Monday, October 3, 2011

Dã tâm bành trướng của Trung Cộng

alt

Nhị Khê


Tính đến thứ Bảy 01/10, nhân dân Trung hoa đã bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thống trị tròn 62 năm (01/10/1949 - 01/10/2011). Sáu mươi hai năm qua, người dân Trung Quốc chịu đựng muôn vàn đắng cay, hàng chục triệu người chết vì đói rét (thời kỳ Đại nhảy vọt) hoặc bị khủng bố tinh thần (thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa Vô sản). Cho đến ngày nay, dưới ách thống trị của ĐCSTQ, dân chúng Trung Hoa vẫn không được hưởng những quyền lợi cơ bản của con người như tự do, dân chủ và làm người.


Mặc dù vài chục năm qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mau lẹ, hiện nay đứng thứ nhì thế giới, vẫn chỉ có một số ít người, hầu hết là các đại gia và những tên cán bộ tham ô hủ hóa, hưởng thụ thành quả kinh tế này, đại đa số nhân dân, đặc biệt là nông dân, vẫn phải sống những ngày cực khổ như thời Trung Quốc chưa mở cửa.


Trung Cộng đã tạo ra một xã hội kim tiền trong đó đạo đức bị suy đồi, người dân sống trong sợ hãi, các quyền lợi về dân sự, xã hội và môi sinh bị chà đạp. Không những chà đạp người dân trong nước, Trung Cộng còn có dã tâm bành trướng ra ngoài lãnh thổ nước họ biến thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới kể từ thời Đức quốc xã. Đặc biệt là đối với Biển Đông. Đúng như lời nhận xét của Tetsuo Kotazaki tại Hội thảo về Biển Đông ở Manila trong hai ngày 05 và 06/07/2011 do Học viện Ngoại giao và Viện Đào tạo Đối Ngoại của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân tổ chức. Ông Kotani nói: "Ở Biển Đông, Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến năng lượng và thủy sản, khu vực này còn là bộ phận không thể tách rời trong chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Cộng". Ông Tetsuo Kotani là nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Okazaki ở Tokyo, Nhật Bản.


Nói tới tầm quan trọng của Biển Đông đối với Châu Á, chúng ta không thể quên được nhà phân tích địa chiến lược Nicholas Spykman (1893 - 1943, người Mỹ gốc Hòa Lan) từng mô tả Biển Đông như "Địa Trung Hải của Châu Á" (Asiatic Mediterranean). Tuy nhiên, gần đây, trong con mắt bọn bành trướng Bắc Kinh, Biển Đông là "Caribbean của người Trung Quốc" (Chinese Caribbean). Không khác gì Địa Trung Hải và Caribbean từng bị La Mã và Hoa Kỳ kiểm soát. Trung Quốc đang tìm mọi cách để thống trị Biển Đông.

Chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc
Những hành động hung hãn của Trung Cộng gần đây ở Biển Đông khiến cho nhân dân thế giới, đặc biệt là những người Việt Nam yêu nước, quyết tâm bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước, cảm thấy hoài nghi về tuyên bố trỗi dậy trong hòa bình hay "hòa bình quật khởi" của những tên đồ tể hiện đang sống ở Trung Nam Hải. Hành động lấn đất, cướp biển của Trung Cộng khiến cho nhiều người nhớ lại lịch sử xâm lược ngoại quốc của dân tộc Đại Hán, còn gọi là bọn bành trướng Trung Quốc.
Trong lịch sử, Trung Quốc là một quốc gia hiếu chiến, luôn luôn có dã tâm xâm lược đất đai của những người hàng xóm lân cận. Chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc có từ thời cổ đại. Nhà Tần là triều đại đầu tiên thống nhất Trung Quốc bằng cách tiêu diệt 6 nước: Tề, Sở, Hàn, Yên, Ngụy và Triệu, cũng như các lãnh thổ của những dân tộc không nói tiếng Hán từng được phong kiến Trung Quốc gọi là "man di mọi rợ".


Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, vùng đất của Bách Việt bị nhập vào đế quốc Trung Hoa. Quân Tần còn tiến xa hơn về phía Nam dọc theo sông Tương tới vùng đất nay là Quảng Đông và thiết lập các quận dọc theo các tuyến giao thông chính. Thời nhà Hán, phong kiến Trung Quốc thường xâm lấn Nam Việt ở phía cực Nam, chủ yếu tại các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, và Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn xâm lấn Mân Việt ở phía Đông Bắc, tập trung tại sông Mân Giang ở vùng Phúc Kiến ngày nay.


Quá trình Hán hóa các dân tộc ở vùng này đã thực hiện bởi sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự và định cư của người Hán. Tuy nhiên, các khó khăn về vận tải và thủy thổ phương Nam đã làm cho việc chiếm đất và đồng hóa các dân tộc Việt diễn ra một cách chậm chạp. Khi người Hán đến tiếp cận các dân tộc Việt địa phương, họ thường giành lấy quyền kiểm soát lãnh thổ hoặc khuất phục dân địa phương bằng bạo lực. Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào năm 40, tướng Mã Viện của nhà Hán phải điều động hàng trăm ngàn quân lính đánh dẹp. Từ năm 100 đến 184, đã có 7 cuộc nổi dậy đánh trả quân xâm lược nhà Hán buộc chúng phải dùng đến hàng trăm ngàn quân đội hùng mạnh chống cự lại, nhưng vẫn bị thất bại thảm hại.


Từ vùng thung lũng sông Hoàng Hà, cùng với sự mở rộng lãnh thổ Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa lan tràn khắp các hướng, đặc biệt là về phía Nam. Xét theo lịch sử Trung Quốc, lãnh thổ của nước này mở rộng hay thu hẹp tùy theo sức mạnh của các triều đại đương thời. Thời nhà Đường, lãnh thổ Trung Quốc kéo tới phía Nam ngày nay là miền Bắc Việt Nam, phía Tây lan tới vùng Trung Á. Bản chất lớn nhất của Chủ nghĩa Đại Hán là độc đoán bên trong, bành trướng xâm lược bên ngoài. Chúng lăm le nuốt chửng mọi nước láng giềng, tự nhận mình là trung tâm của thế giới, không giấu giếm ý đồ làm bá chủ toàn cầu bằng mọi cách. Chúng thôn tính một phần lớn Mông Cổ, toàn bộ Tân Cương, Tây Tạng, Mãn Châu, tiêu diệt quyền tự do của người dân các nước này.
Đối với Việt Nam, được sự đồng tình của ngụy quyền cộng sản, chúng lấn chiếm ải Nam Quan, thác Bản Giốc, hàng chục ngàn cây số vuông giáp ranh giới Trung Hoa, cũng như Hoàng Sa, Trường Sa và hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải của Việt Nam. Nơi nào bọn bành trướng Bắc Kinh không lấn chiếm được, chúng dùng tiền nói là thuê như chúng đã thuê mướn 9 tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam để trồng cây kỹ nghệ và 1 tỉnh thuộc miền Cao Nguyên Trung Phần để khai thác quặng bauxite trong thời hạn 50 năm.


Trung Quốc cũng bỏ tiền của ra mua hoặc thuê mướn đất ở nhiều nước ở Châu Phi và Nam Mỹ để tìm kiếm những quặng mỏ mà Trung Quốc có nhu cầu. Hậu quả của việc thuê mướn này vô cùng tai hại, không những ảnh hưởng đến kinh tế, kỹ nghệ, mà còn ảnh hưởng đến chính trị và xã hội của những nước bị chúng lấn chiếm hay cho thuê.


Một trong những điều nguy hiểm nhất là sau Chiến tranh Lạnh, Trung Cộng truyền bá rộng rãi luận điệu "hải dương quốc thổ" (biển là lãnh thổ của đất nước) trong quần chúng, bởi vậy đã có học giả Trung Quốc viết bài đưa lên mạng than phiền họ bị nhà cầm quyền Trung Cộng lường gạt dã tâm xâm chiếm Biển Đông vốn thuộc quyền sở hữu của các quốc gia khác như Việt Nam và Phi Luật Tân...


Để thực hiện dã tâm xâm chiếm các hòn đảo ở Biển Đông, ngoài việc cho tàu giám sát, tàu ngư chính liên tục hoạt động trực tiếp xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Phi Luật Tân... còn có các cuộc diễn tập quân sự của hải quân Trung Quốc. Nội dung diễn tập bao gồm các chiến thuật có khả năng dùng tới trong chiến tranh khi giành các quần đảo đã bị chiếm đóng tại Biển Đông. Mặt khác, giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu Biển Đông đã đi vào hoạt động. Có thể nói, những hoạt động “áp đảo” của Trung Cộng khiến cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng.


Ngày 07/05/2009, Trung Cộng gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối Việt Nam nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển 1982, còn gửi kèm một bản đồ trên đó thể hiện "Đường 9 điểm" (Đường lưỡi bò) nói rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Cộng đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước kế cận. Tuy nhiên, trong cuộc Hội thảo Quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" tại Jakarta, Indonesia, kết thúc vào chiều 31/05/2011 đã ra tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với "Đường 9 điểm trên bản đồ" không phù hợp, cộng đồng quốc tế quyết lên án dã tâm của Trung Cộng.


Trong dịp Trung Cộng thử nghiệm hàng không mẫu hạm, ngày 08/07/2011, tờ Yomiuri Shimbun, phát hành tại các thành phố lớn ở Nhật Bản, bình luận: "Với việc sử dụng hàng không mẫu hạm, Trung Cộng có dã tâm thâu tóm hoàn toàn quyền khống chế trên Biển Đông, tiến hành phong tỏa và thâm nhập sâu vào vùng biển này. Đây là mối nguy hiểm không chỉ đối với Biển Đông mà còn đối với cả biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku của Nhật Bản".


Tuy nhiên, dã tâm chiếm đoạt Biển Đông của Trung Cộng đang gặp phải thách đố lớn. Âm mưu của bọn bành trướng Bắc Kinh không chỉ thổi bùng sự thù hận từ các nước có chủ quyền, mà còn khiến cho các nước có tàu bè qua lại trên Biển Đông như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ... ngày càng quan tâm đến. Tất nhiên các nước này không bao giờ để cho Trung Cộng muốn làm gì thì làm.

Bành trướng theo con đường thực dân mới
Trung Cộng hiện đang thực hiện dã tâm bành trướng của mình theo con đường thực dân mới với mục đích tìm kiếm tài nguyên và năng lượng để phục vụ cho nền kinh tế phát triển mau lẹ. Để áp dụng chủ nghĩa thực dân mới này, Trung Cộng đã dùng đồng tiền xâm lược vào Việt Nam và một số nước nghèo đói và chậm tiến trên thế giới. Bọn bành trướng Bắc Kinh đã đến những nơi mà nhiều nước phương Tây không muốn hoặc không thể tới. Quan hệ giữa Trung Cộng với các nước như Iran, Zimbabué, Sudan và Miến Điện đã giúp Bắc Kinh chẳng những có được quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết mà còn giành thêm ảnh hưởng chiến lược. Một việc thường xảy ra là nơi nào trên thế giới có vấn đề, Trung Cộng lập tức xuất hiện để hỗ trợ cho các chính phủ bị tố cáo vi phạm nhân quyền và những vi phạm khác nhằm đổi lấy tài nguyên và năng lượng.
Hơn 1/3 số dầu mỏ nhập khẩu của Trung Cộng đến từ các nước Châu Phi. Một số nhà phân tích cho rằng nếu không có được số dầu đó Trung Cộng khó lòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trung Cộng không những muốn lấy được năng lượng từ các nước Châu Phi mà còn có dã tâm nâng cao địa vị của mình trên thế giới. Tại Châu Phi, Trung Cộng có mối quan hệ mật thiết với Sudan và Zimbabué, hai nước bị cộng đồng quốc tế trừng phạt và bị các nhà tranh đấu nhân quyền chỉ trích kịch liệt trong nhiều năm nay. Tổng thống Robert Mugabe, người nắm quyền cai trị Zimbabué trong 30 năm qua, là đồng minh lâu đời và thân cận của Bắc Kinh. Để đổi lấy sự hỗ trợ của Bắc Kinh, Zimbabué dành cho Trung Cộng quyền khai thác các nguồn tài nguyên phong phú với hơn 40 loại khoáng sản khác nhau; ngoài ra còn cho Trung Cộng thuê đất để trồng trọt những loại hoa màu với mục đích phục vụ cho nhu cầu của người dân Trung Hoa. Tại Sudan, Trung Cộng phủ nhận các cáo giác cho rằng chúng là tòng phạm của nạn diệt chủng ở Dafur và tìm cách không để bị lôi kéo vào vụ xung đột giữa hai miền nam, bắc Sudan. Trong vài năm gần đây, Trung Cộng đã liên hệ với miền nam Sudan, đảo ngược chính sách trước đây chỉ tiếp xúc với các chính quyền cấp quốc gia của chúng. Dĩ nhiên, một phần của sự thay đổi này là để phục vụ cho quyền lợi của bản thân họ. Phần lớn trữ lượng dầu mỏ của Sudan nằm ở miền nam. Vì vậy một phần của việc này là sự tiến hóa trong cách tương tác của Trung Cộng với các nước Châu Phi và người dân.
Tại Á châu, Trung Cộng lấp đầy một khoảng trống ở Miến Điện và Bắc Hàn mà Hoa Kỳ và các nước khác không thể làm được. Trung Cộng đang xây dựng nhiều đập thủy điện ở miền bắc Miến Điện để cung cấp điện cho các thành phố ở Hoa Nam đang phát triển mau lẹ. Họ cũng xây các ống dẫn để đưa dầu mỏ và khí đốt tới Trung Quốc từ những khu vực ngoài khơi duyên hải Miến Điện và những nơi khác. Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết: "Trung Quốc chú tâm rất nhiều vào việc tranh thủ các nguồn năng lượng dài hạn, và Miến Điện cung cấp cho họ cơ hội để đạt mục tiêu. Miến Điện có những trữ lượng khí đốt khổng lồ. Họ cũng có một ít dầu mỏ ở ngoài khơi, nhưng hiện nay người ta chưa thực sự biết được trữ lượng này nằm ở đâu số lượng như thế nào?".


Trong quan hệ với Bắc Hàn, ông Marcus Noland, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng Trung Cộng coi Bắc Hàn là một con cờ hữu dụng, tuy một số học giả và chính khách Trung Quốc có những cái nhìn khác nhau về nước đồng minh Cộng Sản này. Nhưng... ông Noland nói: "Bắc Hàn hợp tác với Pakistan, Iran và một số nước khác trong lãnh vực phát triển phi đạn và vũ khí hạt nhân. Điều này giúp cho Trung Cộng cơ hội gây khó khăn cho các đối thủ của mình là Hoa Kỳ và Ấn Độ... Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có thể mạnh dạn chối cãi họ không làm như vậy".


Trong khi đó, ông Bower của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói: việc để cho Miến Điện và Bắc Hàn tiếp tục là những nước bất trị xưa nay vẫn bị cộng đồng quốc tế cô lập gây phương hại tới địa vị của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ông cho rằng, nếu không nhận ra những thiệt hại khiến uy tín của mình giảm xuống, thì Trung Cộng khó lòng có được quyền lực mềm ở Á châu.


Trung Cộng càng có dã tâm bành trướng, càng thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của mình đối với một số nước, sớm muộn sẽ bị cộng đồng quốc tế chống đối, kết quả sẽ không khác gì số phận của bọn phát xít Đức-Ý-Nhật trong thời kỳ cuối của Đệ nhị Thế chiến.

0 comments:

Powered By Blogger