Tuesday, June 21, 2011

Gián điệp Trung Quốc săn bí mật Mỹ: Nỗ lực cài người vào CIA

Một thanh niên Mỹ được giới chức tình báo Trung Quốc trả tiền hậu hĩ để tìm cách xâm nhập các cơ quan chính phủ nước này.

1244399458_giandiep.jpg
Glenn Duffie Shriver đã nhận hàng chục ngàn USD từ giới chức tình báo Trung Quốc - Ảnh: Deseret News

Glenn Duffie Shriver, 29 tuổi, là cư dân của thành phố Detroit, bang Michigan, không có tiền án, đã đính hôn và dạy tiếng Anh ở nước ngoài. AP dẫn lời người thân và bạn bè mô tả Shriver là một chàng trai chân thành, quan tâm tới người khác và “rất yêu nước”. Vì thế, mọi người đều bàng hoàng khi biết Shriver đã nhận hàng chục ngàn USD từ tình báo Trung Quốc để tìm cách có được công việc tại các cơ quan Chính phủ Mỹ, lúc đầu là ở Bộ Ngoại giao và sau đó là Cục Tình báo trung ương (CIA). Trung Quốc chưa có phản ứng về vụ này.

Xây dựng “tình bạn”

Trong phiên tòa hồi tháng 1, Shriver ngập ngừng khai về con đường phản bội đất nước của mình. “Nó bắt đầu từ một việc vô thưởng vô phạt”, bị cáo nhớ lại. Trong một chương trình giao lưu văn hóa ở Thượng Hải, Shriver tiếp thu nền văn hóa Trung Quốc và trở nên thông thạo tiếng phổ thông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Grand Valley, bang Michigan vào năm 2004, Shriver trở lại Trung Quốc tìm việc làm.

Vào tháng 10.2004, khi mới 22 tuổi, Shriver đọc thấy một mẩu quảng cáo tìm một chuyên gia về Đông Á để viết các bài phân tích chính trị. Anh ta gọi đến số điện thoại trên báo và gặp một phụ nữ được gọi là Amanda ở Thượng Hải, người sau này giới thiệu anh ta với một số quan chức tình báo Trung Quốc. Shriver giao cho Amanda một bài nhận định về quan hệ Trung - Mỹ liên quan tới CHDCND Triều Tiên và Đài Loan và được trả 120 USD. Sau đó, Amanda hỏi Shriver có muốn gặp một số người khác hay không, trong đó có ông Ngô và ông Đường. Trong nhiều ngày tiếp theo, cả ba gặp nhau ít nhất 20 lần. Theo hồ sơ vụ án và lời khai của Shriver, ban đầu, các cuộc gặp chỉ tập trung vào việc phát triển “tình bạn”. Ông Ngô và ông Đường hỏi Shriver thích làm loại công việc gì và gợi ý: “Chúng ta có thể thành bạn thân” nếu anh ta tính tìm việc trong một cơ quan Chính phủ Mỹ. Bị cáo khai dần dà 2 người đàn ông Trung Quốc nói thẳng họ muốn có một số bí mật và tốt nhất là Shriver nên xin việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ hay CIA.

Đến giữa năm 2005, Shriver nộp đơn vào Bộ Ngoại giao Mỹ. Dù không qua được bài kiểm tra, anh ta vẫn được ông Ngô và ông Đường trả 10.000 USD. Một năm sau, Shriver tiếp tục trượt phỏng vấn ở Bộ Ngoại giao nhưng vẫn nhận 20.000 USD từ 2 quan chức tình báo nói trên. Đến tháng 6.2007, Shriver nộp đơn dự tuyển vào CIA nhưng không được chấp nhận.

1584406382_news_pbdes.jpgVụ này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc tuyển dụng một công dân Mỹ rồi khuyến khích người đó tìm cách xâm nhập một trong những cơ sở của Washington646987276_news_pbdes_2.jpg

Chưởng lý liên bang Neil MacBride

“Bị lòng tham sai khiến”

Trong suốt thời gian nói trên, bạn bè và gia đình không hề hay biết về “tình bạn” của Shriver ở Trung Quốc. Bà Karen Chavez, mẹ của anh ta còn rất tự hào về người con năng động. Thỉnh thoảng Shriver còn tung hỏa mù bằng cách bàn với người thân về ý định trở thành cảnh sát hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Có thời gian, bị cáo đến Hàn Quốc dạy tiếng Anh và hứa hôn với một cô gái tên Yumi. Không ai biết anh ta vẫn thường xuyên liên lạc với Amanda, ông Ngô và ông Đường.

Giới chức Mỹ bắt đầu để ý Shriver sau khi phát hiện việc anh ta thường xuyên nộp đơn vào các cơ quan quan trọng trong khi lại sống phần lớn thời gian ở nước ngoài. Đến tháng 6.2010, CIA liên tục mời bị cáo đến thẩm vấn nhưng anh ta giấu giếm hoàn toàn về quan hệ với giới tình báo Trung Quốc. Cũng trong tháng 6, Shriver bị bắt và cuộc đời bí mật của anh ta bị phơi bày. Bà Chavez ngậm ngùi nói với AP: “Không ai biết gì cả. Tôi cứ ngỡ nó là đứa con ngoan, chăm chỉ làm việc kiếm tiền. Tôi không biết nó đang nghĩ gì”.

Tháng 1 vừa qua, Shriver nhận tội làm gián điệp, âm mưu tìm kiếm thông tin quốc phòng cho Trung Quốc và khai man. Anh ta bị kết án 4 năm tù giam.

Trong phát biểu cuối cùng trước khi tòa tuyên án, Shriver nói với thẩm phán: “Tôi nghĩ mình bị lòng tham sai khiến”. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại của AP từ nhà tù hồi tháng 4.2011, Shriver giải thích thêm về hành động của mình: “Khi bạn còn trẻ và sống một mình trong một thành phố nhộn nhịp ở nước ngoài, bạn gần như nghiện tiền và rất dễ bị dụ dỗ”.

Nhận xét về vụ án của Shriver, Chưởng lý liên bang Neil MacBride nhận định: “Vụ này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc tuyển dụng một công dân Mỹ rồi khuyến khích người đó tìm cách xâm nhập một trong những cơ sở của Washington. Tình báo nước ngoài luôn dòm ngó và tìm kiếm bất kỳ khe hở nào để khai thác”.

0 comments:

Powered By Blogger