốc tế IMF ở Việt Nam lần đầu tiên đề cao vai trò chính yếu của thành phần kinh tế tư nhân tại Việt Nam trong cuộc phát triển và khuyến cáo chính quyền cộng sản Việt Nam “tạo lập sân chơi bình đẳng giữa thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân.” (PL)

0 comments:

Powered By Blogger