AFP photo
Một trạm bán xăng ở Hà Nội niêm yết giá mới là 19.300 đồng/lit so với giá cũ là 16.400 đồng/lit trong ngày 24/2/2011
Người dân nghĩ gì?
Cũng từ cuộc tranh cãi trên mà người dân biết được đầu mối dẫn đến nhiều vấn đề thiếu minh bạch trong cơ chế kinh doanh cũng như quản lý doanh nghiệp xăng dầu. Câu hỏi đặt ra là liệu những vấn đề mù mờ về giá xăng dầu có được làm sáng tỏ đến nơi đến chốn?
Có một điều nghịch lý mà hầu hết những người dân khi được hỏi đều cho rằng “không thể tin được”, đó là việc Tổng công ty xăng dầu Petrolimex kêu than bị lỗ suốt từ năm 2006 đến giờ. Những con số từ vài ngàn đến hàng trăm tỷ đồng lỗ lã mỗi năm mà ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo đưa ra một khi đã không thuyết phục được Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thì lại càng củng cố thêm những hồ nghi tồn tại lâu nay trong dư luận người dân.
Anh Hà Trực, một quản lý nhà hàng tại TPHCM, đặt ra một câu hỏi rất đơn giản:
“Em không nghĩ rằng lỗ đâu, mà em nghĩ rằng do một số người đứng đầu người ta báo cáo không đúng sự thật thôi, chứ em không nghĩ là lỗ đâu tại vì một doanh nghiệp mà lỗ hoài thì làm sao trụ được?”
Sau buổi tranh cãi giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương cùng với lãnh đạo của các “đại gia” xăng dầu được công khai đăng tải trên báo chí và truyền hình, nhiều người dân cảm thấy hài lòng và có phần hả hê với những câu hỏi chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Anh Nguyễn Hồng Thắng, một tài xế xe buýt tại Hà Nội, sau khi theo dõi tranh cãi giữa hai Bộ, cho biết:
“Em không nghĩ rằng lỗ đâu, mà em nghĩ rằng do một số người đứng đầu người ta báo cáo không đúng sự thật thôi, chứ em không nghĩ là lỗ đâu tại vì một doanh nghiệp mà lỗ hoài thì làm sao trụ được?”
Anh Hà Trực, TPHCM
“Bên xăng dầu thì cứ kêu lỗ, ông bộ trưởng hỏi lỗ ở chỗ nào thì ông kia không giải trình được. Ông bộ trưởng mới bảo: “Trước khi làm bộ trưởng thì tôi 10 năm làm kiểm toán nên tôi hiểu, lỗ lã như thế nào tôi biết” rồi tuyên bố từ nay đến Tết không tăng giá xăng dầu. Nói chung, anh thấy ông bộ trưởng mới ông ấy dám nói lên nhiều sự thật. Phía người dân thấy rất hài lòng.”
Một điều nghịch lý là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn kêu than lỗ lã và đề nghị tăng giá mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng khi giá xăng dầu thế giới đã bắt đầu giảm từ hồi tháng 6 thì cho đến tận cuối tháng 8, sau rất nhiều phản ánh từ báo chí và người dân, Bộ Tài chính mới có văn bản yêu cầu giảm giá xăng dầu từ 300 – 500 đồng/lit. Cũng giống như nhiều người dân khác, chị Huỳnh Thị Lan, một nông dân ở An Giang, cho rằng việc giảm giá như thế là quá ít.
“Mình nghe thời sự thấy (giá xăng) thế giới cũng sụt mà ở trong nước sụt ít xịt à. Mọi lần là 21.500 đồng/lit, bây giờ là còn 21.000.”
Cũng trong cuộc tranh cãi được coi là “nảy lửa” giữa hai Bộ, khi TGĐ Petrolimex lên tiếng phủ nhận về thông tin doanh nghiệp có lãi trong thời điểm Bộ Tài chính quyết định giảm giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nói rằng “Nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận”.
Sẽ giải quyết tới đâu
Ý kiến một số người dân cho rằng nhà nước “nên” và “phải” chủ động công bố chứ không đợi đến lúc “nếu cần” mới công bố những tiêu cực trong ngành xăng dầu. Những chất vấn của ông bộ trưởng mặc dù được người dân hưởng ứng nhưng cách nói trên cũng như những kinh nghiệm thực tế khiến nhiều người không mấy tin tưởng vào khả năng giải quyết đến nơi đến chốn những tiêu cực trên.
“Anh không tin lắm, tại vì bên này nó không minh bạch như các nước. Tất cả các vấn đề người dân không thể biết gì, chỉ khi nào báo chí nói thì người dân mới biết được. Tôi hài lòng về phát biểu đấy. Nhưng nói chung là niềm tin thôi, cứ tin tưởng thôi chứ còn chưa biết có thực hiện được hay không.”
Chị Trang, chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Lâm Đồng, thì cho rằng có nhiều dấu hiệu siết chặt hơn trong việc xử lý các tiêu cực trong thời gian gần đây, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự việc sẽ được xử lý rốt ráo. Chị nói:
“Chắc là nó cũng lòi ra một số nhưng không hết đâu, thường thường ở bên mình mà, lên đến cấp cao cao cỡ thứ trưởng là cắt rồi chứ đâu để lên tới trên.”
Ngay sau cuộc họp đầy tranh cãi trên, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu đã ký quyết định thành lập tổ kiểm tra giá nhập khẩu tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil và Petimex nhằm rà soát lại các khoản chi phí thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua. Tuy quyết định đã được đưa ra, nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra thiếu tin tưởng vào công tác thanh tra, kiểm tra. Anh Hà Trực không ngại nói thẳng:
“Em sống trong đất nước này quá lâu rồi, em thừa biết rằng tất cả các bộ thanh tra hay là kiểm định nọ kia thì em không tin. Thật sự em không tin, là bởi vì tất cả những cơ quan này họ không đứng độc lập. Họ vẫn phụ thuộc vào một bộ phận quản lý họ thì chắc chắn là họ còn có những cái lắt léo ở trong đó. Chính vì vậy, nếu sắp tới đây mà có thanh tra về xăng dầu thì em nghĩ em chưa tin lắm đâu. Em nghĩ nó còn có một phần nào đó mập mờ, lắt léo, rồi đút lót nữa cho nên em chưa chắc.
Rồi còn bên xăng dầu, em nghĩ rằng ngay cả bản thân họ cũng có cách để báo cáo gian. Em nghĩ rằng tất cả những vấn đề đưa ra ngày hôm nay chẳng qua là mị dân thôi, bởi vì em thấy người dân người ta quá bức xúc. Giống như lúc đầu em nói với chị đó, xăng dầu thì cứ leo thang, mà đã lên rồi thì không xuống. Chị thử hỏi tất cả người dân xem, ngay cả bản thân em cũng vậy, em rất là bức xúc!”
Trong khi đó, anh Hồng Thắng lại tỏ ra kiên nhẫn hơn:
“Kiểm toán anh nghĩ là ở Việt Nam cũng khó thực hiện lắm. Nói thế thôi, chứ nhiều vụ từ trước tới nay rồi, đâu cũng vào đấy cả! Dân kêu thì cứ kêu thôi. Bây giờ xăng dầu thì các công ty nhà nước độc quyền nên cũng khó. Tất nhiên bây giờ dân kêu quá rồi thì Bộ Tài chính mới có ý kiến thế thôi, còn phải chờ xem thế nào.”
“Kiểm toán anh nghĩ là ở Việt Nam cũng khó thực hiện lắm. Nói thế thôi, chứ nhiều vụ từ trước tới nay rồi, đâu cũng vào đấy cả! Dân kêu thì cứ kêu thôi.”
Anh Hồng Thắng, TPHCM
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thì cho rằng nỗ lực của ông Vương Đình Huệ kết hợp sự ủng hộ của công luận có thể sẽ dẫn đến một bước ngoặt trong vấn đề minh bạch giá xăng dầu. Ông nói:
“Tôi đánh giá cao là ông Vương Đình Huệ có nỗ lực đầu tiên vận dụng kinh nghiệm và hiểu biết của mình từ công việc kiểm toán các doanh nghiệp xăng dầu để vận dụng vào việc quản lý giá xăng dầu trong thời gian tới. Còn việc ông Vương Đình Huệ có thành công được hay không thì tôi hy vọng với sự ủng hộ mạnh mẽ của công luận và của quần chúng thì kỳ này có thể hé mở ra khả năng giá xăng dầu sẽ được công khai, minh bạch.”
Nói tóm lại, rất nhiều người dân hiện nay sau khi theo dõi những tranh cãi của hai Bộ cùng với những thong tin vô tình được tiết lộ đã tỏ ra khá bình thản. Nhiều kinh nghiệm thực tế trong quá khứ khiến cho họ không vội vã hy vọng, mà ngược lại, bình tĩnh “đón xem” những chương tiếp theo sẽ diễn ra của câu chuyện rất hay xung quanh việc quản lý và kinh doanh xăng dầu. Liệu niềm tin của họ đối với khả năng giải quyết tiêu cực của nhà nước có được phục hồi hay không? Điều này cần phải được kiểm chứng trong những ngày sắp tới.
0 comments:
Post a Comment