Cho đến nay gần 1 tháng nhà báo tự do Tạ Phong Tần bị an ninh Việt Nam bắt giữ thì chưa ai có tin tức gì của blogger / nhà báo tự do này. Người nhà của chị Tạ Phong Tần cũng không thể biết được chắc chắn là chị Tần bị giam giữ ở số 4 Phan Đăng Lưu hay là 235 Nguyễn Văn Cừ. Chỉ có một điều là an ninh Việt Nam hay tìm đến nhà các thân nhân và bạn bè của chị Tạ Phong Tần để nếu không gạ gẫm thì làm khó dễ.
Gần đây, một người quen của chị Tần được an ninh yêu cầu viết cho chị Tần một lá thư với nội dung khuyên chị Tần là nên hợp tác với cơ quan an ninh. Đương nhiên người này từ chối vì biết rõ tính tình thẳng thắn của chị Tần là không bao giờ khuất phục. Những lời khuyên răn về việc: “ăn năn nhận tội xin nhà nước khoan hồng” chưa chắc được chị Tần chấp nhận mà còn bị chị mắng cho nữa. Chúng tôi phải lên tiếng về việc này để cho thấy rằng trong trại giam của an ninh Việt Nam chắc chắn chị Tần không khuất phục nên an ninh mới dùng đòn tâm lý này. Hơn nữa cần công khai việc này để tránh việc an ninh giả mạo thư của người thân bạn bè nhằm ly gián sau này. An ninh Việt Nam cái gì họ cũng giả được như việc giả mạo thư anh Nguyễn Công Nhựt bị công an Bình Dương giết chết.
Khi lời yêu cầu này bị từ chối thì phía an ninh quay ra hăm dọa đủ điều rằng họ không đảm bảo là chị Tần được toàn vẹn khi ra tù, rồi không hợp tác với họ khuyên chị Tần thì họ quy kết là người không tố giác tội phạm sẽ vi phạm các điều này của Bộ luật hình sự, điều kia của Bộ luật tố tụng hình sự. Người được yêu cầu viết thư khuyên nhủ chị Tần trả lời dứt khoát không biết gì và không can thiệp vào bất cứ chuyện gì của chị Tần. Nếu muốn bắt thì công an cứ bắt, có kề súng vào cổ để ép viết thư khuyên chị Tần thì cũng không viết.
Người quen của chị Tần kể hết chuyện này với tôi bởi vì tôi và chị Tần khá quen nhau như chị em từ trước đến nay.
Tôi biết chị Tạ Phong Tần qua luật sư Nguyễn Thanh Lương thuộc Đoàn Luật Sư tỉnh Bến Tre. Luật sư Lương là bạn học cùng trường Đại học Pháp Lý với chị Tần. Luật sư Lương lúc đó giúp các công nhân làm đường liên cảng A5 thắng kiện báo Pháp Luật thành phố về chuyện báo Pháp Luật thành phố vu khống cho các công nhân tố giác tham nhũng, hối lộ. Khi các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Tiền Phong… lên án các cơ quan giao thông và nhà thầu thông đồng nhau rút ruột công trình dựa vào là đơn tố cáo của nhóm công nhân thi công thì báo Pháp Luật thành phố vu khống là các công nhân này làm tiền doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Vụ kiện sau đó với các phóng viên của báo Pháp luật Thành phố có các luật sư Hoàng Quý, Phan Đăng Thanh nhưng báo Pháp luật thành phố đã thua kiện. Ra tòa, thì luật sư Nguyễn Thanh Lương bị các phóng viên và dàn luật sư hùng hậu của báo Pháp luật Thành phố nhục mạ luật sư Lương quá chừng nhưng luật sư Lương nhẹ nhàng với những bằng chứng và lý lẽ đã giúp các nạn nhân thắng kiện.
Sau này trong vụ kiện của các công nhân vệ sinh Quận 11 kiện báo Pháp luật thành phố gọi họ là “những kẻ ăn rác” thì các nạn nhân của báo Pháp luật Thành phố cũng nhờ luật sư Nguyễn Thanh Lương bảo vệ quyền lợi của họ. Trong các vụ kiện giúp những người dân nghèo khó là nạn nhân của báo Pháp luật thì luật sư Lương không lấy thù lao hay chỉ tượng trưng. Nói vậy không có nghĩa là báo Pháp luật Thành phố là đối thủ của Luật sư Nguyễn Thanh Lương mà tờ báo này đăng rất nhiều tin và bài của luật sư Lương dưới nhiều bút danh khác. Sau này các phóng viên của báo Pháp luật Thành phố gần như “trực” ở văn phòng luật sư Lương để lấy tin, nhất là các vụ kiện “nhạy cảm” như là cựu chiến binh thành phố hay các điệp viên của đảng về hưu kiện các quyết định hành chính của UBND thành phố. Những vụ kiện này ngoài luật sư và các phóng viên của báo công an thành phố thì không có phóng viên của báo nào tham dự được.
Kể dài dòng như vậy cho thấy cùng thời điểm này chị Tạ Phong Tần đi kiện sở Du Lịch tỉnh Bạc Liêu họ sa thải chị Tần vì lý do chị viết bài cho… BBC. Một quan chức của sở du lịch tỉnh Bạc Liêu mượn 1 cái USB của chị Tần để chép 1 file nào đó. Nhưng trong cái USB này có chứa 1 ý kiến bình luận của chị Tần trên BBC thế là họ kỷ luật nội bộ và sa thải chị Tần. Chị Tần đi kiện lại quyết định buộc thôi việc của Sở Du Lịch tỉnh Bạc Liêu. Chị Tần nhờ luật sư Lương bào chữa.
Lúc đầu chị em mới quen biết thì chị Tần rất “tin tưởng vào pháp luật” lắm. Chị Tần lên thành phố làm việc và đi học lớp luật sư của trường Đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Học Viện tư pháp. Chị Tần học trước tôi 1 khóa nên tài liệu thì tôi hay mượn của Chị Tần. Tôi nhớ là khi tôi đến thăm nhà trọ của chị Tần trên đường Nguyễn Thái Học – Quận 1 gần Cầu Ông Lãnh thì tôi nói với chị Tần là: “chị ở sao giống sinh viên quá chừng”. Sau này mới biết là căn hộ này là của anh Điếu Cày hiện đã bị công an cướp rồi.
Tôi nhớ học khóa đào tạo luật sư của Học Viện Tư Pháp thì học ở trường cán bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, gần Lăng Ông ở chợ Bà Chiểu. Thường thì các lớp luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa án thì học chung ở đây, các giảng viên thì thỉnh giảng ở Đoàn luật sư, trường đại học Luật, hay các thẩm phán qua dạy nhưng rất ít trong số họ là những người có uy tín. Đa phần là các cán bộ thuôc Học Viện Tư Pháp ngoài Hà Nội vào dạy. Những luật sư như Trương Thị Hòa, Phan Đăng Hưng, Nguyễn Thị Ngọt, Nguyễn Văn Hòa, giảng viên Hoài Phương của Đại học Luật thành phố và vài thẩm phán như thẩm phán Hùng (tòa hành chính), Thẩm phán Long (tòa hình sự) của TATP thì học viên học đươc. Còn các “giảng viên” của học viện từ Hà Nội vào thì vừa không biết chuyên môn, không biết luật, không có khả năng dạy dù có bằng tiến sĩ ở Nga về thì họ hay bị các sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Luật ra trường chê cười và khinh khi ra mặt. Nhiều sinh viên viết đơn lên học viện khiếu nại đủ thứ chuyện từ các “giảng viên” từ Hà Nội mới vào này. Chị Tần cũng đi kiện nhiều lần. Nên đến khóa luật sư của chúng tôi thì Học Viện Tư Pháp ra quyết định… cấm sinh viên đi kiện cho dù có bị chấm điểm oan cũng không được đi kiện.
Tôi và chị Tần có nhiều buổi đi ăn chung. Tội nghiệp cho chị ghê, ăn cũng không yên với an ninh Việt Nam. Chị thường nói: “Em nhìn sau lưng chị và chị thì nhìn sau lưng em coi thử có thằng an ninh nào đi theo dõi không nhé”. Tôi điềm nhiên: “Kệ nó chị ơi, mình ăn đi, nếu có nó thì chị em mình ngồi buôn dưa lê cho nó đợi dài cổ luôn đi “. Tôi với chị Tần dù không thân quen mật thiết nhưng cũng đủ để chị Tần kể cho tôi nghe về nhiều chuyện khá thâm cung bí sử.
Về chuyện chị Tần xung đột với anh LTL thì tôi có can chị Tần nhiều lần, Nhưng chuyện chị Tần lôi anh LTL lên blog của chị Tần cũng có lỗi của anh LTL một phần vì anh LTL cứ lánh mặt chị Tần hoài. Công bằng là vậy. Tôi không tin là anh LTL là an ninh nhưng cách xử sự của anh LTL với chị Tần quả thật cũng không trượng phu cho lắm. Nhiều vụ xung đột của chị Tần với bà MN hay là với luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa (2 vợ chồng là LS ) thì chị Tần cũng muốn lôi tôi làm nhân chứng nhưng tôi không thích dây dưa vào mấy chuyện tranh chấp này nên dù có thân với chị Tần tôi vẫn từ chối làm chứng này nọ như chuyện chị kêu tôi làm nhân chứng cho chị về một vụ liên quan đến anh LTL và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tôi cũng đã từ chối chuyện này.
HRW năm nay trao giải thưởng cho 8 người Việt Nam thì anh LTL và chị Tần cũng vinh dự được vinh danh. Tôi cho đây là một “đoạn kết có hậu” cho những người dấn thân cầm bút. Một kết quả thật ngọt ngào cho anh LTL và chị Tần. Có lẽ HRW cũng có ý khéo nhắc nhở chúng ta dẹp qua một bên những xích mích cá nhân để dấn thân cho một nước Việt Nam có tự do và dân chủ.
Anh LTL thì đang bị theo dõi gắt gao, còn chị Tần thì biệt giam ở một nơi nào hiện chưa ai biết. Không biết họ có hành hạ chị Tần như đã hành hạ bao nhiêu người vào tay họ không? Tính của chị Tần thì ngang như cua và hay thẳng thắn quá đôi khi làm khó chịu cho nhiều người. Cá tính ấy chắc sẽ càng làm cho đám công an khó chịu.
Khi HRW vinh danh chị Tần cùng 7 nhà dân chủ khác thì chị Tần lại bị biệt giam ở một nơi bí mật không ai biết cả? Chị Tần ơi giờ này chị ở đâu? Cầu xin Thiên Chúa của chị Tần và Đức Mẹ của chị che chở cho chị trong nhà tù của kẻ thù của chị cũng là kẻ thù của toàn dân tộc, của những ai yêu chuộng hòa bình và công lý.
Phạm Viết Bằng (danlambao)
0 comments:
Post a Comment