Các nhà môi giới chứng khoán tại ngân hàng Negara Indonesia tại Jakarta, ngày 22/9/11. - Reuters
Tú Anh – RFI
Sau một tuần chao đảo, các sàn giao dịch của châu Á đều xuống điểm nghiêm trọng vào ngày thứ Sáu 23/09/2011 theo chân xu hướng tụt dốc tại Hoa Kỳ và châu Âu. Tình trạng ảm đạm này cho thấy giới đầu tư sẵn sàng nhanh tay rút vốn khi cần thiết và đẩy những quốc gia được xem là có nền kinh tế vững chắc nhất vào suy thoái.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, sàn giao dịch Jakarta rơi gần 11% , Manila -9,4%, Hongkong -9,2%, Singapore -3,2%… Thượng Hải bị sụt 2,78% trong ngày thứ Năm, mất thêm 0,91% ngày thứ Sáu. Nói chung, làn gió khủng hoảng đã bao trùm châu Á và không chừa bất cứ một quốc gia nào, kể cả những nơi từng được xem là có sức tăng trưởng bền bĩ nhất.
Trường hợp cụ thể là Indonesia nơi thu hút những món tiền khổng lồ của giới đầu tư quốc tế từ hai năm nay. Thế nhưng chỉ trong vòng hai tuần, họ đã bán tháo công trái của chính phủ hơn 2 tỷ đôla khiến cho ngân hàng trung ương phải can thiệp để ổn định thị trường. Chỉ số chứng khoán của sàn giao dịch Jakarta, vốn đã tăng gấp 4 lần trong hai năm rưỡi vừa qua, nay đã mất 11% giá trị chỉ trong vòng hai tuần lễ cùng với các thị trường chứng khoán khác tại Á châu.
Vấn đề là tại sao giới đầu tư rút tiền bỏ rơi châu Á và hậu quả sẽ ra sao ?
Theo chuyên gia Russell Napier thì các tay tài phiệt đánh hơi được một món lợi khác. Khủng hoảng nợ tại châu Âu đã tạo ra tình trạng thiếu hụt đôla và tình trạng này sẽ lan ra khắp địa cầu. Giới đầu tư cho rằng đã đến lúc họ phải bán cổ phần ở châu Á để mua đô la hay trái phiếu của Mỹ hoặc của Đức.
Sự chuyển hướng đầu tư, hay đầu cơ này, sẽ gây nhiều tác hại cho Á châu. Cho đến gần đây, các nền kinh tế Á châu sống nhờ thị trường Tây phương còn lo sợ đồng tiền quôc gia quá mạnh gây khó khăn cho việc bán hàng hóa ra nước ngoài. Bây giờ, các nước này đứng trước hai nguy cơ mới là kịch bản đồng tiền mất giá làm tình trạng lạm phát gia tăng thêm .
Chỉ trong vòng ba tuần, đôla Singapore bị mất 8% so với đôla Mỹ. Cùng thời gian, tờ giấy bạc màu xanh có hình Washington tăng 19% so với tiền Brazil , 9% so với đồng won Hàn Quốc và 7,5% so với đồng rupi của Ấn Độ. Kinh tế gia Abheek Barua của ngân hàng HDFC Ấn Độ nhận định giá dầu nhập khẩu vào Ấn sẽ tăng thêm và làm cho giá sinh hoạt cao hơn.
Những khó khăn này của châu Á đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo và đề ra một số biện pháp đối phó. Bản phúc trình của IMF về viễn ảnh kinh tế thế giới công bố hôm 20/09/2011 nhận định là xuất khẩu của Á châu sẽ sụt giảm do hệ quả khủng hoảng tại châu Âu và Hoa Kỳ. Tăng trưởng của Á châu cũng sẽ chậm lại trong năm 2012. Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo các nước trong vùng phải thúc đẩy nhu cầu nội địa để cân bằng tình trạng xuất khẩu trì trệ và phải chống lạm phát.
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế thì trường hợp chao đảo của Indonesia phải làm cho các nước trong vùng suy gẫm. Tuy kinh tế của quần đảo này tùy thuộc rất ít vào xuất khẩu, nhưng rõ ràng là ngọn gió khủng hoảng từ châu Âu, Hoa Kỳ lan ra không chừa một nước nào, kể cả những nước có tiềm năng kinh tế hấp dẫn.
0 comments:
Post a Comment