Monday, September 26, 2011

Trung Quốc có liên quan đến vụ tấn công mạng vào Nhật Bản?

Một công ty bảo mật mạng của Nhật cho biết, có dấu hiệu cho thấy TQ liên quan đến vụ tấn công này. Tuy nhiên, TQ đã kịch liệt phản đối mọi liên can.

Đầu tuần trước, Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với những cuộc tấn công mạng gần đây vào các công ty công nghiệp quốc phòng lớn nhất Nhật Bản, đồng thời gọi đây là những lỗ hổng nghiêm trọng mà Nhật Bản phải nghiêm túc xử lý nhằm tránh rò rỉ các thông tin nhạy cảm.

Tập đoàn công nghiệp nặng Misubishi là nơi sản xuất các tiêm kích F-15 và các hạng mục vũ khí mà Mỹ thiết kế riêng cho Nhật Bản, đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng chưa rõ nguồn gốc gần đây.

Vụ tấn công trực tiếp gần đây nhất là nhằm Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, nơi sản xuất động cơ cho dòng tiêm kích F-15, tên lửa Patriot và các hạng mục vũ khí mà Mỹ thiết kế cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Các cuộc tấn công này bắt đầu từ hồi tháng 8/2011 nhưng chỉ mới được tiết lộ cuối tuần trước khiến các quan chức Quốc phòng Nhật Bản lên tiếng khiển trách nhà sản xuất vũ khí này đã không kịp thời thông tin cho các cơ quan trọng yếu biết. Tờ thương báo Nikkei cho biết, tập đoàn IHI, nơi sản xuất động cơ cho các chiến đấu cơ cũng có thể đã bị tấn công.

Những vụ tấn công này đã làm xói mòn nghiêm trọng các nỗ lực thắt chặt an ninh mạng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong những năm gần đây. Tập đoàn Mitsubishi (MHI) cho biết một số máy tính của họ đã bị tấn công và mạng thông tin ở đây có thể đã bị xâm nhập, tại 83 máy tính và máy chủ, bao gồm cả ở Tổng hành dinh đặt tại Tokyo.

Các nhà máy, các trung tâm nghiên cứu phát triển cũng là nạn nhân của vụ tấn công này. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của MHI, hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về các cuộc tấn công này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết, ông chưa nhận được báo cáo nào cho thấy các thông tin quốc phòng nhạy cảm đã bị đánh cắp. Đồng thời, thông tin về địa điểm cụ thể của cuộc tấn công hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, một công ty bảo mật mạng, những kết nối đã được thực hiện tại 14 trang web ở nước ngoài, bao gồm ít nhất từ 20 máy chủ tại Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ và Ấn Độ.

Cũng theo công ty này, “loại chữ giản thể mà Trung Quốc đang dùng hiện nay có xuất hiện trong các cuộc tấn công”. Điều này khiến Sở cảnh sát thành đô Tokyo (MPD) đặt ra nghi vấn rằng các vụ tấn công này có liên quan đến một cá nhân nào đó thông thạo tiếng Trung Quốc. MPD đang xem xét khả năng đây là một vụ tấn công có liên quan đến một gián điệp quốc tế.

Tuy nhiên, một chuyên gia bảo mật cảnh báo không nên vội kết luận vụ tấn công này có liên quan đến Trung Quốc. “Thủ phạm có thể đã cố ý sử dụng chữ Trung Quốc để đánh lạc hướng rằng đây là một vụ do Trung Quốc tiến hành”.

Về vấn đề này, giáo sư Motohiro Tshichiya, một chuyên gia về thông tin chính trị, nhận xét: “Các cuộc tấn công mạng gần đây từ Trung Quốc nhằm vào các thông tin mật đang ngày càng ra tăng và Mỹ cũng đã cảnh báo về vấn đề này. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện để các công ty bị tấn công được nói ra sự thật về các cuộc tấn công và chia sẻ kinh nghiệm sao cho việc bảo mật thông tin được tốt nhất”.

Người phát ngôn Hồng Lỗi cho biết, nghi vấn này của Nhật Bản khiến việc hợp tác quốc tế về an ninh mạng sẽ trở nên khó khăn hơn

Trung Quốc đã giận giữ phủ nhận mọi liên quan của mình đối với nghi vấn này. “Chính phủ Trung Quốc kịch liệt phản đối các hành động tấn công mạng. Luật pháp nghiêm cấm điều này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi khẳng định:

“Trung Quốc cũng là một trong những nạn nhân của nạn tấn công này… Trung Quốc bị chỉ trích là nguồn gốc của những cuộc tấn công như vậy là vô căn cứ, điều này cũng không có lợi cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh mạng”.

Hãng tin Kyodo cho biết một số website của chính phủ Nhật Bản cũng bị tấn công hồi cuối tuần trước, và cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết thêm gần đây xuất hiện một thông điệp kêu gọi tin tặc tấn công website kỷ niệm lần thứ 80 sự cố Mukden, nhắc nhở đến vụ nổ tạo cớ để Nhật Bản xâm lược Trung Quốc hồi Thế chiến thứ 2.

—0O0—

0 comments:

Powered By Blogger