Thursday, September 8, 2011

Trung Quốc tìm cách ngăn tin vắn trên mạng

weibo

Tin vắn rất phổ thông ở Trung Quốc
Bắc Kinh đang muốn kiểm soát các tin vắn có nội dung chỉ trích nhà nước, nhưng các chuyên gia nói đây là chuyện không dễ làm.

Trung Quốc thường xuyên tìm mọi cách để kiểm soát cộng đồng mạng lớn nhất trên thế giới với khoảng 485 triệu người sử dụng.

Nhà chức trách sử dụng hệ thống kiểm duyệt tinh vi để chặn các trang web hay nội dung bị xem là tế nhị về chính trị.

Nhưng loại tin vắn (weibo) rất phổ thông kể từ khi được tung ra cách đây hai năm là một thách thức cho các nhà kiểm duyệt.

Ngày càng có nhiều người sử dụng tin vắn (tương tự như Twitter) để bày tỏ sự bất mãn của họ trước những vụ tai tiếng hay tham nhũng của chính phủ.

”Đó là nơi dư luận được hình thành,” Giáo sư Hu Yong, giảng dạy báo chí tại Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, nói với AFP.

Giáo sư Yong đơn cử trường hợp chính quyền ở Đại Liên buộc phải dời nhà máy hóa chất là do sự phản đối của tầng lớp trung lưu vào một ngày Chủ nhật của tháng Tám được lưu truyền qua tin vắn.

Thống kê chính thức cho thấy số người sử dụng weibo đã tăng gấp ba lần trong sáu tháng đầu năm nay.

Sina.com, một trang web lớn ở Trung Quốc, cho biết weibo của họ có 200 triệu người sử dụng.

Thách thức

Vụ tai nạn xe lửa hồi tháng Bảy làm cho 40 người thiệt mạng đã làm cho chính phủ ngạc nhiên khi có quá nhiều người dùng tin vắn để chất vấn về độ an toàn, khiến báo Nhân dân phải thúc giục giới chức hãy dùng weibo nhiều hơn để đối thoại với công chúng.

Có thể chưa tận dụng tin vắn để nói chuyện với dân, nhưng nhà chức trách tìm cách chặn một số nội dung truyền bá qua tin vắn.

”Sự kiểm duyệt nội dung và hình ảnh của cuộc biểu tình ở Đại Liên phần nào đó cũng ảnh hưởng đến sự hiệu quả của tin vắn,” AFP trích dẫn David Bandurski, thuộc Dự án Truyền thông Trung quốc tại Đại học Tổng hợp Hong Kong.

Nhưng ông nói Bắc Kinh không thể nào ‘bắt nhốt thần đèn vào lại cây đèn’ sau khi công chúng đã quen với nguồn tin độc lập.

Sự phổ biến của tin vắn cũng làm cho truyền thông nhà nước phải thay đổi.

Nhiều báo đã chỉ trích chính phủ nhiều hơn bình thường khi xảy ra vụ hai tàu cao tốc đâm vào nhau hôm 23/7 tại Ôn Châu, cho đến khi ban tuyên huấn ra lệnh ngưng.

”Tuy họ vẫn có thể kiểm soát cách đưa tin của truyền thông nhà nước, nhưng các phóng viên ngày càng có khuynh hướng đưa tin chưa kiểm duyệt lên weibo,” Xiao Qiang, nghiên cứu sinh về báo chí tại Đại học Berkeley ở California nói với AFP.

”Sự khôn ngoan của công chúng sẽ tranh với các nhà kiểm duyệt trong một cuộc chiến còn kéo dài,” ông Qiang tiên đoán.

0 comments:

Powered By Blogger