Thursday, June 16, 2011

"Hiệu ứng Facebook" làm gia tăng căng thẳng Việt –Trung

Tú Anh

Trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục có hành động muốn biến Biển Đông thành ao nhà gây căng thẳng với Việt Nam và Philippines, thì tại Việt Nam, người dân đã sử dụng mạng thông tin xã hội trả đũa Trung Quốc. Khác với phản ứng dè dặt của chính quyền, dân « Facebook » lên án láng giềng phương Bắc với những lập luận bốc lửa dường như muốn thúc giục giới lãnh đạo chính trị phải kiên quyết hơn.

Theo AFP, trong hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn, hôm chủ nhật vừa qua, 05/06/2011, người dân Việt Nam đã lên án Bắc Kinh có hành động xâm lược. Cả hai cuộc biểu tình này đều được kêu gọi qua mạng thông tin xã hội internet và không bị chế độ toàn trị ngăn cấm.

Trên Facebook, hàng loạt thông điệp lên án hành động "cướp biển" của Trung quốc và tố cáo hàng hóa Trung Quốc là một loại « ung thư » theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đây là những món hàng độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng, cạnh tranh tiêu diệt ngành sản xuất của Việt Nam.

Một người biểu tình giải thích "Facebook là kênh thông tin chủ yếu" động viên lực lượng quần chúng và người dân nói chung muốn chính phủ phải đi theo đường lối "cứng rắn" đối phó với Trung Quốc hoặc ít ra phải tỏ ra mạnh dạn hơn.

Từ nhiều thập niên, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường xuyên tạo căng thẳng trong quan hệ hai bên. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ vụ tàu « hải giám » Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây hư hại cho tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của tập đoàn dầu khí nhà nước ngày 26/05/2011.

Bắc Kinh lên án ngược phía Việt Nam « thăm dò dầu khí » bất hợp pháp và phải chấm dứt ngay.

Một vụ tương tự đã xảy ra vào ngày hôm qua 09/06/2011 và chính quyền hai bên đỗ lỗi cho nhau.

Tuy nhiên, phản ứng của công luận Việt Nam trên internet đã đẩy cuộc khủng hoảng vào một kích thước rộng lớn hơn. Hà Nội gần như không bao giờ cho phép biểu tình và luôn kiểm soát chặt chẽ internet. Khi cho dân chúng xuống đường hôm chủ nhật vừa qua, chính phủ Việt Nam gián tiếp sử dụng sự kiện này như một "thông điệp gởi cho Bắc Kinh".

Nhưng giới quan sát thẩm định, tình hình rất có thể sẽ “bốc lửa” nếu xảy ra nhiều cuộc biểu tình trong tương lai.

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam thì “đến một mức độ nào đó, biểu tình chống Trung Quốc phục vụ lợi ích cho Việt Nam. Nhưng cùng lúc nó sẽ buộc Bắc Kinh phải tỏ thái độ".

Ông Thayer nhắc lại vụ việc năm 2007. Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra trong hai tuần liên tiếp. Khi Bắc Kinh tuyên bố quan hệ song phương bị đe dọa thì Hà Nội lập tức cấm biểu tình.

Nhà phân tích Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nêu lên một khía cạnh khác. Ông cho rằng sinh viên Việt Nam sẽ nhân cơ hội này tranh đấu cho các mục tiêu khác và sẽ đặt ra nhiều vấn đề trong lãnh vực đối nội. Một người biểu tình đã liên tưởng đến "cách mạng Hoa Nhài" như ở Bắc Phi.

Theo AFP, thì khó khăn của chính quyền Việt Nam hiện nay là làm sao vừa tránh không "khiêu khích" Trung Quốc, vừa không để bị dân chúng xem là yếu hèn trước kẻ thù.

Trên một trang blog được nhiều người đọc có lời nhắn gọi :"Hỡi đồng bào, chúng ta chịu nhục mãi sao".

Nguồn: rfa.org/vietnamese

0 comments:

Powered By Blogger