“Tôi thi hành đầy đủ án ba năm không thiếu một ngày.” (1)
Những ai từng trải qua nhà tù cộng sản mới hiểu hết được câu nói này. Đôi khi ở tù người ta không sợ khổ, không sợ chết trong tù nhưng sợ ra tù sớm. Nghe có vẻ bất hợp lý song đó là dấu chỉ của tinh thần chấp nhận chiến đấu đến cùng – chấp nhận tử thủ! Một khi trong tay không một tấc sắt, vũ khí đấu tranh chỉ là trái tim mình thì người chiến sỹ dân chủ hôm nay sẽ hiến dâng cho đất nước bằng những năm tháng tự do đời người. Ngày anh vào tù là khoảng thời gian ai đó sắp ra tù, ngày anh ra tù là thời điểm để ai đó chuẩn bị đi tù. Kể như vậy không có nghĩa là dân Việt rất muốn ở tù, song để nói lên rằng dòng máu bất khuất của dân tộc đang chảy trong anh và luân lưu cùng hàng triệu trái tim khinh binh dân chủ Việt khác. Chúc mừng anh Vũ Hùng đã “chung đủ” vì khát vọng tự do cho nhân dân. Năm tháng tù đày của những người ái quốc đã để lại nhiều vết cháy bỏng trong tâm thức Việt. Nhiều người trong chúng ta biết rõ điều này, tại sao ai kia không chịu hiểu…
Thực ra khi đi làm cách mạng dân chủ, chẳng ai muốn ở tù cả, ngay trong mơ cũng chẳng ai thèm mơ giấc mơ ấy. Song không có những người như anh, không có nhưng người đi trước anh thì khó thấy được những người đi tiếp theo anh. Ám ảnh tù đày chẳng dễ chịu, đến nỗi trong số những người đi trước anh, có người nói đó là ngày ra trận. Bởi trong lịch sử đất nước có những thời điểm – người đi làm cách mạng dân chủ – không tính được ngày trở về… Biết làm sao được, chỉ có chúng ta mới cứu được chúng mình. Dân chủ Việt chân chính khó có thể có từ các đàm phán chính trị mà phải trả giá từ những đấu tranh xã hội. Đa phần anh chị em chúng ta là những người không bối cảnh, không quyền không thế; xoay tới xoay lui chẳng dựa được đâu. Áp sát bàn tay vào trái tim mình mà chúng ta bật đứng dậy bảo vệ sự tôn nghiêm của Tổ Quốc, khẳng định chủ quyền đất biển cùng ngoại bang phương bắc. Để khẳng định thực lực, anh chị em chúng ta tự lực cánh sinh đương đầu muôn khốn khó. Anh Vũ Hùng nói rất đúng: “dù cuộc sống chẳng dễ dàng và vinh quang cũng không dễ dãi, nhưng có tâm với dân với nước sẽ đi được xa thôi” (2). Vì Tổ Quốc Việt ngàn năm, có những con người lặng lẽ dấn thân cho công cuộc dân chủ hóa nước nhà. Họ chẳng màng lợi danh, nén lại niềm thương vợ nhớ con mà đứng ra chung tay việc nghĩa. Được/mất chẳng là gì trước tương lai Dân tộc, sang/hèn có đáng bao cùng thực trạng Nhân dân khốn khó. Bởi giá trị dân chủ cần gắn liền với đối tượng thụ hưởng là nhân dân, vì dân là gốc của nước. Trong lịch sử nhân loại, những cuộc cách mạng xã hội thực sự tiến bộ đều lấy quyền lợi của nhân dân làm cứu cánh.
Những Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Quốc Hiền, Phạm Bá Hải, Hồ thị Bích Khương, Tạ Phong Tần… và rất rất nhiều những con người bình dị khác có những năm tháng tù đày như anh đã làm thức tỉnh được lương tâm dân tộc. Niềm tin hôm nay về một Việt Nam không thể bị diệt vong được khẳng định từ những dấn thân mỗi ngày của lực lượng dân chủ Việt – chớ không phải qua bạo quyền chế độ. Con đường đấu tranh dân chủ bất bạo động là vô cùng gian khó; ở đây không hề có cảnh: phát cho mỗi người một cây súng, rồi hô xung phong – cứ vậy a tầm phù nhào lên, bắn ra vài phát là có dân chủ! Độc tài được triệt tiêu từ sự vận động toàn dân phát huy quyền làm chủ, bạo quyền không thể xóa bỏ bằng chủ trương bạo động. Quy luật của kẻ mạnh chỉ đúng trong nhất thời và luôn ẩn chứa mầm mống tội ác. Quá khứ và tương lai đất nước đang thổn thức và hội ngộ cùng những người yêu dân chủ. Hơn ai hết, những cựu tù chính trị rất thấm thía về thân phận đói nghèo của đồng bào mình. Đây là động lực thúc đẩy họ dấn thân; chẳng có tiền bạc hay “thế lực thù địch” nào thay thế được.
Người viết bài này không biết làm thơ, bởi đối với hắn thì làm thơ thực sự rất khó. Khó đến nỗi, hắn chấp nhận đứng giữa trời 3 ngày trưa nắng, để rồi… thất vọng đi về chẳng rặn ra được nửa câu gọi là thơ. Đôi khi đêm xuống hắn lén viết ra những dòng chữ, tạm đọc thấy giống như vè đành đem đốt tuốt. Tới nay hơn nửa đời người hắn chỉ mới làm thơ 2 lần. Một lần tặng cho người con gái hắn cưới về làm vợ, lần thứ hai cho thư vĩnh quyết để ngày mai ra trận và lần thứ 3, hắn làm để tặng các anh chị:
Sóng biển Đông vỗ về đất mẹ,
Réo đoàn người lặng lẽ lên đường.
Gieo muôn phương niềm tin thế hệ,
Đón mặt trời thoát bóng chiêm bao.
Bangkok, ngày 20/09/2011
© Nguyễn Việt
0 comments:
Post a Comment