Thursday, September 1, 2011

Algéri cảm thấy bị đe dọa bởi cuộc nổi dậy tại Libya

Tổng thống Algéri Bouteflika (phải) tiếp các đặc sứ Liên đoàn Ả Rập (Reuters)

Tổng thống Algéri Bouteflika (phải) tiếp các đặc sứ Liên đoàn Ả Rập (Reuters)

Vợ và 3 con của đại tá Kadhafi đã đến tị nạn trên lãnh thổ Algéri với sự đồng thuận của chính phủ nước này. Dù đây là những nhân vật không có ảnh hưởng gì trong chính quyền Kadhafi, nhưng việc Algéri “chứa chấp” các thành viên trong gia đình Kadhafi, đã khiến phe nổi dậy tại Libya vô cùng phẫn nộ.

Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao Algéri lại có hành động như vậy trong khi ông Kadhafi chẳng phải là đồng minh thân thiết gì. Báo chí Pháp hôm nay cố gắng tìm câu trả lời. Về phần mình, Le Monde cho rằng đó là vì : « Algéri cảm thấy bị đe dọa bởi cuộc cách mạng tại Libya ».

Le Monde nhắc lại, trước đó, Algéri đã gây mất lòng quân nổi dậy Libya khi cùng với Soudan, Syria và Yemen bỏ phiếu phản đối việc Liên đoàn Ả Rập ủng hộ nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề can thiệp quân sự vào Libya. Cũng đã nhiều lần, quân nổi dậy tại Libya đã tố cáo Alger thông đồng với chính quyền Kadhafi khi để cho vũ khí và lính đánh thuê được thông qua lãnh thổ Algéri đi vào lãnh thổ Libya để phục vụ cho quân đội của đại tá Kadhafi.

Quan hệ giữa chính quyền Kadhafi và Algéri vốn dĩ không tốt đẹp kể từ những năm 1970. Trong vùng Salel ông Kadhafi có tham vọng trở thành « người bảo vệ » của quân nổi dậy người Touareg ở Mali và Niger. Ông này cũng can thiệp vào vùng tây Sahara và vùng nam Algéri. Tất cả những việc đó đã gây quan ngại cho các tướng lãnh Algéri bởi họ cho rằng sân sau của họ bị ông Kadhafi đe dọa. Hơn nữa, báo chí Algeri cũng đã nhiều lần cáo buộc đại tá Kadhafi đã cung cấp vũ khí cho lực lượng hồi giáo cực đoan trong cuộc nội chiến hồi những năm 1990.

Thế thì tại sao Algéri lại ủng hộ chế độ Kadhafi như vậy ? Theo ông Akram Belkaid , một nhà báo Algéri, có ba nguyên nhân chính để lí giải vụ việc : 1) Đó là dấu hiệu của một đất nước bị rơi vào bế tắc khi mà chính sách ngoại giao bị tê liệt bởi các vụ đấu đá giữa các phe phái trong việc kế nhiệm tổng thống Abdelaziz Bouteflika 2) Một bộ phận giới lãnh đạo ở Algéri cho rằng, trong Hội đồng chuyển tiếp Libya có thành phần quân hồi giáo cực đoan 3) Chế độ hiện tại ở Algéri chống lại mọi ý định thay đổi, dân chủ hóa hay cách mạng.

Le Monde thêm vào một lí do quan ngại khác đối với Algéri, đó là hiện có tin đồn cho rằng có nhiều vũ khí hạng nặng từ lãnh thổ Libya được chuyển giao cho lực lượng Aqmi (chi nhánh Al Qaida tại bắc Phi), ở phía bắc Mali gần biên giới với Algéri. Thêm vào đó là hiện tượng nhiều trăm lính đánh thuê người Touareg trở về sau khi phục vụ cho chế độ Kadhafi.

Cũng theo Le Monde, kể từ đầu năm, Algéri đã không ngại gia tăng chi tiêu cho các biện pháp cần thiết để giúp nước này tránh được ngọn gió đến từ mùa xuân Ả Rập. Nước này cũng đã không giấu thái độ phòng ngừa sự lây lan của cuộc nổi dậy tại Libya, cuộc nổi dậy đã mở đường cho khối Nato can thiệp ngoài khu vực ảnh hưởng thông thường của mình.

Chế độ Kadhafi, pháo đài cuối cùng của chính phủ Algéri ?

Chia sẻ quan điểm trên của Le Monde, nhật báo Libération có bài viết chạy tựa : « Sự hậu thuẫn mờ ám của Algéri đối với chế độ Kadhafi ». Bài viết nhận định, trong khi giữa chế độ Kadhafi và chính phủ Alger không hề có một quan hệ hữu hảo nào, thế mà Algéri lại ủng hộ ông Kadhafi còn mạnh mẻ hơn cả đồng minh lâu năm như Nga chẳng hạn. Tại sao Algéri lại ủng hộ Kadhafi đến mức mà để mình phải mang hình ảnh cổ hủ trong khu vực châu Phi đang di chuyển về phía tự do dân chủ ?

Libération giải thích, những cuộc nổi dậy ở thế giới Ả Rập và việc các vị tổng thống bị lật đổ bị đem ra xét xử đã gây tâm lí lo sợ cho nhà cầm quyền Algéri. Họ cảm thấy các tiền lệ Tunisia, Ai Cập, và nhất là Libya và Syria là một mối đe dọa. Nên nhớ rằng, các chế độ vừa nêu cùng với Alger đều đặt nền tảng tồn tại lên hệ thống an ninh xiết chặt.

Do đó, Alger đã và đang hành động như thể là sự sống sót của chế độ Kadhafi và Assad (Syria) như là lá chắn cuối cùng để bảo vệ chế độ Alger. Từ đó, Alger muốn cuộc chiến tại Libya kéo dài để có thể khơi dậy chủ nghĩa dân tộc đối với người Algéri bằng cách tố cáo sự can thiệp của phương tây, và cũng có thể gây tâm lí lo sợ cho người Algéri bằng chiêu bài tuyên truyền cho rằng thay đổi sẽ dẫn đến hổn loạn, và bằng hình ảnh chập chờn của quân Al Qaida.

Algeri hành động một cách thiển cận ?

Cũng để giải mả về hành động được cho là « ngược dòng » của Algéri, Le Figaro dành một bài viết và một bài xã luận. Đặc biệt tờ báo đặt câu hỏi với ông Benjamin Stora , chuyên gia về tình hình Bắc Phi.

Ông Stora đưa ra ba lí do. Thứ nhất, ông cho rằng các nhà lãnh đạo Algéri hình như là chưa cập nhật được tình hình địa chính trị ở thời đại mới, thời đại mà bức tường Berlin đã bị hủy, chiến tranh lạnh đã kết thúc…Bởi thế họ phân tích các mối quan hệ quốc tế hiện tại bằng những tiêu chuẩn lỗi thời, họ muốn trung thành với một thế giới đã đi vào dĩ vãng, vì thế họ đã tỏ ra thiển cận.

Nhân tố thứ hai chính là một tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ, tinh thần này phản đối mọi hành động can thiệp từ bên ngoài. Cuối cùng, theo ông Stora, nhiều nhà lãnh đạo Algéri lo ngại mùa xuân Ả Rập sẽ là con bài của những người hồi giáo cực đoan, những người mà họ đã phải chiến đấu chống lại suốt những năm 1990.

0 comments:

Powered By Blogger