Tháng 8/2011 kinh tế Mỹ không tạo thêm công việc làm cho người dân. Tổng thống Obama chuẩn bị công bố kế hoạch mới để giải quyết thất nghiệp. Đảng Cộng Hòa đối lập cũng sẽ đề xuất một « lộ trình » để cải thiện thị trường lao động của Hoa Kỳ. Các ứng cử viên tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới chỉ còn 14 tháng để thuyết phục cử tri.
« Tôi sẽ đưa ra những đề nghị để tạo công việc làm cho nước Mỹ trên sự đồng thuận của hai đảng, vì tôi tin rằng hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa có thể cùng chung sức để giải quyết thất nghiệp trước tình hình khẩn cấp hiện nay, trước những khó khăn chồng chất của biết bao nhiêu người. Hai đảng phái chính trị cần hợp tác với nhau»
Phát biểu trên đây của tổng thống Barack Obama nhân ngày lễ Lao động 05/09 tại Detroit vừa được coi như một lời kêu gọi đối lập cùng hợp tác với Nhà Trắng trên một vấn đề cần được giải quyết cấp bách, vừa được xem như một thách thức đối với đảng Cộng Hòa trước khi ông Obama chính thức lao vào cuộc vận động tranh cử cho một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Phát súng thứ nhì trong cùng một tuần lễ của ông Obama trên hồ sơ việc làm rất được chờ đợi là kế hoạch được công bố vào ngày 08/09/11 tại Quốc hội để đảo ngược tình huống trên thị trường lao động Mỹ.
Toàn cảnh không mấy sáng sủa
14 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, uy tín của chủ nhân Nhà Trắng đã xuống đến mức thấp nhất kể từ khi ông lên cầm quyền trong bối cảnh kinh tế hàng đầu thế giới không tạo ra được thêm một công việc nào cho người dân trong tháng 8 vừa qua. 14 triệu người Mỹ không có việc làm và 6 triệu trong số đó đã mất việc từ hơn 6 tháng nay.
Ngày 02/09/11, bộ Lao động Mỹ công bố thống kê về tình trạng thất nghiệp. Vào lúc các chuyên gia chờ đợi kinh tế Hoa Kỳ tạo thêm 70 000 việc làm trong tháng 8 thì các con số chính thức đã đưa tất cả trở về với thực tế :
- Khu vực kinh tế tư nhân trong tháng 8 đã tạo thêm được 17 000 việc làm, thấp chỉ bằng 1/6 so với con số hằng mong đợi. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu công cộng đã buộc khu vực nhà nước đã phải dẹp bỏ 17 000 chỗ làm trong cùng một tháng.
- Nhìn riêng từng khu vực : ngành công nghiệp và xây dựng đã giải thế 8 000 chỗ làm. 7 800 nhân viên trong lĩnh vực phân phối bị mất việc. Điểm son duy nhất là khu vực dịch vụ đã tạo thêm được khoảng 20 000 việc làm.
Một tin xấu nữa là bộ Lao động Mỹ đã phải hạ thống kê về tình trạng nhân dụng trong hai tháng 6 và 7/2011 : Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua kinh tế Hoa Kỳ chỉ tạo được thêm công 20 000 và 85 000 việc làm chứ không phải là 46 000 và 117 000 như đã loan báo trước đây.
Đành rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn "ổn định" ở mức 9,1% - trước khủng hoảng 2008, con số này là 5 %- nhưng tỷ lệ chính thức đó thấp hơn nhiều so với thực tế. Nếu cơ quan thống kê tính luôn cả tỷ lệ những người vì đã quá chán nản không tiếp tục ghi tên tìm việc làm, và những thành phần lao động bán thời gian thì chỉ số nói trên sẽ nhảy vọt lên thành 16,2 %.
Tất cả những con số trên đây càng củng cố thêm kịch bản kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà suy yếu. Washington vừa giảm dự phóng tăng trưởng cho năm 2011đang từ 2,6 % xuống còn 1,7 %.
Theo lời một chuyên gia tài chính của cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro, Standard & Poors vào mùa xuân năm nay, sắc xuất để kinh tế Mỹ « đụng đáy hai lần » chỉ là 25 %, bước sang hè, trong mắt SP con số nói trên được nâng lên thành 35 %
Trong bối cảnh đó đương nhiên hồ sơ kinh tế và thất nghiệp hơn bao giờ hết đang trở thành trọng tâm hàng đầu của chính quyền Obama, đặc biệt là vào lúc chủ nhân Nhà Trắng đang chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Có lẽ vì ý thức được điều này nên Nhà Trắng vừa mời chuyên gia kinh tế đặc trách về lao động là giáo sư Alan Krueger giảng dậy tại đại học Princeton điều hành Ủy ban cố vấn kinh tế của phủ tổng thống.
Thực trạng về tình hình lao động ở Mỹ ra sao và tại sáo các biện pháp chấn chỉnh kinh tế và tạo công việc làm cho người dân của chính quyền Obama không hoặc chưa đem lại những kết quả mong muốn ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ lần lượt trả lời các câu hỏi trên.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trong Tháng Tám, kinh tế Mỹ không tạo thêm việc làm mới dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn treo trên mức quá cao từ 72 hai năm nay là hơn 9% dân số lao động. Mà khái niệm gọi là "dân số lao động" ấy thật ra cũng co giãn căn cứ trên các tiêu chuẩn chủ quan, như là đang ở vào tuối lao động từ 20 đến 64, và muốn kiếm việc làm mà nếu tìm không ra thì coi như thất nghiệp. Thật ra, nhiều người nản chí không đi kiếm việc và chẳng muốn khai báo nữa nên tỷ lệ thất nghiệp thực sự có thể còn cao hơn thế.
RFI: Nhưng vì sao cả nền kinh tế ấy lại không tạo thêm được việc làm mới trong suốt một tháng khi đã có 14 hay 15 triệu người thất nghiệp?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Số khảo sát của bộ Lao động là tổng hợp của nhiều khía cạnh. Thí dụ như khu vực tư nhân có tạo thêm 17 ngàn việc nhưng chỉ bằng số người mất việc trong khu vực nhà nước. Ngành dịch vụ tạo thêm 20 ngàn việc thì hai ngành chế biến và xây dựng mất ba ngàn và năm ngàn việc. Một thống kê thuộc loại "ủy số" để đo lường tình hình thật, là số giờ làm và lương giờ, cho thấy mọi thứ đều giảm, từ việc làm đến lợi tức mà đấy chưa là chi tiết u ám nhất.
Trên lý thuyết, mỗi tháng nước Mỹ phải tạo thêm ít ra là 125.000 công việc cho lớp người đến tuổi bước vào thị trường lao động thì mới giữ được thất nghiệp ở mức cũ. Con số ấy đặt giả thuyết là nhiều người cao niên cũng ra khỏi thị trường lao động khi về hưu. Sự thật thì thế hệ sinh sau Thế chiến II, từ 1946 đến 1964, lại có tuổi thọ kéo dài hơn và vẫn còn năng động dù đã trên 64 tuổi cho nên kinh tế phải tạo thêm không phải là 125 mà có thể từ 150 đến 160 ngàn việc mỗi tháng thì mới giữ nổi thất nghiệp ở mức cũ.
Thứ hai, nếu nhìn trong dài hạn thay vì chỉ theo dõi thống kê hàng tháng, ta thấy là dân số lao động tại Mỹ đã tăng thêm 30 triệu người trong 10 năm qua mà số việc làm trong khu vực dân sự vẫn nguyên như cũ. Vì vậy khi kinh tế bị suy trầm vào cuối năm 2007 rồi khủng hoảng tài chính giữa năm 2008 kéo theo khủng hoảng chính trị trong gần ba năm qua, việc hồi phục sản xuất bị đẩy lui và bộ máy sản xuất không kịp tạo thêm việc làm cho lượng người đó.
Muốn kinh tế tăng trưởng cỡ 1,7% như chính quyền Mỹ vừa dự báo thì phải có phép lạ, dù số 1,7% này còn quá thấp. Trong suốt năm tới, thất nghiệp tại Mỹ vẫn khó sụt dưới 8% là giả thuyết của chính quyền Obama khi chuẩn bị tái tranh cử.
RFI : Tại sao các biện pháp cấp cứu và tạo thêm việc làm lại vô hiệu hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Đa số công việc làm mới tại Hoa Kỳ là từ các doanh nghiệp mới; 90% công việc mới là từ các doanh nghiệp nhỏ; 75% là từ các công ty có dưới 20 nhân viên. Nếu các nhà đầu tư loại cò con mở ra các cơ sở này thì họ sẽ tuyển thêm người. Nhưng Mỹ bị khủng hoảng chính trị khi Chính quyền Obama không ưu tiên giải quyết chuyện đó mà tăng chi cả ngàn tỷ để cải tạo xã hội với kế hoạch y tế hay cải thiện môi trường xanh trong khi lại đưa ra luật lệ kiểm soát thị trường nghiêm ngặt hơn và gây thêm tốn kém cho các doanh nghiệp cò con. Trung bình thì cứ một nhân viên lo về sản xuất lại phải có 1,7 người rà soát xem doanh nghiệp có phạm luật hay không!
Khẩu hiệu đấu tranh giai cấp và gọt đầu bọn tài phiệt tỷ phú có tiền là trò hấp dẫn về chính trị mà vô hiệu về kinh tế, với kết quả là chính trường tiếp tục cấu kết với các đại gia tài phiệt ở Wall Street trong khi tiểu thương phá sản và chẳng ai dám bỏ tiền ra đầu tư nữa vì sợ bị phạt.
RFI : Dư luận đánh giá thế nào về thành tích kinh tế của Tổng thống Obama và sáng kiến về việc làm mà ông sẽ thông báo trước hai viện Quốc hội vào ngày 08/09/2011 có triển vọng thay đổi gì không?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Theo cuộc khảo sát mới nhất của hệ thống CNN, 65% dân Mỹ thất vọng về cách Tổng thống Obama giải quyết hồ sơ kinh tế. Theo kinh nghiệm từ sau Thế chiến II, vào năm tranh cử mà thất nghiệp ở trên 7% thì Tổng thống đương nhiệm thất cử! Cách ông Obama chuẩn bị kế hoạch nhân dụng sẽ công bố trước Lưỡng viện Quốc hội là một sự thất vọng khác.
Sau chín ngày nghỉ hè ở nơi đắt tiền, ông Barack Obama chọn ngày tranh luận bên đảng Cộng Hoà được thông báo từ Tháng Ba làm ngày triệu tập Quốc hội để nghe ông ban bố một kế hoạch khẩn cấp! Bị đẩy lui một ngày vào Thứ Năm 08/09/11 ông ra tranh cử với khẩu hiệu đầy hùng biện mà thiếu thực chất. Động lực của ông Obama trong ngày lễ Lao động 05/09/11 là o bế các nghiệp đoàn trong khi ông không thấy là chính các nghiệp đoàn mới bảo vệ đặc quyền và cản trở doanh nghiệp tạo thêm việc làm! Thực tế thì trong ngành chế biến, doanh nghiệp nào có công nhân được đoàn ngũ hoá thì bị thất nghiệp nặng nhất!
Về tương lai, người ta chờ đợi ông Obama thông báo sẽ tạo thêm việc làm nhờ đầu tư vào khu vực xây dựng hạ tầng, thậm chí lập ra ngân hàng phát triển hạ tầng để tài trợ dự án cầu đường. Kế hoạch ấy được áp dụng trong dự án kích thích trị giá 800 tỷ đô la vào đầu năm 2009 mà chưa có kết quả trông đợi dù "công nhân đã cuốc sẻng sẵn sàng" như ông thông báo.
Bây giờ với mức bội chi kỷ lục thì khó nói đến một kế hoạch kích thích tốn kém nữa. Việc tạo thêm việc làm trong khu vực gọi là "môi trường xanh" cũng thế. Chỉ còn giải pháp là sẽ lại giảm thuế lương bổng và miễn thuế cho thành phần trung lưu để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn. Thực tế thì ông ta cần khôi phục niềm tin đã quá suy sụp của thị trường và giới tiêu thụ.
RFI : ĐảngCộng Hoà đề nghị những gì và có cách nào dung hòa quan điểm giữa hai đảng sau sáu tháng tranh luận mà không kết quả về việc giảm chi để quân bình ngân sách không. Quân bình ngân sách và thất nghiệp, cái nào là ưu tiên?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Bên đảng Cộng Hoà thì vẫn đòi giảm thuế cho doanh trường và cụ thể là vĩnh viễn duy trì hai đạo luật cắt thuế năm 2001 và 2003 thời ông Bush, đồng thời thu hồi hai đạo luật kiểm soát thị trường là Sarbane-Oxley năm 2002 và Dodd-Frank năm 2010 để gây lại niềm tin trong doanh trường. Lý luận bên Cộng Hoà là tư nhân chứ không phải nhà nước mới tạo ra việc làm và kinh tế phải tăng trưởng sản xuất thì mới giảm thất nghiệp và đem lại nguồn thu thuế khoá hầu có thể quân bình ngân sách. Đây là một cuộc tranh luận lớn về triết lý chính trị giữa hai đảng. Vì thế tôi thiển nghĩ ách tắc sẽ còn kéo dài trong nạn thất nghiệp cao và cử tri sẽ phân xử vào tháng 11/2012.
Mà vấn đề còn sâu xa hơn vậy vì phải năm sáu năm nữa thì kinh tế Mỹ mới hy vọng thấy lại tỷ lệ thất nghiệp gọi là tốt đẹp là 5%. Sau cuộc bầu cử năm tới, dù là Cộng Hoà thắng cử thì Chính quyền phải tạo ra sự thần kỳ thì may ra mới thấy có cải tiến sớm hơn, đây là ta chưa nói đến hiệu ứng suy sụp có thể xuất phát từ Âu Châu trong mấy tháng tới khiến dân Mỹ càng hốt hoảng nữa.
Kinh tế chắc chắn là trọng tâm của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới. Các kế hoạch đẩy lui thất nghiệp mà hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ trình bày với dân chúng trong những ngày tới là tiền đề cho một mùa tranh cử tổng thống sắp mở ra với hai quan điểm trái ngược nhau để giải quyết cùng một vấn đè và để đạt được cùng một mục đích : đem lại tăng trưởng cho nước Mỹ và công việc làm cho người dân tại một quốc gia mà 70 % tăng trưởng tùy thuộc vào sức mua của các hộ gia đình.
0 comments:
Post a Comment