Monday, September 19, 2011

Nhiều nước châu Âu bắt đầu muốn buông xuôi việc cứu nợ cho Hy Lạp

Ngày cảng có nhiều cửa hàng tại trung tâm thủ đô Athènes đóng cửa, treo bảng "cho thuê". Ảnh chụp ngày 19/9/11.
Ngày cảng có nhiều cửa hàng tại trung tâm thủ đô Athènes đóng cửa, treo bảng "cho thuê". Ảnh chụp ngày 19/9/11.
Reuters

Anh Vũ

Cuộc giải cứu Hy Lạp vẫn nhùng nhằng trong bế tắc và bất đồng của Liên hiệp châu Âu. Nhật báo Libération hôm nay 19/9 đã nhận thấy ngày càng có nhiều đảng cánh hữu trong Liên hiệp châu Âu đang muốn buông xuôi để mặc cho Hy Lạp phá sản.

Theo Libération thì một lần nữa, số phận của Hy Lạp lại đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Trong kế hoạch 110 tỷ đã được Liên hiệp châu Âu thông qua từ hồi tháng 5/2010 để cứu Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, thì 8 tỷ euro cho đợt thứ sáu sẽ không được giải ngân vào tháng 9 tới. Chủ tịch nhóm nước dùng đồng euro Jean Claude Junker đã tuyên bố như vậy trong cuộc họp các bộ trưởng Tài chính của Liên hiệp châu Âu vừa kết thức hôm qua tại Wroclaw, Ba Lan.

Con đường giải cứu Hy Lạp của Liên hiệp châu Âu vẫn còn rất dài với mục tiêu tránh tối đa đẩy Hy Lạp vào phá sản. Tuy nhiên một bộ phận cánh hữu ở châu Âu, hiện đang cầm quyền ở 14 trong tổng số 17 nước khu vực dùng đồng euro, bắt đầu có ý nghĩ cho rằng cứ để mặc cho Hy Lạp bị phá sản còn hơn là đổ tiền vào cái thùng không đáy. Các đảng cánh hữu ở nhiều nước còn đe dọa sẽ bỏ phiếu không thông qua kế hoạch cứu trợ Hy Lạp lần thứ hai, như trường hợp của chính phủ Slovakia. Nước này cũng đã từ chối tham gia vào kế hoạch giải cứu Hy Lạp lần thứ nhất. Tại Đức nhiều đảng phái khác nhau cũng lên tiếng cho biết không muốn tiếp tục cứu vớt Hy Lạp. Theo Libération, hôm qua, Phó thủ tướng và Ngoại trưởng Áo cũng bày tỏ qua điểm để cho Hy Lạp phá sản. Thậm chí, Hà Lan còn nghĩ tới việc trục xuất Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro.

Vì sao ngày càng có nhiều nước trong Liên hiệp châu Âu thấy nản với những cố gắng cứu vãn thành viên Hy Lạp? Đơn giản là bởi vì dư luận ở những nước đó ngày càng cảm thấy phi lý khi mà cứ phải đứng ra gánh đỡ cho một đất nước, trong lúc dường như đất nước đó lại chẳng làm gì, cứ để nền kinh tế của mình ngày càng tồi tệ thêm.

Một điển hình của việc thay đổi thái độ với công cuộc giải cứu Hy Lạp này là dư luận Pháp, nước từ đầu đến giờ vẫn rất năng nổ tìm giải pháp cho Hy Lạp. Libération cho biết, theo thăm dò dư luận của viện Ifop thì tháng 12 năm ngoái có 69% dân Pháp ủng hộ trợ giúp Hy Lạp, thì nay 68% người dân Pháp lại phản đối việc làm trên. 87% người được hỏi đều cho rằng Hy Lạp sẽ chẳng bao giờ trả được các khoản tiền trợ giúp của các nước.

Trong khi đó thì lúc này Hy Lạp đang ở trong tình thế bị dồn sát chân tường. Lối thoát duy nhất cho chính phủ Hy Lạp lúc này là phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, cải tổ lại nền kinh tế, nhưng người dân cũng như phe đối lập thì vẫn khăng khăng từ chối mọi biện pháp cải cách của chính phủ.

Cũng vẫn cùng chủ đề cứu nợ cho HyLạp, nhật báo kinh tế Les Echos cũng nhận thấy các nước châu Âu vẫn tiếp tục bị chia rẽ, chưa thể tìm được tiếng nói thống nhất. Báo Les Echos trở lại với cuộc họp các bộ trưởng Tài chính các nước trong Liên hiệp châu Âu hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy vừa rồi tại Ba Lan, có cả sự tham gia của Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner. Cộc họp này cũng không đi được đến một giải pháp cụ thể nào cho cuộc khủng hoảng. Theo Les Echos thì tuần này cuộc đối thoại giữa Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ trên hồ sơ này sẽ tiếp tục tại phiên họp toàn thể của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Nhưng dù gì đi nữa thì tương lai của cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu chủ yếu sẽ phải được quyết định cũng trong tuần này tại chính Hy Lạp.

Cựu Tổng giám đốc FMI Dominique Strauss-Kahn lên tiếng về vụ bê bối tình dục

Kể từ khi vướng vào vụ bê bối tình dục bên Mỹ hôm 14/5, sau 4 tháng giữ im lặng hoàn toàn, hôm qua ông Dominique Strauss Kahn đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1. Hàng triệu khán giả truyền hình Pháp đã theo dõi buổi phỏng vấn hy vọng được nghe chính ông Dominique Strauss Kahn giãi bày về vụ việc mà trong đó ông là nhân vật chính. Vì thế không có gì ngạc nhiên sáng nay hầu hết các báo Pháp đưa lên trang nhất đề tài DSK.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 25 phút đồng hồ, được giới quan sát là có tính toán cân nhắc từng ly từng tí, ông Dominique Strauss Kahn một lần nữa tuyên bố mình vô tội như đã được tư pháp Mỹ khẳng định. Tuy nhiên ông cũng tỏ ra « hối tiếc » những gì đã làm để xảy ra vụ việc ở khách sạn Sofitel tại New York. Cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói ông thấy hối tiếc vì vụ bê bối này khiến ông lỡ mất cơ hội tranh cử tổng thống Pháp, nhưng bác bỏ cáo buộc đã sử dụng vũ lực hay ép buộc trong quan hệ với nữ nhân viên làm phòng của khách sạn Sofitel. Ông Strauss Kahn có lý giải rằng quan hệ đó là không « đứng đắn » và thừa nhận ông « có lỗi với vợ con, bạn bè… ».

Dường như chỉ chờ có vậy, hầu hết các báo đều trích ngay phát ngôn của ông làm tựa. Le Figaro chạy tựa «DSK thừa nhận « lỗi đạo đức ». Tờ France Soir thì bồi thêm « Những hối tiếc của DSK ». Nhật báo Le Parisien thì chạy tựa « Lời sám hối kỳ khôi ». Báo Libération trích ra một phát ngôn khác của DSK để chạy trên trang đầu « Bẫy ư ? Có thể chứ ». Theo Libération thì « trước tiên chính DSK đã tự giăng ra cái bẫy cho mình (…) ». Tờ báo kết luận, với cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối qua người ta có cảm giác ông đang muốn khép lại sự vụ chuyển sang một trang mới. Tuy nhiên về tương lai chính trị của mình như ông đã cho biết hiện vẫn bỏ lửng.

Ukraina đã mất thế mạnh để gây sức ép với Nga trong cuộc chiến khí đốt

Báo Le Monde có bài về cuộc đối đầu giữa Ukraina và Nga trên vấn đề khí đốt với tựa đề : «Kiev phải cam chịu nhượng bộ trong cuộc chiến khí đốt với Matxcơva ».

Theo Le Monde thì cuộc chiến cân não giữa Ukraina và Nga trên hồ sơ khí đốt có thể đã chấm dứt. Từ nhiều tháng qua, quan hệ giữa hai nước láng giềng thuộc khối Xô Viết cũ này rất căng thẳng trên vấn đề giá khí đốt. Kiev thì nhất mực đòi Nga phải hạ giá bán khí đốt cho Ukraina bằng cái giá « hữu nghị » là khoảng 200 euro thay vì 289 euro cho 1.000 m3 khí đốt như hiện nay. Lý do là vì Ukraina là nước trung chuyển đường ống dẫn khí đốt của Nga bán sang Tây Âu.

Nhưng Ukraina đang dần mất cái thế để ép Nga. Hôm 16/9 vừa qua Kiev đã phải lùi bước để cho Matxcơva nắm giữ quyền kiểm soát một phần trong hệ thống dẫn khí trong tổ hợp quản lý ba bên gồm Nga, Ukraina và Liên hiệp châu Âu. Mục đích lớn trong nhượng bộ của Kiev là tiến tới hủy bỏ hợp đồng mua khí đốt của Nga, ký năm 2009 giữa bà cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko và Thủ tướng Nga Vladimir Poutin. Đây cũng là lý do mà người đẹp của cuộc Cách mạng Cam Timochenko bị đưa ra tòa. Một mặt, Kiev muốn việc kết án cựu Thủ tướng Timochenko là cách hợp lý hóa việc hủy bỏ hợp đồng mua khí đốt của Nga, bị xem là quá bất lợi cho Ukraina, đồng thời Tổng thống Viktor Ianoukovich lại thanh toán luôn đối thủ chính trị của mình.

Nền công nghiệp Ukraina vẫn rất cần đến khí đốt của Nga nhưng Kiev lại muốn được hưởng một cái giá « hữu nghị ». Trong khi đó thì chẳng bao lâu nữa Ukraina sẽ không còn là nước trung chuyển chính khí đốt của Nga, một thế mạnh của Kiev trong thương thảo hợp đồng mua khí đốt từ Nga. Hôm 7/9 vừa rồi, Nga đã khánh thành đường ống Nord Stream đưa khí đốt đến Đức không qua Ukraina. Hôm 16/ 9 đến lượt một loạt tập đoàn năng lượng của Tây Âu đã ký với tập đoàn Nga Gazprom dự án ống dẫn khí South Stream qua Biển Đen. Khi hoàn thành các dự án này vào năm 2015, Ukraina sẽ mất hết các ưu thế là nước có đường ống dẫn khí đi qua để làm căng với Nga như trước đây.

Tập đoàn Siemens từ bỏ năng lượng hạt nhân

Một thông tin được nhiều báo quan tâm, đó là tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức Siemens hôm qua tuyên bố từ bỏ dần các hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân. Trang kinh tế báo Le Figaro cho biết Siemens đã quyết định không tham gia xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới cùng với đối tác là tập đoàn Nga Rosatom. Theo tờ báo, kể từ sau tai họa hạt nhân Fukushima và nhất là khi Berlin quyết định từ nay đến năm 2020 sẽ đóng cửa 17 nhà máy điện hạt nhân, thì Siemens nhận thấy hạt nhân là một lĩnh vực sẽ không có lối thoát và quyết định tham gia chiến lược năng lượng của chính phủ, tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Thực ra theo Le Figaro thì khai thác năng lượng hạt nhân không phải là lĩnh vực mang lại nhiều hiệu quả cho Siemens. Trong khi đó, Les Echos cũng cho biết, việc Berlin tuyên bố từ rút dần ra khỏi năng lượng hạt nhân, ngay từ bây giờ đã bắt đầu gây khó khăn cho các nhà khai thác lớn ở Đức. E.On và RWE, hai công ty khai thác năng lượng hạt nhân đang làm ăn có lãi thì nay bỗng dưng phải thông báo kế hoạch tiết kiệm và sa thải bớt nhân công. Trong vài tháng tới giá năng lượng ở Đức cũng sẽ tăng 10% vì phải nhập khẩu điện.

Bảo tàng mì ăn liền ở Nhật

Trên mục câu chuyện trong ngày trên báo Le Figaro có bài viết về món mì ăn liền được tôn vinh ở Nhật. Ở Nhật, món mì ăn liền đã trở thành một phần trong văn hóa của xứ phù tang. Chính vì thế không có gì lạ khi có một bảo tàng dành cho sản phẩm ăn uống này của người Nhật. Tập đoàn thực phẩm của Nhật Nissin Foods vừa mới mở viện bảo tàng về mì ăn liền, rộng 10.000 mét vuông tại Yokohama, gần Tokyo. Tại viện bảo tàng này người ta không chỉ trưng bày các sản phẩm về mì ăn liền mà còn cho phép khách tham quan trực tiếp sản xuất, chế biến mình món mì ăn liền cho riêng mình theo hương vị mình thích sở thích của mỗi người.

Người sáng tạo ra món mì ăn liền chính là Momofuku Ando cách đây hơn nửa thế kỷ. Sau chiến tranh, nước Nhật còn nghèo, khi nhìn thấy cảnh đoàn người dài xếp hàng khổ sở mới mua được bát mì nấu ở ngoài cửa hàng, ông Ando đã nảy ra ý tưởng làm ra món ăn nhanh rất hiệu qủa này. Ý tưởng của ông sau đó đã mau chóng được phổ biến, sao chép rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Trong năm 2010, đã có 95 tỉ gói hoặc bát mì ăn liền được bán ra trên thế giới. Ông chủ của tập đoàn Nissin ngày nay cũng chính là cháu nội của người phát minh ra mì ăn liền. Ngay ngày mở cửa đầu tiên hôm thứ Bảy vừa qua đã có hàng trăm khách đến thăm và thưởng thức mì ăn liền ở bảo tàng Yokohama.

0 comments:

Powered By Blogger