Hôm nay 11/9/2011, tại New York, vào lúc 8 giờ 40 phút (giờ địa phương), tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và người tiền nhiệm Georges Bush, đã tham gia vào nghi thức tưởng niệm hơn 3.000 nạn nhân, tại Ground Zero, nơi tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới – World Trade Center – bị khủng bố tấn công cách đây 10 năm.
Lần đầu tiên, nhân dịp lễ tưởng niệm ngày 11/09, vào lúc 8 giờ 46 phút, toàn bộ các nhà thờ, thánh đường của thành phố cùng gióng lên một hồi chuông vào thời khắc chiếc máy bay bị khủng bố chiếm đoạt đâm vào tòa tháp phía Bắc.
Năm nay, cũng là lần đầu tiên, thời gian im lặng để tưởng niệm sẽ kéo dài trong sáu phút, nghĩa là nhiều hơn hai phút so với mọi năm, vào các thời khắc, 8 giờ 46 phút, 9 giờ 03, 9 giờ 59 và 10 giờ 28, là thời điểm máy bay đâm vào hai tòa tháp ở khu World Trade Center và thời điểm hai tòa nhà sụp đổ. Một điểm khác biệt lớn của lễ tưởng niệm 11/09 năm nay là thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaida Ben Laden, được coi là kẻ chủ trì các vụ tấn công kể trên, đã bị một đội đặc nhiệm của Hoa Kỳ triệt hạ ngày 2/5/2011, tại Pakistan.
Tên của tất cả các nạn nhân ngày 11/9/2001 ở tòa tháp đôi và hai nơi khác là trụ sở bộ Quốc phòng Mỹ và Shanksville (thuộc tiểu bang Pennsylvania) được xướng lên trong lễ tưởng niệm. Cũng trong ngày hôm nay, khu tưởng niệm các nạn nhân của loạt khủng bố 11/09, được khánh thành, sau 5 năm xây dựng, ngay tại địa điểm tòa tháp đôi.
Tổng thống Barack Obama còn tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong hai vụ khủng bố khác tại Shanksville và Lầu Năm góc.
Hôm qua, 10/9/2011, các cựu tổng thống Mỹ, George Bush và Bill Clinton, cùng phó tổng thống đương nhiệm Joe Biden, đã tới Shanksville, nơi 40 hành khách và phi hành đoàn của chiếc United Airlines Flight 93 đã hy sinh để ngăn cản không cho quân khủng bố dùng máy bay tấn công vào nhà Quốc hội Mỹ. Vào dịp này, một bức tường bằng đá hoa cương trắng, khắc tên của những người đã thiệt mạng trong chuyến bay, tại chính nơi máy bay rơi.
Tại thánh đường Saint-Patrick ở New York và trong giải Tennis Hoa Kỳ mở rộng, các nghi lễ trọng thể được tổ chức để tưởng niệm 343 người lính cứu hỏa đã hy sinh ngày 11/9/2001.
Vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 gồm 4 vụ tấn công tự sát cùng một ngày tại Hoa Kỳ mà thủ phạm là các thành viên của tổ chức hồi giáo võ trang Al Qaida.
Vào sáng ngày 11/09/2001, mười chín tay khủng bố đã cướp 4 chiếc máy bay dân sự để đâm vào những tòa nhà biểu tượng của siêu cường số một.
Hai chiếc máy bay bị uy hiếp đâm vào tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới World Trade Center ở New York, chiếc thứ ba nhắm vào Lầu Năm góc, trụ sở của bộ Quốc phòng Mỹ tại Washington.
Tất cả hành khách , phi hành đoàn và thủ phạm cướp máy bay đều tử nạn cùng với hàng ngàn nạn nhân khác khi tòa tháp đôi bị sập xuống hai tiếng đồng hồ sau đó.
Toán không tặc trên chiếc máy bay thứ tư không thực hiện được âm mưu dự kiến mà mục tiêu dường như là đâm vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Trên đường bay về Washington, chiếc thứ 4 rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, bang Pennsylvania sau khi hành khách và nhân viên phi hành chống cự lại không tặc.
Tổng cộng, vụ khủng bố của Al Qaida đã sát hại 2973 nạn nhân , công dân của 90 quốc gia trên thế giới trong số này có 343 lính cứu hỏa thành phố New York.
Con số thiệt hại nhân mạng này không tính 19 thành viên khủng bố.
Trong một cuộn băng video phổ biến vào tháng 10 năm đó, Ben Laden tuyên bố rất vui mừng vì “Thượng đế đã tấn công nước Mỹ”.
Cũng vào tháng này, liên quân Tây phương đã tấn công vào Afghanistan truy lùng sào huyệt Al Qaida và lật đổ chế độ Taliban, đồng minh của khủng bố quốc tế.
Nhiều nước tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân khủng bố 11/09
Từ hôm qua và trong ngày hôm nay, nhiều nghi lễ, họp mặt, hòa nhạc và các hoạt động thiện nguyện đã được tổ chức, không chỉ tại Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại New Zealand, các cầu thủ và khán giả trận Aixơlen gặp Hoa Kỳ trong vòng giải Cúp thế giới bóng bầu dục, đã mặc niệm một phút. Đại sứ Hoa Kỳ tại New Zealand đã vinh danh hai cầu thủ New Zealand đã tham gia vào cuộc nổi dậy chống lại những kẻ khủng bố trong chiếc United 93.
Nhân chuyến công du Canberra, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cùng đồng nhiệm Úc, đã tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại đài Liệt sĩ Canberra. Ông nói, « cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc, mối đe dọa vẫn luôn luôn hiện hữu ».
Ngoại trưởng Pháp cũng nhấn mạnh rằng, sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo đồng minh là cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống lại « hình thức bạo lực man rợ và hoàn toàn không thể chấp nhận được này ». Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith ca ngợi thành công của liên quân tại Afghanistan, đã triệt hạ được một phần lực lượng Al-Qaida, tuy nhiên, ông cũng lo ngại trước việc binh sĩ một số nước được triệt thoái quá vội vã.
Sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 lẽ dĩ nhiên đã để lại dấu ấn sâu đậm nơi các chứng nhân trực tiếp. Từ New York, giáo sư Ngô Thanh Nhàn ghi nhận thái độ bàng hoàng của người dân Mỹ vào lúc ấy, đối lập với tâm trạng tương đối bình tĩnh của ông, một người Việt từng trải qua chiến tranh.
Giáo sư Ngô Thanh Nhàn – New York
0 comments:
Post a Comment