Saturday, September 24, 2011

Miền Nam vỡ đê, người chết, lúa đại nạn

Miền Trung cũng ngập nước

AN GIANG 23-9 (TH) -Lũ hàng năm từ thượng nguồn Mekong đổ về hạ lưu năm nay lên cao nhất kể từ 8 năm qua, gây ngập lụt nhà cửa, đường sá, đồng ruộng cho một vùng rộng lớn của Ðồng Bằng Sông Cửu Long.

Mọi người ở xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc (An Giang) gia cố bảo vệ tuyến đê vừa là tuyến đường biên giới ở ấp Cây Trâm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tin tức hôm Thứ Sáu từ Phòng Nông Nghiệp huyện An Phú tỉnh An Giang được báo Tuổi Trẻ ghi nhận cho hay, 4 người đầu tiên thiệt mạng mùa lũ lụt năm nay ở vùng Ðồng Bằng Cửu Long đã thiệt mạng ở tỉnh An Giang.

Theo nguồn tin, 2 người đã bị lật thuyền khi đánh cá ở gần biên giới với Cam Bốt. Hai người khác tắm sông bị hụt chân chết đuối. Lũ lên nhanh, nhiều vụ sạt lở đã xảy ra ở tỉnh An Giang, đe dọa không những tài sản mà còn cả tính mạng của người dân.

Theo báo Người Lao Ðộng “Tại tỉnh An Giang, trong hơn 20 ngày qua đã xảy ra nhiều vụ lở đất bờ sông, nhiều hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Ngày 21 tháng 9, tại xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, sạt lở kéo dài 70m, sâu vào đất liền 40m.”

Vẫn theo nguồn tin này “Trước đó vào ngày 2 tháng 9 tại ấp Vĩnh Tường, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu cũng xảy ra một vụ sạt lở đất, ảnh hưởng đến 15 căn nhà buộc phải tháo dỡ, di dời khẩn cấp ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8, tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang một diện tích đất khoảng 2,000m2 nằm cặp bờ sông Hậu bất ngờ đổ sụp xuống sông, 36 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm phải khẩn cấp di dời. Từ ngày 9 đến 15 tháng 9, trên địa bàn xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở đất bờ sông Hậu ở nhiều đoạn làm đứt lộ giao thông nông thôn. Lực lượng cứu hộ tại địa phương đã di dời khẩn cấp 21 hộ, hiện còn 38 hộ có nguy cơ bị sạt lở đất tiếp tục, phải di dời. Tại tỉnh Ðồng Tháp, từ đầu tháng 8 đến nay trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã xảy ra gần chục vụ sạt lở ven sông Tiền và dãy cù lao Long Phú Thuận nằm giữa đầu nguồn sông Tiền. Sạt lở đã cuốn trôi hơn 18,000m2 đất ở và đất sản xuất, hoa màu; nhiều căn nhà trôi xuống sông; 40 hộ dân phải di dời khẩn cấp, tổng thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.”

Dân chúng trong khu vực đã được huy động đắp đê chống lũ. Toàn tỉnh An Giang có 130,000 ha lúa vụ ba thì 7,000 ha lúa bị lũ đe dọa.

Theo tờ Tuổi Trẻ, mực nước lúc 7 giờ ngày 22 tháng 9, 2011 trên sông Tiền tại Tân Châu 4.28m, dưới mức báo động 3 là 0.22m; trên sông Hậu tại Châu Ðốc 3.62m, trên mức báo động 2 là 0.12m. Dự báo sẽ vượt mức báo động 3 vào đầu tuần tới.

Vì lũ dâng cao, đường sá nhiều khu vực của hai tỉnh An Giang và Ðồng Tháp bị ngập nước, gây trở ngại di chuyển. Một số nơi học sinh đã phải đi học bằng xuồng. Tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, có 6 trường học bị ngập nước nên học sinh đã phải nghỉ học.

Cũng tại huyện Hồng Ngự, vỡ đê bao đã làm 200 ha lúa vụ 3 mất trắng.

Gần chục năm trước, có năm có hơn 400 người thiệt mạng vì lũ lụt ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long, phần lớn là trẻ em bị cha mẹ bỏ ở nhà để đi bắt cá, kiếm đồ ăn cho gia đình.

Người dân ấp Bưng Ràm, xã Hưng Ðiền B, huyện Tân Hưng (Long An) mò cắt lúa chạy lũ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong khi miền Nam bị nước lũ từ thượng nguồn MeKong tràn xuống, một số tỉnh ở miền Trung cũng đang bị mưa lũ gây nhiều thiệt hại.

Theo báo Tuổi Trẻ, “mưa liên tục trong những ngày qua kết hợp với triều cường đã làm cho mực nước trên các sông Kiến Giang, Nhật Lệ, Lý Hòa và Sông Gianh của tỉnh Quảng Bình dâng cao. Hơn 1,000 nhà dân ở các vùng thấp trũng bị ngập. Tại huyện Lệ Thủy, một số đoạn đường giao thông liên xã bị ngập sâu gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại. Phòng giáo dục đào tạo huyện Lệ Thủy cũng đã yêu cầu các trường học bị ngập lũ cho học sinh nghỉ học”.

Tại thành phố Huế, đêm 21 và sáng 22 tháng 9, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến đường ở thành phố Huế ngập sâu 30-40cm, tuyến quốc lộ 1A cũng bị ngập nước nhiều đoạn. Một số địa phương chưa kịp thu hoạch vụ lúa hè thì vội vàng gặt chạy lũ.

0 comments:

Powered By Blogger