Những vụ đánh bom liên tiếp trong 3 tuần qua nhắm vào các trụ sở chính quyền ở Trung Quốc, cuộc biểu tình của hàng trăm sinh viên Mông Cổ ở phía bắc Nội Mông, hàng loạt cuộc đụng độ giữa những lao động di cư và cảnh sát ở thành phố Quảng Châu… tất cả đang phản ánh rõ sự giận dữ và bất mãn của dân chúng đối với chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 90 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc vào 1.7 tới đây.


Các vấn đề đất đai, quyền lao động, tham nhũng, lạm phát, giá bất động sản tăng cao, thực phẩm, sức khỏe và các vụ bê bối môi trường chính là nguyên nhân gây ra bất ổn và bạo loạn trong xã hội Trung Quốc. Đặc biệt những chuyện này lại xảy ra ngay tại thời điểm nhạy cảm chính trị: Trung Quốc đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 90 năm thành lập đảng Cộng Sản ngày 1.7 và sự kiện thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao 10 năm một lần vào năm 2012, khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng một số trụ cột của đảng nghỉ hưu.

Các sự cố do bất ổn xã hội thông thường tập trung ở vùng nông thôn, nay lại bắt đầu gia tăng ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Mới đây nhất là các vụ đánh bom hôm thứ sáu 10.6 càng làm cho tình hình bất ổn ở Trung Quốc trở nên tồi tệ và nghiêm trọng hơn. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin một người đàn ông họ Lin đã “trả thù đời: bằng 20 quả bom tự chế, mỗi quả có kích thước cỡ bằng một lon soda và ném bốn quả vào tòa nhà chính phủ ở huyện Hà Tây, thành phố cảng Thiên Tây, cách Bắc Kinh 100km về phía Đông. Các chính quyền địa phương không cung cấp thông tin chi tiết về vụ nổ bom lần này.

Một vụ nổ khác nữa vào ngày thứ năm 9.6 vừa qua ở thị trấn Hoàng Thạch, phía nam tỉnh Hồ Nam nhằm vào trạm cảnh sát cũng bị cho là có động cơ từ tâm lý bất mãn của người dân với nạn tham nhũng của cảnh sát, báo China Daily đưa tin. Tuy vậy, các quan chức chính quyền đã phủ nhận thông tin trên và thông báo đây chỉ là một tai nạn chất nổ bị tịch thu được lưu giữ tại đồn cảnh sát.

Mới trước đó hai tuần, Trung Quốc rúng động bởi vụ ba vụ đánh bom liên tiếp trong cùng ngày 26.5 vào trụ sở chính quyền thành phố Phúc Châu, phía nam tỉnh Giang Tây do ông Qian Mingqi, 52 tuổi, thực hiện và đã chết trong vụ nổ bom đó. Trong một bài viết của ông trên mạng, ông Qian bày tỏ sự thất vọng, bất lực về quyết định di dời một tòa nhà bất hợp pháp trong năm 2002 của chính phủ và đã đưa ra lời đe dọa “Tôi sẽ làm…một việc tôi không hề muốn làm…”

Bên cạnh đó, những vụ bê bối môi trường và căng thẳng sắc tộc gia tăng gần đây luôn là một trong những nỗi bức xúc lớn nhất của toàn xã hội Trung Hoa. Tân Hoa Xã chủ nhật 12.6 cho biết có hơn 600 người, trong đó 103 trẻ em, ở khu vực phía đông tỉnh Chiết Giang, đã bị phát hiện nhiễm độc chì. Những báo cáo về nhiễm độc chì xuất hiện thường xuyên kể từ khi chính phủ nỗ lực mở rộng phát triển công nghiệp trong những năm gần đây.

Căng thẳng sắc tộc phức tạp ở quốc gia này cũng là một ngòi nổ của bạo loạn. Tháng trước, 28.5, hàng trăm sinh viên Mông Cổ đã tiến hành cuộc biểu tình phản đối tại khu vực phía bắc Nội Mông sau khi một tài xế xe tải Trung Quốc cố tình cán chết một người chăn cừu thuộc sắc tộc Nội Mông thiểu số. Ông cùng một số người khác đã cố gắng ngăn chặn đoàn xe chở than chạy qua đồng cỏ.

Nguyên nhân chung của bạo loạn ở bất cứ xã hội nào trên thế giới đều bắt nguồn từ sự bất công và thiếu dân chủ. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận sự cần thiết phải cải cách dân chủ và thay vào đó, luôn kêu gọi những thay đổi trong nội bộ Đảng và nâng cao quản lý xã hội. Nhưng nhìn vào thực tế diễn ra, những sự kiện vừa qua đang minh họa quy mô và sự phức tạp của các vấn đề mà các quan chức chính quyền đang phải đối mặt để dập tắt sự giận dữ ngày một tăng cao của xã hội. Và một điều rõ ràng, chỉ “thay đổi trong nội bộ Đảng” cùng với “nâng cao quản lý xã hội” chắc chắn không phải là giải pháp triệt để cho Trung Quốc trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

http://bocau.net/blog/bocaunews/2030...-gia-tang.html