Nhà văn Nguyên Ngọc và Giáo sư Huệ Chi đã tham gia một số cuộc biểu tình
Tổng giám đố Đài PT-TH Hà Nội (HTV) vừa trả lời khiếu nại của nhóm người biểu tình chống Trung Quốc, nói đã ‘rút kinh nghiệm’ nhưng không xin lỗi.
Trong chương trình Thời sự hằng ngày từ 18:30 tới 19:00 hôm 22/8/2011, đài này đã phát một phóng sự nói về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có trích phỏng vấn một số người dân.
Nội dung phóng sự, cũng như ý kiến của bốn người dân được phỏng vấn, chỉ trích các cuộc biểu tình và người tham gia biểu tình, thậm chí gọi họ là “phần tử phản động”.
Đặc biệt, trong một khuôn hình, các phóng viên HTV chiếu cận mặt ba nhân sĩ nổi tiếng trong nước là nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.
Cùng lúc, phát thanh viên đọc lời bình: “… việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc…”
Ngày 26/8 một nhóm người tham gia biểu tình, trong có hai trong ba vị nêu trên, đã gửi thư tới Tổng giám đốc HVT yêu cầu cải chính và xin lỗi.
Thư viết rằng nội dung phóng sự cùa HTV “rõ ràng đã xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến chúng tôi”.
Không cải chính
Đài Hà Nội, sau khi nhận được thư khiếu nại, đã tổ chức gặp mặt đại diện cho nhóm người biểu tình và cuối cùng ngày 31/8 đã có thư phúc đáp họ.
Bức thư, do Tổng giám đốc HTV Trần Gia Thái ký, viết rằng các cuộc “tụ tập biểu tình, tuần hành tự phát đã làm ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự của thủ đô”.
Thư cũng viết tình trạng tiếp tục biểu tình đã “gây bất bình trong dư luận xã hội”.
HTV cho rằng phóng sự của họ là thể theo yêu cầu của “nhiều tầng lớp nhân dân thủ đô”, vốn “mong muốn chính quyền sớm có biện pháp chấm dứt biểu tình tự phát”.
“Ở nước ta, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ.”
Nhà văn Nguyên Ngọc
Đài này còn đoan chắc “mới chỉ đưa bốn trong hàng trăm ý kiến đã ghi hình”.
Về hình ảnh của ba vị nhân sĩ bị đưa lên trong phóng sự, HTV nói đây chỉ là “để minh họa cho nội dung trong bản tin chứ không nêu đích danh những người này là phản động, chống đối như trong thư của các ông”.
Thư của HTV thừa nhận “việc đưa bức ảnh trên không phù hợp với thân phận một số người”, và nói “đã kịp thời rút kinh nghiệm” với các phóng viên thực hiện phóng sự.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trần Gia Thái trong bức thư đã không ngỏ lời xin lỗi.
Xúc phạm nặng nề
Sau khi nhận được thư của HTV, nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người yêu cầu cải chính xin lỗi, đã lên tiếng trên một diễn đàn mạng, bình luận rằng trả lời của ông Trần Gia Thái là “phủi tay và vô liêm sĩ”.
Hiện chưa rõ nhóm người biểu tình có định tiếp tục khiếu nại của mình hay không.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng công bố bức thư ông gửi cho Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trước khi nhận được trả lời của HTV.
Trong thư đề ngày 25/8, ông Ngọc viết: “Tôi năm nay đã 80 tuổi. Cho đến nay, trong suốt cuộc đời 80 năm qua của tôi, chưa có ai dám vu khống và xúc phạm tôi nặng nề như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội”.
“Ở nước ta, như chắc chắn ông biết, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ.”
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nói với người đứng đầu cơ quan Đảng của thành phố, rằng HTV đã “sử dụng một thủ đoạn ti tiện” từng được áp dụng từ thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm, là “dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội”.
Được biết không chỉ HTV mà một số cơ quan truyền thông khác của Hà Nội cũng đăng tải các bài viết, phóng sự chỉ trích các cuộc biểu tình, gọi đây là do ‘thế lực thù địch giật dây’.
Tổng cộng 11 cuộc tuần hành chống Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội, với hàng trăm người tham gia.
BBC
0 comments:
Post a Comment